thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hãy đóng lại một cánh cửa sau cùng
(Phạm Viêm Phương dịch)

 

Truman Capote (1924-1984), nhà văn và kịch tác gia đã đưa kỹ thuật viết báo vào văn chương, nhất là trong tiểu thuyết In Cold Blood (1966; “Một cách lạnh lùng”) kể lại một vụ giết người hàng loạt của hai kẻ tâm thần. Truyện dựa trên sự kiện có thật và ông gọi đó là “tiểu thuyết không hư cấu.”
        Tiểu thuyết đầu tay của ông là Other Voices, Other Rooms (1948; “Những giọng khác, những phòng khác”) kể chuyện một cậu bé 13 tuổi đi tìm cha và lai lịch của mình. Mấy tác phẩm khác đáng kể của ông là The Grass Harp (1951; “Thụ cầm cỏ”) nói về những kẻ thơ ngây lánh đời sống trong một ngôi nhà trên cây, Breakfast at Tiffany (1958; “Điểm tâm ở Tiffany”) kể về một cô gái giang hồ ở Manhattan, Observations (1959; Những quan sát”) bày tỏ mối quan tâm đối với báo chí. Tiểu thuyết Answered Prayers (“Những lời nguyện được đáp ứng”) còn dang dở được in năm 1986, sau khi ông mất.
        Tập truyện nổi tiếng của ông là A Tree of Night (1949; “Một cây trong đêm”), trong đó có truyện ngắn “Shut a Final Door” được giới thiệu ở đây. Truyện ngắn này, đoạt giải O. Henry, mô tả nỗi khốn cùng, kinh hoàng và cô đơn của cuộc sống hiện đại, trong một môi trường nghi kị và nhiều điều ngoài tầm thấu hiểu, vốn là nguồn cội của cảm giác lo sợ.

 

1

 

“Walter, nghe đây: nếu có ai không thích anh, chống lại anh, thì đừng nghĩ họ làm thế một cách võ đoán; chính anh đã tạo ra những tình huống đó.”

Anna đã nói thế, và, tuy một nửa lành mạnh hơn của hắn nhủ rằng cô ta không có gì ác ý (nếu Anna không phải là một người bạn, thì còn ai nữa?), nhưng hắn vẫn coi thường cô vì điều đó, hắn đã đi khắp nơi rêu rao cho mọi người biết hắn coi thường Anna đến cỡ nào, rằng cô là thứ khốn nạn ra sao. Con mụ đó! hắn nói, đừng có tin mụ Anna đó. Cái kiểu ăn nói thẳng thừng của cô – chẳng qua chỉ là một trò che giấu cho tất cả sự thù hằn kềm nén của cô ta; lại còn dối trá dã man nữa chứ, không tin nổi một lời mụ ấy nói: cực kỳ nguy hiểm, lạy Chúa tôi! Và dĩ nhiên mọi điều hắn nói đều tới tai Anna, nên khi hắn gọi điện nói về buổi công diễn một vở kịch mà họ đã định đi xem với nhau cô ta đã bảo. “Rất tiếc, Walter, tôi không chịu nổi anh nữa. Tôi quá rành anh mà, và tôi ít nhiều có thiện cảm. Trò quái ác của anh, nó ấn tượng lắm, và anh cũng không có gì thái quá đáng trách, nhưng tôi không bao giờ muốn gặp anh nữa vì chính tôi cũng chẳng được thoải mái đến độ chịu đựng được anh.” Nhưng tại sao? Và hắn đã làm gì? Ồ, được rồi, hắn đã đàm tiếu về cô, nhưng chuyện đó đâu có vẻ gì là hắn cố ý, vả lại rút cuộc, như hắn nói với Jimmy Bergmen (bây giờ có một trò hai mặt nếu trên đời từng có một trò như thế), có bạn bè để làm gì nếu mình không thể thảo luận về họ một cách khách quan?

Hắn nói bạn nói chúng nói mình nói cứ lòng vòng thế. Cứ lòng vòng thế, như cái quạt trần cánh rộng quay vòng trên kia; quay quay khuấy động bầu khí khô đặc một cách yếu ớt, tạo ra tiếng tích tắc như đồng hồ, đếm từng giây trong im lặng. Walter nhích vào chỗ mát hơn trên cái giường và nhắm mắt lại trong căn phòng nhỏ tối tăm. Bảy giờ tối đó hắn đã tới New Orleans, đến bảy rưỡi hắn đã đăng ký vào khách sạn này, một nơi vô danh trên con phố nhỏ. Đã là tháng Tám, và trông cứ như có những đám lửa trại đốt trên bầu trời đêm đỏ quạch, và cái quang cảnh miền nam thiếu tự nhiên này, quan sát kỹ lưỡng từ trên xe lửa, và nó, hắn lục lại trong trí nhớ, cố gắng thăng hoa mọi thứ khác, đã tăng thêm cảm giác về việc du hành đến chỗ tận cùng, cảnh tàn lụi.

Nhưng tại sao hắn lại ở đây trong cái khách sạn ngột ngạt ở thị trấn xa xôi này thì hắn không lý giải được. Căn phòng có một cửa sổ, nhưng hắn không có vẻ muốn mở nó ra, và hắn ngại việc kêu chú nhóc bồi phòng (nó có đôi mắt kỳ cục làm sao!), và hắn sợ phải rời khách sạn, vì chuyện gì sẽ xảy ra nếu hắn lạc đường? Và nếu hắn lạc đường, dù chỉ một chút thôi, thì hắn sẽ lạc vĩnh viễn. Hắn đói; hắn đã chẳng ăn gì tính từ bữa điểm tâm, nên hắn tìm mấy cái bánh trét bơ đậu phộng còn sót trong bịch bánh hắn đã mua ở Saratoga, và nuốt nó trôi xuống với một ngụm Four Roses, ngụm cuối cùng. Nó khiến hắn nhợn cổ. Hắn ói vào giỏ rác, đổ sụm xuống giường, và khóc cho đến khi ướt cả gối. Hắn cứ nằm đó trong căn phòng nóng nực một hồi lâu, run rẩy, chỉ nằm đó và nhìn cái quạt quay chậm chạp; hoạt động của nó không có khởi đầu, và không có kết thúc; nó là một vòng quay.

