thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mưa trên sông

 

Mưa tạnh chưa trên con sông trôi ngang thành phố đó?

Ngọc khóc. Quì khóc. Châu khóc. Anh Quang cũng khóc, mắt đỏ hoe. Những tiếng khóc nén lại, ngậm chặt. Ánh nắng chiều rực vàng trên giàn bông giấy ngoài hiên. Sao không cảm thấy trọng lượng nải chuối đặt trên bụng nhỉ? Màu vàng mật trên vỏ óng ả quá. Mình chưa bao giờ vẽ chuối. Thèm có cái cảm giác chiếc cọ tròn trịa cầm trong tay, nhớ mùi thơm gắt của chất sơn quá.

Mọi người đi lại khẽ khàng. Không ai hát. Hôm nay chưa nghe ai hát. Quì cúi xuống vuốt má, tay rịn mồ hôi, Phương ơi, không thương em sao bỏ em mà đi? Gọng kính trễ xuống bây giờ có vẻ to quá khổ với gương mặt vốn đã nhô xương của mình.

Mưa tạnh chưa nhỉ, trên bến đò nhìn từ ngôi trường sẫm màu ngói cũ. Và trên mái tóc rũ rượi nước mưa đêm?

Khánh đã biết tin mình chết, và cũng hỏi, có yêu em không, Phương ơi? Ở mặt bên kia trái đất. Còn những ai sẽ hỏi mình có yêu họ không? Nhiều.

Mình yêu chưa? Yêu người đàn bà nào nhất?

Rồi, mình yêu rồi. Mưa ơi!

 

* * *

 

Thằng Hoàng ném cái ly không xuống con sông sau vườn. Mặt nước vỡ ra, vài giọt bắn lên trong màu nắng chiều. Mỗi năm nó ném hai cái ly xuống chỗ sông này, một cho nó, một cho tôi, sau khi dốc cạn chai rượu trong mỗi ngày sinh nhật của hai đứa. Có khi không có tôi, nó uống thay một ly, và vẫn ném. Tôi đã cười khẩy vào cái trò phường tuồng đó. Nó giận.

Mưa lại từ lúc trưa, dầm dề thúi đất. Số tiền mạ cho đủ cho chiếc vé xe đò và ăn tiêu tằn tiện trong nửa tháng. Thằng Côn viết thư nói vẫn sẵn lòng cho trọ lại căn gác trên đường Trương Minh Giảng.

Tôi đã chán thành phố này, thời gian ở đây trì trệ và nặng nề. Thành phố nhỏ quá, ai cũng biết nhau. Đi đâu cũng có cảm giác nhột nhạt của những ánh mắt nhìn soi mói từ phía sau lưng.

Chiều này chỉ muốn ôm đàn hát cho thằng Hoàng nghe bài mới viết, mà óc hắn đặc lại như óc bò những chuyện xuống đường với mầng báo đả đảo, hoan hô. Máu chảy nhiều quá, chảy vô lý quá. Tôi không hiểu. Có những lúc ngó nhau mà không biết nói gì. Không có gì nhiều để nói. Không ai hiểu chi ai. Về thôi.

Hoàng bảo, lấy xe đạp của tau mà về. Không, không cần, tau muốn đi bộ. Mưa, mi điên à? Ừ, điên. Mệ nội mi, chết mặc xác. Ừ, mặc xác tau.

Xác. Chiếc xe tăng kéo lê ba cái xác rách tươm quần áo trên con đường đất dưới chân núi. Vệt máu thấm nhanh vào đất sẫm màu, mấy con chó lưỡi thè dài chạy loanh quanh theo sau. Những người đàn bà, những đứa bé nằm xếp hàng sấp ngửa, mặt phủ giấy báo, dọc vệ đường bên chiếc xe đò cháy đen vì mìn. Xác bó poncho trên thùng xe GMC sau trận đánh. Đầu người thúi hoăng bêu trên cọc tre phơi mưa nắng. Xác thai nhi chưa ra đời trong bụng mẹ. Xác dạt tấp vào bờ biển sình trương như những con bò mộng. Thằng Nguyên chết chưa mà không có xác mang về, mày còn làm thơ tình chép trong sổ tay không Nguyên?

