thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyến đi mùa đông
(Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ)

 

Tuần lễ cuối tháng Tám 1939, trong khi những lời đồn đãi về chiến tranh đang lan tràn Paris, một vị giáo sư văn chương trẻ tuổi, ông Vincent Degraël, được mời đến ở chơi mấy hôm tại một ngôi nhà nằm trong vùng Le Havre, sở hữu của song thân một đồng nghiệp của ông, là ông Denis Borrade. Ngay trước ngày lên đường trở về, trong khi lục lọi thư viện của chủ nhà để tìm một cuốn sách từ hồi nào tới giờ ta vẫn tự hứa sẽ đọc, nhưng bấy giờ lúc nào ta cũng chỉ có thời giờ lướt qua một cách lơ là thôi ở một góc lò sưởi trước khi ngồi vào chỗ người thứ tư chơi bài bridge, ông Degraël tình cờ bắt gặp một cuốn sách mỏng có tên là Chuyến đi mùa đông, mà tác giả, Hugo Vernier, ông tuyệt nhiên chưa hề biết, nhưng những trang đầu tiên của cuốn sách đã gây nơi ông một ấn tượng mạnh đến nỗi ông chỉ kịp cáo lỗi bạn và song thân bạn để lên phòng mình đem ra đọc.

Chuyến đi mùa đông là một thứ truyện kể viết ở ngôi thứ nhất, và vị trí là một miền đất bán tưởng tượng mà bầu trời nặng trĩu, những rừng cây u tối, những đồi đất xốp và những con kinh đào có những đường cống xanh nhạt chắn ngang cứ mãi tinh quái gợi nơi ta những phong cảnh miền Flandres hoặc Ardennes. Sách được chia làm hai phần. Phần thứ nhất, ngắn hơn cả, bằng chữ nghĩa bí ẩn khó hiểu thuật lại một chuyến đi có vẻ để khai tâm, mà dường như mỗi giai đoạn đều được đánh dấu bởi một thất bại, và đến cuối cuộc hành trình thì nhân vật chính vô danh, một người đàn ông mà mọi thứ đều cho ta giả dụ là hãy còn trẻ, đi tới một bờ hồ chìm đắm trong một màn sương dày đặc; có một người đưa đò đứng chờ anh ta ở đó, và đưa anh ta lên một hòn đảo nhỏ hiểm trở, sừng sững ở ngay giữa đảo là một toà nhà cao và tối; người thanh niên vừa đặt chân lên cái bệ nổi chật hẹp là lối đi duy nhất đưa vào đảo, liền có hai người trông lạ lùng xuất hiện: một ông già và một bà già, cả hai đều trùm lên mình áo khoác dài màu đen, trông như là từ sương mù hiện ra và bước đến đứng hai bên anh ta, nắm lấy hai cùi chỏ của anh, người ép sát hết sức vào hai bên sườn của anh; hầu như dính chặt vào nhau như thế, họ leo lên một lối đi bị sụt lở, bước vào nhà, trèo lên một cầu thang bằng gỗ và đi tới một căn phòng. Ở đấy, vẫn là chuyện khó cắt nghĩa y như chuyện họ vừa xuất hiện, hai người già biến mất, để chàng thanh niên đứng lại một mình giữa căn phòng. Căn phòng bày biện đồ đạc đại khái: một chiếc giường phủ vải creton có in hoa, một cái bàn, một cái ghế. Một ngọn lửa cháy sáng rực trong lò sưởi. Trên bàn một bữa ăn đã được dọn ra: một món xúp đậu tằm, một món vai bò. Qua cánh cửa sổ cao của căn phòng, người thanh niên nhìn mặt trăng tròn ló ra khỏi những đám mây, sau đó anh ngồi xuống bàn và bắt đầu ăn. Và phần thứ nhất kết thúc ở bữa ăn tối một mình ấy.