Một con mắt, quả đất, những vòng vân của một thân cây, mọi thứ là một cái vòng và tất cả những cái vòng, Walter nói, đều có một tâm điểm. Anna thật khùng điên khi nói những gì xảy ra là do chính hắn. Nếu quả thực hắn có gì sai, thì nó đã xảy ra như thế do những tình huống ngoài tầm kiểm soát của hắn, tỉ như, do bà mẹ mê nhà thờ của hắn, hoặc ông bố hắn, một nhân viên bảo hiểm ở Hartford, hoặc bà chị Cecile của hắn, người đã cưới một ông chồng già hơn mình bốn chục tuổi. “Tao chỉ muốn biến khỏi cái nhà này,” Đó là lý do của chị ấy, và, xin nói thật, Walter nghĩ điều đó khá hợp lý.

Nhưng hắn không biết bắt đầu nghĩ về mình từ chỗ nào, không biết tìm tâm điểm ở đâu. Từ cú điện đầu tiên chăng? Không, vụ đó mới ba ngày trước và, nói đúng ra, nó là kết thúc, chứ không phải khởi đầu. Được rồi, hắn có thể bắt đầu với Irving, vì Irving là người đầu tiên hắn biết ở New York.

Bây giờ Irving là một chàng trai Do Thái dễ thương có biệt tài chơi cờ và không gì hơn: anh ta có mái tóc óng mượt, đôi má hồng như trẻ con, và trông như mới mười sáu. Thực sự anh ta đã hăm ba, bằng cỡ tuổi Walter, và họ đã gặp nhau tại một quán rượu trong khu Village. Walter đi một mình và rất cô đơn ở New York, và do đó khi anh chàng Irving nhỏ bé dễ thương này trông thân thiện nên hắn quyết định có lẽ mình cũng thân thiện như thế không chừng là một ý hay – bởi vì bạn chẳng bao giờ đoan chắc được. Irving quen rất nhiều người, và ai cũng ưa anh ta, và anh ta đã giới thiệu Walter với mọi bạn bè.

Và trong đó có Margaret. Margaret gần như là bồ của Irving. Cô ta trông chỉ tàm tạm (mắt thô lố, lúc nào răng cũng dính chút son, ăn mặc thì cứ như đứa bé lên mười), nhưng cô ta có một vẻ sáng sủa hào hứng mà Walter thấy rất hấp dẫn. Hắn không hiểu tại sao cô nàng lại lu bu với tay Irving này. “Tại sao vậy?” hắn hỏi, trong một lần đi dạo dông dài họ bắt đầu làm với nhau ở Công viên Central Park.

“Irving dễ thương,” cô ta nói, “và anh ấy yêu em rất đơn thuần, và biết đâu được: em có thể lấy anh ấy như chơi.”

“Làm chuyện đó thì thật ngốc,” hắn nói. “Irving chẳng bao giờ có thể làm chồng em được vì nó thực ra chỉ là em trai của em. Irving là em của mọi người.”

Margaret quá thông minh không thể nhìn ra chân lý trong điều này. Nên một ngày nọ khi Walter hỏi phải chăng hắn không nên làm tình với cô thì cô ta nói, được thôi, cô ta chẳng phiền gì nếu hắn làm chuyện đó. Từ đấy họ thường làm tình với nhau.

Sau cùng Irving cũng nghe được chuyện này, và một bữa thứ Hai kia đã xảy ra chuyện um sùm, mà kỳ cục thay, nó xảy ra ngay tại quán rượu mà họ quen nhau. Tối đó có bữa tiệc chúc mừng Kurt Kuhnhardt (Hãng quảng cáo Kuhnhardt), ông xếp của Margaret, và hắn với cô ta cùng tới dự, sau đó ghé lại quán này để làm thêm một ly trước khi ngủ. Trong quán vắng teo chỉ có Irving với mấy cô gái mặc quần tây. Irving đang ngồi ở quầy, hai má anh ta đỏ rừ, ánh mắt lờ đờ. Trông anh ta cứ như một cậu trai tập làm người lớn, vì đôi chân anh ta quá ngắn chưa chạm được tới thanh ngang của cái ghế đôn; chúng lòng thòng như chân búp bê. Ngay lúc Margaret nhận ra anh ta cô đã cố quay người bước ra, nhưng Walter không để cho cô đi. Và dù sao, Irving đã trông thấy họ: không hề rời mắt khỏi họ, anh ta đặt cốc whisky xuống, từ từ tuột khỏi chiếc đôn, và, với vẻ cứng cỏi giả tạo, buồn bã, anh ta sừng sững đi tới.

“Irving, ôi,” Margaret nói, và sựng lại, vì anh ta nhìn cô toé lửa.

Cằm anh ta run run. “Cô cút đi,” anh ta nói, và trông cứ như anh ta đang hài tội một kẻ hành hạ trẻ em nào đó, “Tôi hận cô.” Rồi, gần như trong phim chiếu chậm, anh ta vung tay lên và, cứ như đang nắm một con dao, thụi vào ngực Walter. Nó chẳng ra một cú đấm, và khi Walter chẳng làm gì mà chỉ mỉm cười, Irving gục xuống thùng quay đĩa, gào lên: “Đánh với tao chứ, đồ khốn nạn chết nhát; nhào vô đi, tao giết mày chết. Tao thề với Chúa là sẽ giết mày.” Và họ cứ bỏ mặc anh ta như thế.

Đi bộ về nhà, Margaret bắt đầu rấm rứt khóc một cách mệt mỏi. “Anh ấy sẽ chẳng còn dễ thương nữa,” cô ta nói.

Và Walter bảo, “Anh chẳng hiểu em muốn nói gì.”

“Ôi, có, anh hiểu chứ,” cô ta bảo hắn, giọng chỉ còn là tiếng thì thầm. “Phải, anh hiểu mà; cả hai đứa, mình đã dạy anh ấy phải thù hận thế nào. Sao em cứ nghĩ trước đây anh ấy không hề biết thù hận.”

Đến giờ Walter đã ở New York được bốn tháng. Vốn ban đầu năm trăm đô của hắn giờ đã thụt xuống còn mười lăm, và Margaret đã cho hắn vay để trả tiền nhà tháng Giêng ở Brevoort. Cô muốn biết tại sao hắn không dọn về một chỗ nào rẻ hơn? Ồ, hắn nói, có một địa chỉ ngon lành thì vẫn tốt hơn. Còn công ăn việc làm thì sao? Chừng nào hắn mới bắt đầu đi làm? Hay hắn có định làm việc không? Đương nhiên rồi, hắn nói, chắc chắn, tất nhiên là hắn đã suy nghĩ rất lung về chuyện đó. Nhưng hắn không định phí thì giờ với những công việc vớ vẩn hiện có đầy quanh hắn đâu. Hắn muốn một việc gì ngon lành, một việc gì có tương lai, một việc gì, thí dụ, trong ngành quảng cáo chẳng hạn. Được thôi, Margaret nói, có thể cô giúp hắn được; thế nào cô cũng sẽ nói chuyện với xếp của cô, ông Kuhnhardt.

