thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi ra đời*
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

 

7.IX.70
Carros

 

     Tôi ra đời ngày 7.3.36. Bao nhiêu chục, bao nhiêu trăm lần tôi đã viết cái câu ấy? Tôi chẳng biết. Tôi biết rằng tôi đã bắt đầu khá sớm, rất sớm trước khi cái dự kiến viết một tiểu sử tự thuật thành hình. Tôi đã dùng nó làm chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết tồi có tên là J’avance masqué, và một truyện kể cũng chẳng ra gì (vả lại chỉ là cuốn trước được vụng về đem xào nấu lại) có tên là Gradus ad Parnassum.

 

     Trước tiên người ta nhận xét một câu như thế là đã đủ, là đã làm thành một tổng thể. Thật khó tưởng tượng một bản văn bắt đầu như thế này:

     Tôi ra đời.

     Ngược lại người ta có thể ngừng ngay chỗ ngày tháng định rõ.

     Tôi ra đời ngày 7 tháng Ba năm 1936. Chấm hết. Đấy là câu tôi vẫn viết từ nhiều tháng nay. Đấy cũng là câu tôi vẫn viết từ 34 năm rưỡi, tính đến ngày hôm nay!

     Bình thường thì người ta tiếp tục. Đấy là một đoạn bắt đầu đẹp, nó kêu gọi những chi tiết rõ ràng, nhiều chi tiết rõ ràng, cả một câu chuyện.

     Tôi ra đời ngày 25 tháng Chạp năm 0000. Cha tôi, người ta bảo, là một công nhân thợ mộc. Không lâu sau khi tôi ra đời, những người không phải là Do thái không được tử tế** và chúng tôi phải di cư qua Ai cập. Vì thế mà tôi biết được rằng tôi là Do thái và cần phải nhìn nguồn gốc của cái quyết định cứng rắn không nên vẫn là Do thái của tôi trong những hoàn cảnh bi đát ấy. Phần tiếp theo các bạn đã biết...

 

     Cái sự gần như không thể tiếp tục ấy, một khi đã nói ra câu “Tôi ra đời ngày 7.3.36”, như ngày hôm nay tôi nghĩ lại, làm thành chính nội dung những cuốn sách đã nói ở trên: trong J’avance masqué người kể chuyện kể lại ít nhất 3 lần liên tiếp cuộc đời của mình, 3 câu chuyện kể thảy đều là không thật (một lời thú nhận viết ra lúc nào cũng là lời nói dối”, hồi ấy tôi lấy Svevo làm dưỡng chất cho mình) nhưng có lẽ về ý nghĩa mà nói thì khác nhau.

     Vấn đề không phải là “tại sao tiếp tục?”, cũng không phải là “tại sao tôi không có cách tiếp tục?” (phần thứ 3 là phần tôi phải trả lời trong toàn bộ những câu hỏi ấy), mà là “tiếp tục như thế nào?”.

 

     Sự thực là tôi lại trở về khởi điểm của mình. Tôi sinh ngày 7.3.36. Cứ coi như thế. Tôi đốt một điếu thuốc, tôi đi một vòng quanh hồ bơi mà không có ý định xuống tắm, tôi lật những trang sách, tìm một đoạn bắt đầu mẫu mực (tôi ra đời ngày...): thế là tôi bắt gặp cuốn Too strong for fantasy, tiểu sử tự thuật của Marcia Davenport mà tất cả những gì tôi biết được chỉ là sách nói về âm nhạc và Tiệp khắc; có những ảnh chụp và một bảng danh mục. Tôi sẽ đọc cuốn sách kỹ hơn. Cũng lật các trang nhật ký của Anne Frank (với tôi chẳng rút ra được gì đáng kể), hai bài báo của Elmer Luchterhand về những cách cư xử trong các trại (ấn bản rời xin ở labo). Hoặc tôi chơi một ván bài phá trận, gõ trên chiếc đàn dương cầm tháo nửa chừng (nghĩa là gõ trực tiếp trên những dây cung), liếc sơ một số báo France-Soir đã cũ, cạo râu, nốc một chút bia, vân vân (cắn một móng tay, cắt móng chân, bước ngang bước dọc).

     Hoặc nữa, tất nhiên, là tiết mục phô trương tinh vi (?) nhất: viết trên 3 trang đã viết của cuốn sổ mà tôi không tiếp tục được...

 

     Hoặc là có một đoạn tiếp nối, hoặc là không có đoạn tiếp nối...

     Hoặc là có một đoạn tiếp nối kể lại được, hoặc không có đoạn tiếp nối kể lại được.

