thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cội cây, tảng đá, đám mây
(Phạm Viêm Phương dịch)

 

Carson McCullers (1917-1967) Nữ văn sĩ với tác phẩm mổ xẻ nội tâm của những con người cô đơn. Tiểu thuyết hay nhất của bà, The Heart is a Lonely Hunter ('Con tim là một thợ săn cô đơn', 1940), kể về năm cư dân với đủ ngành nghề ở một thị trấn nhỏ cố gắng tuyệt vọng để giữ gìn thế giá của mình. Những tác phẩm đáng kể khác là The Member of the Wedding ('Thành viên lễ cưới', 1946), và Reflections in a Golden Eye ('Những phản chiếu trong một con mắt vàng', 1941). Truyện ngắn sau đây được rút từ tập truyện The Ballad of the Sad Café ('Khúc ballad quán cà phê buồn', 1951) thường được coi là tuyệt tác của bà. Tập truyện, cũng như riêng truyện dưới đây, đầy những nhân vật kỳ quặc với tính cách bị méo mó đi vì cuộc sống tù túng tại những nơi hẻo lánh, và nhất là vì nỗi tuyệt vọng và cô đơn.

 

Sáng đó trời mưa và vẫn còn tối. Khi chú bé bước vào quán cà phê là chú đã giao báo gần xong và muốn uống một tách cà phê. Đó là một quán bán thâu đêm của một tay riết róng và bẳn gắt tên là Leo. So với con phố trống trải, lạnh lẽo thì quán có vẻ sáng sủa và thân mật, dọc quầy có mấy người lính, ba người thợ nhà máy sợi, và ở cuối quầy trong góc có một ông ngồi cúi gầm dí cái mũi và nửa khuôn mặt xuống vại bia. Chú bé đội một cái mũ kiểu phi công. Khi bước vào chú gỡ khóa sợi quai vòng dưới cằm và vắt dải quai bên phải ra sau vành tai nhỏ hồng của mình, thường thường khi chú uống cà phê ở đây sẽ có ai đó bắt chuyện với chú một cách thân thiện. Nhưng sáng nay Leo chẳng nhìn mặt chú và chẳng ai nói chuyện gì. Chú trả tiền và định đi ra thì có tiếng gọi:

“Nhỏ! Ê nhỏ!”

Chú quay lại, ông già ngồi trong góc đang ngoắc ngoắc ngón tay và gật đầu với chú. Ông đã ngẩng mặt khỏi vại bia và đột nhiên trông có vẻ rất sung sướng. Ông ta gầy cao, xanh xao với lỗ mũi bự và mái tóc đỏ nhạt.

“Ê, nhỏ!”

Chú đi tới chỗ ông ta. Chú hơi nhỏ con so với tuổi mười hai, vai lệch đi vì giỏ đựng báo. Khuôn mặt chú ngô nghê, lốm đốm tàn nhang, và đôi mắt là mắt tròn xoe trẻ con.

“Sao, thưa ông?”

Ông ta đặt tay lên vai chú bé giao báo, rồi nắm cằm chú, từ từ xoay mặt chú từ bên này qua bên kia. Chú hơi khó chịu giật lui lại.

“Kìa ! Cái trò gì vậy?”

Giọng của chú nghe chát chúa. Cả quán đột nhiên im lặng.

Ông già nói chậm rãi, “Ta yêu chú.”

Những người ngồi dọc quầy bật cười. Chú bé nhăn nhó, bước lui ra và lúng túng không biết làm sao. Chú ngước nhìn Leo ở quầy, ông này nhìn lại với vẻ chế giễu mệt mỏi. Chú cũng cố cười lên, nhưng ông già thì rất nghiêm trang và buồn bã.

“Ta không chọc chú đâu, nhỏ” ông nói. “Ngồi xuống làm một ly bia với ta đi. Có mấy điều ta phải giải thích.”

