thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ XIII: "Giấc mộng của Samuel Taylor Coleridge, thi sĩ và người nghiện thuốc phiện"]
(Diễm Châu dịch)

 

Một đêm vào tháng Mười Một năm 1801, trong ngôi nhà của ông ở Luân-đôn, bị cơn mê sảng của thuốc phiện giày vò, Samuel Taylor Coleridge, thi sĩ và người nghiện thuốc phiện, nằm mộng. Ông mộng thấy mình ở trên một con tầu bị giam hãm trong đá băng. Ông, ông là thuyền trưởng, và các thủy thủ của ông, nằm trên boong tầu, đang lấy những mảnh giẻ và chăn rách khốn khổ tìm cách phòng lạnh. Mặt mũi họ hốc hác, đôi mắt quầng sâu và bệnh tật. Một con hải âu mạnh mẽ, đang đậu trên một cái cán móc trên tầu, giang đôi cánh ra, phóng một chiếc bóng đe dọa trên boong. Samuel Taylor Coleridge gọi viên thuyền phó và ra lệnh cho ông này mang tới cho ông một khẩu súng trường, nhưng viên sĩ quan trả lời rẳng không còn thuốc súng nữa và đưa cho ông một cái nỏ. Samuel Taylor Coleridge nắm lấy cây nỏ và nhắm bắn. Ông nghĩ rằng khi giết con hải âu, có lẽ ông sẽ có thể cho thủy thủ của ông ăn, và như thế tránh cho họ khỏi bị hoại huyết mà chết. Ông nhắm và phóng mũi tên. Con hải âu, bị mũi tên xuyên qua cổ, rớt xuống boong tầu và máu nó bắn tung tóe lên đá băng ở chung quanh. Đúng lúc đó thì từ đám máu trên đá băng này nảy sinh một con rắn biển, con rắn này mau lẹ ngóc đầu lên và vừa tựa vào thành băng vừa rít lên với cái lưỡi chẽ hai. Samuel Taylor Coleriridge chụp lấy cây kiếm thuyền trưởng mà ông vẫn đeo bên hông, và lập tức chặt đầu con rắn. Lúc đó, từ cái đầu bị chặt này lại nảy sinh một người đàn bà, gầy ốm, mặc hàng đen, khuôn mặt xanh mét, với đôi mắt của người bị quỉ ám. Người đàn bà mang trên tay những con súc-sắc để chơi, mụ ngồi trên tầng lái tầu ở phía sau mà gọi vị thuyền trưởng. Lúc này ta phải chơi súc-sắc thôi, mụ nói, nếu anh thắng thì con tầu của anh sẽ được giải thoát, nếu tôi thắng thì tôi sẽ mang thủy thủ của anh theo luôn. Viên sĩ quan phụ tá chạy vội tới bên Samuel Taylor Coleridge và, nắm lấy một cánh tay ông để giữ ông lại, ông ta xin ông đừng nghe lời người đàn bà hắc ám này, là vì làm như thế hẳn sẽ đưa họ hết thảy đến chỗ điêu tàn, nhưng ông, ông đã dạn dĩ tiến về phía người đàn bà kia và, nghiêng mình chào, ông tuyên bố sẵn sàng chơi. Người đàn bà đưa cho ông cái cốc đựng những con súc-sắc, Samuel Taylor Coleridge nắm lấy cốc và siết chặt vào ngực. Thế rồi ông lắc cái cốc thật dữ dội trước khi hắt những con súc-sắc xuống sàn. Đám thủy thủ phát ra một tiếng hoan hô: mười một chấm, ấy là số điểm mà vị thuyền trưởng của họ đã thực hiện được. Người đàn bà hắc ám bứt tóc và khóc, rồi mụ cười ranh mãnh, rồi mụ lại khóc trong lúc than van rên rỉ tựa như một con chó kêu ăng ẳng. Sau cùng mụ cầm lấy mấy con súc-sắc, và bằng một cử chỉ rộng lớn, như thể cánh tay mụ đã muốn quét hết boong tầu, mụ phóng chúng ra. Những con súc-sắc lăn trên sàn rồi dừng lại cho thấy sáu chấm về một phía và sáu chấm về phía kia. Lúc này nổi lên một ngọn gió lạnh buốt, quất lên họ những tràng dài đông giá. Do tác dụng của gió, các thủy thủ, người đàn bà hắc ám và con tầu biến mất, một lớp khói xám lan rông trên tất cả những thứ đó, và Samuel Taylor Coleridge choàng mắt dậy để thấy buổi hừng đông đầy sương mù đang ló ra ở cửa sổ.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

*Samuel Taylor Coleridge. 1772-1834. Ông học ở Cambridge, nhưng không đậu. Vì thất tình, ông đăng vào một trung đoàn kỵ binh với tên giả là Silas Tomkyn Comberbacke, và đã phải chuộc lại bằng tiền của của anh ông . Ông là một người nhiệt tình mong ước cõi không tưởng: về tôn giáo, ông theo thuyết «thần vị đơn nhất», và là người sáng lập thuyết «pantisocratie», một dự án cộng sản (trước khi có danh hiệu này) với tham vọng giải thoát mọi người khỏi sự bất bình đẳng. Với thuốc phiện, đã thu hút ông từ trước, ông biết tới những «thiên đường giả» (khoái lạc do ma túy tạo ra) nhưng, trái với bạn ông là De Quincey, ông không bao giờ tự hào về tật xấu của mình và đã sống trải tật ấy trong đơn độc. Là người có linh thị, kẻ mơ mộng và nhà siêu hình, ông đã để lại cho chúng ta, cùng với những điều khác, một cơn mê sảng mãnh liệt dưới dạng «ballade»: The Rime of the Ancient Mariner (‘Mấy vần thơ của người thủy thủ xưa’). (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]

Mộng của mộng [kỳ IX: "Giấc mộng của Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ"]

Mộng của mộng [kỳ X: "Giấc mộng của Henri de Toulouse-Lautrec, hoạ sĩ và người bất hạnh"]

Mộng của mộng [kỳ XI: "Giấc mộng của Achille Claude Debussy, nhạc sĩ và nhà thẩm mỹ"]

Mộng của mộng [kỳ XII: "Giấc mộng của Francisco Goya y Lucientes, hoạ sĩ và người có linh thị"]

 

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021