 

     Ta hãy bám chặt chủ đề: Cái gì? Ai? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? Tại sao?

     Cái gì? Tôi ra đời.

     Ai? Tôi.

     Khi nào? Ngày 7 tháng Ba 1936.

     Rõ ràng hơn? Tôi không biết giờ nào; tôi cần phải (sẽ cần phải) nhìn vào phiếu hộ tịch. Hãy cứ cho là 9 giờ tối. Một ngày kia tôi cũng sẽ phải đến Thư viện Quốc gia lục vài tờ nhật báo ra ngày hôm ấy và xem cái gì đã xảy ra. Lâu nay tôi vẫn tưởng 7 tháng Ba 36 là ngày Hitler vào nuớc Ba lan. Hoặc là tôi nhầm ngày hoặc là tôi nhầm tên nước. Có lẽ năm là năm 39 (tôi không tin thế) nếu không thì là Tiệp khắc (có thể chấp nhận?) hoặc là Áo. Vùng đất Sudètes, Anschluss, hay Dantzig hay Sarre, tôi biết rất ít cái phần lịch sử kia mặc dù với tôi nó là vấn đề cốt tử. Dù sao thời ấy Hitler đã nắm trọn chính quyền và đã có những trại tập trung rồi.

 

     Ở đâu? Ở Paris. Không phải ở quận 20, như lâu nay tôi đã tin, mà là ở quận 19. Chắn hẳn là trong một nhà bảo sanh: cái tên đường tôi không còn nhớ ra (tôi vẫn có thể tìm thấy tên đường như trên trong một phiếu hộ tịch).

 

     Như thế nào? Tại sao?

     Tại sao? Đây là một câu hỏi hay, như nhân vật nữ tranh truyện Lucy Van Pelt ưa nói.

 

     Những tác giả tài giỏi nhất thường cho vài ba chi tiết rõ ràng về bố mẹ mình hầu như liền ngay sau khi tin mình ra đời được loan báo.

     Cha tôi tên là Icek Judko, có nghĩa là Isaac Joseph, hay Isidore nếu các bạn muốn thế. Chị của cha, cô cháu gái của cha đều nhớ về cha dưới cái tên là Isie. Về phần tôi, lúc nào tôi cũng cứ khăng khăng gọi cha là André.

 

8 tháng Chín 70
Carros

 

     Hôm nay tôi đặc biệt chơi với những chất màu khác nhau: mực và sơn dầu, bột hồ và dao vẽ.

     Bây giờ là 16 giờ, có lẽ tôi có thể cố thử làm việc: chủ đích tôi là rõ ràng (nếu các bạn muốn thế), sự khó chịu là giả vờ: vận trình viết lách, những mánh khóe tu từ. Không một sự ngượng ngùng nào giữ tôi lại được (dù sao đấy cũng không phải là lý lẽ chính). Thế thì cái gì đây? Có lẽ tôi lùi bước trước cái mênh mông của công việc: tháo gỡ một lần nữa cuộn len sợi, tháo đến tận đầu mối, giam mình trong vòng không biết bao nhiêu tuần lễ, bao nhiêu tháng hay bao nhiêu năm (12 năm, nếu như tôi tôn trọng cái nguyên tắc qui định bởi chuyện viết cuốn Nơi chốn)*** trong thế giới khép kín của những kỷ niệm của tôi, những kỷ niệm lặp đi lặp lại mãi đến chán ngấy hoặc buồn nôn.

 

Je suis né, Éditions du Seuil, coll. “La Librairie du XXè siècle”, 1990.

 

Chân dung Georges Perec, trong bộ tranh Créations & Récréations của Hoàng Ngọc Biên.
___________________

 

     * Trích đoạn "Je suis né" (từ một trong những sổ tay ghi chép tự thuật của Georges Perec) được đăng lần đầu trong Cahiers Georges Perec năm 1988 (chú thích của người dịch)
     ** les gentils ne le furent pas có thể được đoán là một lối chơi chữ: gentils vừa có nghĩa những người không phải là Do thái, vừa có nghĩa là tử tế, dễ ưa (chú thích của người dịch)
     *** Năm 1969, Perec chọn 12 nơi ở Paris – đường phố, quảng trường, sân khấu xiếc, lối đi có mái vòm... – những nơi chốn hoặc là ông đã sống, hoặc từng lưu luyến do có những kỷ niệm đặc biệt. Ông có ý định mỗi tháng mô tả hai nơi trong số những nơi đã chọn, ngồi viết trên hè phố, tại những tiệm cà phê lộ thiên, và cả những lúc đi đường, có khi kéo theo một người bạn để chụp ảnh (chú thích của người dịch)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021