thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một tự truyện không sự kiện [đoạn 1]
Bản dịch của Nguyễn Hoàng Tranh và Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Tôi được sinh ra trong một thời đại đa số người trẻ đã đánh mất niềm tin nơi Thượng Đế, với cùng một lý do mà tiền bối của họ đã có niềm tin – mà không biết tại sao. Và kể từ khi tinh thần của con người có khuynh hướng tự nhiên đưa ra những phán đoán dựa trên cảm xúc thay vì lý trí, hầu hết những người trẻ này chọn Nhân Loại thay cho Thượng Đế. Tuy nhiên, tôi là loại người luôn luôn ở bên lề của đời sống, không chỉ nhìn thấy đám đông trong đó có mình, mà còn nhìn thấy được cả những không gian khoáng đạt chung quanh đám đông ấy. Đó là lý do tại sao tôi đã không hoàn toàn từ bỏ Thượng Đế như họ, và tôi cũng chưa bao giờ chấp nhận Nhân Loại. Tôi phán đoán rằng Thượng Đế, mặc dầu không chắc có thực, vẫn có thể hiện hữu, và nếu thế ngài nên được thờ phượng; trong khi Nhân Loại, chỉ đơn giản là một khái niệm mang tính sinh học và không có ý nghĩa gì hơn cái chủng loại động vật mà chúng ta thuộc về, thì không đáng được thờ phượng hơn bất cứ chủng loại động vật nào khác. Sự sùng bái Nhân Loại, với những nghi lễ Tự Do và Bình Đẳng của nó, luôn khiến tôi bàng hoàng như nhìn thấy sự phục hồi của những hình thức thờ phượng xa xưa mà trong đó những vị thần trông giống như những con vật hoặc có những chiếc đầu của loài thú.

Và như thế, vì không biết làm sao để tin ở Thượng Đế và không có khả năng để tin vào một bầy thú, cho nên tôi, cùng với những người khác ở bên lề, đã giữ một khoảng cách trước mọi sự, một khoảng cách thường được gọi là Sự Suy Đồi. Sự suy đồi là sự vắng mặt hoàn toàn của vô thức, mà đó chính là cái căn bản của sự sống. Nếu biết tư duy, thì trái tim hẳn sẽ ngưng đập.

Đối với một ít số người như tôi, kẻ đang sống mà không biết làm sao để có được cuộc sống, thì còn gì nữa ngoài việc xem sự buông xả như lối sống của mình, và sự trầm tư như mệnh phận của mình? Không biết và không có khả năng để biết đời sống tôn giáo là gì, bởi đức tin không thể có được qua lý trí, và không thể tin vào hay phản ứng lại khái niệm trừu tượng về con người, chúng tôi chỉ còn lại sự trầm tư mang tính mỹ học về cuộc sống như là lý do để chúng tôi có một linh hồn. Vô cảm trước sự nghiêm trọng của mọi cõi giới, lãnh đạm trước thần linh, và là những kẻ khinh thị bản chất của con người, chúng tôi tự nạp mình một cách vô dụng cho cái cảm giác phi mục đích, được nuôi dưỡng trong một thứ chủ nghĩa hưởng lạc đã tinh luyện, vốn thích hợp với những sợi thần kinh não bộ của chúng tôi.

Rút ra từ khoa học cái châm ngôn căn để của nó – rằng mọi vật đều chịu sự điều khiển của những quy luật bất khả kháng mà chúng ta không thể phản ứng lại một cách tự do bởi vì tự thân những quy luật ấy quyết định mọi sự phản ứng – và thấy cái châm ngôn này trùng hợp khít khao với cái châm ngôn cổ xưa về mệnh phận mầu nhiệm bất khả kháng của mọi sự vật, chúng tôi từ khước mọi cố gắng giống như một người bạc nhược thể chất từ bỏ những nỗ lực thể thao, và chúng tôi còng lưng, như những học giả tỉ mỉ nghiên cứu xúc cảm, trước quyển sách của những cảm giác.

Không đón nhận bất cứ cái gì một cách nghiêm túc cả và xem những cảm giác của chúng tôi là hiện thực duy nhất mà chúng tôi chắc chắn có, chúng tôi ẩn náu trong đó, thám hiểm chúng như chúng là những xứ sở bát ngát chưa ai từng biết đến. Và nếu chúng tôi chuyên tâm cần cù không chỉ trong sự trầm tư mỹ học mà cả trong sự diễn đạt những phương pháp của nó và những kết quả của nó, đó là tại vì những tác phẩm thi ca hay văn xuôi mà chúng tôi viết – những tác phẩm vốn không hàm chứa sự khao khát làm lung lay ý chí của bất cứ ai hoặc làm khuôn mẫu cho sự hiểu biết của bất cứ ai – cũng chỉ giống như một người đọc sách lớn tiếng để biểu hiện trọn vẹn cái khoái cảm chủ quan của việc đọc sách.