 

2

 

KKA, người ta gọi thế, là một công ty quảng cáo hạng vừa, nhưng, như chuyện thường thấy, rất tốt, tốt nhất nữa kìa. Kurt Kuhnhardt; người thành lập nó năm 1925, là một nhân vật kỳ lạ với một tiếng tăm kỳ lạ: một người Đức gầy gò, khó tính, độc thân, sống trong một ngôi nhà lát đá đen ở Sutton Place, một ngôi nhà trang trí với, không kể những thứ khác, ba bức Picasso, một thùng máy hát, những mặt nạ từ đảo trong vùng biển Nam Thái Bình Dương, và một chàng trai Đan Mạch vạm vỡ, làm gia nhân. Ông ta thỉnh thoảng lại mời ai đó trong hãng tới nhà ăn tối, bất kỳ ai ông ta thấy ưa vào lúc đó, vì ông ta liên tục chọn người để bảo trợ. Đó là một vị trí nguy hiểm, những đồng minh như vậy vốn dĩ không chắc chắn và rất giỡn chơi: người được bảo trợ thấy mình lại hì hục đọc những rao vặt cần thuê người trong khi mới tối hôm trước còn dùng bữa với nhà bảo trợ của mình. Trong tuần thứ nhì làm cho KKA, Walter, vừa được thuê làm trợ lý cho Margaret, đã nhận được một lời nhắn của ông Kuhnhardt mời hắn đến ăn trưa, và dĩ nhiên điều này khiến hắn hào hứng không tả được.

“Kẻ phá thối hả?” Margaret nói khi chỉnh cà vạt, phủi sơ chỉ trên cổ áo cho hắn. “Không phải vậy đâu. Chỉ là thế thôi – ừ, làm cho Kuhnhardt thì rất thích miễn anh đừng để bị dính líu nhiều – hoặc anh có cơ không còn làm việc nữa – chấm hết.”

Walter biết cô ấy muốn nói điều gì; cô ta không lỡm hắn chút nào; hắn muốn nói thế với cô nhưng tự kềm lại; chưa tới lúc. Tuy vậy, một ngày nọ hắn sẽ phải loại bỏ cô ta thôi, không lâu đâu. Chuyện hắn làm việc cho Margaret ấy, thật là xuống cấp. Và ngoài ra, từ này trở đi xu hướng sẽ là hạ hắn xuống. Nhưng không ai làm nổi chuyện đó cả, hắn nghĩ, khi nhìn vào đôi mắt xanh lơ của ông Kuhnhardt, không ai hạ Walter xuống được.

“Anh là thằng ngốc,” Margaret bảo hắn. “Chúa ơi, em đã thấy kiểu tình bạn vớ vẩn đó của KK cả chục lần rồi, chúng chẳng có nghĩa lý gì cả. Lão ấy vẫn lởn vởn với con trực tổng đài điện thoại. KK chỉ muốn có ai đó đóng vai thằng ngốc. Tin em đi, Walter, không có đường tắt nào đâu: vấn đề là anh làm công việc của mình như thế nào.”

Hắn nói: “Em có phàn nào nào về khoản đó không? Anh đang làm việc ngon lành như người ta trông đợi.”

“Còn tùy chuyện gọi là trông đợi có nghĩa gì?” cô ấy nói. Một thứ Bảy sau đó ít lâu hắn hẹn gặp cô ở Grand Central. Họ định đi lên Hartford chơi một buổi chiều với gia đình hắn, và vì chuyện này mà cô ta đã mua váy, nón và giày mới. Nhưng hắn không đến chỗ hẹn. Thay vào đó, hắn đã phóng xe về Long Island cùng ông Kuhnhardt, và trở thành tay dễ nể nhất trong số ba trăm khách mời ở buổi tiệc ra mắt của Rosa Cooper. Rosa Cooper (nhũ danh Kuppermann) là người thừa kế công ty Cooper Dairy Products: một bé nhí ngăm đen, mập mạp, dễ chịu với phát âm giọng Anh nghe kỳ cục, hậu quả của bốn năm học với cô Jewett. Cô nàng viết một lá thư cho người bạn tên Anna Stimson, cô này sau đó cho Walter coi: “Đã gặp người dễ thương nhất. Nhảy với anh ta sáu lần, một vũ công tuyệt vời. Anh ấy là quản trị viên quảng cáo, và trông đẹp trai kinh khủng. Tụi tôi có hẹn hò với nhau – ăn tối và xem hát!”

Margaret không đề cập vụ này, Walter cũng không. Cứ như chẳng có gì xảy ra, có điều bây giờ, trừ phi có chuyện công việc cần bàn bạc, còn ngoài ra họ chẳng nói gì, chẳng gặp gỡ nhau nữa. Một chiều nọ, biết rằng cô ta không có ở nhà, hắn đã tới căn hộ của cô và dùng một chìa khóa cô đã đưa cho hắn từ lâu; có nhiều thứ hắn để lại ở đó, quần áo, mấy cuốn sách, ống tẩu; khi lục lọi lòng vòng để thu hồi mấy món đó hắn khám phá ra một bức ảnh chụp chính hắn bị quẹt đỏ lòm bằng son môi: trong thoáng chốc nó tạo cho hắn cảm giác như đang rơi vào một giấc mơ. Hắn cũng tình cờ thấy món quà duy nhất hắn từng tặng cô ta, một chai L’Heure Bleue, vẫn chưa khui. Hắn ngồi xuống giường, và, hút một điếu thuốc, đập tay vào cái gối lạnh tanh, nhớ lại hình ảnh cái đầu của cô nằm trên ấy như thế nào, và cũng nhớ lại, chuyện họ thường nằm ở đây trong những sáng chủ nhật để đọc lớn tiếng những truyện cười, về Barney và Dick Tracy và Loe Palooka.