Côn bảo, mày phải chọn. Hoàng bảo, mi phải chọn. Thế nói, mày không thể sống còn nếu không chọn. Lữ khuyên, cậu phải chọn và dành lấy cho cá nhân mình, cho cả dân tộc, một định mệnh mà tự mình phải quyết định lấy.

Đêm qua lại pháo kích. Cả nhà chen chúc dưới hầm chìm lắp xắp nước. Ba đứa con gái nhỏ run rẩy khấn nguyện. Mỗi khi nghe tiếng đạn bay xé gió thinh không, mạ lại né người sang một bên, khi bên phải, khi bên trái. Mạ né người đi như thể làm thế có thể tránh được tai họa đến từ những miểng đạn sắc lẻm. Phải tính làm sao ra sự cách biệt giữa tốc độ miểng bom và tốc độ những cái né người của mạ? Tiếng nổ dội tức lồng ngực. Con chó nhỏ khiếp đảm, tuyệt vọng cào chân vào cánh cửa đóng. Nhìn qua cửa sổ, lửa cháy làng chài bên kia sông. Hai vệt sáng từ hai chiếc phản lực vùn vụt lên xuống bỏ bom. Có lần Thanh nói cô ấy có nhiều học trò đi học bằng đò từ những làng chài đó, không biết có đứa nào chết không?

Thanh hay khóc lắm từ khi nhận tin Nguyên mất tích. Chiều kho đạn nổ phía trại gia binh, Thanh kể, cả lớp cô dạy nhốn nháo, có mấy đứa học trò con lính ở khu đó. Một con bé ôm cặp tất tả chạy vấp ngã ngoài sân, vạt áo dài vướng vào dây thép gai toạc một đường. Thanh phải ngồi khâu lại cho nó. Suốt tuần con bé không đến trường. Khi nó trở lại lớp, vạt áo vẫn vá, còn có thêm vành khăn tang mới trên đầu. Thanh lại kể về ánh mắt lì lợm đầy căm uất của thằng học trò giỏi nhất lớp. Nó vùng hất khi Thanh vuốt tóc nó thương cảm. Cảnh sát mở cặp lôi ra từng cuộn truyền đơn phía bên kia, rồi còng tay dẫn đi. Thanh lại khóc, mình không hiểu chi cả, Phương ơi. Thanh à, khóc đi. Tôi cũng không hiểu, không hiểu cả điều gì đã giữ chân Thanh lại với lũ học trò khốn khổ và ngôi trường xiêu vẹo buồn thảm đó. Khóc đi, khóc đi Thanh!

Khê nói, anh phải chọn. Hoặc em với đời sống giáo chức bình dị tỉnh lẻ, hoặc những nông nổi và ánh đèn phù hoa. Khánh bảo, em sẽ bỏ hát, mở tiệm buôn bán hoặc làm ăn chi đó với lính Mỹ, nhiều kẻ thầu rác mà giàu, anh không thể lông bông mãi. Mạ không khuyên nhủ chi, mạ chỉ lo lắng cho thân thế từng đứa con, trong nhẫn nhục.

Mọi người đều khuyên mình chọn họ, chọn phía họ. Tôi chọn điều chi đây?

Con người làm sao hoạch định cho hết tất cả những chi tiết cho cuộc đời mình? Thật ra, tôi đã chọn, làm tôi. Chính tôi. Cố gắng vượt thoát mọi kềm tỏa và để lại dấu vết trên cuộc đời này bằng những gì mình sáng tạo. Hát về những dự cảm và những ước mơ. Họ không hiểu hoặc giả vờ không hiểu. Chỉ có mạ là chấp nhận con của bà như hắn phải là. Dù mạ không hiểu, mạ chẳng cần hiểu. Mình thương mạ quá. Làm sao cho mạ bớt lo khổ?