Rụt rè, bằng đuôi mắt, chú nhìn những người ngồi dọc quầy như để hỏi ý xem cậu phải làm gì, nhưng họ đã quay về với bia và bữa sáng của họ, chẳng để ý gì đến chú nữa. Leo đặt một ly cà phê và bình kem nhỏ lên mặt quầy.

“Nó còn nhỏ à nghe,” Leo nói.

Chú chuồi người lên chiếc đôn cao, vành tai dưới dải quai nón lật ngược trông rất nhỏ bé và đỏ ửng. Ông già gật gù với chú. “Đó mới là quan trọng,” Rồi ông móc trong túi quần ra một món cầm trong lòng bàn tay đưa cho chú bé coi.

“Nhìn kỹ nghe,” ông ta nói.

Chú nhìn, nhưng chẳng có gì cần phải kỹ lưỡng cả. Ông ta để trong lòng bàn tay to bè, lấm lem một bức ảnh. Đó là khuôn mặt một người đàn bà, nhưng đã mờ, nên chỉ còn chiếc nón và bộ váy bà ta mặc là nổi bật lên.

“Thấy chưa?” ông ta hỏi.

Chú gật đầu, ông ta đặt thêm một bức nữa lên lòng bàn tay. Người đàn bà mặc bộ đồ tắm đứng ở bãi biển. Bộ áo làm cho bụng bà ta trông bự khiếp, đó là điểm làm ta chú ý.

“Thấy rõ không?” Ông già chồm tới sát hơn, rồi sau cùng hỏi; “Trước giờ cóù nhìn thấy bả không?”

Chú bé ngồi im, nhìn nghiêng nghiêng người đàn ông. “Không, không biết.”

“Được.” ông ta thổi vào những bức ảnh rồi cất vào túi. “Đó là vợ ta.”

“Chết rồi hả?” chú bé hỏi.

Ông già lắc đầu chậm rãi, miệng chu ra như sắp húyt sáo trả lời kéo dài giọng “Khôôông… Để ta nói cho nghe.”

Bia trên quầy trước mặt ông ta trong một vại lớn màu nâu sẫm. Ông không cầm lên uống. Thay vì thế ông ta cúi xuống và, kề mặt trên mép vại, rồi dừng lại ở đó một lát, rồi bằng hai tay, ông nghiêng vại bia qua vàhớpï.

“Có đêm ông sẽ ngủ cắm mũi vào ly bia rồi chết ngộp luôn,” Leo nói. “Nhiều tay nhập cư sừng sỏ đã chết đuối trong bia rồi. Chết vậy mới thấy thương chứ.”

Chú bé cố ra hiệu cho Leo. Khi ông già không để ý, chú nháy nhó và máy miệng hỏi không thành tiếng “Xỉn hả ?” Nhưng Leo không trả lời, chỉ nhướng mày và quay qua đặt mấy miếng thịt hồng lên tấm vỉ nướng. Ông già đẩy vại bia ra, ngồi thẳng lên, khẽ xếp hai bàn tay cong queo trên mặt quầy. Khuôn mặt ông ta buồn phiền khi nhìn chú bé bán báo. Ông không chớp mắt mà thỉnh thỏang hai mí mắt lại sụp xuống đôi mắt màu xanh nhợt nhạt với vẻ nặng nề mong manh. Ngày gần rạng, chú bé xốc lại túi báo.

“Ta đang nói về tình yêu,” ông già nói. “với ta, đó là một khoa học.”

Chú bé nhớm chuồi khỏi ghế. Nhưng ông già giơ ngón trỏ lên và có vẻ gì đó ở ông ta giữ chú lại và không để chú đi.

“Mười hai năm trước ta cưới bà trong ảnh đó. Bà làm vợ ta được một năm, chín tháng, ba ngày và hai đêm. Ta yêu bà ấy. Phải…” ông gằn lại giọng nói đang run rẩy, yếu ớt và tiếp: “Ta yêu bà ấy. Ta cũng nghĩ bà ấy yêu ta. Ta là kỹ sư đường sắt. Bà ta có mọi tiện nghi và đồ xa xỉ trong nhà. Trong đầu ta chẳng bao giờ nghĩ bà ấy không thỏa mãn. Nhưng chú biết có chuyện gì xảy ra không?”

