thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đại Ninh xanh sốt rét

 

Có nhiều niên biểu thời gian của quá khứ, ở nơi này nơi khác. Có nhiều lúc ở một nơi, nhiều nơi ở một lúc. Nhật ký của tôi bên chân cầu:

Rừng thông Đại Ninh xanh sốt rét / Co ro cùng tôi bên chân cầu / Nước thác thượng nguồn nào ai biết / Tan cùng vỡ vụn dưới lòng sâu / Tan cùng hồn thi sĩ nghiêm sâu / Cơn đau lòng đá nước dồn dập / Núi vỡ lên rừng thông chất ngất / Tôi về co cúm bên chân cầu / Tôi về ai biết bởi vì đâu / Bởi đâu rừng Đại Ninh sốt rét / Một đêm liêu vắng lưng chừng đồi / Người góa phụ bí mật bốn hai / Và rừng Đại Ninh xanh sốt rét / Và núi Đại Ninh đau thấp khớp / Buốt rên chỉ có một mình tôi / Một mình tôi một mình tôi thôi / Với giấc phù du với mộng ảo / Những tầng mây và những đỉnh trời / Cao ngất như Đại Ninh sốt rét / Co ro người thi sĩ ai hay / Cho dẫu người góa phụ vãng lai / Mở cửa liêu vắng nhìn huyễn hoặc / Bởi đâu rừng Đại Ninh chất ngất.

Đêm qua là cơn nhớ dày vò giữa trống không. Ở mãi Sài Gòn giống như chẳng ở, là ở với trống không. Sáng nay tôi khởi sự hành trình. Nhưng sao nơi tôi tới vẫn là Đại Ninh, với đôi chân tôi vẫn đau thấp khớp, duy chiếc cầu sắt đổi thành chiếc cầu bê-tông (từ lâu rồi, lúc nào tôi không biết), và người góa phụ mất tích.

Cây cối cỏ dại đồi hoang rừng thông thác ghềnh và núi, như bất cứ nơi nào của vùng cao nguyên Lâm Đồng. Nhà sư trụ trì một ngôi chùa lớn ở Đại Ninh, cho rằng tôi lên đây rong chơi, hoặc có chút việc không quan trọng. Đúng là vậy. Nhưng sao cơn nhớ, cơn nhớ từ đâu, cơn nhớ điều gì? Nửa đêm tôi thức giấc, bàng hoàng nỗi nhớ giấu mặt.

“Cô ấy tên là Bảo Châu… anh đi xuống hết con dốc là gặp ngay con đường lát đá phía tay trái, rẽ vào…”

Ngôi nhà nhỏ vươn cao, vài bậc thang gỗ dẫn lên. Một cái liêu, cốc hay thất của người tu hành. Cô Bảo Châu tóc thả dài hai bên gương mặt tôi thấy quen quen, cùng lúc tôi nhớ người phụ nữ mang tên Ni Không Xuống Tóc. H lẫn giữa thực và hư, bây giờ H có thật hay không? H không có thật với mọi người, cả với tôi lúc này. Lúc này tôi cũng không có thật trước mặt cô Bảo Châu, tiếng nói cô chìm trong ánh sáng lờ mờ của ngôi nhà: “Thế ông muốn tìm ai, một sư cô, sư bà? Ông thầy nói tôi tu hành à?” Có lẽ nhà sư đã lầm, nhưng điều ấy không quan trọng. Tôi không tìm ai là sư cô, sư bà. Tôi lần mò dấu vết của người góa phụ bí mật.

“Tôi bặt tin mẹ tôi từ nhiều năm rồi. Nghe nói bà xuất gia -cô Bảo Châu cười giễu cợt-ở ngôi chùa nào đó miền Trung, không biết chừng ở gần ngay đây, nhưng tôi tìm kiếm làm gì, khi bà ấy không hề muốn gặp lại đứa con mà bà ấy đã vứt vào thùng rác của cuộc sống riêng tư bà ấy. Bà ấy đã phỉnh gạt cha tôi, để trân trọng, tận tình với gã đàn ông khốn kiếp, một gã gian dối, phỉnh gạt chính hiệu”.

