thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giờ lành
Tặng Nguyễn Hưng Quốc

 

Joseph Huỳnh Văn không hề ngạo mạn khi tôn trọng mọi nhân cách ngang bằng nhau. Tôi hỏi anh: “Sao không cho thằng ăn cắp đó một cú direct?” Anh lắc đầu: “ Đăng không nên nói như thế… Ông ta có lý do chính đáng và khẩn thiết lắm mới làm như vậy”. Ông ta là một tên đạo chích chuyên nghiệp. Tôi cũng sẽ xử sự như anh, trước một thực trạng đơn giản, cụ thể, như cái nghề của tên đạo chích chuyên nghiệp, Joseph Huỳnh Văn lại giống tôi ở chỗ từng học quyền Anh thuở thanh niên. Anh là người bạn duy nhất mà tôi đã dẫn tới nhà chị Tường ở Đơn Dương. Chị Tường là chị cùng cha khác mẹ với tôi. Chị rất đẹp, thứ nhan sắc thoạt nhìn chỉ hơi đẹp, càng lúc càng thấy đẹp. Ngôi nhà của chị ở Đơn Dương rất đẹp, cái đẹp cũng giống nhan sắc của chị. Tôi đưa H giữ bức ảnh rất đẹp của tôi, chụp tôi cách đây hơn mười năm, ngồi trên bậc thềm ngôi nhà gỗ ấy. Chị Tường sống cuộc đời độc thân. Thỉnh thoảng tôi từ Sài Gòn lên Đơn Dương thăm chị, ở lại một thời gian có thể tính hàng tháng, nhưng xen kẽ ngày tháng đó là những buổi đi chơi mịt mù phố xá Đà Lạt.

Lần này ngôi nhà rất đẹp của chị Tường có một nỗi bi thảm ẩn trong đó. Suối tóc huyền của chị Tường, như người ta vẫn thường nói vậy, đã rụng hết trơn trụi, tôi không thể mở mắt nhìn lâu chút ít khuôn mặt chị Tường. Lúc nào đây tôi ôm lấy thây dòng suối tắt…?[1] Tôi đoán chị Tường sắp từ biệt sự sống, chỉ vài ngày nữa mà thôi. Hai, ba, hay bốn ngày nữa là cùng. Giọng nói của chị vẫn dịu dàng, có đuối sức chút ít: “Cậu gì nhỉ, cậu gì là nhà thơ bạn của em, vẫn khoẻ mạnh đấy chứ?” Tôi nói: “Dạ”. Tôi không dám nhắc lại tên bạn tôi, Joseph Huỳnh Văn, anh đã chết cách đây mười năm.

Joseph Huỳnh Văn, suốt cuộc đời chỉ là nhà thơ, toàn bộ cuộc đời nhà thơ chỉ làm vài mươi bài thơ. Mỗi bài thơ của anh là một dung tích những tinh huyết. Anh là một trong số hiếm hoi những nhà thơ có khả năng cụ thể hóa những gì trừu tượng và trừu tượng hóa những gì cụ thể. Cách đây trên mười năm, tôi đã đọc cho chị Tường nghe một bài thơ của Joseph Huỳnh Văn. Bài thơ viết về buổi chiều chia tay ở một cánh rừng miền Trung, giữa một thiếu nữ và một chàng trai lên đường nhập cuộc Cách Mạng Mùa Thu. Đôi mắt chị Tường hoen lệ. Chị nói: “Em đã kể chuyện của chị cho cậu bạn nhà thơ nghe phải không?” Tôi chỉ nghe một lần chị Tường nói chia tay người ấy ở cánh rừng vùng Liên Chiểu, tôi không biết gì nhiều hơn nữa. Và chị đợi người ấy suốt đời.

Tôi nói với Nhị, cô sinh viên lối xóm của chị Tường bây giờ đã tốt nghiệp đại học: “Tôi đi Đà Lạt tới trưa là về thôi”. Tôi ngó chỗ chị Tường nằm, gặp lúc chị nhớm người lên nhìn tôi, và tôi nói vọng vào: “Em đi ra đây một chút xíu thôi chị à”.

Đôi giày thô tháp của tôi đạp lạo xạo trên lối đi đầy sỏi đá. Một nỗi căm hận, nó váng vất trong đầu, nó lảng vảng chung quanh, nó ở rất xa chợt hiện diện sát gần. Ngôi nhà và bóng tối mưng độc, lối đi những viên đá cuội trơ cục, những dòng thơ đau đớn của một buổi chiều chia tay nơi cánh rừng bị đánh cắp, tên đạo chích vô hình, một ông ta khác, không đơn giản trộm cắp của cải vật chất của người ta, hắn đã đốt phá, đám lửa nơi cánh rừng chỉ riêng chúng tôi nhìn thấy, Joseph Huỳnh Văn và tôi, chỉ riêng chúng tôi, trái tim bị thui đen như miếng mồi nhem nhuốc của loài ác thú. Joseph Huỳnh Văn, người mà nỗi ô nhục của bất cứ ai cũng làm trái tim anh bị tổn thương, đã căm hận: “Tôi tôn trọng các nhà thơ, nhưng ông ta… ông ta làm vậy… tôi phải nói rằng tôi không thể tôn trọng ông ta được”. Tên đạo chích đánh cắp bài thơ, hắn gắn bài thơ đánh cắp nơi cánh rừng vào cảm đề từ một góc phố, trong brochure tranh triển lãm của một số họa sĩ chốn Kinh Thành Cũ. Hình ảnh chị Tường ở chỗ nằm trong ngôi nhà gỗ đầy bóng tối mưng độc bám theo từng bước chân tôi. Tên đạo chích hợm hĩnh đeo mang chiến lợi phẩm, kêu đòi tàn sát sự sống trong thân thể chị.

