thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ XVII: "Giấc mộng của Michelangelo Merisi, tức Caravaggio, hoạ sĩ và người dễ nóng giận"]
(Diễm Châu dịch)

 

Đêm ngày một tháng Giêng năm 1599, trong lúc ông đang ở trên giường một cô gái điếm, Michelangelo Merisi, tức Caravaggio, họa sĩ và người dễ nóng giận, mộng thấy mình được Chúa đến thăm. Chúa đã đến thăm ông qua sự trung gian của Đức Ki-ri-xi-tô, và đưa ngón tay chỉ vào người ông. Michelangelo lúc đó đang ở trong một quán rượu, ông đang đánh bạc. Đồng bạn với ông là bọn bất lương, có những đứa say rượu. Còn ông, ông không phải là Michelangelo Merisi, mà là một khách hàng nào đó, một tên trộm cướp. Khi Chúa tới thăm ông, ông đang nói lời xúc phạm tới danh thánh đức Ki-ri-xi-tô, và ông cười cợt. Anh, ngón tay đức Ki-ri-xi-tô truyền khiến mà không nói gì. Tôi ư?, Michelangelo Merisi sững sờ hỏi, nhưng tôi tôi không được ơn kêu gọi để trở thành một vị thánh, tôi chỉ là một kẻ có tội, không thể chọn tôi được.

Tuy nhiên khuôn mặt đức Ki-ri-xi-tô vẫn cứng rắn, không có cách nào thoát được. Và bàn tay của ngài đưa thẳng tới không để lập lờ một chút hoài nghi nào hết.

Michelangelo Merisi cúi đầu và nhìn món bạc trên bàn. Tôi đã cưỡng dâm, ông nói, đã giết người, là một kẻ tay vấy máu.

Người bồi quán rượu đã đem tới một đĩa đậu và rượu vang. Michelangelo Merisi bắt đầu ăn và uống. Chung quanh ông, không một ai động đậy, duy có mình ông khoa tay múa mỏ như một bóng ma. Cả đức Ki-ri-xi-tô nữa cũng đứng im, giơ bàn tay bất động, ngón tay trỏ tới. Michelangelo Merisi chỗi dậy và đi theo ngài. Họ tới một con hẻm có vẻ mờ ám, và Michelangelo Merisi bắt đầu tiểu tiện ra trong một xó tất cả chỗ rượu mà ông đã uống tối hôm đó.

Chúa ôi, Người tìm tôi làm gì?, Michelangelo Merisi hỏi đức Ki-ri-xi-tô. Đấng «con của con người» nhìn ông không đáp. Họ đi dạo dọc theo con hẻm và đổ ra một quảng trường. Quảng trường lúc ấy vắng vẻ.

Tôi đang buồn, Michelangelo Merisi nói. Đức Ki-ri-xi-tô nhìn ông và không đáp. Ngài ngồi xuống một chiếc ghế dài bằng đá và cởi dép ra. Ngài xoa hai bàn chân mà nói: ta mỏi mệt, ta đã đi bộ suốt từ Palestine tới đây để tìm anh.

Michelangelp Merisi lúc ấy đang nôn mửa, tựa người vào một góc tường. Nhưng tôi, tôi là một kẻ có tội, ông kêu lên, Người chẳng nên tìm tôi.

Đức Ki-ri-xi-tô tiến lại gần và chạm tới một bên cánh tay ông. Chính ta, ta đã khiến anh làm họa sĩ, ngài nói, và ta muốn có một bức tranh của anh, sau đó thì anh có thể đi theo con đường định mệnh của anh.

Michelangelo chùi miệng mà hỏi: bức tranh nào?

Chuyến thăm mà ta đã dành cho anh tối nay trong quán rượu, ngoại trừ anh, anh sẽ là Mát-thêu.

Đồng ý, Michelangelo Merisi nói, tôi sẽ làm chuyện đó. Và ông xoay người lại trên giường. Đúng lúc ấy cô gái điếm vừa ôm lấy ông vừa ngáy.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

* Michelangelo Merisi tức (người) Caravaggio. Caravaggio,1573 – Porto Ercole, 1610. Từ làng quê ông, ông đã tới La-mã, nơi ông sống trong cảnh bần cùng buồn thảm mãi cho tới khi ông được Hiệp sĩ d’Arpin tiếp đón. Chính hiệp sĩ này đã đặt ông làm những công trình đầu tiên của ông. Sau khi đối đầu với tranh tĩnh vật, ông bắt đầu vẽ những tấm tranh lớn có kịch tính và về tôn giáo, với lối hòa hợp bóng-sáng không tài nào bắt chước được của ông. Bức Ơn kêu gọi của thánh Mát-thêu có lẽ là kiệt-tác-phẩm của ông. Ông là người hay gây gổ và ưa dùng dao. Ông mắc phài tội sát nhân trong một cuộc ẩu đả, bỏ trốn tới Naples, rồi Malte, nơi ông đã bị giam giữ và trốn thoát được. Bị bọn người được thuê đi giết ông theo đuổi, trên mặt bị rạch, ông dừng lại ở Porto Ercole và chết ở đó vì những cơn sốt. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

 

** Xin bạn đọc đừng lẫn Michelangelo Merisi (1573-1610) với Michel-Ange hay Michelangelo BUONARROTI (1475-1564) nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư người Ý, sinh tại Caprese, Toscane. Michelangelo Merisi, họa sĩ, sinh sau khi Michel-Ange đã mất, và được coi như một nhà «cách mạng» của thời ông, là vì ở trong tranh và cả tranh với đề tài tôn giáo của ông, ông đã «không lý-tưởng-hóa» các nhân vật, như thói quen của người đương thời. (Ghi chú của dịch giả)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]

Mộng của mộng [kỳ IX: "Giấc mộng của Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ"]

Mộng của mộng [kỳ X: "Giấc mộng của Henri de Toulouse-Lautrec, hoạ sĩ và người bất hạnh"]

Mộng của mộng [kỳ XI: "Giấc mộng của Achille Claude Debussy, nhạc sĩ và nhà thẩm mỹ"]

Mộng của mộng [kỳ XII: "Giấc mộng của Francisco Goya y Lucientes, hoạ sĩ và người có linh thị"]

Mộng của mộng [kỳ XIII: "Giấc mộng của Samuel Taylor Coleridge, thi sĩ và người nghiện thuốc phiện"]

Mộng của mộng [kỳ XIV: "Giấc mộng của Lucius Apulée, nhà văn và pháp sư"]

Mộng của mộng [kỳ XV: "Giấc mộng của Cecco Angiolieri, thi sĩ và kẻ phạm thánh"]

Mộng của mộng [kỳ XVI: "Giấc mộng của François Rabelais, nhà văn và thày tu xuất"]

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021