Hắn nhìn cái máy thu thanh, một cái hộp xanh nhỏ; họ luôn làm tình trong tiếng nhạc, bất cứ loại gì, jazz, giao hưởng, các chương trình đồng ca: nó đã thành ám hiệu của họ, vì bất cứ lúc nào cô ta muốn hắn, cô sẽ nói: “Mình đi nghe radio chứ, cưng?” Dù sao, chuyện cũng đã kết thúc, và hắn hận cô, và đó là điều hắn cần nhớ. Hắn lại thấy cái chai nước hoa, và bỏ nó vào túi: Có lẽ Rosa sẽ thích một ngạc nhiên.

Hôm sau trong văn phòng hắn dừng lại bên thùng cung cấp nước lạnh và Margaret đang đứng đó. Cô mỉm cười với hắn một cách cứng ngắc, rồi nói: “À, tôi không biết anh còn là một tên trộm nữa đấy.” Đó là lần công khai bày tỏ thù ghét đầu tiên giữa họ. Và đột nhiên Walter nhận ra trong cả cái sở làm này hắn chẳng có lấy một đồng minh nào. Kuhnhardt chăng? Hắn chẳng thể trông cậy gì ở lão. Và mỗi người khác là một kẻ thù: Jackson, Einstein, Fischer, Porter, Capehart, Ritter, Villa, Byrd. Ôi, chắc chắn rồi, họ cũng đủ thông minh để không nói thẳng ra với hắn, chừng nào sự hào hứng của Kuhnhardt còn kéo dài.

Được thôi, ít nhất việc không được ai ưa cũng là tích cực, và một điều mà hắn không chịu nổi là những quan hệ mơ hồ, có lẽ bởi vì các cảm giác của hắn cũng mơ hồ, thiếu dứt khoát như vậy. Hắn chẳng bao giờ chắc chắn được hắn có thích nhân vật X nào đó hay không. Hắn cần tình yêu của X, nhưng lại không có khả năng yêu. Hắn không bao giờ có thể chân thành với X, chẳng bao giờ nói với y ta hơn năm mươi phần trăm sự thật. Ngược lại, với hắn không thể có chuyện chấp nhận ở X những điều bất toàn như vậy: ở đâu đó Walter chắc chắn mình sẽ bị phản bội. Hắn sợ X, kinh hoàng. Có lần hồi ở trung học, hắn thuổng một bài thơ, và đăng trên tạp chí của trường; hắn không quên được câu cuối bài thơ, Mọi hành vi của chúng ta chỉ là hành vi do sợ hãi. Và khi ông thầy tóm được gáy hắn, thì với hắn còn có gì bất công hơn thế không?

 

3

 

Hắn chơi gần hết những đợt cuối tuần của đầu mùa hè tại nhà Rosa Cooper ở Long Island. Như thông lệ, ngôi nhà đầy nhóc bọn sinh viên Yale và Princeton nhộn nhạo, chuyện này thật bực mình, vì chúng là cái lũ trai trẻ, ở quanh Hartford, luôn làm hắn thấy lộn ruột, và ít khi chúng để cho hắn chơi trên sân của chúng. Còn riêng về Rosa, cô nàng thật dễ thương; mọi người đều nói thế, kể cả Walter.

Nhưng các cô dễ thương thì hiếm khi nghiêm túc, và Rosa cũng chẳng nghiêm túc với Walter. Hắn không phiền gì mấy. Trong những dịp cuối tuần ấy hắn có thể có nhiều tiếp xúc hay hay: với Taylor Ovington, Joyce Randolph (ngôi sao đang lên), E.L. McEvoy, và cả chục nhân vật khác mà tên của họ nằm lóa cả mắt trên sổ địa chỉ của hắn. Một tối nọ hắn đi với Anna Stimson xem một phim có cô bồ Randolph đóng trong đó, và trước khi họ kịp ngồi xuống thì mọi người trong dãy ghế đã biết cô ta là một người Bạn của hắn, biết cô ta hay say xỉn, vô đạo đức, và chẳng đẹp đẽ gì như hình ảnh Hollywood tạo cho cô ta. Anna bảo hắn là một giống cái mới lớn. “Anh chỉ là đàn ông trong một phương diện thôi, cưng ạ.” cô nàng nói.

Chính nhờ Rosa mà hắn quen Anna Stimson. Là biên tập cho một tạp chí thời trang, bà này cao hơn thước tám, mặc đồ đen, trang bị hẳn một gọng kính một tròng, một cây gậy, và cả nửa ký đồ bạc Mexico cứ kêu lanh canh. Bà ta đã hai đời chồng, một với Buck Strong, thần tượng phim viễn tây, và đã có một con, một cậu trai mười bốn đã bị tống vào một chốn mà bà ta gọi là “học viện cải huấn.”

“Nó là đứa khó ưa,” bà ta nói. “Nó thích bắn bừa ra cửa sổ với một khẩu sáu ly hay quăng đủ thứ ra cửa, rồi ăn cắp ở tiệm Woolworth: thứ tiểu qủi, y hệt anh vậy.”

Tuy thế, Anna lại tử tế với hắn, và trong những lúc ít thất chí, ít quái ác, bà vẫn ân cần lắng nghe hắn rên rỉ về những vấn đề của mình, trong khi hắn giải thích tại sao hắn lại ra nông nỗi này. Cả đời hắn đã bị một thằng lừa nào đó chia cho toàn lá bài xấu. Gán cho Anna mọi điều thối tha ngoại trừ sự ngu dốt, hắn ưa dùng bà ta như một ông cha giải tội: không có điều gì hắn nói với bà ta mà bị bà ta phản đối một cách chính đáng. Hắn có thể nói: “Tôi đã nói với Kuhnhardt đủ điều láo khoét về Margaret; Tôi nghĩ thế là thối tha, như cô ấy cũng làm như thế đối với tôi; mà dù sao tôi không định khiến ông ta sa thải cô ấy, mà chỉ đổi cô ấy sang văn phòng ở Chiacago là được rồi.”

Hoặc, “Tôi ở trong hiệu sách, có một tay đang đứng đó và chúng tôi nói chuyện: một tay trung niên, khá dễ thương, rất thông minh. Khi tôi đi ra y theo sau, hơi cách tôi một chút: tôi băng qua đường, y băng theo, tôi đi nhanh, y cũng đi nhanh. Cứ thế chừng sáu bảy dãy phố, và sau cùng khi tôi đoán ra y định làm gì tôi thấy mắc cười, tôi muốn giỡn với y chút đỉnh. Nên tôi dừng ở góc phố vẫy một chiếc taxi, rồi tôi quay lại nhìm y chăm chăm một hồi, thiệt lâu, và khi y chạy bổ tới, cười khoái chí. Thế là tôi nhảy vào xe, đóng sập cửa rồi ló ra cửa kính cười hô hố: coi cái mặt y, kinh khủng, y như mặt chúa Jesus. Không thể quên được. Vậy theo bà, Anna, tại sao tôi làm cái trò khùng ấy? Nó giống như trả đũa tất cả những kẻ đã tổn thương tôi, nhưng nó cũng là một cái gì khác nữa kìa.” Hắn có thể nói với Anna những chuyện như vậy, rồi về nhà và đi ngủ. Những giấc mơ của hắn xanh ngắt.

