thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giới hạn của một website

 

Tôi là một con chuột.

Và vì tôi là chuột nên có thể tác giả của tôi sẽ bị mang tiếng “bắt chước”, hoặc tệ hơn “ăn cắp ý tưởng” của Kafka, của Camus...những nhà văn từng lấy chuột làm nhân vật. Tội nghiệp cho ông ấy khi phải mang thân phận nhà văn của một tộc chít chít như bộ tộc chúng tôi. Nghĩ ra một cái gì đã khó. Khi nghĩ ra được, quay nhìn lại thì thấy người ta đã nói tự đời nảo đời nào, và phía trước mặt, các nhà phê bình cầm cái mũ to tướng dán mác “bắt chước” đang chờ sẵn. Mỗi chữ viết ra đều khiến ông ấy phải toát mồ hôi lạnh, dấu hiệu của nỗi sợ hãi, vì biết rõ rằng chúng đã được người khác dùng mất rồi. Và rồi thì ông ta vẫn viết, chẳng phải vì can đảm, cái can đảm của ông ta cũng chẳng lớn hơn giọt mồ hôi. Vì cái gì ai mà biết được. Chỉ biết tôi có lợi, ông ta đã cho tôi ra đời. Mà ông ta không biết rằng tôi có thể sẽ giết chết ông ta.

Ông ta là Thượng đế của tôi, ông ta toàn quyền quyết định số phận tôi, tính cách tôi, toàn quyền bắt tôi làm những gì ông ta muốn. Tôi phải đóng vai một con chuột nổi loạn. Tôi phải giết chết ông ta nếu không suốt đời tôi chỉ ngo ngoe dưới dòng chữ bẩn thỉu của ông ta mà thôi. Một đêm tôi nhảy ra khỏi computeur lao thẳng vào khuôn mặt đang dán lên màn hình, để lại trên cổ hai hàng dấu răng đều đặn tuyệt mỹ. Những ngón tay đang múa trên bàn phím hoảng hốt giơ lên, giằng tôi ra khỏi cổ. Muộn mất rồi, dịch hạch đã thấm khắp lục phủ ngũ tạng. Tôi dùng răng lôi ông ta ra khỏi ghế. Và bắt đầu gõ lên bàn phím những giai điệu tỏa mùi cống rãnh. Tôi nhìn thấy nó trên màn hình máy tính, con chuột của tôi.

Nó chạy trong một hầm tối dài hun hút. Những vết chân nó khắc lên mặt đường ý nghĩ: đường hầm này là của ta, của riêng ta mà thôi. Nó tiếp tục lao về phía trước, lòng tràn đầy tin tưởng, nó tin rằng không một chuột nào khác dám phạm vào con đường đã thuộc quyền sở hữu của nó. Nó cảm thấy mình sánh ngang với Thượng Đế vì đã sáng tạo nên một thế giới riêng. Trong tư cách là kẻ sáng tạo, nó hoàn toàn bình đẳng với Ngài.

Chắc hẳn nó sẽ hạnh phúc trọn vẹn nếu không đột nhiên bị một ám ảnh len vào nỗi hân hoan của nó: nhỡ đâu gặp phải một con chuột khác. Nó vẫn chỉ có một mình trong đường hầm đó. Nhưng càng tiến bước, nỗi sợ hãi càng tăng dần. Nó nghẹt thở, bước chân nặng nề chậm chạp, nhích lên một cách khó khăn. Nó cố gắng hết sức cho đến lúc không còn nhấc nổi chân. Nó không thể. Phía trước nỗi sợ hãi còn nguyên vẹn kia đang chờ đợi nó.

Nó quay ngược về phía sau. Dừng một chút, thở sâu rồi tiếp tục trở lui. Hài lòng với những dấu chân để lại trên đường và tự nhủ, dù sao thì cho đến đây, đến lúc này vẫn chỉ có một mình ta. Nó sống lại cảm giác được làm Thượng đế. Thượng đế chuột hãnh diện tung tăng trong thế giới do chính nó tạo nên, xung quanh in đầy vết chân nó.