“Meeoo!” Leo kêu lên.

Ông già không rời mắt khỏi khuôn mặt chú bé “Bà ta bỏ đi. Một tối ta về và căn nhà trống rỗng và bà ấy đã đi mất. Bỏ ta luôn.”

“Đi với người khác?” chú bé hỏi.

Ông già nhẹ nhàng đặt bàn tay xuống quầy “Ồ, dĩ nhiên, nhỏ. Đàn bà đâu có bỏ đi kiểu đó một mình.”

Quán cà phê im lặng, mưa lất phất tối đen và vô tận ngòai phố. Leo cầm cây nĩa dài đè lên mấy miếng thịt chiên. “Vậy là mười một năm nay ông đi tìm con mẹ đó, hả ông già tôi nghiệp?”

Lần đầu tiên ông già nhìn sang Leo “Đừng thô lỗ như vậy. Mà tôi đâu có nói chuyện với ông.” Rồi ông quay lại chú bé, ông nói thì thầm bằng giọng bí mật và tin cậy “Đừng thèm để ý đến cha đó, hé ?”

Chú bé e ngại gật đầu.

“Nó là thế này,” ông già tiếp. “Ta là kẻ đã cảm được nhiều điều. Trong đời hết thứ này đến thứ khác ghi lại trong ta. Aùnh trăng. Cặp chân một cô gái đẹp. Hết thứ này đến thứ khác. Nhưng vấn đề là khi ta thưởng thức bất kỳ điều gì thì vẫn có cảm giác kỳ lạ cứ như chúng rất lơ mơ trong ta. Không có gì hoàn chỉnh hay kết hợp với những thứ khác. Đàn bà hả? Ta đã có phần của mình rồi. Cũng vậy thôi. Sau đó đều lơ mơ trong trí óc của ta. Ta là người chưa từng yêu mà.”

Ông chậm chạp nhắm mắt lại, và cử chỉ đó giống như tấm màn hạ xuống sau một lớp kịch. Khi cất tiếng nói tiếp, giọng ông sôi nổi và lời lẽ tuôn ra nhanh hơn, hai dái tai to bè lòng thòng làm như rung lên.

“Rồi ta gặp bà này. Lúc đó ta năm mươi còn bà ấy cứ nói mình còn ba mươi. Ta gặp bà ở một cây xăng, ba ngày sau là cưới. Chú biết nó ra làm sao không? Ta không thể nói rõ được. Tất cả những gì ta cảm thấy được đều tụ quanh bà này. Không còn cái gì là lơ mơ nữa mà đều được hoàn chỉnh lên nhờ bà ta.”

Đột nhiên ông dừng lại, gãi gãi mũi, giọng ông trầm xuống nghe đều đều và oán trách “Ta nói chưa rõ. Nó là thế này. Có vô số những cảm giác đẹp đẽ, những niềm hoan hỉ nho nhỏ rời rạc trong ta. Còn bà này như một dây chuyền lắp ráp của linh hồn ta. Ta cho những mẩu rời của ta chạy qua bà ấy và khi ra khỏi bà ấy ta trở nên hoàn chỉnh. Chú mày hiểu kịp không?”

“Bà ấy tên gì?” Chú hỏi.

“Ồ. Ta gọi bà ấy là Dodo. Mà cái đó không quan trọng.”

“Ông có tìm cách khiến bà ấy trở lại không?”

Ông già làm như không nghe thấy “Trong tình cảnh đó, chú có thể hiểu ta ra sao khi bà ấy bỏ đi.”

