thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những nơi chốn trốn chơi
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

"Les Lieux d’une fugue" là “truyện ngắn” Georges Perec viết tháng 5 năm 1965 và đăng lần đầu, hai kỳ liên tiếp, trên nguyệt san Présence et Regards (số 17-18, năm 1975). Bản văn được in lại năm 1990, sử dụng cho bản dịch dưới đây, là bản gốc đã được Perec đánh máy. Năm 1976, Perec thực hiện phim Les lieux d’une fugue cho Viện INA (Viện Quốc gia thính thị - Institut National de l’audio-visuel ) dựa theo bản văn này, cùng với nhà điện ảnh Catherine Binet (về sau trở thành bạn đường của Perec). Phim đã được cho chiếu trên truyền hình ở Pháp. (người dịch)

 

Chợ tem trong những khu vườn ở Champs-Élysées chỉ mở cửa vào ngày thứ Năm và Chủ nhật. Nó biết thế, nhưng nó tự nhủ có lẽ mình sẽ gặp một người nào đó, một ông già vô công rồi nghề nhìn vào tập tem của mình, dừng lại ở con tem Blériot màu nâu xám, ở cái Victoire de Samothrace, sẽ thấy thích bộ Marianne, hay tem Pétain màu đỏ son có Huân chương Lorraine in chồng lên. Nhưng chẳng có ma nào cả, ngay một khách tản bộ cũng không có. Không gì khác ngoài những chiếc ghế kim loại sơn xanh, sắp thành dãy giữa các hàng cây. Bấy giờ chưa tới chín giờ sáng. Không khí thật dịu. Một chiếc xe tưới nước của thành phố chạy dọc theo đại lộ Gabriel. Đại lộ Champs-Élysées dường như không một bóng người. Bên kia khu vườn, giữa những cái đu nhỏ và sân khấu rối, những anh công nhân đang bốc dở, từ một chiếc xe chở hàng lớn màu vàng có móc xe kéo, những con ngựa gỗ của một vòng quay mà dàn khung đã được người ta dựng lên trước đó.

Nó ngồi xuống một cái ghế dài và mở cặp. Nó lôi ra tập tem nhỏ, tập nó dùng để giữ bản hai những con tem của mình. Từ lâu lắm rồi nó đã nhét những con tem đẹp nhất của bộ sưu tập thật sự của mình vào cái túi nhỏ trổ ở mặt bìa trong, từ cuốn album đẹp đóng bìa mà người cô nó khóa kín cẩn thận, giữ trong tủ phòng ngủ cô, bên cạnh những đồ nữ trang của cô, và cô có để cho nó ghé mắt nhìn vào cũng là chuyện miễn cưỡng mà thôi.

Nó nhìn những con tem của mình từng con một, nhìn chăm chú, sắp xếp đúng chỗ, thử đánh giá xem người ta sẽ trả cho mình ra sao.

Sau đó, nó gấp cuốn tập lại và cho vào túi trong cái áo vét của mình.

 

Nó lôi ra tập vở đầu bài. Ngày hôm ấy, thứ Tư, nó có một giờ tiếng Pháp và một giờ tiếng Latinh với ông Bourguignon, một giờ sử với ông Poirier, một giờ tiếng Anh với ông Normand; buổi chiều, một giờ vẽ với ông Joly, một giờ vạn vật với ông Léonard.

Nó đã không làm bài tập tiếng Anh, cũng không chuẩn bị những câu hỏi viết.

Bấy giờ là chín giờ; nó chỉ đến trễ thôi.

Chuyện gì cũng có thể sửa lại được.

Trước đây, thường thường nó vẫn vắng mặt giờ đầu tiên. Tám giờ rưỡi, người gác cửa đóng cổng ra vào dành cho học sinh. Nó chưa bao giờ có can đảm đi qua cổng lớn trên đại lộ Parc-des-Princes.

Nó bỏ đi dạo, say sưa tự do, ở phía cửa Saint-Cloud, trên đại lộ Versailles. Nó bước vào mấy tiệm Prisunic, dừng trước tất cả các quầy hàng, trước những cái búa, trước những chén bát, trước xà phòng. Thỉnh thoảng nó có may mắn đánh cắp được một cái đinh, một cái đinh ốc, một miếng sắt đóng đế giày, một cái ngắt điện.

