thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Plume ở nhà hàng
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

Henri Michaux (1899, Namur, Bỉ - 1984, Paris, Pháp) là một con người cô đơn và có chỗ đứng thật sự riêng lẻ trong văn học Pháp. Khai phá nội tâm mình và nỗi đau của con người qua những giấc mộng, những truyện huyền tưởng và cả những thể nghiệm tác động ma túy, Michaux nghiêng về phía các nhà thơ siêu thực, nhưng không hề gia nhập phong trào này. Có thể nói toàn bộ những cái ông viết đều thể nghiệm sự tương quan giữa thực tại và chính bản thân ông, sự tương quan mang những kích thước gần như ám ảnh – ám ảnh về chính lý lịch của mình. Nhiều sáng tác của ông xuất phát từ những giấc mơ và ác mộng, phác vẽ một thứ địa lý nội tâm, nhận thức về chính mình soi từ thực tại, và từ cả cái tưởng tượng và vô thức... Tác phẩm Michaux, kể cả tác phẩm tạo hình, luôn đứng bên ngoài mọi kiểu phân loại.
        Nhân vật Plume, như trong mẩu truyện dưới đây cho thấy, dường như bị ám ảnh, bị truy nã, bị theo dõi bởi những thế lực khắt khe vừa từ bên ngoài vừa từ bên trong chính mình. Dường như cuộc chiến thật sự của Plume không là cuộc chiến với người khác, với một thực tại vật chất, mà là với chính mình và trong nội tâm mình. Cái tên Ông Plume (theo Michaux, tên này được lấy từ truyện ngắn "The System of Doctor Tarr and Professor Feather" của Edgar Allan Poe) thôi, như một cái tôi khác, cũng mang nhiều ý nghĩa: một sợi lông nhẹ và dễ bị gió cuốn quả là tượng trưng cho sự bị bỏ rơi, sự bất lực.
        Tác phẩm chính: Qui je fus, 1927; Un barbare en Asie, 1932; Voyage en Grande Garabagne, 1936; Plume 1938; L’Espace du dedans, 1944; Par la voie des rythmes, 1974; Idéogrammes en Chine, 1975; Chemins cherchés, chemins perdus, transgressions, 1982.

 

_________________________

 

Plume ở nhà hàng

 

Plume ăn đang trưa ở nhà hàng, thì người đầu bếp tiến lại, nhìn ông một cách nghiêm trọng và nói nhỏ với ông bằng một giọng bí ẩn: “Cái món ông đang xơi trên đĩa không có trong thực đơn”.

Plume tức thì xin lỗi.

– Thế này, ông nói, vì vội vàng, tôi đã không buồn lấy thực đơn ra xem. Tôi chỉ tình cờ gọi một món sườn, vì nghĩ rằng có lẽ ở đây có món ấy, hoặc giả không có thì ngưòi ta cũng dễ dàng kiếm ra đâu đó quanh đây, nhưng tôi cũng đã sẵn sàng hỏi một món khác nếu không có món sườn. Người bồi bàn, không để lộ một chút kinh ngạc nào đặc biệt, bỏ đi và sau đó không lâu đã mang đến cho tôi món ấy, thế đấy...

Tất nhiên tôi sẽ trả món này với giá cần phải trả. Miếng sườn ngon lành lắm, tôi không phủ nhậnđiều này. Tôi sẽ trả đúng giá của nó không ngần ngại. Nếu biết trước, tôi đã sẵn sàng chọn một miếng thịt khác hoặc đơn giản là một cái trứng, dù sao thì giờ đây tôi không còn đói nữa. Tôi sẽ thanh toán tiền với anh ngay đây.

Tuy nhiên, người đầu bếp không nhúc nhích. Plume cảm thấy ngượng nghịu ghê gớm. Sau một lúc ngước mắt lên... chà! bây giờ đến lượt ông chủ nhà hàng đứng ngay trước mặt mình.

Plume tức thì xin lỗi.

– Tôi không biết, ông nói, rằng món sườn không có trong thực đơn. Tôi không có nhìn thực đơn, là bởi mắt tôi kém lắm mà tôi thì lại không đeo kính cặp mũi, và còn nữa, lúc nào đọc tôi cũng thấy đau kinh khủng. Tôi đã gọi thức ăn đầu tiên đến với tôi trong đầu, và để khơi mào những đề nghị khác đúng hơn là do sở thích cá nhân. Cậu bồi bàn chắc hẳn là đang bận nên không tìm cách hỏi gì thêm, cậu ấy đem lại cho tôi món này, và chính tôi thì vả lại hoàn toàn lơ đễnh nên cứ thế mà ăn, thế thì... tôi sẽ trả tiền cho chính ông bởi vì sẵn ông ở đây.