Leo lấy thịt khỏi vỉ, nhét hai mảnh trong mớ đó vào một ổ bánh. Ông ta có bộ mặt xám xì, đôi măt ti hí, cái mũi méo mó với những bóng xanh lờ mờ. Một người công nhân ra hiệu thêm cà phê, Leo rót ra một chút. Ông không cho thêm cà phê miễn phí đâu. Những nguời thợ điểm tâm ở đây mỗi sáng, những khách càng quen Leo càng đối xử bần tiện. Ông ta gặm ổ bánh mì cứ như ông miễn cưỡng bố thí cho chính mình vậy.

“Rồi ông không còn gặp lại bà ấy?”

Chú bé chẳng biết nghĩ sao về ông già, và khuôn mặt trẻ con của chú hoang mang trộn lẫn với tò mò và nghi ngại. Chú cũng mới đi giao báo gần đây, vẫn chưa quen rời nhà ra phố lúc sáng sớm kỳ lạ thế này.

“Phải,” ông ta nói. “Ta làm đủ cách để kéo bà ấy về. Đi khắp nơi cố tìm tông tích. Ta tới Tulsa nơi có mấy người họ hàng của bà. Rồi tới Mobile. Ta tới mọi thành phố mà bà từng nhắc tới với ta, và ta truy ra từng người mà trước đây bà có liên quan. Tulsa, Atlanta, Chicago, Memphis… Gần hai năm trời ta lùng khắp xứ mong thấy được bà.”

“Nhưng cặp đó đã biến khỏi mặt đất!” Leo bảo.

“Đừng nghe hắn,” ông già nói một cách kín đáo. “Mà cũng dẹp phứt hai năm đó đi. Không quan trọng. Vấn đề là vào khoảng năm thứ ba có một chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra với ta.”

“Cái gì vậy?” chú bé hỏi.

Ông già cúi xuống, nghiêng ly hớp một miếng bia. Nhưng khi cúi xuống vại bia cánh mũi của ông hơi phập phồng, ông ngửi thấy bia đã lạt mùi và không uống nữa. “Khởi đầu với tình yêu là chuyện rất kỳ lạ. Ban đầu ta chỉ nghĩ đến chuyện tìm lại bà ấy. Như cơn cuồng si vậy. Nhưng rồi thời gian qua, ta đã cố gắng nhớ bà ấy. Chú biết chuyện gì xảy ra không?”

“Không.”

“Khi nằm xuống giường, ta cố gắng nghĩ về bà ấy thì trí óc tự nhiên trống rỗng. Ta không nhớ ra bà ấy, đành phải lấy ảnh ra xem. Vô ích. Chả được gì cả. Trống rỗng. Chú tưởng tượng được không?

“Ê, Mac!” Leo kêu về phía cuối quầy. “Mày có tưởng nổi đầu cha già này trống rỗng không!”

Chậm chạp, như đuổi ruồi, ông già phẩy tay. Đôi mắt xanh của ông tập trung vào khuôn mặt ngây thơ của chú bé.

“Chỉ như một mảnh gương vỡ tình cờ trên hè phố. Hay một điệu nhạc chói tai trong máy hát. Một chiếc bóng trên tường ban đêm. Và ta sẽ nhớ được. Nó có thể tình cờ xảy ra trên phố và ta có thể phát khóc và đập đầu vào cột đèn như chơi. Chú mày hiểu kịp không?”

“Một mảnh gương vỡ…” chú bé lẩm bẩm.

“Bất cứ gì. Nhưng ta cứ đi lòng vòng và không thể biết cách nào hay lúc nào nhớ ra đuợc bà ấy. Mày tưởng tượng như mình dựng nên một thứ áo giáp. Nhưng việc nhớ không đến với kẻ hướng mặt tới trước – nó lẩn đi hoài thôi. Còn ta thì cứ động lòng với những điều ta nghe hoặc thấy. Đột nhiên, thay vì ta lùng sục khắp xứ để tìm bà ấy thì bà ấy lại khởi sự lùng sục ngay trong tâm hồn ta. Bà ấy đang săn đuổi ta. Nghĩ coi! Ngay trong tâm hồn ta.”

“Thế hồi đó ông ở đâu?” sau cùng chú hỏi.