Nó trở về học lớp chín giờ rưỡi. Sự vắng mặt của nó, ghi trên sổ ghi danh của lớp, nó phải trả bằng hai giờ bị giữ lại lớp làm bài sáng thứ Năm. Nhưng trễ như thế lại là một bằng chứng hiện diện: trước mắt người dượng, đấy là một lỗi một ngàn lần dễ chịu phạt hơn so với tội vô kỷ luật.

 

Nó mở sách và lật qua các trang. Nó đọc các tập vở và những bài làm cũ. Nó mở cái cái túi dụng cụ bằng da màu xanh ngày xưa hai người chị họ nó từng dùng. Túi đựng một cái thước kẻ cũ đầy dấu gặm, ba cây bút chì màu không có ruột, một cây bút chì đen, một cây bút máy đã bị vỡ vá víu bằng băng keo, một cái thước đo góc bằng nhựa trong, một cục gôm đã mòn, một cái com pa.

Nó vẽ vài vòng tròn lên ghế gỗ màu vàng. Rồi nó đút cái com pa vào lại trong túi, và đút cái túi, sách, tập vở, vào trong cặp.

Sau đó, nó tiến lại gần mấy bãi cây bao quanh sân khấu rối, yên chí không ai nhìn mình, nó vạch những cành lá và ném cái cặp vào đó.

Rồi nó vội vã bỏ đi.

 

Nó ngồi trên một chiếc ghế dài, đối diện với tòa báo Figaro. Những tủ kính bày báo giờ này rốt cuộc đã tắt đèn. Chỉ còn sáng, trên cổng vào, chữ F hoa với một cái lông ngỗng xuyên ngang. Khu vườn không một bóng người. Ngay cái lều màu cam và xanh của vòng quay cũng không còn trông rõ. Những người tản bộ hiếm hoi trên đại lộ Champs-Élysées đi qua cách nó vài mét, không nhìn thấy nó, đang vội vã trở về nhà mình. Nó nghe được những tiếng chuyện trò mơ hồ.

Nó đứng lên. Nó đi qua đại lộ Champs-Élysées, đi đến tận nhà ga xe điện hầm. Nó thấy nhà ga đã đóng cửa và rảo bước trở lại.

Nó lạnh. Nó nằm xuống ghế, hết sức co rúm người lại, cánh tay kẹp sát hai đầu gối để trần. Chiếc ghế dài, đóng bằng hai miếng ván bắt đinh ốc lên những chân ghế bằng gang, quá hẹp.

Nó đứng lên, đi vòng quanh, trở lại ngồi chỗ cũ, lại nằm xuống, đầu dựa vào cánh tay phải của mình, hai đầu gối ép sát vào ngực.

Nó nhắm, rồi lại mở mắt.

Cách chỗ nó vài mét, người qua lại như những chiếc bóng. Những chiếc xe hiếm hoi đi qua sau lưng nó, chậm lại, đổi tốc độ, thỉnh thoảng nhấn còi.

Sau đó, một người đàn ông tiến lại gần. Nó trông thấy ông ta đi tới từ xa, một khối tối đậm cắt rõ trên cái nền còn tối hơn nữa của tòa nhà báo Figaro. Nó nhắm mắt lại, giả vờ ngủ. Tim nó đập muốn vỡ ra.

Mày làm gì đó? người đàn ông hỏi.

Nó không trả lời.

Mày làm gì đó? ông ta lặp lại. Mày nhà cửa ở đâu?

Nó không nói gì.

Nhà cửa mày ở đâu? ông ta lặp lại.

Nó không trả lời. Nó nhìn ông.

Đây là một người đàn ông to cao, ăn mặc bảnh bao, vẻ mặt lo âu.

Trong một thoáng nó tự nhủ mình có thể nói với ông ta, cắt nghĩa cho ông. Nhưng nó không có gì để nói. Nó nghĩ là nó hiểu ra mình đã chờ đợi cái lúc này suốt cả ngày: có ai đó nói với nó, nhìn thấy nó, và đến kiếm nó.

Ông hãy để tôi yên, nó nói.

Nào, đi theo ta, người đàn ông nói.

Ông ta nắm tay nó và lôi nó đến đồn cảnh sát ở Grand-Palais.

Tôi thấy nó nằm trên một cái ghế dài, ở cái bồn binh, bên cạnh báo Figaro, ông ta nói với mấy viên cảnh sát.