Bây giờ vấn đề tình yêu lại làm hắn ưu tư, chủ yếu bởi vì hắn không coi đó là một vấn đề. Tuy nhiên, hắn ý thức chuyện mình chẳng được ai yêu. Ý thức này giống như một trái tim khác đang đập trong người hắn. Nhưng chẳng có ai cả. Có chăng là Anna. Anna có yêu hắn không? “Ồ,” Anna nói, “Có bao giờ mọi chuyện đúng y như vẻ ngoài của nó không? Mới đó là nòng nọc, rồi bây giờ là cóc. Nó trông như bằng vàng nhưng đeo vào tay thì nó để lại vệt xanh lè. Coi thằng chồng thứ nhì của tôi thì biết: nó coi bộ dễ thương lắm rồi té ra chỉ là thứ lừa đảo. Nhìn quanh ngay cái phòng này xem: ôi trời, anh đâu có đốt trầm trong cái lò sưởi ấy được, còn mấy cái gương kia, nó làm mình thấy phòng rộng rãi hơn, chúng chỉ đánh lừa thôi. Walter ạ, chẳng có cái gì đúng y như bề ngoài của nó. Mấy cây Giáng sinh thì bằng nhựa, còn tuyết chỉ là bọt vụn thôi. Bay vòng vòng trong chúng ta là cái được gọi là Linh Hồn, và khi anh chết thì anh cũng chưa hề chết; phải, và khi anh sống anh cũng chưa hề sống. Thế mà anh lại muốn biết tôi có yêu anh không à? Đừng có ngố như thế, Walter, tụi mình thậm chí chưa là bạn nữa kìa…”

 

4

 

Nghe đây, cái quạt: những bánh xe quay của tiếng thì thầm: hắn nói bạn nói chúng nó nói mình nói xoay vòng xoay vòng nhanh rồi chậm trong khi thời gian tự gợi lại trong chuỗi lảm nhảm bất tận. Cái quạt sứt mẻ cũ mèm phá vỡ im lặng: tháng Tám mùng ba mùng ba mùng ba.

Mùng ba tháng Tám, một ngày thứ Sáu, và nằm đó, ngay cột bài của Winchell, cái tên của hắn: “Quản trị viên quảng cáo sáng giá Walter Ranney và Rosa Cooper người thừa kế công ty sữa đang bảo những bạn thân bắt đầu lo mua gạo đi.” Chính Walter đã kể mẩu tin này cho một người bạn của một người bạn của Winchell. Hắn chìa mảnh báo cho anh đứng quầy ở quán Whelan nơi hắn ăn sáng. “Tui đó,” hắn nói. “Tui là thằng đó đó,” và cái vẻ mặt của cậu đứng quầy coi bộ tốt cho việc tiêu hóa của hắn.

Sáng đó khi hắn đến văn phòng thì đã trễ, và khi hắn đi dọc dãy bàn giấy thì có hẳn một đợt nhốn nháo đến sướng mắt trong đám thư ký đánh máy. Tuy nhiên, chẳng ai nói gì cả. Khoảng mười một giờ, sau một tiếng đồng hồ dễ chịu chẳng làm gì cả mà chỉ hưởng cảm giác khoái chí, hắn xuống căn tạp phẩm tầng dưới làm một tách cà phê. Ba đứa cùng sở, Jackson, Ritter và Byrd đã có ở đó, và khi Walter bước vào Jackon thúc sườn Byrd, và Byrd thúc Ritter, rồi cả ba quay đi. “Mày nói gì vậy, thằng sáng giá?” Jackson nói, đó là một gã hồng hào hói đầu sơm, và hai tên kia bật cười. Làm như không nghe gì cả, Walter bước lẹ vào phòng điện thoại. “Đồ chó đẻ,” hắn nói, giả bộ quay một con số nào đó. Rồi sau cùng, sau khi chờ một hồi cho bọn kia ra khỏi, hắn mới gọi điện. “Chào Rosa, tôi có phá giấc ngủ của bà không?”

“Không.”

“Nè, coi mục của Winchell chưa?”

“Rồi.”

Walter bật cười. “Bà nghĩ y lấy tin đó ở đâu?”

Im lặng.

“Có chuyện gì vậy. Nghe bà có giọng kỳ kỳ đó.”

“Vậy sao?”

“Bà lên cơn khùng hay cái gì đó?”

“Chỉ thất vọng thôi.”

“Về cái gì?”

Im lặng. Và rồi: “Cái trò đó rẻ tiền lắm, Walter, khá rẻ tiền.”

“Tôi không hiểu ý bà nói gì.”

“Bye thôi, Walter.”

Trên đường đi ra hắn trả tiền tách cà phê mà hắn quên uống. Có một tiệm hớt tóc trong tòa nhà này. Hắn nói muốn cạo râu; không – hớt tóc luôn đi; không – làm móng tay vậy; và đột nhiên, nhìn thấy hắn trong gương, ở đó phản chiếu khuôn mặt hắn xanh xao như tấm khăn quàng của anh thợ hớt tóc vậy, hắn hiểu hắn không hề biết mình muốn gì. Rosa nói đúng, hắn rẻ tiền. Hắn luôn sẵn sàng thú nhận những lỗi lầm của mình, bởi vì, bằng cách thừa nhận chúng, coi bộ hắn đã khiến chúng không còn tồn tại nữa. Hắn trở lên tầng trên, và ngồi ở bàn của mình, và cảm thấy như mình đang xuất huyết trong người, và mong thảm thiết mình tin được vào Thượng Đế. Một con bồ câu bước đi trên bậu cửa sổ chỗ hắn ngồi. Một hồi lâu hắn ngồi ngắm lớp lông lấp lánh nắng của nó, với dáng di chuyển đường bệ đong đưa; rồi, không kịp ý thức ra, hắn đã chộp và ném một khối thủy tinh chặn giấy ra: con bồ câu bình thản leo lên trên, cục chặn giấy lao đi như một hạt mưa khổng lồ: nếu như, hắn nghĩ, chờ nghe một tiếng rú xa xa bên dưới, nếu như nó rơi trúng ai đó, rồi giết chết họ? Nhưng chẳng có gì cả. Chỉ có tiếng gõ lạch cạch của mấy người đánh máy, một tiếng gõ ngoài cửa lớn! “Ê, Ranney, KK muốn gặp ông kìa.”

