thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhảy dù
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

[Paris, 10 tháng Giêng 1959. Tận cuối một buổi họp của nhóm tạp chí Arguments, Georges Perec xin Jean Duvignaud cho được phát biểu. Một máy ghi âm ghi cuộc thảo luận.]

 

– Perec?

– Tôi có một chuyện muốn nói... Tôi nghĩ, cuối buổi thảo luận, tôi muốn lên tiếng và kể một câu chuyện.

– Vậy thì hãy kể câu chuyện ấy đi, anh bạn trẻ. Hãy nói thẳng vào micro, đấy...

– Nhưng phải để cuộc thảo luận xong đã, đến khi quí vị* không còn gì để nói!

– Bạn muốn nói ra điều gì đấy?

– Tôi nghĩ đây là chuyện khá đặc biệt. Tôi muốn nói với quí vị về... tôi thấy dường như... thoạt đầu, đối với quí vị chuyện sẽ có vẻ như xa, nhưng thực ra với tôi thì nó lại rất gần...

– Nói đi, phép biện chứng đấy! [những tiếng cười]

– ... nó lại rất gần với tất cả những gì chúng ta đã phát biểu tối nay. Đây là một kinh nghiệm rất riêng tư, tôi đem kể ra bởi vì tôi hơi... bởi vì tôi hơi ngà ngà rồi. Tôi muốn nói tới một lần nhảy dù của mình. Thoạt đầu, có vẻ như chẳng có chút liên quan nào giữa một cú nhảy dù và một cuộc thảo luận giữa những người trí thức. Và quả thực là chẳng có chút liên quan nào. Có điều, khi tôi đem ra nói với quí vị về cái cách hôm nay tôi cảm nhận về nó... về cái cách mà chính tôi đây đã nhảy dù một lần ở một thời diểm nào đó, dường như với tôi đã có một số những liên quan chung, mà ngay cả việc tìm cách định nghĩa tôi cũng không làm được, nhưng bằng bất cứ cách nào chúng cũng sẽ tự định nghĩa được. Vậy thì, tôi xin bắt đầu.

