thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hai người bạn Việt kiều

 

Cô Thúy hiền lành chân chất, dĩ nhiên. Năm 1977, cô Chín rủ cô Thúy cùng vượt biên. Chuyện may rủi không liên can gì tới chuyện sau đó cô Thúy kết hôn với tôi, kẻ ngàn đời xin nhận quê nhà là quê hương. Hiển nhiên tôi được nghe cô Thúy tâm sự về tình bạn thắm thiết giữa hai người, cô Chín cũng tốt lành như cô Thúy, đặc biệt cô Chín có năng khiếu hài hước hơn cô Thúy. Dĩ nhiên, như người ta thường nói: Hãy cho tôi biết bạn giao du với ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào, cô Chín nghiễm nhiên chiếm một góc trong bộ nhớ và trong trái tim của tôi. Và có lúc, chẳng hiểu trái tim của tôi bị chứng sao đó, tôi ganh tị về tình cảm của cô Thúy đối với bạn gái của cô.

Trần, người bạn trẻ của tôi điện thoại: “Chị Chín hay Chính gì đó ở Úc mới về, nhắn chị Thúy tới chơi”. Trần có mấy người chị ở Sydney, một trong mấy người chị đó có quen biết cô Chín, hình như hai người đều có máu văn nghệ, người chị của nhà thơ Trần thường nói chuyện với cô Chín về tài năng thi ca của cậu em ở quê nhà. Hơn thế nữa, cô Chín lấy chồng quê ở Gò Công, cùng quê với chị em nhà thi sĩ, và hơn thế nữa, chị em nhà thi sĩ, chồng cô Chín, thảy đều cùng quê với cô Thúy.

Trần điện thoại lúc 9 giờ tối, cả đêm hôm đó cô Thúy xao xuyến, chắc là vậy, cứ hết nằm lại lục cục hai chiều nghiêng, mấy thế ngồi, khiến tôi hình dung người đẹp chung thân của mình giống con sâu lùng nhùng đo cho hết vùng đêm, và khiến tôi cứ chợt thức giấc nhìn ra cửa sổ tối đen mà mong sao thấy trời mau rạng sáng. Hiển nhiên tôi cùng cô Thúy tới nhà người em cô Chín, nơi cô Chín ngụ khi về Sài Gòn. Không gặp, lại chờ tới chiều tối, cô Chín và chồng con đi thăm thú gì đó, chiều mới về. Tới thăm thì phải chờ sau một khoảng thời gian nào đó hãy tới, nghĩa là buổi tối.