Đột nhiên, nó nhận ra một thông điệp, nội dung có vẻ giống với thông điệp của nó, nhưng được viết bằng dấu chân của một chuột khác, đã mờ do thời gian, cũng có thể do bụi đường khi nó lao với tốc độ quá nhanh.

Nỗi sợ hãi mới làm tim nó co thắt: một kẻ đồng hành xuất hiện trên đường nó trở về. Và nó chuẩn bị các phương án để đối phó. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng nó đánh giá cao tính hiệu lực của biện pháp tấn công. Phải tấn công trước và xác lập quyền sở hữu của mình. một ông họ L. nào đó đã từng làm như vậy, một ông họ Ng. cũng làm thế. Về phẩm chất trí tuệ, nó nào có thua kém gì mấy ông ấy. Nó hiểu rõ mình cần phải làm gì. Ta là chủ nhân ở đây, ta là chúa tể mảnh đất này. Ta đã bỏ bao công sức để chạy đi chạy lại. Những bàn chân này đã bao ngày tháng nay viết không mệt mỏi tên ta, đã ký những chữ ký không lẫn vào đâu được này lên mặt đường. Ta không cho phép xuất hiện bên cạnh chữ ký của ta một chữ ký nào khác. Lãnh địa này là của ta.

Con chuột mải miết viết viết, ký ký lên khắp đoạn đường hầm, đè lên cả những thứ nó đã viết, đè lên cả những thứ mà con chuột kia đã viết. Cứ thế nó đè lên, đè lên, đè lên. Nó chẳng đủ thời gian để ngẫm xem liệu đè lên như vậy thì những gì đã làm trước đó có bị xóa đi không. Nó nghĩ đến Josephine, nàng ca sĩ của dân tộc chuột, một trong những anh tài mà nếu nhà văn Tiệp gốc Do Thái không phát hiện ra thì tên tuổi có lẽ đã bị quên lãng từ lâu. Nó hy vọng tên tuổi của nó sẽ không bị mục nát cùng với đoạn đường hầm. Nó hình dung đến cái ngày mọi người sẽ tới để đọc vang tên nó ở đây, đến lòng ngưỡng mộ của hàng triệu đồng bào dành cho nó. Và nó khấp khởi. Tất cả mọi dấu vết giờ đây đều là của nó. Nó thỏa mãn ngồi thở.

Nhưng than ôi, đó chỉ là một đoạn đường ngắn ngủi mà thôi. Cái đời chuột ngắn ngủi của nó liệu có đủ thời gian để thực hiện nốt việc này trên cả quãng đường còn lại?

Đột ngột nó nhớ ra nó phải quay lại một đoạn dài mới bắt gặp dấu vết của con chuột thứ hai. Cuối cùng nó vui mừng hiểu rằng nó là con chuột đi xa nhất. Niềm vui quay nó trong một vũ điệu cuồng loạn. Vì dù sao nó cũng vẫn là Thượng đế trong chặng đường cuối cùng. Rồi thốt nhiên niềm hoan hỉ tắt ngấm như ngọn đèn điện bị một thằng mất dạy ném cho cục đá vỡ toang. Thằng mất dạy ấy không phải là cái gì khác ngoài nỗi lo có một chuột nào đó sẽ tiến vào đường hầm từ phía bên kia, từ phía mà nó không có cách nào để kiểm soát.

Nỗi hãi hùng tấn công nó từ hai phía, trước mặt và sau lưng. Nó nhìn thấy hình bóng hàng trăm hàng ngàn chuột vô hình đang dần dần siết chặt vòng vây xung quanh nó. Không được thua cuộc. Nó tự nhủ. Ta vốn là kẻ thông minh nhất, sáng suốt nhất, có học nhất, ta không thể thua những kẻ không được học hành cẩn thận. Chỉ riêng nền giáo dục ưu tú mà ta được hưởng cũng đủ để giúp ta khẳng định vị trí number one. Không thể để chúng nó đến đây và chiếm đoạt lãnh địa của ta. Ta phải dùng các chữ để dựng lên một đền thờ cho chính mình ngay tại đây. Những kẻ đến sau chỉ còn cách ngưỡng mộ mà thôi.