“Ôi,” ông già rên. “ta chỉ là một người phàm tội nghiệp. Nó cũng như đậu mùa đó mà. Thú thật, nhỏ, ta cũng rượu chè, trai gái, cũng phạm đủ thứ tội lỗi nào xúi dục ta. Ta ghét chuyện xưng tội nhưng chắc ta sẽ làm thôi. Nhớ lại thời đó, mọi thứ nó dồn đống trong đầu ta, khủng khiếp.”

Ông già cúi xuống, đập trán lên mặt quầy. Ông cứ cúi như thế trong vài giây, cái gáy khẳng khiu của ông đầy lông màu cam, bàn tay với những ngón tay dài đan chặt vào nhau như cầu nguyện. Rồi ông thẳng người lên, mỉm cười, đột nhiên gương mặt ông rạng rỡ, run rẩy và già đi.

“Đến năm thứ năm thì nó xảy ra,” ông tiếp. “Vàta hình thành khoa học của ta từ đó.”

Miệng Leo nhếch lên một cái cười thóang qua, xa xôi. “Không một đứa nào bọn tôi trẻ lại được nữa,” ông ta nói. Rồi với sự giận dữ đột ngột ông ta chợt vo tấm khăn lau trên tay và ném phạch xuống đất. “Đồ già mê gái thối tha.”

“Cái gì xảy ra?” chú bé hỏi.

Giọng ông già cao và rõ “Bình yên,” ông ta đáp.

“Hơ ?”

“Giải thích khó quá, nhỏ,” ông ta nói. “Ta nghĩ cách giải thích hợp lý là bà ấy với ta cứ săn tìm nhau mãi đến nỗi rối vào nhau rồi đành nằm xuống chịu thua thôi. Bình yên. Một sự trống rỗng kỳ lạ tuyệt vời. Hồi đó ở Portland là mùa xuân, chiều nào cũng mưa. Suốt đêm ta cứ nằm đó trên giường trong bóng tối. Và thế là khoa học của ta hình thành.”

Những cửa sổ của quán đã mờ mờ sáng. Hai người lính trả tiền bia và mở cửa ra – một người chải đầu và chùi vết bùn dưới chân trước khi đi. Ba công nhân vẫn lặng lẽ cúi đầu trên bữa điểm tâm. Đồng hồ trên tường vẫn tích tắc đều đặn.

“Vậy đó. Nghe cho kỹ đây. Ta đã chiêm nghiệm và lý giải được tình yêu. Ta biết trục trặc với mình ở chỗ nào rồi. Lần đầu người ta biết yêu, thế người ta yêu cái gì?”

Miệng chú bé hé ra nhưng không nói gì.

“Một người đàn bà,” ông già tiếp. “Không có khoa học, không có gì trang bị, người ta bước vào công việc thần thánh và nguy hiểm nhất trên đời. Yêu một người đàn bà. Phải không, nhỏ ?

“Dà,” chú bé trả lời xuôi xị.

“Họ đã khởi đầu sai lầm. Đã khởi đầu từ đỉnh cao nhất. Chú mày thấy bi đát chưa? Chú biết người ta phải yêu làm sao không?”

Ông già thò tay nắm lấy cổ áo chú bé. Ông ta lắc nhè nhẹ, đôi mắt xanh của ông không chớp, rất nghiêm trọng.

“Nhỏ, chú biết phải bắt đầu yêu từ cái gì không?”

Chú bé ngồi đó, nhỏ bé, yên lặng và chú ý. Chú lắc đầu nhè nhẹ. Ông già chồm sát tới và thì thào:

“Cội cây, tảng đá, đám mây.”

Ngoài phố vẫn mưa, một cơn mưa dai dẳng , nhẹ và xám xịt. Tiếng còi nhà máy hụ lên báo hiệu ca sáu giờ, ba công nhân trả tiền rồi đi. Chẳng có ai trong quán ngoài Leo, ông già và chú bé bán báo.