Tên đạo chích chỉ chịu rời bỏ khi bước chân tôi tới bậc thềm ngôi nhà gỗ, con phố rất cao ở Đà Lạt, ngôi nhà gỗ này giống hệt ngôi nhà gỗ của chị Tường ở Đơn Dương. Tấm biển hiệu bằng gỗ thông, kẻ chữ kiểu cổ điển, dạng chữ không chân: VEGETARIAN RESTAURANT.

Bóng tối, vẫn là bóng tối ấy, nhưng không còn mưng độc. Bóng tối mềm mại không khác sự mềm mại của sóng nước dòng sông xanh, êm đềm, thanh thản. Tôi cởi đôi giày thô tháp để dưới chân cầu thang, bước lên lầu. Một thực khách người ngoại quốc ngừng ăn, ngó tôi và gật đầu chào. Vài ba người nữa, rồi tất cả thực khách, hết thảy là người ngoại quốc ở những đất nước phương Tây, mỗi người đều ngừng ăn giây phút để gật đầu chào tôi. Tôi chỉ có ý định uống một tách cà phê, một ly sữa đậu nành chẳng hạn, rốt cuộc tôi kêu một dĩa cơm đậu hũ. Chị Tường đã ăn đậu hũ trong suốt cuộc đời của chị.

Tiếng động khuơ trên sàn gỗ. Tất cả thực khách đều vẫn đi giày hoặc đi xăng-đan khi lên lầu. Rồi tôi ngó cánh rừng thông bên kia thung lũng đang tỏa lên sương khói. Buổi chiều hôm qua, rời chỗ chị Tường, tôi ngồi bên cửa sổ căn phòng dành cho tôi trong ngôi nhà, ngó cánh rừng thông tỏa sương khói lam chiều. Rồi tôi ứa nước mắt, bài thơ ngắn ngủi của Joseph Huỳnh Văn đẫm lệ. Tôi cầu nguyện cho chị Tường. Rồi hân hoan rạng mở, chị gặp lại nhà thơ bạn em nơi êm đềm ấy, trong bóng tối ấy, chốn vĩnh hằng ấy.

10 giờ sáng. Tôi rời quán, gật đầu chào lại tất cả những thực khách người phương Tây. Họ hoàn toàn không mệt mỏi sau chuyến hành hương dài ngày vùng núi Himalaya, qua Karachi, Katmandu nữa.

Tôi không thấy một đôi giày hay một đôi xăng-đan nào dưới chân cầu thang, kể cả đôi giày thô tháp của tôi. Nhưng không đến nỗi, chân tôi còn đi vớ. Dù sao, con đường từ VEGETARIAN RESTAURANT tới trạm điện thoại khá dài, lại không trải nhựa, mặt đường đất màu hạt cà phê có nhiều sỏi đá lụn vụn làm gan bàn chân tôi đau buốt. Cạnh sắc của một mảnh đá xanh trồi lên mặt đường rạch đứt giữa gan bàn chân trái, máu thấm ướt dưới vớ.

Tôi nói chuyện điện thoại với H: “Chị Tường đã đi rồi”. Tôi không muốn H ở mãi trong trạng thái hồi hộp về giây phút tàn hơi của chị tôi. H hỏi thăm, hỏi thăm mãi, từng giờ từng phút, kể từ ngày tôi lên Đơn Dương. “Chị Tường mất lúc mấy giờ hả anh?” Tôi nhìn vào chiếc đồng hồ to tròn trong một gian hàng phố, ngay trước trạm điện thoại: “10 giờ”. H nói: “Giờ lành đấy, anh ạ”.

Tôi trở về Đơn Dương, Nhị ngồi ôm mặt khóc trên bậc thềm ngôi nhà gỗ của chị Tường, nơi tôi đã ngồi chụp ảnh mười năm về trước. Tôi hỏi Nhị về giây phút chị tôi lìa đời. “Dì mất lúc 10 giờ 5 phút. Có lẽ là 10 giờ, cái đồng hồ của cháu hình như chạy nhanh 5 phút… Êm đềm lắm cậu à, dì ra đi thanh thản, trông như dì đang ngủ… Trước lúc nhắm mắt, dì nhắc tên ông H.B., ông Joseph Huỳnh Văn, và tên cậu”. Tôi hối tiếc không nói cho chị Tường biết, ông H.B., trong cuộc phỏng vấn những sĩ quan quân báo vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông nhắc mãi tới chị Tường, người yêu của ông, mất tích từ thời gian ông nhập cuộc Cách Mạng Mùa Thu.

 

Sài Gòn, 1-11-2004

_________________________

[1]thơ Tô Thùy Yên


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021