Nó hăng hái làm việc, quãng đường dần được mở rộng. Cảm giác của kẻ mở đường và kẻ đang xây đền thờ cho chính mình xô nó vào trạng thái lâng lâng ngây ngất. Nó nghĩ đến quá trình đào tạo bài bản của nó mà thương hại cho những kẻ phải mày mò tự học. Cái bọn tự học đúng là làm cho người ta cảm thấy buồn nôn. Chả trách có ông nhà văn nước ngoài đã viết cuốn tiểu thuyết về một anh chàng tự học và đặt tên cho nó là “Buồn nôn”. Chúng nó thì biết gì đến đầu đến đũa mà cũng đua đòi viết lách, cũng dám đề xuất nhận định này, nhận xét nọ. Chỉ có nó, nói tiếng ngoại quốc làu làu, viết tiếng ngoại quốc làu làu, mới đủ thẩm quyền để đưa ra một chuẩn mực định giá. Chỉ có nó mới có thể đại diện cho chân lý. Sao bọn kia không hiểu cái điều đơn giản ấy nhỉ. Hãy nhìn chữ ký của nó mà xem, một chữ ký độc nhất vô nhị, không gì sánh kịp. Mặt nó tràn trề những dòng nước mắt trào ra từ lòng tự biết ơn bản thân, nhưng nó vội lau đi vì nếu để chúng chảy xuống đất thì hỏng hết cả công trình. Nó sùng bái hôn lia lịa lên khắp lượt các chữ ký khiến bộ ria chuột dính đầy bụi đất.

Cái hôn ấy đã làm tim nó thắt lại. Khi nhìn sát sàn sạt xuống mặt đất nó nhận ra rằng về cơ bản chữ ký của nó vẫn là chữ ký của họ nhà chuột. Dấu chân chuột vẫn lộ ra không cách gì tránh được. Trong lúc nó muốn vượt thoát lên một tầm khác, nó muốn chứng tỏ tính siêu đẳng và bản chất siêu loài thì nó bị phản bội bởi chính chữ ký của nó.

Trong cơn tuyệt vọng, nó đi tới chỗ cho rằng vì mình đã dám kiêu ngạo so sánh với Thượng đế nên ngài trừng phạt nó. Có lẽ phải kiếm một món quà thật hậu hĩnh đến tạ lỗi với ngài. Phải, tạ lỗi chứ không hối lộ. Quyền năng của Thượng đế là để ban phúc lành chứ đâu phải để tham nhũng. Nghĩ đi nghĩ lại nó thấy chẳng có gì quý bằng tiền. Tất nhiên là danh quý hơn tiền, nhưng muốn có danh trước hết phải có tiền. Nhưng tiền lại để ở nhà. Nó bị mắc kẹt. Hoặc là phóng nhanh ra khỏi đây trở về nhà lấy tiền, nhưng trong thời gian đó một chuột khác có thể đến và biến công sức của nó thành công cốc. Hoặc là vừa đi vừa tiếp tục viết tiếp tục in dấu lên mảnh đất này, nhưng như vậy thì không biết bao giờ mới xong, bao giờ mới có thể ra khỏi đây. Nhỡ trong lúc đó Thượng đế lại nhận quà của một chuột khác thì sao. Có lẽ không bao giờ hết các nguy cơ. Biết đâu chính trong lúc này đã có vài chuột đang quỳ dưới chân Thượng đế.

