thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Plume du lịch
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

Henri Michaux (1899, Namur, Bỉ - 1984, Paris, Pháp) là một con người cô đơn và có chỗ đứng thật sự riêng lẻ trong văn học Pháp. Khai phá nội tâm mình và nỗi đau của con người qua những giấc mộng, những truyện huyền tưởng và cả những thể nghiệm tác động ma túy, Michaux nghiêng về phía các nhà thơ siêu thực, nhưng không hề gia nhập phong trào này. Có thể nói toàn bộ những cái ông viết đều thể nghiệm sự tương quan giữa thực tại và chính bản thân ông, sự tương quan mang những kích thước gần như ám ảnh – ám ảnh về chính lý lịch của mình. Nhiều sáng tác của ông xuất phát từ những giấc mơ và ác mộng, phác vẽ một thứ địa lý nội tâm, nhận thức về chính mình soi từ thực tại, và từ cả cái tưởng tượng và vô thức... Tác phẩm Michaux, kể cả tác phẩm tạo hình, luôn đứng bên ngoài mọi kiểu phân loại.
        Nhân vật Plume, như trong mẩu truyện dưới đây cho thấy, dường như bị ám ảnh, bị truy nã, bị theo dõi bởi những thế lực khắt khe vừa từ bên ngoài vừa từ bên trong chính mình. Dường như cuộc chiến thật sự của Plume không là cuộc chiến với người khác, với một thực tại vật chất, mà là với chính mình và trong nội tâm mình. Cái tên Ông Plume (theo Michaux, tên này được lấy từ truyện ngắn "The System of Doctor Tarr and Professor Feather" của Edgar Allan Poe) thôi, như một cái tôi khác, cũng mang nhiều ý nghĩa: một sợi lông nhẹ và dễ bị gió cuốn quả là tượng trưng cho sự bị bỏ rơi, sự bất lực.
        Tác phẩm chính: Qui je fus, 1927; Un barbare en Asie, 1932; Voyage en Grande Garabagne, 1936; Plume 1938; L’Espace du dedans, 1944; Par la voie des rythmes, 1974; Idéogrammes en Chine, 1975; Chemins cherchés, chemins perdus, transgressions, 1982.

 

_________________________

 

Plume du lịch

 

Plume không thể nói là người ta vẫn tôn trọng mình một cách quá đáng trong những lần du lịch. Có người qua mặt ông không báo trước, có người thản nhiên lau tay vào áo vét của ông. Rốt cuộc ông quen dần. Ông thích du lịch một cách khiêm nhường. Bao lâu còn du lịch được cách đó, ông sẽ cứ du lịch.

Nếu người ta cau có đem lại bàn ông một cái rễ cây trong đĩa ăn của ông, một rễ cây lớn tổ bố: “Nào, ăn đi chứ. Anh còn chờ gì nữa?”

“Ô, đưọc mà, ăn ngay đây.” Ông không muốn dây dưa vào những chuyện lôi thôi vô ích.

Và nếu, ban đêm, người ta không chịu cho ông một chỗ nằm: “Sao chứ! Anh không phải từ xa đến đây để mà ngủ, chứ gì? Nào, hãy xách vali và đồ đạc của mình lên, trong ngày đây chính là lúc người ta có thể đi dạo dễ dàng nhất.”

“Được, tốt, hoặc... tất nhiên. Là chuyện để mà cười, dĩ nhiên. Ô vâng, là chuyện... đùa.” Và ông lại bước đi trong đêm tối.

Và nếu người ta tống ông ra khỏi xe lửa: “A! thế ra anh nghĩ rằng từ ba tiếng đồng hồ nay người ta đã làm nóng cái đầu máy kia và đã buộc vào tới tám toa xe là để chở một con nguời ở tuổi anh, hoàn toàn mạnh khỏe, con nguời ở đây đã hoàn toàn có thể có ích rồi, chẳng cần gì phải đi đến mãi tận kia, và vì chuyện thế đó mà người ta phải đào những đường hầm, dùng chất nổ để cho nổ tung hàng tấn đá và đặt xuống hàng trăm cây số đường xe lửa trong mọi thời tiết, không kể là người ta còn phải liên tục canh chừng đường xe vì sợ bị phá hoại, và tất cả những chuyện đó để...”

“Được, tốt. Tôi hoàn toàn hiểu ra. Tôi bước lên, ồ, chỉ để nhìn một cái thôi! Bây giờ chỉ có thế thôi. Chỉ là do tò mò, vậy chứ gì. Xin muôn vàn cám ơn.” Và ông quay trở lại trên đường sắt với đống hành lý.

Và nếu như, ở Rome, ông xin được nhìn thấy đài vòng Colisée: “A! Không được. Ông hãy nghe đây, chỗ ấy hiện đã quá lung tung rồi. Và sau đó biết đâu Ngài còn muốn sờ tận tay, tựa vào nó, hoặc ngồi lên nó... chính vì thế mà khắp nơi đâu đâu cũng chỉ còn lại những phế tích. Đây là một bài học cho chúng tôi, một bài học khắc nghiệt, nhưng trong tương lai, không, hết rồi, chứ sao.”

“Được! Tốt! Đây chỉ là... Tôi chỉ muốn hỏi xin các người một tấm bưu thiếp, một cái hình chụp, có lẽ... nếu như tình cờ...” Và ông rời thành phố không được nhìn thấy gì cả.

Và nếu trên tàu, đột nhiên viên Quản lý tàu thuyền đưa ngón tay chỉ vào ông và bảo: “Cái anh kia kìa, anh làm gì ở đây? Thế, ta thấy dường như dưới kia kỷ luật loạng quạng lắm. Hãy lập tức lôi anh ta xuống dưới hầm tàu cho ta. Ca trực thứ nhì vừa điểm.” Và ông ta vừa bỏ đi vừa huýt sáo, còn Plume, ông này còng lưng vất vả suốt cả cuộc hành trình.

Nhưng ông không nói gì cả, ông không than phiền. Ông nghĩ đến những kẻ khốn khổ không hề được đi du lịch lần nào, trong khi ông, ông vẫn du lịch, du lịch không ngưng nghỉ.

 

Trong tập Plume précédé de lointain intérieur (Paris: Éditions Gallimard, 1963).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021