Hồi ấy chúng tôi đang ở trong một sân bay. Có một số những người nhảy dù. Có điều, là không nên hiểu chữ “nhảy dù” với nghĩa như ngày nay người ta vẫn hiểu nữa, chỉ mà chỉ nên nghĩ rằng trong số tất cả những người nhảy dù kia có một anh chàng nhảy dù là tôi, Georges Perec [có tiếng cười ngắn bối rối], nghĩa là một kẻ, dù sao, cũng có một thiện chí nào đó, một ham thích cuộc sống, một số những khó khăn nào đó mà hắn có thể giải quyết được, hoặc là nghĩ mình sẽ có thể giải quyết được đúng tới cái mức anh ta sẽ có thể vượt qua tất cả mọi giai đoạn để có thể nhảy. Có một tiếng động lớn kinh khủng của những chiếc máy bay đang quay trên đường băng. Một sự chờ đợi, cực kỳ chậm. Một thứ thất vọng, lý do là chúng tôi đang chờ đợi một cái gì, có vô số những người đi trước chúng tôi – nghĩa là: có vô số những người đang liều một cái gì đó trước chúng tôi –, và chúng tôi, chúng tôi lại không can đảm được tới mức cần thiết. Chỉ là chúng tôi đang chờ đợi; anh hút một điếu thuốc, anh đi tiểu, bởi vì lúc nào anh cũng đi tiểu trước những lúc như thế, thế rồi vào một lúc, một thời điểm... - Nếu có vị nào không cảm thấy thích thú, bởi vì tôi cho rằng chuyện tôi đang kể ra đây hoàn toàn là chuyện ngu ngốc, tôi xin vị ấy cứ ngắt lời tôi và xin cứ bảo là chuyện thế này chẳng liên quan tí nào [tiếng phản đối], thế nhưng, nếu không có ai làm thế, tôi sẽ tiếp tục. Chúng tôi đi tiểu, và rồi đến một lúc nào đó một mệnh lệnh vang lên, lệnh người ta gọi là “Giá súng”. Chúng tôi ai nấy chạy đến giá súng, ai nấy đứng nghiêm. Việc này chẳng có gì liên quan, nhưng một cách nào đó, mọi việc đều dự phần vào một nghi thức, vào một thứ phát triển của sự việc... vào một thứ phát triển của nỗi sợ, vốn là một cái gì cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, khởi từ lúc ấy, chúng tôi bắt đầu thấy sợ. Chừng nào người ta chưa bảo chúng tôi mang trang bị vào, thì chúng tôi không sợ bởi lẽ chúng tôi chưa chắc là sẽ nhảy. Kể từ khi chúng tôi bắt đầu mang trang bị vào, chúng tôi mới chắc chắn sẽ nhảy. Đến đấy, chúng tôi bắt đầu kiểm chứng xem dù nhảy của chúng tôi có đã có hết ở đó hay chưa. Chúng tôi kiểm chứng dây nhợ, chúng tôi kiểm chứng những... – Tôi sẽ còn mở một dấu ngoặc đơn ở đây: có lẽ sẽ khá là khó khi ghi lại đúng y những gì tôi vừa nói, bởi vì việc làm này có thể sẽ khá nguy hiểm đối với một số người không liên quan gí đến cái gọi là sự có mặt của tôi ở đây, nhưng điều này không quan trọng. Chúng tôi trang bị vào người, chúng tôi kiểm chứng chiều dài toàn bộ trang bị dây nhợ, buộc các dây nhợ ấy: đến lúc đó, cái dù nhảy nằm sau lưng và trước mặt chúng tôi. Dù nhảy nặng mười lăm kilô, là một cái gì rất nặng và là một cái gì mang rất vất vả. Chúng tôi thật sự... bị chết cứng, chúng tôi thật sự... bị thu nhỏ lại! Tóm lại, thật là khủng khiếp: chúng tôi không thể mang nó trên người, có nó trên người chúng tôi không bước đi được. Chúng tôi bị buộc phải chịu đựng nó. Chúng tôi kiểm tra những chiếc dù của mình. Một chiếc máy bay đi tới, chúng tôi lên máy bay. Máy bay cất cánh. Tới một lúc nào đó, máy bay ở trên không, mọi người trước đó đã bắt đầu hát khi máy bay chuẩn bị khởi hành, và bây giờ thì ai nấy đột ngột ngưng hát. Khi chúng tôi nhìn vào mắt những người trước mặt mình, chúng tôi nhìn thấy có một cái gì chung đàng sau tất cả những người đang ngồi đấy, đàng sau nỗi sợ của con người, đàng sau sự kiện là chúng tôi biết đấy là bọn phát xít, chúng tôi biết bọn chúng tuyệt đối là một lũ khốn nạn, toàn là một lũ tồi... Chúng tôi có cảm tưởng có một cái gì chung nhưng chúng tôi không cách gì định nghĩa chính xác đó là cái gì. Có lẽ đơn giản chỉ là những người trước mặt kia thảy đều đang trong cùng một hoàn cảnh như chúng tôi, ai nấy trong bọn chúng tới một lúc nào đó đều sẽ bị buộc phải nhảy ra qua cửa máy bay. Tới một lúc nào đó, ngưòi ta bảo chúng tôi: “Đứng dậy, móc dây.” “Đứng dậy, móc dây”, có nghĩa là chúng tôi phải đứng dậy – chúng tôi đang ngồi –, chúng tôi phải đứng dậy, chúng tôi phải móc cái dây đai mở tự động, chúng tôi phải móc nó vào cái dây cáp trong máy bay và đứng theo một tư thế nào đó đối với người đứng trước mình và người đứng sau mình, để có thể nhảy ra dễ dàng hơn cả. Và đến lúc đó việc này trở nên phức tạp: chúng tôi không làm sao đứng lên được. Nghĩa là, tôi không làm sao đứng lên được. Tôi không biết đích xác có chuyện gì, tôi không biết chuyện gì xảy ra, hai chân tôi khuỵu lại, tôi có cảm tưởng tôi sẽ bỏ hết, tôi sẽ tuyệt đối mất hết can đảm, tôi sẽ tuyệt đối không có khả năng làm nổi cái động tác tuyệt đối không có ý nghĩ kia, là động tác đứng lên, nắm lấy cái móc lò xo của chiếc dù nhảy, móc nó vào cái dây đai, rồi nhảy, nghĩa là tiến về phía trước, chuẩn bị sẵn sàng... lạ thật tôi không làm được! Vào lúc ấy, xuất hiện một sự hoài nghi. Đúng y như mọi chuyện đều được đem ra đặt lại vấn đề.