Tuy nhiên, ông chủ tiệm không nhúc nhích. Plume càng lúc càng ngượng nghịu. Khi ông chìa tờ giấy bạc cho ông này, đột nhiên ông thấy tay áo của một bộ đồng phục; trước mặt ông chính là một viên cảnh sát.

Plume tức thì xin lỗi.

– Thế này, ông bước vào để nghỉ ngơi một chút. Đột nhiên, người ta sỗ sàng hét vào tai ông: “Thưa Ông cần gì? Sẽ là...? – Ồ... một cốc bia”, ông nói. “Rồi gì nữa?...” cậu bồi bàn giận dữ hét lên; thế là để thoát khỏi tình hình kia đúng hơn là cái gì khác: “Thế thì, một món sườn vậy!”

Ông không còn nghĩ đến chuyện gọi thức ăn, thì đã thấy người ta đem đến cho mình trong một cái đĩa; bấy giờ, quả thực, vì món ăn nằm chình ình ngay trước mặt...

- Xin ông nghe đây, nếu như ông muốn thử dàn xếp chuyện này, ông quả là rất tử tế. Đây này để biếu ông.

Và ông chìa ra trước ông này một tờ giấy bạc một trăm quan. Khi nghe những bước chân đã đi xa, ông tưởng mình đã tự do rồi. Thế nhưng bây giờ thì đứng trước mặt ông là ông cò cảnh sát.

Plume tức thì xin lỗi.

- Ông có hẹn với một người bạn. Ông đã hoài công tìm ông ta suốt cả buổi sáng. Thế rồi do ông biết được rằng người bạn trên đường từ văn phòng trở về nhà thế nào cũng đi qua con đường này, ông đã bước vào đây, đã lấy một cái bàn gần cửa sổ và ngoài ra vì chờ đợi có thể sẽ lâu và ông lại không muốn mình có vẻ như không dám xài tiền nhiều hơn, ông đã gọi một món sườn; cho có một cái gì đó để trước mặt mình. Không một lúc nào ông nghĩ đến chuyện ăn. Thế nhưng bởi nó nằm chình ình trước mặt, nên một cách máy móc, không hề ý thức một chút xíu nào về việc mình làm, ông bắt đầu xơi.

Cần phải biết rằng có cho vàng ông cũng chẳng đi ăn nhà hàng. Ông vẫn chỉ ăn trưa ở nhà. Đây là một nguyên tắc. Đây chỉ là một sự đãng trí thuần túy, như có thể xảy ra cho bất cứ con người nào thần kinh bị căng thẳng; một sự vô thức thoáng qua; không gì khác.

Thế nhưng ông cò, sau khi gọi điện cho trưởng phòng An ninh cảnh sát quốc gia: “Nào, ông ta vừa nói với Plume vừa chìa cho ông cái điện thoại. Ông hãy cắt nghĩa một lần dứt khoát. Đây là dịp thoát nạn cuối cùng của ông đấy.” Và một viên cảnh sát thô bạo đẩy ông tới và bảo: “Bây giờ đã đến lúc phải nghe răm rắp rồi đấy, hả?” Và khi những người lính cứu hỏa đi vào nhà hàng, ông chủ tiệm bảo ông: “Ông thấy tiệm chúng tôi thiệt thòi như thế nào chưa. Thật đúng là một tai hoạ!” Và ông đưa tay chỉ vào căn phòng khi các khách ăn vội vả bỏ đi ra.

Những nhân viên Mật vụ bảo ông: “Chúng tôi cho ông biết, kịch liệt rồi đấy. Tốt hơn ông nên thú nhận toàn sự thật. Với chúng tôi đây không phải là vụ đầu tiên đâu, hãy tin tôi đi. Khi vụ việc đã chuyển qua tình thế này, ấy có nghĩa là nó đã trầm trọng rồi.”

Tuy nhiên, một tên cảnh sát lớn con thô lỗ rỉ tai ông: “Hãy nghe đây, ta không làm gì được. Mệnh lệnh là mệnh lệnh. Nếu ngươi không nói vào điện thoại, ta đánh. Nghe rõ chứ? Hãy thú nhận đi! Ta cho biết trước rồi đấy. Nếu ta không nghe ngươi nói, là ta đánh.”

 

Trong tập Plume précédé de lointain intérieur (Paris: Éditions Gallimard, 1963).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021