Tôi ngừng tay, nhìn cái xác nằm dưới sàn nhà. Nếu là ông ta viết thì câu chuyện này sẽ diễn ra như thế nào nhỉ? Tôi đọc to những dòng chữ vừa hiện lên màn hình cho nhà văn nghe. Khuôn mặt chết đau đớn căm hờn kia dần dần giãn ra, thư thái rồi hình như khóe miệng nhếch thành một nụ cười. Có lẽ ông ta hình dung về tôi cũng giống như những gì tôi tự nói về mình. Nếu vậy ông ta quả xứng đáng thiên tài. Thật đáng tiếc, thiên tài giờ đây thối hoắc mùi chuột cống. Dù sao tôi cũng phải ký tên ông ta dưới câu chuyện. Hay cứ ký thẳng tên mình. Nhưng như vậy sẽ điên rồ lắm vì chẳng ma nào tin. Rồi tôi bật cười vì trong thời đại phá sản niềm tin này mà tôi lại đi băn khoăn như một nhà văn cổ điển. Cứ ký tên tôi vào đấy. Nhưng ký như thế nào? Nếu ký là Chuột, chẳng có nghĩa lý gì, Chuột Cống cũng chẳng có nghĩa lý gì. Thế thì chẳng khác nào một nhà văn ký dưới tác phẩm của mình là Người, hay Người Pháp, Người Mỹ. Không ai làm như vậy. Khổ nỗi tộc chuột chúng tôi không đặt tên riêng cho từng cá thể. Cái gì cũng thuộc về tập thể, tập thể cộng cam đồng khổ, chia ngọt sẻ bùi, tập thể ra quyết định, tập thể thực hiện quyết định, tập thể vinh quang, tập thể sai lầm, tập thể chịu trách nhiệm. Vậy con chuột của tôi, nó đã ký cái gì nhỉ?

Rốt cuộc nó cũng đến được miệng đường hầm sau khi đã hoàn tất công việc vừa nặng nhọc vừa vinh quang, một biển thông điệp và chữ ký chập chùng sau lưng nó. Những thông điệp dậy mùi kiên cố, vuông vức, vững chắc, mùi của sự trường tồn. Nó mệt mỏi nhưng tự hào nhìn lại một lần nữa trước khi bước ra ngoài.

Người ta đã bịt kín lối ra từ bao giờ...

Nó thở hơi cuối cùng trong niềm hy vọng cuối con đường phía bên kia lối vào vẫn để ngỏ. Linh hồn nó vuốt ve thân xác hồi lâu rồi bay ngược trở lại để ra ngoài đến với bầu trời xanh chốn vĩnh cửu. Nó bay lượn trên công trình tuyệt tác của nó. Nó đã lo sợ hão huyền. Quả nhiên, suốt phần còn lại của quãng đường mà nó chưa kịp sở hữu không hề có bất kỳ dấu vết của bất kỳ một sinh vật nào khác. Trong nháy mắt nó đã đến cuối đường. Ở đó nó đụng phải bức tường kín mít.

Cuối cùng nó đã có thể tự hào vì thực sự nó là Thượng đế duy nhất trong con đường hầm cô quạnh đó.

Tôi kết thúc câu chuyện, rã rời vươn vai làm một vài động tác để tránh cơn nhức mỏi. Có người vỗ vào vai tôi : “Anh uống cốc sữa đi, làm việc căng thẳng quá.” Đấy là vợ ông nhà văn. Tôi nhìn bà ta bằng cặp mắt của nhà văn. Một ý nghĩ chuột cuối cùng trong đầu tôi (ôi nếu tôi có thể giết được ông ta bằng ý nghĩ ấy) “ông không đi xa hơn Andersen”. Tôi nói với vợ: “con chuột của anh chết rồi”.

Máy tính nhà tôi bốc mùi tởm lợm. Mùi dịch hạch. Cả nhà không chịu nổi biểu tình đòi tôi vứt nó đi. Tôi còn kịp gửi cái email cuối cùng, cc cho hết lượt bạn bè, để báo tin sẽ thay địa chỉ mới nay mai. Bức thư đó đã chuyển virus dịch hạch đi khắp nơi. Con đường lây lan qua mạng thật tuyệt, nhanh và lý tưởng. Máy tính toàn thế giới ngắc ngoải hôi thối. Những bài thơ tình trên các website phả vào mũi người đọc làn hương chết người. Những cuộc tình lãng mạn lê lết trong lở loét. Các tiểu luận nặng mùi tử khí. Cái chết này muốn kéo theo cái chết kia tạo thành chuỗi phấp phới cứ thế tuồn tuột lao xuống không gì phanh lại được. Truyện ngắn và tiểu thuyết tắm trong không khí nhà mồ. Cuộc cách mạng tình dục khốn khổ khốn nạn vì các bộ phận thiêng liêng sưng tấy bị tàn phá méo mó dị dạng thối rinh lên. Công cuộc cải tổ văn học bị gặm nhấm nham nhở, từ ngữ bay loạn xạ, tư tưởng vung vãi, thịt lóc hết chỉ còn trơ khấc bộ xương cong queo, còm cõi thiếu can xi kinh niên.

