thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
1 gồm 3

 

Hắn, tôi từng gặp ở đâu đó, một tỉnh lẻ thuộc miền Trung. Tôi gặp lại hắn ở Sài Gòn, cư ngụ cùng khu phố nghèo, đù mẹ kiếp nghèo, tuy nhiên cái quán nửa khuya đầu hẻm 24/24 giờ mở cửa, ngồi uống một ly cà phê đen cũng được nghe nhạc vàng mệt nghỉ, tới chán không thôi. Nói chuyện gì cũng vậy, chuyện gì cũng thú vị dù có thối tha đến mấy, hắn từng học hành tới nơi tới chốn, và hắn chịu chơi. Hắn đẹp trai, râu ria và mệt mỏi thấy mẹ, cũng hay hay, như tài tử điện ảnh Mỹ. Hóa ra, trước 30 tháng 4, tôi về Đại Đội Hắc Báo thì hắn vừa ra khỏi, đi bụi đời dân vốn là lính đào ngũ, trải dài từ Huế xuôi xuống ngược lên khắp miền Trung. Hắn lấy vợ, một cô gái tỉnh lẻ thuộc miền Tây, ít học, đẹp nảy lửa, về Sài Gòn cư ngụ cùng khu phố nghèo với tôi. Bây giờ hắn và tôi thường xuyên gặp nhau, tìm lại một thời đã mất qua những bản nhạc vàng, quán nửa khuya 24/24 giờ mở cửa.

Không thấy hắn trong quán nửa khuya. Tiếng hát một ca khúc nhạc vàng muôn thuở: Quán nửa khuya đèn mờ như sương khói… Đù mẹ, khói lựu đạn. Tiếng cãi lộn ngoài con hẻm, sát bên quán: Có người thấy rõ ràng cô mở phẹc-mơ-tuya quần gin thằng cha giám đốc công ty… Thế anh biểu tui làm gì để có tiền cho anh ngồi một chỗ mà viết tối ngày. Tui chỉ lo kiếm tiền, có bao giờ thắc mắc anh viết cái giống gì, mà anh còn thắc mắc tui cởi quần ông này cởi quần ông nọ. Cô không có quyền nói gì về cái việc viết lách của tôi. Tôi muốn biết thằng cha đó là thứ gì mà cô mê mẩn, sẵn sàng ăn nằm với nó? Anh biết rồi mà, ổng là giám đốc công ty chớ còn là thứ gì nữa mà anh còn hỏi. Ổng là khách xịn nhứt của nhà hàng, mỗi lần cùng bạn bè tới, ổng mang theo 5-7 trăm đô. Ổng chỉ xài tiền đô, không thèm xài tiền Việt Nam… Tôi mà có súng như hồi đó, tôi cho cô ăn một viên đạn ngay tức thì. Thôi đừng nói làm phách, có súng mà bắn cái lồn què…

Hắn nhớ cái thời Đại Đội Hắc Báo. Than ôi, dầu thì hôi, đời thì tăm tối em ôi [1]. Nhắc lại bất cứ cái thời nào cũng thấy rầu bỏ mẹ.

Nhà thơ thờ cha nội Stalin, nói phải tội, dù sao cũng đã ra người thiên cổ. Thế ông nhà thơ ngồi lõm tường thì còn sống à? Nói gì thì nói, phải trả lại lẽ công bằng cho người ta. Cái còn lại là gì, của một nhà thơ? Thơ của nhà thơ thờ cha nội Stalin sẽ ngã qụy ngay tức khắc, khi đứng ngoài biên chế chính trị. Còn như thơ của nhà thơ ngồi lõm tường, dù bị bỏ ẩm mốc hay vất vưởng ở đâu, cũng sẽ đứng lên được là thơ. Vậy mà ở xứ sở ta bây giờ, đã thành truyền thống nhà chính trị thích làm thơ, và nhà thơ thèm làm chính trị. Bởi vậy mới ra nông nỗi: Thơ ca của xứ sở ta ở trên mức vè một chút, do bàn tay các nhà chính trị thích làm thơ đẩy lên tới mức đó. Còn nhà thơ thèm làm chính trị, đã làm sáo rỗng thơ ca bằng những tu từ nhơm nhớp về nguồn. Tôi hỏi: Anh viết văn hả? Tôi viết. Tôi chỉ còn tin vào những chữ.

Anh có biết ông kia không, hình như là nhà văn gì đó. Tôi cũng không quen biết ông ấy, có vẻ là một nhà văn từ trước 30 tháng 4 . Mục kỉnh của ông ta trễ xuống sống mũi

cùng những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt sáng, râu lởm chởm. Một con chó chạy ra cùng hai đứa nhỏ. Nó, con chó ấy khá đẹp đực, lúc thì tới chiếc xe tải nhỏ, lúc thì tới chiếc xe ba-gác máy, ngửi bánh xe, sau khi ngửi, co một chân lên, đái vào bánh xe mỗi chiếc một cái. Hai đứa nhỏ, đứa bé trai lớn hơn đứa bé gái, đứng lơ ngơ bên nhau trên vỉa hè, một trong những vỉa hè không phải là vỉa hè, mà đúng là vỉa hè của khu phố nghèo. Chúng, hai đứa nhỏ ấy, ôm giữ mấy thứ đồ chơi rẻ tiền, tất nhiên bằng nhựa.

Chiếc xe ba-gác máy nổ máy. Người đàn ông có vẻ là một nhà văn từ trước 30 tháng 4, ngồi chen giữa đống sách trong thùng xe. Đứa bé gái ngồi trên bọt-ba-ga của chiếc xe, thấp chủn sau lưng anh lái, một tay lau nước mắt, một tay ôm mấy thứ đồ chơi bằng nhựa. Chiếc xe ba-gác máy đi khuất góc phố, chiếc xe tải nhỏ bắt đầu nổ máy. Người đàn bà, vẫn còn nước nôi lắm, và đứa bé trai ngồi trong ca-bin cùng bác tài xế. Tiếng người đàn bà: Sao con giữ con búp-bê của em?

Chiếc xe lăn bánh, rời khu phố nghèo, hai mươi năm ấy không buồn sao đang [2]

Hắn nói: Ôi cái cảnh chia tay sao mà buồn vậy. Nhưng đù mẹ, con vợ tôi nó đíu về nhà nữa, tôi chẳng có cơ hội nào để chia tay sao mà buồn bã. Con đường mang tên em, đèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu xưa. Hắn lại nói: Con đường này tên là gì? Xin thưa, đường Minh Phụng, bà con ở đây nói đó là tên chàng kép hát cải lương. Hắn lại hỏi: H của ông bây giờ ra sao? Tôi nói về sự bốc hơi của thể lỏng. Lúc đầu tôi thấy H ở thể rắn. Hóa ra không phải. Mà H có phải của tôi đâu. Tôi chẳng trách nhiệm gì hết về mọi chuyện.

Hàng cây bằng lăng dọc vỉa hè đường Minh Phụng, một trong những vỉa hè không phải là vỉa hè, mà đúng là vỉa hè của khu phố nghèo, hoa phớt màu tím xứ Huế, lãng mạn bỏ mẹ, bề gì cũng là an ủi. Nhạc vàng sến bỏ mẹ, bề gì cũng an ủi nỗi lòng hai người đàn ông nguyên là lính Đại Đội Hắc Báo, ăn thịt hộp ba lát, hút thuốc lá Camel hương vị Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh lương Mỹ một thời.

 

Sài Gòn, 20-10-2004

_________________________

[1]Thơ Viên Linh

[2]Thơ Trần Dạ Từ


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021