Phần thứ hai của riêng nó thôi chiếm hết gần bốn phần năm cuốn sách và tức khắc có vẻ như phần chuyện kể vắn tắt đi trước nó chỉ là cái cớ có tính giai thoại. Đây là một lời thú tội dài với một giọng trữ tình bộc phát, lẫn lộn những bài thơ, những câu châm ngôn bí ẩn, những câu thần chú có ý báng bổ. Vừa bắt đầu đọc phần này ông Vincent Degraël có ngay một cảm giác khó chịu mà ông không sao định rõ được, nhưng cảm giác cứ dần dà tăng rõ với từng trang sách ông đưa bàn tay mỗi lúc một run hơn của mình lật qua: tựa như là những câu đang ở trước mặt ông đột nhiên ông thấy trở thành quen thuộc, bắt đầu buộc ông nhớ lại một cái gì đó, tựa như là đọc đến câu nào là liền hiện lên, hay nói đúng hơn là chồng lên, kỷ niệm vừa rõ ràng vừa mờ nhạt của một câu có thể nói là gần tương tự và có thể ông đã từng đọc ở đâu đó; tựa như những chữ kia, dịu dàng hơn cả những vuốt ve hay hiểm ác hơn cả chất độc, những chữ cứ lần lượt hết sáng sủa hay bí hiểm lại trở qua tục tằn hay nồng nhiệt, rực rỡ, rối mù, và cứ dao động không ngừng như cái kim địa bàn giật qua giật lại giữa một sự hung bạo do ảo giác và một sự thanh thản phi thường, phác ra một hình dáng lờ mờ ở đấy người ta tưởng như tìm thấy lại lung tung nào Germain Nouveau và Tristan Corbière, nào Villiers và Banville, Rimbaud và Verhaeren, Charles Cros và Léon Bloy.

Vincent Degraël, mà lĩnh vực nghiên cứu bấy giờ chính xác đang bao trùm các tác giả ấy — từ mấy năm nay ông chuẩn bị một luận án về “sự tiến hoá của thơ ca Pháp từ các nhà thơ phái Thi đàn đến các nhà thơ Tượng trưng” — thoạt tiên nghĩ là mình thực sự đã có đọc cuốn sách này tình cờ trong một lần sưu tầm nghiên cứu nào đó, thế rồi sau đó, mà có thể lại đúng hơn, lại nghĩ rằng mình là nạn nhân của một thứ ảo giác về cái đã từng được trông thấy rồi, trong ảo giác ấy, giống như khi đơn giản chỉ hương vị một ngụm trà có thể đột ngột đưa ta trở lại thời ba mươi năm trước ở Anh quốc, chỉ cần một cái chẳng là gì, một âm thanh, một mùi vị, một cử chỉ — có lẽ cái giây phút lưỡng lự ông biểu lộ trước khi lôi cuốn sách ra khỏi ngăn kệ chỗ nó được xếp giữa Verhaeren và Vielé-Griffin, hoặc cái cách đọc ngấu nghiến của ông khi ông lướt qua những trang đầu – cũng đủ để cái kỷ niệm đánh lừa về một lần đọc trước đó đến chồng lên làm rối loạn đến độ ông không sao đọc được lần này. Thế nhưng liền sau đó sự nghi ngờ không còn có thể tiếp tục và Degraël phải chịu thua cái điều hiển nhiên: có lẽ ký ức của ông đang giỡn mặt với ông, có lẽ Vernier dường như đã mượn của Catulle Mendès “con chó rừng một mình lai vãng những ngôi mộ bằng đá” chỉ là một chuyện tình cờ, có lẽ người ta có thể cho đây là những gặp gỡ ngẫu nhiên, những ảnh hưởng phô trương, những kiểu tán tụng tự nguyện, những kiểu sao chép vô thức, chủ ý mô phỏng, lối ưa trích dẫn, những sự trùng hợp thích đáng, có lẽ người ta có thể coi những thành ngữ như “cánh bay của thời gian”, “sương mù mùa đông”, “chân trời tối”, “hang sâu”, “giếng mờ hơi nước”, “ánh sáng mơ hồ ở tầng dưới rừng hoang dã” như đương nhiên đều là sở hữu của mọi nhà thơ và bởi thế nên bắt gặp chúng trong một đoạn văn của Hugo Vernier cũng là chuyện hoàn toàn bình thường như khi bắt gặp chúng trong những khổ thơ của Jean Moréas, nhưng tuyệt đối không thể không nhận ra, khi chỉ tình cờ đọc được, từng chữ hay gần như thế, nơi nầy là một đoạn của Rimbaud (“Tôi rõ ràng nhìn thấy một cái đền Hồi giáo thay vì một nhà máy, một ngôi trường đầy trống kèn được xây bởi các thiên thần”) hay của Mallarmé (“mùa đông trong sáng, mùa của nghệ thuật quang đãng”), nơi kia là của Lautréamont (“Tôi nhìn trong một tấm gương cái miệng do tôi tự ý làm giập nát”), của Gustave Kahn (“Hãy để cho bài hát thở ra...trái tim tôi khóc / Một màu nâu xám trườn quanh những khoảng sáng. Long trọng / Im lặng lên chậm, nó làm ta sợ hãi / Những tiếng quen thuộc của đám nhân sự lờ mờ”) hoặc, hơi biến đổi một chút, của Verlaine (“trong nỗi buồn không dứt của cánh đồng, tuyết sáng ngời như cát. Trời bấy giờ màu đồng. Xe lửa đi không một tiếng thì thầm...”), vân vân.