“Xin lỗi,” ông Kuhnhardt nói, vẽ lăng quăng với một cây bút bằng vàng. “Và tôi sẽ viết thư giới thiệu cho anh, Walter ạ. Bất cứ lúc nào.”

Bây giờ trong thang máy lũ kẻ thù, tất cả cùng đi xuống với hắn, ép nát hắn giữa bọn chúng; Margaret cũng ở đó đeo một dải băng xanh trên tóc. Cô ta nhìn hắn, và khuôn mặt cô khác hẳn những khuôn mặt kia, không trống rỗng như chúng, và không lạnh tanh: ở đó vẫn còn sự ân cần. Nhưng khi cô nhìn hắn, cô làm như nhìn xuyên qua hắn. Đây là giấc mơ thôi: hắn không được để mình tin khác đi; nhưng dưới nách hắn vẫn kẹp theo điều mâu thuẫn của giấc mơ, một phong bì giấy cứng nhét đủ thứ vật dụng cá nhân tom góp được ở bàn giấy của hắn. Khi thang máy đổ hết mọi người ra hành lang, hắn biết mình phải nói gì đó với Margaret, xin cô tha thứ cho hắn, cầu cô bảo vệ, nhưng cô mau lẹ lướt về phía một lối ra, chìm khuất trong đám kẻ thù. Anh yêu em, hắn nói, chạy theo cô, anh yêu em, hắn bảo, chẳng nói gì cả.

“Margaret! Margaret!”

Cô quay lại. Dải băng xanh như màu mắt cô, và đôi mắt ấy, ngước nhìn hắn, dịu lại, trở nên thân thiện chút đỉnh. Hay là thương hại.

“Làm ơn,” hắn nói, “Anh nghĩ mình có thể đi uống một cốc với nhau, lại đàng quán Benny chẳng hạn. Mình vẫn thích quán Benny mà, nhớ không?”

Cô lắc đầu. “Tôi có hẹn, và đã bị trễ rồi.”

“Ồ.”

“Phải… à, tôi trễ rồi,” cô nói, rồi bắt đầu chạy. Hắn đứng nhìn theo khi cô rảo bước xuống đường, dải băng trên tóc của cô trôi đi, sáng lên trong ánh trời hè dần tối. Và rồi cô khuất dạng.

 

Căn hộ của hắn, căn hộ một phòng không thang máy gần công viên Gramercy, cần thông gió, cần cọ rửa, nhưng Walter, sau khi rót một ly, nói dẹp cha chuyện đó đi và nằm dài người trên trường kỷ. Có ích gì chứ? Bất kể bạn làm gì và cố gắng tới đâu, mọi thứ sau cùng đều đi tới con số không, mọi ngày mọi nơi mọi người đều bị lừa, và có ai để kết tội đây? Vậy mà, thật lạ, nằm đây nhấm nháp whisky trong căn phòng lờ mờ hoàng hôn hắn lại cảm thấy bình thản hơn so với biết bao lâu rồi trước đây. Nó giống như lần hắn rớt môn đại số và cảm thấy nhẹ nhõm hết sức, tự do hết sức: thi rớt là dứt khoát, một điều chắc chắn, và trong những điều chắc chắn luôn luôn có bình yên. Bây giờ hắn sẽ rời New York, làm một chuyến đi nghỉ; hắn còn vài trăm đô, đủ để sống tới mùa thu.

Và, khi tự hỏi mình nên đi đâu, hắn lập tức thấy ngay, cứ như một cuộn phim đã bắt đầu chạy trong đầu hắn, những mũ chụp bằng lụa, màu chanh hoặc anh đào, và những người nhỏ thó, gương mặt thông minh mặc những chiếc sơ mi lốm đốm tuyệt đẹp. Nhắm mắt lại hắn đột nhiên ở tuổi lên năm, và đó là hồi ức thích thú về những tiếng cười đùa, những tay lướt ván, cái ống nhòm to tướng của bố hắn. Saratoga! Những cái bóng phủ lên khuôn mặt hắn trong ánh sáng tàn dần. Hắn bật một ngọn đèn, pha một cốc rượu nữa, đặt một đĩa nhạc rumba vào máy, và bắt đầu khiêu vũ, đế giày hắn xì xào trên mặt thảm: hắn vẫn nghĩ rằng rèn luyện thêm chút đỉnh thì hắn chắc đã là vũ công chuyên nghiệp.

Khi tiếng nhạc ngừng, điện thoại lại reo. Hắn chỉ đứng đó, ít nhiều thấy sợ phải trả lời, và ánh đèn, đồ đạc nội thất, mọi thứ trong phòng chết cứng lại. Sau cùng khi hắn nghĩ nó đã thôi reo, thì nó lại tiếp tục: có vẻ còn ầm ỹ và kiên quyết hơn. Hắn vấp vào cái ghế gác chân, nhấc ống nghe lên, đánh rơi nó xuống và chụp lại được, nói: “Dạ?”

Điện thoại đường dài: từ thị trấn nào đó ở Pennsylvania, hắn không nhớ ra tên của nó. Sau một chuỗi âm thanh lạo xạo chen nhau, một giọng nói, khô khốc và phi giới tính và hoàn toàn không giống bất kỳ giọng nào hắn đã từng nghe, vọng đến: “Xin chào, Walter.”

“Ai vậy?”

Đầu kia không có trả lời, âm thanh duy nhất là tiếng thở mạnh mẽ đều đặn: đường dây liên lạc quá tốt đến độ hắn tưởng như ai đó đang đứng bên cạnh kề sát môi vào tai hắn. “Tôi không ưa đùa đâu. Ai vậy?”

“Ô, anh biết tôi mà, Walter. Anh biết tôi từ lâu rồi.” Một tiếng cạch, rồi chẳng thêm gì cả.