You! Gần hai mươi năm rồi đó!”, Thúy nói, giọng đầy xúc động, chắc là vậy. Cô Chín không khác bức hình cô Chín chụp chung với cô Thúy cách đây gần hai mươi năm, và cô Chín xuất hiện bằng xương bằng thịt, vậy mà ngó nghiêm trang như tấm hình chụp lúc không cười. Mà một tấm hình chụp thì khó nói lên cái gì nhiều. Ấy vậy mà cô Chín bằng xương bằng thịt cũng chẳng nói gì hơn vẻ dửng dưng, lãnh đạm. Vẻ mệt mỏi trí thức. Cô Chín nói người em pha hai ly cam bột Australia, mời cô Thúy và tôi uống, lịch sự như tiếp khách đến thăm xã giao. Cô Thúy nói, hỏi tùm lum. Cô Chín trả lời uể oải, miễn cưỡng. Tôi cũng nói, hỏi, vì thấy người đẹp chung thân của tôi sắp rớt xuống cái hố mang tên quê một cục. Tôi hỏi rằng Cô Chín là bạn của chị nhà thơ Trần phải không? Cô Chín: “Nói là bạn cũng không đúng, nói không phải là bạn cũng không đúng”. Hóa ra tôi, nếu từng làm thơ, chỉ có thể là một nhà thơ chân quê. Cô Chín trả lời một nhà thơ chân quê như vậy thì làm sao hắn hiểu. Có lẽ cô Chín thấy rằng tất nhiên tôi là độc giả của nền văn nghệ hậu hiện đại, vì ít gì tôi là bạn của nhà thơ Trần, nên cô phải có cuộc đối thoại thích hợp. Tôi lại hỏi rằng Cô Chín ở Sydney có hay gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam, ngoài mối giao du với chị của Trần? “Tôi vừa dự buổi tưởng niệm họa sĩ Lê Thành Nhơn, gặp tất cả những người Việt Nam ưu tú ở đây”. Tôi mừng rỡ quá chừng, thế là có thể góp chuyện hăng hái: “Cô có đọc tờ Việt của…”. Cô Chín, vẻ mặt hãnh diện: “Tôi không bỏ sót số nào. Đọc thơ Trần cũng ở tờ Việt”. Cô Chín đã xác định được, rằng tôi chẳng có sáng tác văn nghệ gì, cái nhìn của cô nói lên điều ấy. Tôi thấy hơi quê cho người đẹp chung thân của tôi, định nói: lần nào hỏi mượn tờ Việt mà Trần có, cũng đều gặp lúc sở hữu chủ đã cho ai mượn. Hỏi địa chỉ của tờ báo Việt để gửi bài, Trần cứ phát huy tính đãng trí của nhà thơ, chẳng nhớ để ghi cho tôi. Tôi nói với cô Chín: “Cô và ông xã chắc có viết văn, làm thơ hay viết sách gì đấy chứ chẳng không”. Cô Chín nói: “Tôi không có nhiều thì giờ rảnh”. Một lúc sau cô Chín nói tiếp: “Ông xã tôi ngày nào cũng tới thư viện đọc sách, nghiên cứu”. Hiển nhiên, ít nhất người chồng của cô Chín mà tôi chưa thấy mặt, lúc này chắc đang ở trên gác, là một nhà trí thức, một học giả. Đúng lúc này, cô Thúy nói với cô Chín: “You kêu ông xã xuống đây ta ngó mặt một cái!”. Cô Chín nói, giọng lạnh lùng: “Anh ấy mới đi về, còn mệt”. Đứa con của cô Chín từ trên gác bước xuống, cô Thúy hỏi bạn: “Đệ tử của you hả?”. Cô Chín và cô Thúy cùng ngó chàng trai đã bước xuống nhà dưới, sắp rẽ vào phía trong có nhà bếp và nhà vệ sinh, chàng giơ tay lên chào Hello!

Thôi thế chắc hẳn là lúc mãn cuộc gặp gỡ, cô Chín nói: “Có tí quà cho Thúy”. Cô Chín lấy ra từ một cái túi nhựa ngay gần chỗ cô đang ngồi, một cái cục gì nhỏ nhỏ. Tí quà đó là cục xà bông ngoại, giống mọi cục xà bông Mỹ thứ thiệt và thứ dổm bán đầy hàng dãy ở Sài Gòn, tất nhiên nó là cục xà bông Australia thứ thiệt. Tôi cam đoan cô Chín đã mang về năm, sáu chục cục xà bông, để làm quà cho năm, sáu chục người cô sẽ gặp ở quê nhà, những người có đủ điều kiện để mắc các bịnh ngoài da vì sống tại quê hương đau khổ.

Đúng là cô Thúy hiền lành chân chất, thứ hiền lành chân chất chắc bền tới mức không gì có thể làm biến chất, cô nói với bạn, khi nghe bạn than thở về đây không biết làm gì cho hết thì giờ: “Tụi mình hẹn bữa nào tụ ở nhà hàng nổi trên bến Bạch Đằng, you với ông xã, đệ tử, mình và ông Đạt, ông Trần nữa”. Cô Chín, mệt mỏi như đã từng tụ một ngàn lần ở nhà hàng nổi trên bến Bạch Đằng với các nạn nhân của xứ sở đọa đày, nói: “Mình không dám hẹn… Về đây có ít ngày mà còn đủ thứ chuyện phải làm”. Tôi nghe mà muốn chửi thề đù má, con cặc, viết văn mấy tỷ dòng rồi, tôi chưa dám viết dòng nào mà câu sau chửi cha câu trước.

Sau lần gặp người bạn gần hai mươi năm nghìn trùng xa cách, lần duy nhất ấy, tới ngày cô Chín tạm biệt chim én Sài Gòn, và ông xă cũng cần về Sydney để tiếp tục đọc sách và nghiên cứu ở thư viện, không một cuộc điện thoại chào Hello! Goodbye!