Khi Degraël đọc xong cuốn Chuyến đi mùa đông thì đã bốn giờ sáng. Ông phát hiện ra khoảng ba mươi chỗ vay mượn. Chắc là còn nhiều chỗ khác nữa. Cuốn sách của Hugo Vernier dường như chỉ là một cóp nhặt kỳ diệu từ những nhà thơ cuối thế kỷ XIX, một loại thơ tập quá khổ, một bức tranh ghép mà hầu như mỗi mảnh là tác phẩm của một người khác. Nhưng ngay cái lúc ông cố gắng tưởng tượng người tác giả vô danh đã muốn rút từ trong sách của những người khác ra chính chất liệu cho văn bản của mình, ngay cái lúc ông định hình dung đến tận cùng cái dự án điên rồ và kỳ diệu kia, Degraël cảm thấy nẩy sinh trong mình một mối hoài nghi làm hốt hoảng: ông vừa nhớ ra từ khi cầm cuốn sách từ trên kệ xuống, một cách máy móc ông đã ghi nhận ngày tháng, thúc đẩy bởi cái phản xạ của nhà nghiên cứu trẻ tuổi vốn chẳng bao giờ tham khảo một cuốn sách nào mà không ghi nhận trong đó những dữ kiện thư mục. Có lẽ ông đã nhầm, nhưng ông tin chắc là có đọc: 1864. Ông kiểm chứng, tim đập mạnh. Ông đã đọc đúng: điều này có nghĩa là Vernier đã “trích dẫn” một câu thơ của Mallarmé hai năm trước khi có câu thơ ấy, đã đạo văn của Verlaine mười năm trước khi có bài “Những khúc ariettes bị quên lãng” của nhà thơ này, đã viết theo kiểu Gustave Kahn gần một phần tư thế kỷ trước ông ta! Điều này có nghĩa là, Lautréamont, Germain Nouveau, Rimbaud, Corbière và không ít những người khác đều chỉ là những người sao chép một nhà thơ thiên tài không ai biết đến, nhà thơ chỉ trong một tác phẩm duy nhất, đã biết thu gom chính cái chất liệu chủ yếu mà ba hay bốn thế hệ tác giả sau ông sẽ đem ra làm chất nuôi dưỡng cho mình!

Trừ phi, tất nhiên, ngày in ấn ghi trên sách là ghi sai. Nhưng Degraël không chịu xem xét theo giả thiết này: khám phá của ông quá đẹp, quá hiển nhiên, quá cần thiết nên không thể không có thật, và chưa gì ông đã tưởng tượng ra những hậu quả chóng mặt mà nó sẽ khích động: tai tiếng kỳ dị gây ra khi công khai phát hiện cái “hợp tuyển báo hiệu” này, tầm lan rộng của những hậu quả, việc bao quát đặc lại vấn đề tất cả những gì các nhà phê bình và sử gia văn học từng rao giảng như đinh đóng cột từ năm này qua năm khác. Và ông nóng lòng đến độ không còn chịu ngủ nghê gì nữa, ông vội vàng trở vào thư viện để tìm xem có biết chút gì hơn thế về ông Vernier kia và về tác phẩm của ông.