Nhưng mọi người phải cảm ơn tôi vì nhờ đó mà một thế hệ máy tính mới ra đời, ưu việt hơn rất nhiều. May mắn thay! Cái thế giới trong máy tính trở lại như cũ. Thật hú vía! Tài tử giai nhân lại dập dìu, tình dục lại lên ngôi, phụ nữ được giải phóng, văn học được cách tân. Đồng thời chuyên gia Phạm Tư Quang cũng trở nên nổi tiếng vì chương trình diệt virus DIHA .

Chỉ có điều con chuột của tôi mất tiêu cùng với câu chuyện về nó.

Với cái máy tính mới, liên tiếp mấy năm liền tôi đoạt giải Bugina, một giải thưởng văn học uy tín, dù không phải Nobel, mà biết bao người mong ước. Kèm theo những giải thưởng đó là tình yêu nồng nàn của vợ tôi, là thứ mà trước đây tôi mơ hơn cả giải Bugina. Cũng có nhiều cô gái trẻ muốn cặp kè với tôi, nhưng tôi không chịu nổi mùi thơm của họ. Mùi phản trắc, vợ tôi bảo vậy. Vợ tôi không có mùi gì cả, như không khí, nàng trong suốt, nếu có thể tôi gọi đó là mùi hư vô, nhưng không chính xác lắm. Có lẽ vì nàng không muốn đầu độc bất kỳ ai, nhất là tôi, người hàng đêm vẫn ngủ cạnh nàng.

Một hôm vợ tôi chìa ra một cuốn tiểu thuyết và bảo rằng nàng không sao dứt nổi khi chưa đọc xong nó, rằng ông nhà văn ấy đã nhìn thấu tâm can nàng, rằng cái kiếp của nàng đúng là không phải kiếp người và sáng sáng trước khi đi làm nàng cứ phải cố gắng thu dấu tất cả những cái chân thật sự xếp thành dãy dài hai bên sườn để cử động với tứ chi giả. Tôi tưởng như bị một cái tát vào mặt, có phải nàng đang bịa ra cái kiếp bọ của nàng để ám chỉ kiếp chuột của tôi. Tôi đã nghiễm nhiên làm chồng nàng, làm bố các con nàng, làm một nhà văn danh tiếng. Tôi xem đó là chuyện hiển nhiên. Tôi tự đồng nhất mình với các vai trò đó, tôi thực lòng tin người đó chính là tôi. Dù rằng những lúc một mình trong phòng làm việc hay phòng vệ sinh tôi cũng thoải mái hành động theo thói quen bản năng của loài chuột. Nhưng tôi coi mọi việc bình thường. Tôi đã sống thật xuất sắc. Khi một mình thì tôi là chuột, khi có mặt kẻ thứ hai, dù chỉ đứa trẻ ranh, tôi lại trở thành người. Cuộc sống như vậy cũng dễ chịu, và đã từ lâu tôi quên mình là chuột. Vì tố chất đó tôi được xem là người mềm mỏng, thích ứng tốt, không cứng nhắc. Tôi không quá tân tiến cũng không quá bảo thủ. Tôi có ý thức cách tân nhưng chừng mực, không chạm đến giới hạn nguy hiểm. Đôi khi tôi cũng tò mò muốn biết thực sự nguy cơ gì giấu đằng sau cái giới hạn ấy. Nhưng muốn an toàn nên tôi dừng lại đúng lúc. Tôi biết tôi có thể tìm thấy sự cảm thông ở mọi người, những người cùng chung hoàn cảnh hoặc những người ở hoàn cảnh khác nhưng giàu hiểu biết và sẵn sàng thông cảm. Và nếu có ai đó tỏ ra đòi hỏi quá đáng một chút ở tôi, tôi liền sử dụng chiến thuật trách móc (với người khác) rằng kẻ đó không cận nhân tình, rằng họ không ở trong hoàn cảnh của tôi làm sao họ có thể hiểu nổi những khó khăn, những áp lực mà tôi phải chịu.