Chính lúc ấy vấn đề chọn lựa được đặt ra. Chính xác là vấn đề toàn bộ cuộc sống. Chính lúc ấy tôi biết ra là tôi sẽ phải bắt đầu đặt tin tưởng vào những thứ đối với tôi hoàn toàn xa lạ. Là tôi sẽ phải bắt đầu hoàn toàn tự cáng đáng, một cách dứt khoát, hoàn cảnh của mình: cái sự kiện tôi là lính nhảy dù, sự kiện tôi có một cái nón sắt trên đầu, có một cái dù nhảy sau lưng và một cái dù nhảy trước bụng, toàn bộ những thứ ấy cân nặng mười lăm kilô, nghĩa là rất nặng, sự kiện hai tai tôi nghe tiếng vù vù bởi lẽ tôi vừa lên cao bốn trăm mét trong vòng hai mươi giây đồng hồ, máy bay thì lên mau, mà tất cả những người tôi nhìn thấy, tất cả những người tôi nhìn thấy đều đang sợ, bởi vì ai nấy đều bị buộc phải sợ, còn tôi thì tôi cũng cảm thấy cái sợ làm người tôi co dúm lại, làm tôi không sao đứng lên được! Thế tuy nhiên, mọi người đều đột ngột đứng lên. Mọi người đứng lên, và không có chuyện gì xảy ra cả. Chúng tôi đã được móc vào dây. Những người sẽ giúp chúng tôi nhảy, những hướng dẫn viên, những chuyên viên thả dù, bấy giờ kiểm chứng xem những dây đai mở tự động và những dù nhảy đã đúng cách chưa. Lúc nào cũng thế, mọi thứ đều đúng cách. Và, đến một lúc nào đó, một tiếng còi vang lên. Đúng lúc tiếng còi kia vang lên, chúng tôi bắt đầu nhảy. Thường thường, tôi muốn nói là nói chung, chúng tôi không khi nào là người nhảy đầu tiên. Tôi kể câu chuyện này bởi vì vào lúc đó tôi không phải là người nhảy đầu tiên. Và đấy cũng không phải là cú nhảy đầu tiên. Đấy cũng không phải là cái khởi đầu của mọi thứ. Đấy chỉ là một sự lặp lại. Đấy là lần thứ năm, hay lần thứ sáu, hay lần thứ bảy tôi làm một động tác quen thuộc với mình, là lần tôi làm những động tác quen thuộc với mình, là lần tôi lại bắt đầu một cái gì mà tôi đã quen từ trước. Nhưng cũng không vì thế mà nỗi sợ không vẫn là nỗi sợ ấy. Tôi biết được cái gì sắp xảy ra tiếp theo tới đâu, nỗi sợ càng nhiều lần còn lớn hơn tới đó. Và, vào lúc tiếng còi kia bắt đầu vang lên, những người đầu tiên, những người là những ngưòi đầu tiên, nhảy. Trước đây có lần tôi đã từng là người đầu tiên trong một lần nhảy, nhưng đấy lại thuộc về một câu chuyện khác... Và vào lúc ấy mọi người bắt đầu đi tới. Và, chúng tôi càng đi tới, chúng tôi càng mất dần ý thức. Cái duy nhất còn lại, ấy là quyết tâm, cái quyết tâm dứt cho xong toàn bộ tình trạng trì trệ, toàn bộ tình trạng nặng nề kia, toàn bộ khó khăn phải mang trên lưng và trên bụng cái dù nhảy nặng mười lăm kilô, toàn bộ khó khăn khi bước đi, cái việc chúng tôi chen chúc như cá hộp... chúng tôi ai nấy đều vội vã, vô cùng vội vã nhảy ra. Và chúng tôi nhảy ra rất nhanh. Và tới một lúc nào đó, chúng tôi ở trong khoảng không. Chúng tôi đứng trước một cánh cửa, và bốn trăm mét dưới thấp, là... bốn trăm mét thấp hơn là mặt đất, nghĩa là không có gì cả. Không có gì cả trước mặt chúng tôi. Và chúng tôi phải lao tới. Đấy chính là cái thời khắc tôi muốn nói tới, chính do cái đó mà tôi muốn kể cho quí vị nghe câu chuyện này: ấy là bởi có một lúc nào đó chúng ta hiện diện trước một... không, chẳng phải là chúng ta hiện diện trước một mối nguy, mà là chúng ta phải tin tưởng vào một cái gì đó bằng mọi giá. – Thật ra, tôi còn không biết tại sao tôi đem chuyện này ra kể với quí vị nữa, nhưng việc này không có gì quan trọng lắm. Chúng tôi bằng mọi giá phải tin tưởng vào cái dù nhảy kia, bằng mọi giá chúng tôi phải tự nhủ, vâng, sẽ xảy ra chuyện sau đây, là cái ĐMT**, dây đai mở tự động, sẽ tự tháo ra, tiếp theo dù nhảy sẽ tự mở, tiếp theo những dây néo dù sẽ tự nới, sẽ giãn ra, tiếp theo dù nhảy sẽ mở hoàn toàn, chúng tôi sẽ thấy cái tràng hoa khác thường kia trước mặt mình, và thật sự là sẽ khác thường, người chúng tôi sẽ được đỡ lên, chúng tôi sẽ rơi với một tốc độ thật sự là rất giới hạn cho đến khi xuống tới mặt đất, chúng tôi sẽ hạ cánh, và tiếp theo mọi thứ sẽ chấm dứt, chúng tôi sẽ nhảy sáu lần nhảy thay vì năm, hoặc tám thay vì bảy... Và, tới một lúc nào đó, chúng tôi nghi ngờ. Bởi vì đúng là chúng tôi không làm gì hơn được. Chúng tôi tự hỏi... thật ra là không, không phải chúng tôi, mà là tôi. Tôi luôn luôn tự hỏi tại sao tôi đã nhảy như thế. Thoạt tiên, lúc khởi đầu, không có câu hỏi nào đặt ra với tôi; tôi đã chấp nhận, tôi đã được điều qua lính nhảy dù, tôi đã vào đấy, mặc dù tôi có thể có những cách khác để khỏi phải vào đấy, do hoàn cảnh riêng của tôi, có thể nói... Tôi đã chấp nhận vào đấy bởi lẽ tôi có cảm tưởng là ở đấy tôi sẽ kinh nghiệm một cảm xúc gì mới chăng. – Tôi muốn thưa với ông*, ông Duvignaud, rằng tôi từng rất ngạc nhiên, cái ngày Clara Malraux*** bảo tôi rằng nhảy dù tương đương như chuyện phân tâm... Đối với tôi, quả thật nó là một hình thức hài khá đặc biệt!