Bữa kia Linh mang về lon thịt hộp cho cả nhà ăn cơm chiều, khuya về tôi tò mò đọc hàng chữ tiếng Anh in ngoài lon, thức ăn dành cho chó, quân khuyển.

Trời sụp tối. Giá mà không giới nghiêm thì mình sẽ đi dưới cơn mưa bụi này cho đến hết đêm. Hay ghé lại Hạ, xin ly cà phê, nghe nàng hát và đốt thuốc nhìn nàng qua khói. Nhìn con gái hát thích hơn nghe.

Mình đã yêu chưa nhỉ? Yêu rồi. Mình đã yêu Nga, yêu Dung, yêu Hạ, yêu Thùy. Chắc mình yêu tất cả mọi người nữ đã gặp trong đời. Ai cũng đẹp một cách nào đó, trong một khoảng thời gian nào đó. Có người mình đã ôm ấp trong tay. Có người chỉ thoáng qua tâm tưởng một ngày, một giờ, một phút. Có người cả hằng mươi năm vẫn còn hiện diện trong những ca khúc mình viết. Mình chỉ không có đủ thời gian để khám phá tất cả mà thôi. Đời sống sao có lúc ngột ngạt quá, mình sẽ làm gì cho những ngày sắp đến?

Hỏa châu rớt trên mặt sông sau khi soi rạng nó. Đoạn sông này trôi nhiều rong bèo. Những chiếc đò neo dọc theo bờ mờ nhòa dưới màu nước bạc.

Cô gái bước ra từ những mái nhà tôn ven đường. Anh cho em xin điếu thuốc. Tôi chỉ có thuốc Bastos thôi, cô hút được không? Dạ, chi cũng được. Ánh lửa diêm loè lên soi mặt. Không có gì đặc biệt. Như tất cả mọi cô gái ăn sương khác ở mọi nơi trên đất nước này. Sao cô không ngồi trong lòng một thằng Mỹ nào đó trong một bar rượu nào đó ở Đà Nẵng trong lúc này?

Mưa lạnh, anh về với em tối nay nghe?

Cô gái đó không biết mình là ai. Có lẽ cô là một trong những người hiếm hoi không biết mình là ai. Thậm chí, có lẽ cô không biết cả trên trần gian này có cái tên Trần Duy Phương. Có vô vàn những người đàn bà yêu nhạc sĩ Trần Duy Phương nhưng không một ai yêu gã đàn ông có linh hồn yếu đuối mang tên đó trong suốt bấy nhiêu năm gã sống.

Tôi tỏa hào quang, vòng hào quang khốn nạn của danh vọng.

Đêm đó, tôi là gã đàn ông vô danh, gầy gò, cô độc lủi thủi dưới mưa. Gã có vẻ đáng thương. Ướt lèm nhèm, cẩu thả.

Vào Sài Gòn hay ở lại Huế chẳng còn ý nghĩa gì.

Ba mươi năm trước giờ này chắc mạ đang đau đớn. Mình quên hỏi cha có mặt bên mạ lúc đó không. Ba mươi năm trước chắc giờ này mạ đang hạnh phúc. Con chào đời mạ có khóc vì vui? Mỗi năm chỉ có mạ nhớ và nhắc ngày sinh từng đứa con. Những đứa con nấu chè, cắt bánh, rót rượu cho niềm vui có mặt trên đời mà không mấy khi nhớ từng cơn đau sinh tử xé mở thịt da của mẹ mình.

Tôi theo cô gái bước xuống một khoang đò.