Cũng đã có lần tôi thử viết một cái gì đó nguy hiểm. Ngay lập tức một giọng nói đề nghị tôi hủy nó đi. Một giọng nói như bất kỳ một giọng nói nào ta có thể nghe thấy trong đời. Nó đến từ một nơi nào đó, có lẽ rất xa, và qua đường giây điện thoại âm sắc có thay đổi đôi chút nên nghe không còn giống như một mệnh lệnh và như lời tâm sự ngọt ngào. Tại sao mình phải nghe theo nó khi đó chỉ là một giọng nói mà thôi. Toàn bộ con người tôi phản ứng chống lại quyết định của nó. Đến mức các tế bào căng phồng rộp hết cả lên. Tôi ngột thở vì lời nói bị mắc lại không vang lên thành tiếng. Cái ống nghe đã im bặt mà tôi vẫn chưa giải thoát được âm thanh ra khỏi tế bào. Tôi không còn biết phải đối thoại với ai nữa. Rồi từ từ từ từ tôi xẹp xuống, âm thanh như mồ hôi thoát dần qua lỗ chân lông. Tôi lưu giữ giọng nói ngọt ngào ấy cùng với một cảm giác mà tôi không thể, không muốn gọi tên, cảm giác người ta thường có khi tim thắt lại hoặc đập loạn xạ, mồ hôi lạnh vã ra sau gáy. Tôi không tìm cách giải thích, vả chăng có thể tôi không xem nó như một vấn đề cần phải giải thích, mà chỉ lẳng lặng làm theo những gì giọng nói ấy sai bảo. Cuốn sách bị thiêu hủy nhưng các giải thưởng vẫn còn nguyên. Kỳ lạ là cuốn sách đã tiêu tan rồi mà cái cảm giác kia không chịu tiêu tan cùng nó. Một góc trí não tôi vẫn còn lưu giữ giọng nói ấy, và một góc quả tim tôi vẫn còn lưu giữ cảm giác ấy. Tôi tự hỏi không biết các ông tổng biên tập của các nhà xuất bản hay các tòa báo khi quyết định thu hồi xóa bỏ bóc gỡ delete tác phẩm của người khác thì tình trạng của họ có giống của tôi không? Tôi không thể biết được, phép suy bụng ta ra bụng người trong trường hợp này kém hiệu quả vì tôi không hoàn toàn là người như họ. Tôi nghiệm thấy thời kỳ nào tôi quên hẳn gốc tích chuột của mình thì tôi có thể thanh thản hạnh phúc. Và thực tế đa phần thời gian tôi không nghĩ đến gốc tích ấy. Tôi sống thân phận người hết sức tự nhiên. Tôi còn giúp vợ quên đi nỗi ám ảnh mà tác giả của Die Verwandlung gây ra cho nàng. Tôi khen cơ thể nàng nhẵn nhụi trắng trẻo, cặp sườn nàng nây nây ngon lành tôi không bao giờ thỏa.

Tôi quyết tâm không viết thêm một cuốn sách nào khiến cho các giọng nói phải để ý tới. Như thế gọi là phòng hơn chống. Tôi đặc biệt nhạy cảm với mọi giới hạn. Mỗi lúc tới ngưỡng là ngòi bút tự động ngừng lại, chính xác như một chương trình được lập sẵn trong máy vi tính. Mọi việc suôn sẻ cho đến lúc có chuyện không ổn xảy ra. Những cuốn sách của tôi bốc mùi. Hay bản thân tôi bốc mùi? Càng ngày tôi càng khó giữ mình ở trạng thái ổn định. Chữ ký của tôi cứ nghuệch ra nên trong một hội nghị quan trọng người ta đã tưởng tôi là một kẻ mạo danh và suýt nữa không phát phong bì cho tôi.