 

Nó có trong túi hai mươi ba quan. Nó tiêu số tiền rất mau. Khoảng giữa buổi sáng, nó bước vào một tiệm bánh mì ở đường Colisée và nó bỏ mười quan mua một ổ bánh mì sữa. Nó ăn bánh chậm rãi, từng miếng nhỏ, vừa bước đi vừa ăn. Không lâu sau đó, nó mua một tờ báo ảnh trong một cái quán trên đại lộ Champs-Élysées. Nó đi tìm chỗ ngồi đọc, nhưng nó không thấy chút hứng thú nào.

Nó còn lại ba quan: một đồng tiền bốn mươi xu, một đồng tiền hai mươi xu, cả hai đều có rập nổi hình chiếc búa trận. Nó không thể mua gì với tiền còn lại, trừ phi, có lẽ, một cái kẹo, hay một miếng kẹo cao su, từ bất cứ một bà hàng xén nào đó, nhưng nó chẳng gặp được bà nào cả.

Sau đó, nó bắt gặp một số báo France-Soir đã nhầu trong một cái giỏ đựng giấy ở nhà ga xe điện hầm Alma-Marceau. Nó tìm trang thể thao, đọc những truyện tranh, những chuyện vui cười, những chuyện ngồi lê đôi mách của đàn bà, thế rồi, thấm mệt, ném tờ báo vào chỗ trước đó nó đã bắt gặp.

Sau đó, sau đó rất lâu, nó trà trộn vào đám người hiếu kỳ, suốt ngày đọc các báo Le Figaro, Le Figaro littéraire, Le Figaro agricole, dán trên những bức tường của tòa nhà trên đại lộ Champs-Élysées.

Sau đó, nó uống nước ở một vòi nước công cộng.

 

Cô nó, áo choàng khoác trên người, đầu tóc không chải, điếu thuốc đầu tiên ngậm trong miệng, đóng cửa lại sau lưng nó, một cánh cửa dày và nặng, với ba ổ khóa bằng đồng và một thiết bị phòng kẻ cắp, kiểu cửa không bao giờ đóng sập. Nó bắt đầu đi xuống các bực thang như thường lệ, rồi dừng lại, đứng bất động nhiều lúc, giữa hai thềm nghỉ ở cầu thang. Nó nhìn những bực cấp bằng đá hoa, tấm thảm màu đỏ, và những lưới sắt và mặt kính của chuồng thang máy.

Nó lại bắt đầu đi xuống, chậm rãi, gần như để cho thân mình tự nó tuột từ bậc thang này xuống bậc thang khác, hai đầu gối cài khóa, như một người máy hay như một con quái vật.

Nó đi qua, cúi đầu, trước người gác dan bấy giờ miệng ngậm ống vố, một cái tạp dề màu lam quấn quanh vùng thắt lưng, đang dùng một miếng giẻ len đánh bóng những nút bấm ở thang máy.

Những mặt kính ở tiền sảnh rộng có lúc nó thấy phản chiếu hình ảnh mình tới vô tận. Nó bước ra ngoài. Con đường Assomption yên tĩnh, gần như một con đường tỉnh lẻ, hãy còn thiu ngủ. Những thùng rác người ta chưa đổ, những người gác dan đang rủ sạch những tấm chùi chân. Bọn học trò nhỏ, nhũng nam sinh và nữ sinh trung học, trên đường đến trường Janson-de-Sailly hay Claude-Bernard, La Fontaine hay Molière, đi lên con đường dốc đến tận chỗ xe điện hầm Ranelagh, hoặc đi xuống vẫn con dốc ấy để đến chờ xe buýt số 52 ở đường Boulainvilliers.

 

Nó lên xe điện hầm như mọi ngày. Nó chìa cái thẻ đi xe tuần đã đục thủng bốn lần cho người bấm vé và người này bấm vào chuyến đi ngày thứ Tư trên thẻ. Xe điện hầm tiến vào, nó nối đuôi bước lên, như mọi ngày. Nhưng tới Michel-Ange-Molitor, thay vì ra khỏi nhà ga, nó đổi tàu, vẫn theo lộ trình ấy, nhưng đi ngược chiều. Nó bỏ ga Ranelagh. Nó xuống ga Franklin-Roosevelt.