Trong thực tế, tôi nghĩ nó không hoàn toàn đúng như vậy. Tôi nghĩ rằng phân tâm đã đem lại cho tôi một cái gì hoàn toàn khác. Rằng nó hoàn toàn không phải cùng một lĩnh vực. Ở đây thực sự nó là niềm tin. Thực sự chính tính lạc quan là cái đã bắt đầu, đúng ra là cái đã trở thành tuyệt đối cần thiết, thực sự chính là niềm tin vào cuộc sống. Tôi thấy dường như... Nói tóm, quí vị quen biết tôi đủ lâu để có thể biết được cái chuyện tôi nói ra tối nay chẳng hạn, cái chuyện tôi đã nói với quí vị kể từ khi tôi trở lại Paris, từ tháng Mười một, là hoàn toàn khác với cái điều tôi từng nghĩ trước khi lên đường đi quân dịch. Tôi thấy dường như nó cũng không phải hoàn toàn không khác, dường như dù sao vẫn có một liên quan chung, dù sao nó cũng vẫn có thể có một liên lệ với sự kiện là chúng ta bị buộc phải tin cậy bằng mọi giá và không cách nào có thể... chối bỏ, không cách nào có thể ẳn náu chẳng hạn trong thuyết hư vô, hay cả trong thuyết chủ trí, cả việc lý trí hóa cũng là điều không thể! Chúng tôi đối diện với khoảng không, và đột nhiên chúng tôi phải lao mình ra. Đột nhiên chúng tôi phải chối từ sự sợ hãi, đột nhiên chúng tôi phải từ chối bỏ cuộc. Và thế rồi... và thế rồi chúng tôi phải phóng người tới. Tôi đã nhảy dù mười ba lần và mười ba lần tôi đã phóng người tới. Mười ba lần tôi đã muốn bỏ cuộc, tôi đã muốn nói với mình: “Đúng, đây không phải là chuyện đáng làm, dù sao nếu tôi từ chối, bây giờ, đúng, ta đã được cấp bằng, đây chẳng có chút gì là quan trọng, ta vẫn có thể mất can đảm như thường.” Cũng không phải hoàn đúng như thế...Tôi nghĩ rằng nếu có một lần thôi tôi từng có trực giác, tôi từng có cảm giác mình... tôi muốn nói: can đảm – nhưng không phải theo cái nghĩa tầm thường, theo nghĩa mà người ta vẫn thường hiểu, nghĩa là liên tục tự vượt mình... thì chính đó là khi tôi làm cái động tác tuyệt đối vô cớ kia, khi tôi lao mình vào khoảng không cao đến bốn trăm mét, cái động tác mang những âm vang... những âm vang phát xít. Đúng thế: những âm vang phát xít. Bởi lẽ làm lính nhảy dù, việc ấy không có nghĩa là bất cứ cái gì. Cái ấy có nghĩa là sống trong một môi trường vốn là môi trường bao gồm những thứ người chỉ nhắm tới một việc duy nhất, ấy là liên tục phá hủy nền Cộng hòa. Vâng, nói tóm, nước Algérie của những ông đại tá, chúng ta biết nó là cái gì rồi. Thế thì, dù sao cũng phải nhảy, nếu tôi không làm thế thì tôi không nghĩ là tôi đã có thể có mặt ở đây tối hôm nay. Bằng mọi giá tôi phải phóng người vào khoảng không, và bằng mọi giá tôi phải chấp nhận cái khó khăn kia, cái khó khăn mà giờ đây tôi đem so với những khó khăn những ngày sắp đến, đem so với hoàn cảnh... có lẽ bởi vì tôi là một trí thức, bởi vì tôi có chiều hướng làm những kiểu so sánh lúc nào cũng hơi đặc biệt... Tuyệt đối là anh phải phóng người tới. Không thể nào làm gì khác hơn thế. Cần phải nhảy, cần phải lao ra ngoài để có thể tin tưởng rằng việc làm ấy có lẽ có thể có một ý nghĩa, rằng nó có lẽ có thể có những tiếng vang mà ngay cả chính ta đây cũng không từng biết. Trên một bình diện tuyệt đối cá thể, với tôi, nó đã có những tiếng dội tuyệt đối không chối cãi được: sự kiện trước năm 1958 tôi không cách gì chấp nhận được mình và giờ đây tôi lúc nào cũng làm được việc ấy, một cách liên tục, trước đây tôi không cách gì tự định nghĩa được mình và giờ đây tôi đã hoàn toàn có thể làm được điều ấy, và thực tế là nó không còn đặt một vấn đề nào cho tôi nữa. Không những thế nó còn là quan trọng nhìn từ một quan điểm tổng quát hơn: cái lý do khiến chúng ta có mặt ở nơi này, ấy là, ít hay nhiều, tất cả chúng ta đều tham dự vào một tạp chí, và tạp chí này đang tự đi tìm, và tự đi tìm từ hai năm nay... Đấy là cảm tưởng của chỉ cá nhân tôi: tôi nghĩ là nó cần phải phóng tới, nó cần phải chấp nhận nhảy ra. Có thế thôi.