Dạo này vợ tôi hay phàn nàn: “Không khí nhà mình càng ngày càng nặng mùi chuột cống”. Tôi thấy mồm bắt đầu nhọn ra, người ngắn lại. Đang đêm tôi vùng dậy chạy sang phòng làm việc, bước chân êm như nhung. Tôi nhảy phốc lên ghế, bật máy vi tính. Tôi nhìn thấy vẫn đường hầm ấy, lối vào mở toang, nhưng con chuột không còn ở đấy nữa. Không bóng một sinh vật nào, không một hồn vía nào trong đó. Tôi biết con đường ấy chờ tôi. Giờ đây tôi sẽ quay lại đó trong tư cách một nhà văn đoạt giải Bugina. Tôi không còn muốn nó nữa nhưng nó vẫn còn muốn có tôi. Nó từng là lẽ sống của tôi, giờ đây tôi lại là lẽ sống của nó. Nó nằm kia hun hút sâu trong máy tính dẫn vào một thế giới không có điểm kết thúc. Cũng như ta không thể biết điểm kết thúc của một website là ở chỗ nào. Không gian của một trang web hình như là vô tận. Con đường hầm của tôi nằm đấy, phập phồng bí ẩn một nỗi đợi chờ mới.

Tôi đi về phòng ngủ. Tôi muốn hôn vợ lần cuối, nhưng không nỡ đặt cái mõm chuột lên má vợ tôi tinh khiết, vả lại làm thế sợ nàng tỉnh giấc. Cọ ria lên ga giường chỗ tôi vẫn thường nằm, người ta gọi đấy là cử chỉ từ biệt.

Trở lại phòng làm việc tôi đóng chặt cửa. Tôi bắt đầu gõ câu chuyện về nó, con chuột của tôi. Nhưng không gõ bằng tay (thực ra không còn tay nữa) mà bằng những giọt máu đều đặn rơi xuống nhảy nhót trên bàn phím. Mắt tôi là vòm trời mây đen nặng trĩu từ đó không ngớt tuôn chảy những máu. Bàn phím ngân lên giai điệu thơm mát mùi nước mưa. Một hợp âm lạ lùng gồm những tiếng tí tách xen lẫn tiếng lách cách và thỉnh thoảng đệm những tiếng chít chít mơ hồ như những nốt rơi ở bên ngoài bản nhạc. Chữ chữ nối nhau hiện lên màn hình với tốc độ man dại.

Tôi nhìn xác nhà văn trên sàn nhà. Nhỏ lên người ông ta ba giọt nước mắt đỏ như máu. Có lẽ chúng có họ hàng với ba giọt máu trong câu chuyện về con muỗi. Tôi không rõ, chỉ biết chúng có tác dụng của một loại thuốc sát trùng cực mạnh. Bao nhiêu giòi bọ nhung nhúc bị tẩy sạch hết. Cơ thể ông ta nhẵn nhụi, sạch sẽ. Nụ cười vẫn còn nguyên tự hồi nảo hồi nào khi tôi đọc ông nghe câu chuyện về nó. Tôi đặt dấu chấm hết bằng giọt máu cuối cùng. Cơ thể tôi khô và nhẹ, bao nhiêu máu đã thoát cả ra ngoài qua hốc mắt. Trước khi lao vào computeur, tôi kéo ông ta lên ghế.

Tôi biết ngày mai mọi việc không có gì thay đổi. Chỉ có điều tôi không còn được ngủ bên cạnh nàng, người vợ yêu quý. Và không ai được đọc câu chuyện của nó. Không ai biết được nó đang tiếp tục cuộc hành trình truy tìm giới hạn của một website.

 

Hà Nội, 25-6-2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021