 

Hôm ấy là ngày mười một tháng Năm năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy. Nó mười một tuổi hai tháng. Nó vừa trốn đi khỏi nhà, số mười tám đường Assomption, quận mười sáu; nó mặc một chiếc áo vét vải dạ màu xám ba nút, một cặp quần đùi ngắn màu xanh nước biển, đôi giày màu hạt dẻ, đôi vớ len màu lam. Nó mang một cái cặp da simili đen. Toàn bộ gia tài nó chỉ có hai mươi ba quan và hi vọng chỉ ở nơi bộ sưu tập tem mà nó định bán đi càng sớm càng tốt.

 

Nó thấy cô bán vé nhìn mình và nó ngừng tay không mở cánh cửa con. Nó không nhúc nhích. Nó đứng sát thành tường men sứ và chờ đợi.

Sau đó một lúc lâu, cô bán vé bước ra và tiến lại chỗ nó.

Em không nên đứng ở đây, em bé ạ, em cản đường, cô bảo nó.

Nó không nói gì. Nó không nhìn cô ta.

Em làm gì ở đây? cô hỏi.

Em không làm gì cả, nó trả lời.

Cô hỏi: Em ở đâu?

Nó nói, giọng nhỏ: Ở Ranelagh.

Cô nói: Em phải về ngủ đi.

Nó nói: Em hết vé rồi.

Cô ta đi kiếm cho nó một cái vé, trở ra, và đưa vé cho nó.

Em không có tiền, nó nói.

Cô nói: Không sao, cô cho em đấy. Bây giờ thì về ngủ đi.

Nó đi xuống sân ga vừa đi vừa chạy.

Một đoàn xe điện đi qua, gần như vắng tanh; nó bước vào toa xe. Nó ngồi xuống. Xe điện khởi hành, những toa xe rung rinh và lắc lư. Tiếng xe điện hầm hầu như làm nó thấy vững lòng.

Ở nhà ga Trocadéro, nó bước xuống, ngay cả chuyện đi qua Ranelagh nó cũng không dám. Nó đổi xe và lại đi về hướng Marie de Montreuil. Nó xuống ga Alma-Marceau. Nó đi lang thang một lúc lâu trên sân ga. Nó đi theo những đường rãnh nước tưới chạy quanh co. Nó lục lọi trong những giỏ giấy, giữa những đống vé xe.

Sau đó, nó ngồi xuống bên cạnh cái máy bán kẹo. Nó nhìn những đoàn xe đi đến ga. Nó thử tìm cách nhớ những con số ghi trên các toa dẫn đầu. Nó nhìn những người đi vào đi ra.

Rốt cuộc, nó lại lên xe điện hầm, xuống nhà ga Franklin-Roosevelt, đổi xe và bước ra khỏi ga qua ngả Vincennes-Neuilly, trên đại lộ Champs-Élysées.

 

Với chỗ vé về thứ Tư, vào đầu buổi chiều, nó lấy xe điện hầm đi mãi tận cầu Sèvres, thêm một lần nữa đi qua nhà ga Ranelagh, qua Michel-Ange-Auteuil, qua Michel-Ange-Molitor. Ở cầu Sèvres, nó băng qua bên kia sông Seine và đi vào rừng.

Nó đi một hồi lâu; đôi khi nó nhìn thấy một người làm vườn đang cắt tỉa một cái hàng rào, một người dẫn chó đi dạo.

Nó rời những lối đi chính, bước sâu vào những đường mòn, tự mở một lối đi giữa những đám cây thấp. Trên đỉnh một con dốc đứng phủ đầy đá cuội và bụi chồi gai, ba cây cao thân đứng áp sát vào nhau làm thành một chỗ trú thân, có thể sơ sài dùng làm lều. Nó quét dọn thật kỹ chỗ này, lấy gót chân nhổ đi những bụi gai và cỏ dại, chất thành đống những đá lớn đá nhỏ tạp nham. Rồi nó ngồi xuống, lưng dựa vào thân lớn nhất trong ba cây.

Sau đó, với cái cạnh bén của một hòn đá cuội, nó rạch một đường sướt trên vỏ cây và đánh nhiều dấu hiệu khác nhau để vẽ con đường trở về của mình.

Vé đi xe của nó không còn hiệu lực để trở về ga Franklin-Roosevelt. Thẻ đi xe đã dùng tới hai lần. Bằng một giọng rụt rè, nó xin người bấm vé bấm vào lỗ dùng cho thứ Năm. Nó bảo nó đã nhầm và đã quên không xuống xe. Người bấm vé nhìn nó và đã để nó đi qua.