Ông không tìm thấy gì. Mấy cuốn tự điển và sách danh mục nằm trong thư viện gia đình Borrade không cho biết gì về sự hiện hữu của Hugo Vernier. Bố mẹ Borrade cũng như Denis đều không thể cho ông biết gì hơn: sách được mua trong một cuộc bán đấu giá, cách nay đã mười năm, ở Honfleur; họ đã đọc lướt cuốn sách nhưng không chú ý gì nhiều.

Suốt ngày, với sự giúp đỡ của Denis, Degraël tiến hành một cuộc khảo sát có hệ thống về tác phẩm này, đi tìm những mẩu vụn liên hệ rải rác trong hàng chục hợp tuyển và tập tuyển: hai người tìm ra được gần ba trăm năm mươi mẩu như thế, rải khắp gần ba mươi tác giả: những nhà thơ nổi tiếng nhất cũng như những nhà thơ mờ nhạt nhất cuối thế kỷ, và có khi cả những người viết văn xuôi (Léon Bloy, Ernest Hello), dường như rõ ràng đã sử dụng Chuyến đi mùa đông như cuốn kinh thánh trong đó ai nấy đã vét ra hết cái hay nhất của chính mình: Banville, Richepin, Huysmans, Charles Cros, Léon Valade ở đây kề vai sát cánh với Mallarmé và Verlain và những người khác giờ đây đã rơi vào quên lãng có tên là Charles de Pomairols, Hippolyte Vaillant, Maurice Rollinart (con đỡ đầu của George Sand), Laprade, Albert Mérat, Charles Morice hay Antony Valabrègue.

Degraël ghi chép cẩn thận trên một cuốn sổ tay danh sách những tác giả và phần dẫn những đoạn vay mượn của họ và trở lại Paris, nhất quyết ngay ngày hôm sau sẽ theo đuổi những công việc sưu tầm ở Thư viện quốc gia. Nhưng những biến cố xảy ra không cho phép ông làm công việc này. Ở Paris, giấy lộ trình của ông đang chờ ông. Bị động viên ở Compiègne, ông có mặt, mà thực tình là ông không có đủ thì giờ hiểu tại sao, ở Saint-Jean-de-Luz, qua Tây ban nha và từ đó qua Anh quốc và chỉ trở lại Pháp cuối 1945. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, ông đã đem theo cuốn sổ tay bên mình và điều kỳ diệu là không hề đánh mất nó. Những công việc sưu tầm của ông lẽ dĩ nhiên không hề tiến triển gì nhiều, nhưng dù sao ông cũng có phát hiện một điều đối với ông là chủ yếu: ở Bảo tàng British Museum, ông đã có thể tham khảo cuốn Danh mục tổng quát sách Pháp và cuốn Thư mục nước Pháp và đã có thể xác minh cái giả thiết kinh khủng của mình: Chuyến đi mùa đông, của Vernier (Hugo), quả đã được ấn hành năm 1864, ở Valenciennes, tại Nhà xuất bản và Nhà sách Hervé Frères, và, theo thể thức nộp bản hợp pháp như mọi cuốn sách được xuất bản ở Pháp, đã được nộp tại Thư viện quốc gia và được cấp ký hiệu Z 87912.

Khi được cử làm giáo sư ở Beauvais, Vincent Degraël đã để hết thời giờ rảnh rỗi cho cuốn Chuyến đi mùa đông.