Anh đưa em mượn cái bi kê.[1] Tôi đưa cô hộp diêm. Những que diêm Mỹ ẩm trong túi quần loẹt xoẹt cháy, bắt lửa ngọn đèn măng-xông. Khoang đò được ngăn ra hai phần bằng tấm màn ni-lon hoa sặc sỡ. Bên kia, một đứa bé quấn mền hoa dù Mỹ viện trợ, ngủ say như con mèo con trong chiếc mùng cùng màu xanh nhà binh. Cuộc chiến mang lòng nhân đạo của nước Mỹ hiện diện khắp nơi trên quê hương này!

Tôi nằm xuống. Cô gái chiều chuộng, dẫn dắt tôi đến những đỉnh cao. Chưa bao giờ trong đời, kể cả về sau, có người đàn bà nào mang tôi đến những cảm giác cao ngất, rồi thả chìm sâu sặc sụa như vậy. Tôi cong lên từng đợt động tình. Vỡ bùng, hoang dại. Vỡ bùng tất cả khát khao, phẫn nộ, hoang mang, đắng cay, đau đớn, căm ghét, yêu thương... mà năm tháng đã tích lũy trong tôi. Tôi đã như một con người. Một gã đàn ông tìm hoa trong đêm cô đơn buồn ruỗng. Tôi không là thiên tài, là hiền giả như được xưng tụng. Tôi không là Trần Duy Phương tài hoa dưới mắt người này, Trần Duy Phương tráo trở, xấu xa dưới mắt kẻ kia. Tôi vô danh và yếu đuối. Em là cô gái điếm vô danh trong đêm ế khách tình cờ. Mưa đều giọt mệt lã trên mui đò.

Tôi thức dậy cùng tiếng kêu mẹ của đứa bé. Mẹ nó đã sang nằm vỗ về con. Đứa bé mút vú mẹ khó khăn, bầu vú mà tôi đã mút cạn dòng sữa lẽ ra dành cho nó.

Tôi khóc lặng lẽ. Ba mươi năm trước, giờ này chắc mạ đang cho tôi ngậm mút những giọt sữa đầu đời. Giờ này chắc mạ đã dậy đun ấm nước đầu ngày cho các con. Đêm nay chắc mạ không ngủ, thức chờ cửa cho con.

Tôi dằn tất cả số tiền ít ỏi mạ cho làm lộ phí dưới đế ngọn đèn như một người lương thiện, rồi trở về nhà.

Hôm sau, và nhiều hôm sau nữa tôi lén mọi người lần ra bến sông.

Mọi con đò đều xơ xác, nghèo nàn, bẩn thỉu như nhau. Những đứa con gái đều vào nội thành ngồi trong lòng lính Mỹ, những đứa còn lại đều đáng thương và đĩ thõa như nhau. Tôi lạc mất. Mưa ơi!

Người nữ ấy chẳng bao giờ hiện diện trong bất cứ ca khúc nào tôi đã viết. Chẳng hiểu vì sao. Phải chăng chẳng có từ ngữ nào, giai điệu nào, kỹ thuật dụng ngôn nào diễn đạt được mùi vị những giọt sữa con người tôi mút bú trong đêm mưa đó. Những giọt sữa dành cho, hoặc cướp lấy, nhân danh hoặc không, cho bất cứ điều gì cao trọng hay lớn lao cũng chẳng thể nào đền trả. Tôi không hiểu. Tôi viết nhiều về máu và nước mắt. Tôi bay la đà trên phận mệnh mình và phận mệnh mọi người, nhìn xuống những lầm than. Tôi chưa viết về sữa. Và chẳng thể nào viết được. Mọi chuyện đều đã muộn màng.

 

* * *

 

Tiếng còi xe và mở cổng sắt nặng nề. Chắc Linh hoặc Quyên về từ Canada.

Làm sao pha được màu vàng óng mật trên vỏ chuối nhỉ?

Mạ ơi, con đang lần về với mạ, mạ ơi...

 

_________________________

[1]cái bật lửa


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021