Rồi một cuộc điện thoại. Các cụ tiên sinh xứ sở phương Đông nói nào có trật: phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, cuộc điện thoại của cô Tuyết, người bạn thân thiết thứ hai, và Thúy chỉ có hai người bạn gái thân thiết trong đời mà thôi, cô Tuyết ở California về, đúng ngày cô Chín trở lại thiên đường Sydney. Cô Thúy vừa sầu bữa trước, nên bữa nay không còn khả năng vui, nghĩa là chẳng còn xao xuyến được, một con sâu làm rầu nồi canh là vậy. Ấy tuy nhiên, hiền lành chân chất vốn là đức tính cần phải lưu giữ, và người chồng cô Tuyết với tôi cũng từng quen biết nhau, và người chị cô Tuyết ở quê nhà vốn là bạn thân thiết của ông Lý Thái Thuận, ít gì với ông Lý Thái Thuận, tôi có gắn bó một thời gian hơi dài trong công việc in ấn xuất bản phát hành sách trước ngày "Sài Gòn Giải Phóng", nên chẳng gì ngăn trở được nữa, tôi đi cùng Thúy tới gặp hai bạn Việt Kiều.

Cuộc gặp gỡ diễn ra ở một nhà hàng gần nơi cô Tuyết ngụ. Tôi cần tế nhị, nói: “Mời hai bạn ăn uống bất cứ thứ gì ở đây, tôi đang bộn xu, mới lãnh nhuận bút cái truyện ngắn đăng trên báo Tuổi Trẻ, một triệu đồng lận. Báo của người Việt Nam ở Mỹ, trả nhuận bút một truyện ngắn có năm mươi đô thôi!”. Cô Tuyết hào hứng mời gia đình chúng tôi cùng đi chơi ở Nha Trang, vào ngày mốt. Tôi nói: “Sẵn sàng, nhưng chỉ thằng bé đi chung xe với gia đình bạn, còn hai đứa tôi đi xe hai bánh gắn máy. Tụi này thích đi xe hai bánh. Nền văn minh Việt Nam là nền văn minh xe hai bánh mà”. Cô Tuyết nói: “ OK! Chiều mai tụi này gọi điện thoại báo giờ giấc lên xe”.

Chiều mai dài hơn cái thuổng, không có cuộc điện thoại nào hết. Cho đến khi cả gia đình cô Tuyết trở lại thiên đường California, bặt bóng và bặt sóng. Cô Thúy nói: “Sao Tuyết nó lại như thế nhỉ?” Tôi nói: “Anh chợt nhớ ra, cô ấy hiểu câu nói đùa của em thành câu nói thật: Con gái mi nhỏ hơn con trai ta một tuổi, lại cùng học ngành công nghệ thông tin, tụi mình kết nghĩa sui gia được đấy. Còn anh thì nói để cho thằng bé đi chung xe có ái nữ của cô ấy ra Nha Trang, làm sao cô ấy chẳng sợ bị vướng vào lời dạm ngõ của những người Việt Nam bi thảm Đông Dương, để sau đó phải lo cho thằng con mình sang xứ sở thiên đường”. Cô Thúy đau khổ nói: “Bạn bè thân thiết với nhau, sao có thể nghĩ về nhau như vậy nhỉ? Một câu nói đùa mà hiểu là thật, không nghĩ mình hiểu như thế là làm tổn thương bạn?”.

Cô Tuyết cho rằng cô Thúy hiền lành chân chất nên không biết nói đùa. Ấy tuy nhiên tôi xin thề là cô ấy biết nói đùa, và biết suy tư nữa. Cô ấy nói ông Thanh Tâm Tuyền biểu tình bạn giữa phụ nữ có thể kéo dài suốt đời, nhưng tình bạn giữa đàn ông thì khác, họ có thể chấm dứt ở giai đoạn nào đó. Em thấy căn bản của tình bạn cả nam lẫn nữ ở chỗ sự đẹp đẽ của tâm hồn. Lúc tâm hồn hết đẹp, chẳng còn tình bạn nữa.

 

Sài Gòn, 29-8-2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021