 

5

 

Trời đã tối và đang mưa khi xe lửa tới Saratoga. Hắn ngủ gần suốt chuyến đi, tháo mồ hôi trong cái ẩm nóng nực của toa xe, và mơ thấy một lâu đài cũ chỉ có bọn gà tây sinh sống, và mơ một giấc mơ có bố hắn, Kurt Kuhnhardt, một ai đó không mặt mũi, Margaret và Rosa, Anna Stimson, và một qúi bà lạ lùng mập phệ với đôi mắt kim cương. Hắn đang đứng trên một con đường dài vắng hoe, chỉ có một đám diễn hành đang tới gần gồm những chiếc xe đen, đi chậm rãi như trong đám tang không hề có dấu hiệu sự sống. Tuy nhiên, hắn vẫn biết, những con mắt giấu khuất đang quan sát sự trơ trọi của hắn sau mỗi cửa xe, và hắn điên cuồng vẫy chặn chiếc xe hòm đầu tiên lại ; nó dừng lại và một người đàn ông, bố hắn, mở cửa ra với vẻ mời mọc. Bố, hắn gào lên, chạy tới trước, và cánh cửa đóng sầm lại, nghiến nát những ngón tay của hắn, và bố hắn, với tiếng cười sằng sặc, chồm ra cửa kính quẳng lại một vòng hoa hồng khổng lồ. Trong chiếc xe thứ nhì là Margaret, trong xe thứ ba là qúi bà có đôi mắt kim cương (đó không phải Caset, cô giáo dạy đại số hồi xưa của hắn sao?), trong chiếc thứ tư là ông Kuhnhardt và tên mới được ông ta bảo trợ, nhân vật không mặt mũi đó. Mỗi cánh cửa mở ra, mỗi cánh cửa đóng lại, tất cả đều cười, tất cả đều quăng ra những bông hồng. Đoàn diễu hành trôi lặng lẽ đi dọc theo con đường im ắng. Và với một tiếng gào khủng khiếp Walter ngã vào ngọn núi bông hồng ấy: những cái gai cào thành vết thương, và một cơn mưa bất chợt, một cơn bão xám xịt, quất tung tóe những nụ hoa, và rửa trôi màu máu nhợt nhạt chảy trên những chiếc lá.

Qua cái nhìn chăm chăm của người phụ nữ đối diện, hắn nhận ra ngay mình đã gào la trong giấc ngủ. Hắn bẽn lẽn mỉm cười với bà, và bà ta quay đi với vẻ phiền hà, hắn mường tượng thế. Bà ta bị tật, ở chân trái đi một chiếc giày đen to tướng. Sau đó, tại ga Saratoga, hắn đã giúp bà mang hành lý xuống và họ đi chung một chiếc taxi; không trò chuyện gì cả; mỗi người ngồi ở góc của mình nhìn mưa, và những ngọn đèn nhòe nhoẹt. Ở New York mấy giờ trước hắn đã rút hết tiền tiết kiệm ở ngân hàng, khóa cửa căn hộ, và chẳng để lại lời nhắn nào; hơn nữa, ở thị trấn này chẳng một ai biết hắn. Đó là một cảm giác dễ chịu.

Khách sạn đã kín phòng: chưa kể đám đông đang chen vào kia, tay tiếp tân bảo với hắn, đang có một hội nghị y học. Không, rất tiếc, y chẳng biết có chỗ nào cho thuê phòng nữa. Có lẽ ngày mai vậy.

Nên Walter tìm một quán rượu. Miễn hắn ngồi vững được suốt đêm thì hắn có thể uống tới say. Quán rượu, rất rộng, rất nóng và ồn, sáng bừng với đủ thời trang mùa hè: qúi bà áo lông chồn lụng thụng, những tay nài ngựa bị ép cân, và những gã to mồm nhợt nhạt mặc áo ca rô kỳ dị rẻ tiền. Tuy nhiên, sau vài ly, tiếng ồn có vẻ như lùi xa. Rồi, liếc nhìn quanh, hắn thấy bà có tật chân ấy. Bà chỉ có một mình một bàn nơi bà ngồi nghiêm trang nhấm nháp kem bạc hà. Họ mỉm cười chào nhau. Đứng dậy, Walter đến ngồi với bà. “Coi bộ chúng ta không phải người lạ,” bà ta nói khi hắn ngồi xuống. “Đến đây coi đua ngựa hả, tôi độ chừng thế?”

“Không,” hắn nói, “chỉ để nghỉ ngơi thôi. Còn bà?”

Bà ta chu môi ra. “Chắc anh cũng thấy tôi bị tật chân. Ồ, không sao đâu, đừng có vẻ ngạc nhiên thế: anh đã nhận ra, ai cũng vậy. À, coi đó,” bà ta nói, quậy quậy ống hút trong ly, “tức là, bác sĩ của tôi sẽ có bài nói chuyện trong hội nghị, sẽ nói về tôi và cái chân tôi vì trường hợp tôi khá đặc biệt. Ôi trời, tôi sợ muốn chết. Ý tôi muốn nói chuyện mình phải đi bày cái chân này ra.”

Walter nói rằng hắn rất tiếc, và bà ta bảo, chẳng có gì phải rất tiếc cả; rút cục, bà cũng được một kỳ nghỉ nho nhỏ, phải không? “Mà tôi chưa ra khỏi thành phố suốt sáu năm đấy. Sáu năm trước tôi có chơi một tuần ở khách sạn Bear Mauntain.” Hai má bà ta đỏ au, hơi lốm đốm tàn nhang, và đôi mắt bà quá gần nhau, có màu của hoa oải hương, soi mói: chúng hình như chẳng bao giờ nháy. Bà đeo một chiếc nhẫn vàng ở ngón áp út; đóng trò đây, chắc cú: nó hẳn chưa từng lừa được ai cả.

“Tôi làm gia nhân cho người ta,” bà ta nói, như trả lời một câu hỏi. “Và chuyện đó đâu có gì sai. Thế là thành thật và tôi thích vậy. Người thuê tôi làm có đứa con thuộc loại thông minh nhất hạng, Ronnie. Tôi đối với nó còn tốt hơn mẹ nó, và nó yêu tôi hơn; nó bảo tôi vậy. Cái bà mẹ đó, cứ say sưa tối ngày.”