 

Nó ngồi trên một cái ghế đóng bằng ván lati màu xanh và, lần nữa, nó lại nhìn cái vòng quay. Những người thợ đã gắn xong những con ngựa và những thùng gỗ làm chỗ ngồi và đang đặt trên khung hình nón của mái vòm một tấm vải bạt lớn màu cam và lam xen kẽ, móc vào chóp đỉnh bởi một cái lỗ luồn dây to tướng bằng kim loại, phần dưới được giữ bởi những sợi dây buộc bằng vải bố trắng, mà một trong những người thợ kia, đứng trên đầu một cái thang đôi, liên tục quấn tréo mãi không dứt, và được che kín bằng một mép viền có dải hoa hình tam giác.

 

Sau đó, nó đi dạo một lúc trong các vườn đá tảng chạy dọc theo Grand-Palais gần phía sông Seine, giữa những bực thềm đá giả, những vòm cầu giả, và cái cầu giả bằng gỗ. Nó cúi xuống bể nước có ba con cá nhỏ màu đỏ đang bơi lội.

 

Sau đó, nó tìm thấy ở một rãnh lề đường một miếng kim loại chế nắn nót, một thứ ống đồng uốn theo hình khuỷu đầu này là một cái nắp van có lò xo và đầu kia là một cái que có luồn chỉ.

 

Nó đứng trên cao những bực cấp, gần chỗ ra vào hướng Montreuil. Một hay hai lần gì đó, nó đu đưa, gập người trên cánh cửa rào. Rồi nó nhìn những tấm quảng cáo.

Nó nghe tiếng một đoàn xe đi vào ga. Người ta lên xe vừa đi vừa chạy. Nó nhận ra là họ đi vào nhà hát bởi ai nấy đều thắt nơ con bướm. Nó kéo cánh cửa về phía mình và để cửa mở như thế trong khi những người kia đi qua.

Nhiều xe điện đi vào ga. Có người lên xe, nhiều đợt, có người xuống xe và ai nấy đều hối hả. Nó cứ thế mở cửa rồi đóng cửa. Không ai hỏi han gì nó, không ai cám ơn nó. Có người nhìn nó, có lẽ lấy làm ngạc nhiên – đấy là một ý nghĩ bất chợt đến với nó - thấy nó ăn mặc đàng hoàng quá, và trong một giây nó tự hỏi không biết nó có nên chìa tay ra không.

 

Nó đi quanh sân khấu múa rối. Dưới đất, nó tìm thấy một hòn bi, một miếng mã não, một mảng thủy tinh cũ xì màu trắng, lốm đốm những bọt sủi lẫn những miểng vỡ vụn mà một đường diềm xoắn màu lam và vàng làm cho sáng hẳn lên.

Nó cúi xuống nhìn những lỗ nghẽn ở các vòi phun nước, những bồn hoa không có hoa ở bồn binh.

Nó nhìn một lúc lâu những người thợ đang dựng vòng quay. Họ móc hai cái thùng làm chỗ ngồi màu xanh có trang trí hình một mặt trời màu cam, rồi đến những con ngựa cách điệu, màu trắng, nâu và đen, với những cái bờm có khía màu xanh hoặc vàng, cam hoặc xanh, và những con mắt làm bằng hai nửa hòn bi bằng gỗ lồng khít vào nhau, cái này màu lam thì cái kia màu đỏ.

Sau đó, nó ngồi xuống và nhìn xem trong cái ví của mình có những gì: một thẻ căn cước học sinh, một thẻ đi xe diện hầm, một cái ảnh cô chị họ tại một buổi khiêu vũ hoá trang, với một chiếc áo dài may bằng vỏ sò, một cái ảnh nó đứng trên lan can ở đường Assomption.

 

Nó đi dạo quanh bồn binh, trên đại lộ Matignon, đường Colisée, đến tận Saint-Philippe-du-Roule. Bấy giờ chắc phải là giữa trưa. Người ta nối đuôi nhau trước các tiệm bánh mì. Những tiệm cà phê đông chật.

Sau đó, nó chậm rãi bước đi giữa một đám đông hối hả túa ra tứ phía. Những người bán báo bán tờ Le Monde, France-Soir, rao la inh ỏi. Những đám đông túm tụm chật ních đứng chờ ở các ngả tư đường, những trạm xe buýt, ùa vào các cửa xe điện hầm.

Sau đó nữa, trong đêm, nó đi lên đi xuống đại lộ Champs-Élysées, dừng lại ở cửa các rạp chiếu bóng, nhìn vào tủ kính các cửa tiệm, len vào giữa những chiếc bàn ở các tiệm cà phê lộ thiên.