Cô Bảo Châu nói một hơi như vậy, cô trút nỗi căm hận vào khoảng không êm đềm, với ánh sáng lờ mờ lúc này soi tỏ hơn những đồ vật yên lặng trong ngôi nhà. Cô phả vào đó một luồng hơi làm xáo trộn để mặc tôi khứng chịu, đứng dậy và nói: “Xin lỗi, nãy giờ tôi quên pha trà mời ông”. Tôi xua tay, nói cô đừng bận tâm. Cô Bảo Châu hiểu điều đó, có lẽ cô chỉ hiểu như vậy, và chính như vậy mà tôi yên tâm. Cô ngồi xuống trở lại. “Người đàn bà ấy xuất gia, tôi tin chắc rằng bà ấy mượn chỗ ở chùa để chờ gặp người đàn ông của bà ấy”. Tôi hỏi: “Ông ta ở đâu mà bà ấy phải chờ gặp?” “Tôi không biết. Thì hắn phải ở đâu đó với vợ con, gia đình hắn chứ”. Tôi hình dung khó khăn chuyện gặp gỡ tình nhân của người xuất gia, hay bà ấy vẫn để tóc như nhiều người sống trong chùa mà không xuất gia, hay bà ấy choàng một chiếc khăn trên đầu như người phụ nữ theo đạo Hồi, như một cô gái Gitane, như một người đàn bà Paris… Tôi hỏi: “Cô cũng không biết tin tức gì của người cha?” Cô Bảo Châu có vẻ sắp bật cười, nhưng cô chỉ nói thản nhiên: “Những gì tôi biết về người cha của tôi, đều từ lời bà ấy nói. Người là cha của tôi mất tích từ lúc tôi còn nằm trong bụng bà ấy”. “Cha của cô mất tích?” Cô gái ngó tôi: “Mất tích trong cuộc đời hay mất tích trong bà ấy, vậy thì có gì khác nhau? Tôi có thể tìm kiếm người cha tôi không biết mặt?” Cô Bảo Châu im lặng một hồi lâu, chợt như tỉnh giấc, nhìn tôi chăm chú: “Nhưng ông là ai? Ông tìm tôi có việc gì? Tôi đã nói những gì vậy?” Không hiểu từ đâu tôi lấy được bình tĩnh: “Tôi quen biết mẹ cô, tất nhiên từ lâu lắm rồi, từ lúc chưa có cô trong đời. Tôi tới gặp cô để thăm hỏi chỗ quen biết cũ lâu ngày không gặp. Những gì cô nói là những tin tức mà tôi phải cảm ơn”.

“Tôi không thể giúp gì được cho ông”, nói xong, cô Bảo Châu đứng dậy, tôi biết đây là lúc tôi phải rời khỏi ngôi nhà như cái thất của người tu hành.

Nhà sư vừa cười nhẹ vừa nói: “Tôi có nói cô Bảo Châu là người xuất gia gì đâu. Nhưng tôi nghe nói hai mẹ con cô Bảo Châu là cư sĩ, họ ở cái thất ấy từ hồi tôi chưa về đây. Mẹ cô Bảo Châu đẹp hơn cô ấy nhiều, và trẻ lâu nữa, hai mẹ con mà trông như hai chị em. Tôi nghe bà con Phật tử ở đây nói vậy, chứ đâu có thấy bà mẹ. Hồi đó, cả vùng này lùm xùm về xì-căng-đan mối tình tay ba, giữa hai mẹ con bà ấy và một người đàn ông”.

Tôi hỏi: “Người đàn ông ấy bây giờ đi đâu?” “Chắc ông ta vẫn ở nhà ông ta mà thôi. Người đàn ông ấy đã có gia đình khi gặp mẹ con cô Bảo Châu. Còn bà mẹ cô Bảo Châu thì bỏ cái thất này, ra đi biệt dạng. Nghe nói bây giờ bà ấy đã xuất gia, tu ở một ngôi chùa mãi ngoài xứ Quảng hay sao đó”.

Nhà sư pha ấm trà mới, xem chừng ngồi lâu tại phòng khách trang nhã của ngôi đại tự, với câu chuyện hai người phụ nữ bí mật. Tôi hỏi nhà sư : “Thầy có biết, hay nghe nói gì về người cha của cô Bảo Châu?” Nhà sư nói hào hứng: “Tôi cũng rất tò mò, thắc mắc về cha cô ấy, nhưng chẳng ai biết chuyện đó cả. Họ nói, một người đàn bà như mẹ cô Bảo châu, làm sao biết được bà ta có những mối quan hệ tình cảm như thế nào”. Nhà sư nhìn tôi, vừa cười nhẹ vừa nói: “Cứ mỗi khi nghĩ tới người đàn bà là mẹ cô Bảo Châu, một người nghe nói có cuộc sống sôi nổi và bí mật như vậy, tôi lại nhớ tới anh”. Tôi giật mình, hỏi nhà sư: “Nhớ tới tôi?” Nhà sư thản nhiên gật đầu: “Anh cũng là một nhân vật sôi nổi và bí mật. Tôi tin rằng anh từng có một thời chọc trời khuấy nước. Tôi tưởng tượng, bà mẹ cô Bảo Châu mà gặp anh, thì chuyện gì sẽ xảy ra chẳng ai mà bảo đảm được”. “Thầy nói bảo đảm cái gì?” Nhà sư nói nhanh: “Bảo đảm nó không phải là một vụ xì-căng-đan”.

Tôi đi vớ vào chân, nói với nhà sư: “Tiếp tục câu chuyện, thưa thầy, nếu có chuyện gì xảy ra, chính tôi là người bảo đảm, rằng sẽ không có gì hết giữa tôi và người đàn bà ấy”.

Nhà sư nhìn tôi thọc đôi chân đã đi vớ vào đôi giày, vẻ thán phục, nhưng thán phục gì tôi chẳng biết. Tôi nói: “Tôi đi vòng vòng một chút”. “Chừng nửa tiếng nhớ trở lại dùng bữa điểm tâm của chùa nhé anh, đừng có đi vào hàng quán”.

Người đàn bà ấy… Tôi đã viết trang nhật ký, vào năm… Chẳng có gì hết, chẳng có gì hết, mở cửa liêu vắng nhìn huyễn hoặc…

 

Sài Gòn 28-9-2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021