“Hồi môn khoa học của ta hình thành ở Portland, trời đất cũng như vầy. Ta suy nghĩ và bắt đầu rất cẩn thận. Ta có thể nhặt bất cứ thứ gì trên đường rồi đem về nhà. Ta mua một con cá vàng, ta tập trung vào nó rồi ta yêu nó. Ta tiến dần từ món này sang món khác. Mỗi ngày ta nắm vững kỹ thuật hơn. Suốt con đường từ Portland đến San Diego…”

“Nín đi!” Leo chợt gào lên. “Nín đi. Dẹp, dẹp!”

Ông già vẫn nắm cổ áo chú nhỏ, ông ta run rẩy và nét mặt bừng sáng, sôi nổi và dại đi. “Sáu năm nay ta một mình đi khắp nơi, xây dựng lý thuyết này. Bây giờ ta là sư tổ rồi. Nhỏ, ta có thể yêu bất cứ cái gì. Thậm chí ta không cần phải nghĩ ngợi nữa. Ta thấy một con phố đầy những người và một ánh sáng tươi đẹp tỏa lên trong ta. Thấy một con chim trên trời, hay gặp một lữ khách trên đường. Mọi thứ, nhỏ à. Và bất cứ ai. Tất cả đều xa lạ và đều được yêu. Chú mày thấy lý thuyết như của ta vậy có ý nghĩa thế nào chưa?”

Chú bé ngồi cứng người, tay bấu vào thành quầy. Sau cùng chú hỏi: “Vậy ông có tìm lại được bà ấy không?”

“Cái gì, nói gì, nhỏ?”

“Tức là,” chú rụt rè. “Ông có yêu lại bà nào nữa chưa?”

Ông già buông tay khỏi cổ áo chú bé. Ông quay đi và lần đầu tiên đôi mắt ông chợt có vẻ rã rời và mơ hồ. Ông nhấc ly lên và uống cạn thứ bia lạt đó. Ông lắc đầu nhè nhẹ rồi đáp: “Chưa, nhỏ. Đó là bước tối thượng trong lý thuyết của ta. Phải rất cẩn thận. Mà bây giờ ta cũng chưa sẵn sàng nữa.”

“Hay!” Leo kêu lên “Hay! Hay!”

Ông già tới bên khung cửa mở. “Nhớ đấy,” ông ta nói. Bóng ông in trên ánh sáng mờ mờ buổi bình minh, trông nhỏ bé, mỏng manh, tơi tả, nhưng nụ cười của ông thì rạng rỡ “Nhớ nghe, ta yêu chú.” Ông gật đầu lần chót. Và cánh cửa lặng lẽ khép lại sau lưng.

Chú bé ngồi nín lặng hồi lâu. Chú vuốt món tóc xoăn xõa xuống trán và rờ rẫm miệng tách trống. Không nhìn Leo, sau cùng chú hỏi:

“Ổng say hả?”

“Không.” Leo đáp cụt ngủn.

Chú cao giọng hơn. “Hay ổng ‘phê’?”

“Không.”

Chú ngước nhìn Leo, khuôn mặt nhỏ bé của chú tuyệt vọng. “Hay ổng điên? Ông có nghĩ ổng điên không?” giọng chú chợt trầm xuống với vẻ nghi ngờ. “Ông Leo? Có không?”

Nhưng Leo không trả lời chú. Leo đã bán quán này mười bốn năm rồi, và tự cho mình là kẻ phê phán các loại tính khí điên khùng. Có đủ hạng dân thành phố cũng như dân tạm cư đã lui tới đây hàng đêm. Ông biết mọi tính khí quái đản của họ. Nhưng ông không muốn thỏa mãn các câu hỏi của chú bé. Ông nghiêm mặt lại và im lặng.

Chú bé đành kéo dải quai nón xuống, và khi xoay mình đi ra chú chỉ phát biểu một câu mà chú cho là an toàn nhất, một câu chắc chắn là sẽ không bị cười cợt hay rẻ rúng :

“Ông già này cũng đi nhiều dữ.”

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021