Nghe chuyện này thật nản chí, nhưng Walter, đột nhiên sợ bị cô đơn, vẫn ngồi và uống và nói chuyện theo kiểu hắn từng nói với Anna Stimson. Ssuỵt! Có lúc bà kêu lên vì giọng nói hắn đã quá lớn, và nhiều người đang nhìn chòng chọc. Walter nói cứ mặc xác bọn họ, hắn không thèm quan tâm; cứ như bộ não hắn làm bằng thủy tinh, và bao nhiêu whisky hắn uống đã biến thành một cái búa; hắn có thể cảm thấy những mảnh vỡ tung tóe kêu lạo xạo trong đầu, làm méo mó tiêu điểm nhìn, ảo hóa các hình dáng; bà có tật chân đây chẳng hạn, có vẻ không còn là một người nữa, mà là vài ba người: Irving, mẹ hắn, một người tên Bonaparte, Margaret, tất cả bọn đó và những người khác: càng lúc hắn càng hiểu kinh nghiệm là một vòng tròn trong đó không giây phút nào có thể tách biệt ra, lãng quên đi.

 

6

 

Quán rượu đang đóng cửa. Họ chia đôi hóa đơn và, trong khi chờ tiền thối lại, chẳng ai nói gì. Quan sát hắn với đôi mắt hoa oải hương không chớp nháy, trông bà có vẻ thật bình thản, nhưng có gì đó đang xảy ra bên trong, hắn thấy thế, một xôn xao nhẹ nhàng nào đó. Khi người bồi trở lại họ chia đôi số tiền lẻ và bà ta nói: “Nếu anh muốn thì đến phòng tôi cũng được.” Một chút ửng đỏ lan trên mặt bà ta. “Ý tôi là, anh có nói rằng không có chỗ nào để ngủ…” Walter thò tay nắm tay bà: nụ cười của bà với anh bẽn lẽn một cách cảm động.

Thấm đẫm mùi nước hoa rẻ tiền, bà ta ra khỏi phòng tắm chỉ mặc một chiếc kimono màu da người xuềnh xoàng, và cũng cái giày đen gớm ghiếc ấy. Chỉ đến lúc đó hắn mới nhận ra mình chẳng bao giờ làm xong được việc đó. Và hắn chẳng bao giờ cảm thấy tiếc cho chính mình: ngay cả Anna Stimson cũng không tha thứ cho hắn chuyện này. “Đừng nhìn,” bà ta nói, và giọng bà nghe run run, thấy ai nhìn chân mình tôi cũng thấy kỳ kỳ hết.”

Hắn quay ra cửa sổ, nơi những lá du xào xạc trong mưa, và tia chớp, quá xa không nghe được âm thanh, cứ loé lên trắng xóa. “Được rồi,” bà ta nói. Walter không nhúc nhích.

“Được rồi,” bà ta lập lại một cách bồn chồn. “Tôi tắt đèn được không? Ý tôi là, có thể anh muốn thay đồ… trong bóng tối.”

Hắn đến bên cạnh giường và, khom xuống, hôn má bà ta. “Tôi nghĩ bà rất tử tế, nhưng…”

Tiếng điện thoại ngắt ngang. Bà ta nhìn hắn đờ đẫn. “Chúa ơi,” bà ta thốt lên, và lấy tay che miệng ống nghe, “điện thoại đường dài! Chắc là chuyện Ronnie! Tôi chắc nó bệnh, hay là… a lô… cái gì? Ôi, không. Qúi vị lộn số…”

“Khoan,” Walter nói, đón lấy ống nghe. “Tôi đây, Walter Ranney đây.”

“Xin chào, Walter.”

Vẫn giọng ấy, đục và phi giới tính và xa xôi, xộc thẳng tới ruột gan hắn. Căn phòng như nhấp nhô, nghiêng đổ. Một chuỗi những giọt mồ hôi rịn ra ở môi trên của hắn. “Ai vậy?” hắn nói một cách chậm chạp khiến các âm không liền lạc vào nhau.

“Ồ, anh biết tôi mà, Walter. Anh biết tôi từ lâu rồi.” Và im lặng: người nào đó đã gác máy.

“Ôi trời,” bà ta nói, “anh nghĩ làm sao họ biết anh đang ở phòng tôi? Ý tôi là… ấy như, tin xấu hả? “Trông anh hơi…”

Walter nhào lên người bà, ôm chặt bà, áp bên má đẫm ướt vào má bà. “Ôm tôi đi,” hắn nói, nhận ra mình vẫn còn có thể khóc. “Ôm tôi đi, làm ơn.”

“Tội nghiệp,” bà ta nói, vỗ vỗ vào lưng hắn. “Anh chàng tội nghiệp của tôi: bọn mình cô đơn khủng khiếp trong thế giới này, phải không?” Rồi lát sau hắn ngủ thiếp trong tay bà.

Nhưng từ đó hắn không ngủ được, bây giờ cũng không, không ngủ được cho dù lắng nghe điệu ru lười biếng của cái quạt; trong nhịp quay của nó hắn nghe được tiếng bánh xe lửa: Saratoga đi New York, New York đi New Orleans. Và hắn đã chọn New Orleans chẳng vì lý do gì đặc biệt cả, ngoại trừ chuyện đó là một thành phố của những người lạ, và ở rất xa. Bốn cánh quạt xoay vòng, những bánh xe và giọng nói, xoay vòng xoay vòng; và rút cuộc, như bây giờ hắn thấy, với cái mạng lưới quái ác này thì không có kết thúc, không có bất cứ gì cả.

Nước trút xuống các đường ống, những bước chân qua lại trên đầu, những chìa khóa lanh canh ngoài hành lang, một tay bình luận thời sự làu bàu đâu đó xa xôi, phòng bên một cô bé nói, tại sao? Tại sao? TẠI SAO? Tuy nhiên trong phòng này có một cảm giác yên lặng. Bàn chân hắn sáng lên trong ánh sáng từ khe thông gió trông như bằng đá đẽo: những móng chân loa lóa là mười cái gương nhỏ, tất cả đều phản chiếu nhợt nhạt. Ngồi dậy, hắn lau mồ hôi bằng một cái khăn; bây giờ cái nóng nực làm hắn kinh hãi hơn bất cứ thứ gì khác, vì nó khiến hắn biết rõ tình cảnh trơ trọi của mình. Hắn ném chiếc khăn ra xa, nó rơi xuống cái chụp đèn, rồi đong đưa tới lui ở đó. Ngay lúc ấy điện thoại reo. Và reo. Và nó reo ầm vang đến nỗi hắn tin rằng cả khách sạn đều nghe thấy. Một đoàn người sẽ đến giộng cửa hắn. Nên hắn gục mặt vào gối, lấy tay bịt kín hai tai, và nghĩ: hãy nghĩ tới những điều hư vô, hãy nghĩ tới gió.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021