Chúng tôi biết rõ rằng mọi tác phẩm sáng tạo đều bất toàn và rằng sự trầm tư mỹ học mông lung nhất của chúng tôi sẽ là sự trầm tư mà đối tượng mỹ học của nó là cái mà chúng tôi viết. Nhưng mọi thứ đều bất toàn. Không có hoàng hôn nào tuyệt đẹp đến nỗi nó không thể đẹp hơn thế nữa, không có một làn gió êm ái nào mang ta vào giấc ngủ mà không thể ban cho ta một giấc ngủ khác ngon hơn. Và như thế, là những kẻ trầm tư về những pho tượng cũng như về những ngọn núi, thưởng thức cả những quyển sách lẫn những chuỗi ngày trôi qua, và mơ mộng về mọi sự vật để rồi chuyển hoá chúng thành tài sản nội tâm của mình, chúng tôi cũng sẽ viết xuống những sự mô tả và những phân tích và, khi hoàn tất, chúng sẽ trở thành những sự vật xa lạ mà chúng tôi có thể thưởng thức như thể chúng đã ngẫu nhiên xảy ra vào một ngày nào đó.

Đây không phải là quan điểm của những kẻ bi quan như Vigny[1], một người xem cuộc đời là một nhà tù mà trong đó ông đan kết những cọng rơm để giữ cho mình bận rộn và lãng quên mọi sự. Để làm một người bi quan là phải nhìn mọi sự một cách bi thảm, một thái độ vừa quá trớn vừa không thoải mái. Dẫu đúng rằng chúng tôi không gán bất cứ giá trị nào cho tác phẩm chúng tôi tạo ra, và rằng chúng tôi tạo ra nó để giữ chúng tôi bận rộn, chúng tôi không giống như người tù bận rộn đan kết những cọng rơm và để quên số phận của hắn; chúng tôi giống như cô gái thêu những chiếc gối không vì bất cứ lý do nào khác hơn là lý do để giữ bận rộn.

Tôi thấy cuộc đời như là một lữ quán bên đường mà tôi phải ở đó cho đến khi chiếc xe ngựa từ vực thẳm xuất hiện. Tôi không biết nó sẽ mang tôi đi đâu, bởi vì tôi không biết gì cả. Tôi có thể nhìn lữ quán này như một nhà tù, bởi tôi bị bắt buộc phải chờ đợi trong đó; tôi có thể nhìn nó như một trung tâm xã hội, vì ở đây tôi gặp gỡ những kẻ khác. Nhưng tôi không thiếu kiên nhẫn hoặc giống như đám đông. Tôi rời bỏ những kẻ muốn ở lại trong những căn phòng kín cửa của họ, những kẻ nằm ườn trên giường để thao thức chờ đợi, và tôi rời bỏ những kẻ ngồi lê đôi mách trong những phòng khách nơi những bài ca và những giọng nói của họ mồn một vẳng ra nơi tôi. Tôi đang ngồi ở ngạch cửa, say mê ngắm nhìn và lắng nghe những màu sắc và những âm thanh của phong cảnh, và tôi hát thật khẽ – cho riêng mình tôi thôi – những bài ca lãng đãng mà tôi sáng tác trong khi chờ đợi.

Đêm sẽ đổ xuống trên tất cả chúng ta và chiếc xe ngựa sẽ dừng lại. Tôi thưởng thức làn gió nhẹ tôi được trao tặng và cái linh hồn mà tôi đã được ban cho để cùng nó thưởng thức, và tôi không còn tra vấn hay tìm kiếm. Một ngày nào đó trong tương lai, khi những người khác đọc thấy điều gì tôi viết trong cuốn sách dành cho khách lữ hành, mà điều ấy cũng có thể giúp họ mua vui trên bước đường của họ, thì tốt. Nếu họ không đọc nó, hoặc nó không giải khuây được họ, thì cũng tốt thôi!

 

Dịch từ bản Anh ngữ: "A Factless Autobiography" [đoạn 1],
trong Fernando Pessoa, The Book of Disquiet ,
ed. & trans. Richard Zenith (London: Penguin Books, 2002).

------------------------------------------

Fernando Pessoa viết cuốn The Book of Disquiet (Sách của niềm bất an) từ 1913 đến 1935. Cuốn này có 2 phần: "A Factless Autobiography" (Một tự truyện không sự kiện) gồm 481 đoạn, và "A Disquiet Anthology" (Một hợp tuyển bất an).

 

Đã đăng:

Một tự truyện không sự kiện [đoạn 202]

_________________________

[1]Alfred de Vigny (1797-1863), tác giả người Pháp của những bài thơ, tiểu luận, kịch và truyện. Bị vỡ mộng trong tình yêu, không thành công trong chính trị, và được viện Hàn Lâm Pháp nhận vào một cách không nhiệt tình lắm, ông rút lui khỏi xã hội và trở nên bi quan hơn trong các tác phẩm của ông, trong đó ông ta đề cao sự buông xả mang tính khắc kỷ như là phản ứng cao đẹp trước những khổ đau của đời sống.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021