Các tìm kiếm đào sâu trong những cuốn nhật ký riêng tư và những thư từ qua lại giữa phần lớn những nhà thơ cuối thế kỷ XIX đã mau chóng thuyết phục ông tin rằng trong thời của mình, Hugo Vernier từng có được tiếng tăm xứng đáng với ông: những chỗ ghi như “hôm nay đã nhận được một lá thư của Hugo”, hoặc “đã viết một lá thư dài cho Hugo”, “đã đọc V.H. suốt đêm”, hoặc thêm nữa là câu “Hugo, chỉ một mình Hugo mà thôi” nổi tiếng của Valentin Havercamp, tuyệt nhiên không hề ngụ ý nói về “Victor” Hugo, mà là về nhà thơ bất hạnh mà tác phẩm ngắn ngủi hẳn là đã kích động tất cả những ai cầm được sách trong tay. Những mâu thuẫn hiển nhiên mà ngành phê bình và lịch sử văn học chưa bao giờ có thể giải thích được do vậy đã tìm thấy giải pháp hợp lý duy nhất, và tất nhiên chính do nghĩ đến Hugo Vernier và đến món nợ của mình đối với Chuyến đi mùa đông của ông, Rimbaud đã viết “Tôi là một người khác” còn Lautréamont thì “Thơ ca phải được viết bởi mọi người chứ không phải một người”.

Nhưng ông càng làm nổi bật chỗ đứng vượt trội mà Hugo Vernier lẽ ra sẽ phải chiếm được trong lịch sử văn học Pháp cuối thế kỷ vừa qua, ông càng có ít khả năng cung cấp những chứng cứ xác thực cho việc này: bởi lẽ ông không bao giờ còn có thể đặt tay lên một bản nào của Chuyến đi mùa đông. Bản ông từng dùng tham khảo đã bị tiêu huỷ — cùng lúc với toà biệt thự — trong những trận bom ở Le Havre; bản nộp ở Thư viện quốc gia không còn ở đó khi ông đến hỏi sách và chỉ sau nhiều vận động kéo dài ông mới có thể được biết năm 1926 sách đã được đem gửi đến một nhà đóng sách nhưng người này lại chưa bao giờ nhận được. Tất cả những công việc tìm kiếm mà ông nhờ cả hàng chục và hàng trăm nhân viên thư viện, nhân viên lưu trữ, những người bán sách làm đều cho thấy là vô ích, và Degraël tin tưởng ngay rằng năm trăm bản trong lần ấn hành kia đã bị cố tình tiêu huỷ bởi chính những người từng trực tiếp lấy cảm hứng từ tác phẩm ấy.

Cuộc đời của Hugo Vernier, Vincent Degraël không biết được gì hay gần như thế. Một ghi chép nhỏ bất ngờ, moi ra từ một cuốn sách mờ nhạt Tiểu sử các danh nhân ở miền Bắc nước Pháp và ở Bỉ (Verviers, 1882), cho ông biết tác giả này sinh ở Vimy (Pas-de-Calais) ngày 3 tháng Chín 1836. Nhưng những giấy chứng hộ tịch ở phòng hành chánh quận Vimy đã bị cháy rụi năm 1916, cùng lúc với những bản sao nộp ở toà tỉnh Arras. Có vẻ như không hề có một bản khai tử nào được lập ra.

Trong gần ba mươi năm, Vincent Degraël đã hoài công cố gắng thu thập những chứng cứ về sự hiện hữu và tác phẩm của nhà thơ này. Khi ông mất, tại bệnh viện tâm thần ở Verrières, mấy người học trò cũ của ông khởi công sắp xếp đống tư liệu và bản thảo mênh mông mà ông để lại: trong số ấy có một cuốn sổ dày cộm đóng bìa cứng bằng vải màu đen, nhan sách mang dòng chữ Chuyến đi mùa đông với nét viết nắn nót cẩn thận: tám trang sách đầu phác lại lịch sử những công việc sưu tầm vô hiệu ấy; ba trăm chín mươi hai trang khác để trắng.

 

[Bản Việt ngữ này của Hoàng Ngọc Biên đã được Tủ Sách Nhân & Dân / Trình Bầy xuất bản 2003.]
---------------------------------------------------------------------------------------
Xin xem thêm lời giới thiệu của Hoàng Ngọc Biên: Về Georges Perec và "Chuyến đi mùa đông"
đăng song song trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021