Sau đó, nó dừng lại một lúc lâu bên cạnh người bán báo ở nhà ga Franklin-Roosevelt bấy giờ đang bán những ấn bản ra cuối ngày, đứng dưới cái lều vải được chiếu sáng bởi một ngọn đèn dầu.

 

Nó hầu như tức thì thú nhận. Nó cho biết tên nó là gì. Nó cho tên dượng của mình, số điện thoại, địa chỉ của ông.

 

Nó nhìn những viên cảnh sát đang cúi xuống nó và nó khóc.

 

Em đói ? viên cảnh sát hỏi.

Nó không trả lời.

Em không ăn gì cả sao?

Nó ra hiệu bảo không.

Người ta đem đến cho nó một miếng bánh mì kẹp nhân pâté, to đến nỗi mỗi lần cho một miếng vào miệng nó phải cố gắng lắm mới rứt ra được. Bánh mì hơi cũ, bột có một vị đắng. Nó vẫn khóc và vừa ăn vừa sụt sịt. Nó hơi run. Những mẩu pâté, những vụn bánh mì rơi vãi trên miếng giấy thấm lấm lem.

Cho nó uống cái gì đi, một tiếng nói cất lên.

Một viên cảnh sát trở lại, tay cầm một cái bát đầy nước và đưa cho nó. Nó đặt miếng bánh mì trên tờ giấy thấm và đưa hai tay cầm cái bát.

Đây là một cái bát to tướng, sâu, bằng sành trắng, mép vành hơi bị mẻ, đáy lốm đốm những đường nứt xam xám. Nó nhúng hai môi vào nước và nó uống.

 

Sau đó, người đàn ông đưa nó đến trước đây bỏ đi. Nó ở lại một mình với những người cảnh sát, trước miếng bánh mì đã gặm mất một nửa, cái bát sành màu trắng, tờ giấy thấm lấm chấm, bình mực, những con dấu.

Người ta ra hiệu bảo nó đứng lên và đến ngồi ở chỗ xa hơn. Nó đi đến cuối phòng, ngồi xuống một cái ghế dài bằng gỗ chạy dọc theo hết cả bức tường. Hai bàn tay đặt lên đùi, đầu cúi, nhìn xuống đất, nó chờ đợi, đầy hổ thẹn và sợ hãi.

 

Sau đó, dượng nó và cô chị họ đến và đưa nó đi bằng xe hơi.

 

Hai mươi năm sau, khi nó dự định nhớ lại (hai mươi năm sau, khi tôi* dự định nhớ lại), mọi thứ thoạt đầu đều lờ mờ và không rõ ràng. Thế rồi những chi tiết trở về, lần lượt từng cái một:

hòn bi, chiếc ghế dài, miếng bánh mì nhỏ;

cuộc dạo chơi, khu rừng, những vườn đá tảng;

cái vòng quay, những con rối;

cánh cửa soát vé;

con đường Assomption, xe điện hầm, những chuyến đi xe điện hầm;

tờ báo ảnh, người đàn ông, những viên cảnh sát;

miếng bánh mì kẹp nhân và cái bát, cái bát lớn bàng sành màu trắng, mép vành bị mẻ, đáy bát đầy những đường nứt xam xám, nó đã uống nước trong đó

(tôi đã uống nước trong đó).

 

Và nó vẫn cứ run rẩy, một lúc lâu, trước trang giấy trắng

(và tôi vẫn cứ run rẩy, một lúc lâu, trước trang giấy trắng).

 

Tháng Năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm

 

Je suis né, Éditions du Seuil, coll. “La Librairie du XXè siècle”, 1990.

 

---------------
* Mặc dù đến đây ngôi thứ ba chỉ cậu bé học sinh mười một tuổi bỏ nhà, bỏ trường trốn đi chơi đã được nối thêm ngôi thứ nhất tôi, có nhiều người được coi là chuyên gia về Georges Perec (trong số có nhà phê bình & dịch giả John Sturrock, người từng dịch Proust (Against Sainte-Beuve and Other Essays), Stendhal (The Life of Henry Brulard), vân vân, và là tác giả The Language of Autobiography) gợi ý là người đọc không nên đọc Les lieux d’une fugue nhất thiết chỉ như là một tiểu sử tự thuật. (chú thích của người dịch)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021