thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện vớ vẩn của buổi chiều

 

Bạn có 10 phút không? Tôi kể bạn nghe nhé, chỉ là một câu chuyện vớ vẩn cho vui, thế thôi!

Trước đây, tôi thường nghĩ rằng người mù là người sống trong bóng tối, hoặc là những gì họ “thấy” chỉ toàn là bóng tối. Mãi tới chiều qua tôi mới hiểu rằng không phải như thế. Màu đen của bóng tối vẫn là một thực thể. Nhìn thấy bóng tối là đã có nhìn thấy, không phải là mù. Làm theo lời tôi nhé, bạn thử lấy hai tay bịt chặt hai mắt của mình lại xem. Bạn vẫn nhìn thấy màu đen, nhưng nếu chỉ bịt một mắt thôi, mắt còn lại mở lớn. Con mắt bị bịt chặt sẽ không còn nhìn thấy bất cứ cái gì, kể cả màu đen của bóng tối. Hẳn đấy là mắt của người mù.

Chiều qua tôi lặng lẽ đi theo một ông già mù bán chổi dọc theo con đường khu nhà tôi đang sống. Ngoại ô, buổi chiều rất vắng. Tôi ra khỏi nhà đốt một điếu thuốc, thì thấy ông, không dưng tôi bước theo. Tay trái ông ôm một bó khoảng bảy, tám cái chổi, ôm theo kiểu người ta bồng bế một đứa trẻ con, tay phải ông cầm một cái gậy tre nhỏ. Dăm phút ông lại cất giọng rao khê rền, “Chổi đêêêêe....!” Ông đi từng bước chậm, đôi mắt mù mở lớn, trơ, vô cảm, không nhìn vào đâu, hay ngó đăm đăm vào một chốn trống vắng nào đó thì cũng vậy. Chốn tuyệt đối không mầu, không đường nét, hình ảnh.

Ông “nhìn” bằng tiếng lách cách của chiếc gậy gõ lên mặt đá lát lề đường. Những tiếng lách cách này cho chủ nhân của chiếc gậy biết rằng mình đang ở đâu. Nơi bước chân sắp đặt xuống bằng phẳng khô ráo hay mô gò nước đọng, ở trước quán tạp hóa hay trước quán cơm, sắp đến ngã tư hay đã qua ngã tư. Và ông rất chuẩn xác. Tôi nghĩ vậy.

Những người sống dọc theo con đường này chắc đã quen với hình ảnh ông già với chiếc gậy tre, dưới chiếc mũ rộng vành là đôi mắt đục lờ. Khó khăn lắm tôi mới gợi chuyện được với ông. Ông ít nói, cái ít nói của một người không mấy khi nói chuyện với ai. Qua những câu trả lời nhát gừng, tôi biết được rằng: Mỗi cái chổi làm bằng 25 cây “cỏ chổi”, tên một loại cỏ thuộc họ lau sậy, chỉ mọc ở Đà Lạt. 25 cây cỏ chổi thẳng tắp, ngắn dài được sắp xếp rất hợp lý, sao cho lá chổi tạo thành một đường cong mềm. Cả 25 cây cỏ chổi được một sợi kẽm nhỏ quấn quanh từng cọng một, rồi siết chặt lại. Đầu cán chổi lại được bọc kín bằng những sợi dây ni-lông nhiều màu. Vốn 5 ngàn, sau khi thành phẩm, bán với giá 8 ngàn.

Tôi hỏi: Ai làm chổi để bác đi bán?/ Tui mần./ Bác không nhìn thấy sao bác làm được?/ Thì rờ./ Ai mua cỏ chổi để bác làm?/ Tui mua./ Bác có vợ không?/ Chết rồi. Bác có con không?/ Có./ Bác ở với con?/ Không./ Vậy bác ở với ai?/ Người xứ./ Có ai giúp đõ bác không?/ Hàng xóm./ Có giúp nhiều không?/ Cũng được./ Bác mù từ khi nào?/ Lâu, quên rồi./ Chắc bác bị đau mắt?/ Không, đạn.

Vốn là một “fan” của Kim Dung, tôi nhìn chiếc nón rộng vành, mái tóc bạc, với chiếc gậy tre, chợt nghĩ đến một quái nhân đến từ Tây Vực. Trong chiếc gậy rỗng kia hẳn chứa nhiều rắn rít, trùng độc, ám khí để gây khốn khó cho võ lâm Trung Nguyên. Tôi mời ông già vào quán uống nước, ông từ chối: Đằng tui về thôi, sắp mưa./ Sao bác biết sắp mưa?/ Ngửi thấy. Tôi chọn một cây chổi, đưa cho ông tờ bạc 10 ngàn. Ông cầm lấy, thối lại hai tờ 1 ngàn, tự nhiên và chính xác như người sáng mắt. Tôi để đầu óc mình lan man đến một đoạn phim của Chaplin. Gã lang thang mỗi lần quá đau khổ, quá tuyệt vọng lại tìm đến cô gái bán hoa mù ở góc phố. Sao cô gái mù không bán gì khác mà lại bán hoa? Sắc màu có ý nghĩa gì với người mù nữa đâu... Tôi choáng ngợp trước dụng ý sâu thẳm của thiên tài điện ảnh.

Tôi nói vài câu thương cảm với ông già, nhưng gương mặt ông không gợn chút xúc cảm nào. Tôi gượng nói câu vui đùa, vẫn không có bóng một nụ cười. Người này vẫn sống, nhưng đã vĩnh biệt cõi đời từ lâu. Tôi nói câu sau cùng: “Thôi chào bác, nhà bác ở đâu?” Ông giơ chiếc gậy chỉ vu vơ về phía trước. Nhìn theo đầu gậy, tôi thấy cuối đường một chiếc xe tải chở đất cho khu biệt thự đang xây tung lên một lớp bụi mù. Tôi nhìn con đường dài đầy nắng, nhìn xuống hai bàn chân đen đủi gầy guộc trong đôi dép nhựa của ông già. Ông bước tiếp, đi nốt, đi nốt con đường, đi nốt kiếp người.

Tin học, sinh sản vô tính, vũ khí hạt nhân, khám phá vũ trụ, khủng bố con tin, máu xương la thét... Không có ông! Ông đứng riêng, đứng ngoài tất cả những điều đó. Ông chỉ quan tâm đến tiếng lách cách của chiếc gậy gõ xuống những viên đá lát lề đường.

 

***

 

Bạn đã thử lấy tay bịt mắt lại chưa?

 

Sài Gòn, 8/9/2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021