 

Je suis né, Éditions du Seuil, coll. “La Librairie du XXè siècle”, 1990.

 

___________

 

Trên đây là bản văn ghi âm những phát biểu của Georges Perec tại một cuộc họp biên tập năm 1959 của tạp chí Arguments, mà Perec, bấy giờ 23 tuổi, là một thành viên. Perec ngày xưa từng bị bắt đi lính trong Quân đội Pháp, và lính nhảy dù thời ấy bị mang tiếng là hung bạo do những trận chiến tấn công vào những người Quốc gia ở Algérie, trong cuộc chiến tranh mà Perec cũng như hầu hết các trí thức và nhà văn Pháp thời ấy phản đối. Perec được miễn gửi đi “bình định” phần đất này nhờ là “con em gia đình có công với” nước Pháp: cha ông hi sinh năm 1940. Người đọc hẳn nhận ra và có thể dễ dàng “dung thứ” một mạch văn nóng hổi và “tự nhiên” như đã đọc. (chú thích của người dịch)
        * Trong bản dịch mấy năm trước, chữ được dùng là các bạn , hay bạn. Lần đánh máy bản văn qua Unicode và thêm phần chú thích, người dịch đã chọn thay vào chữ quí vị hay vị, thiết nghĩ có thể thích hợp hơn: 23 tuổi, rất có thể Perec là người trẻ nhất trong số những người có mặt tại cuộc họp biên tập nói trên, và “anh anh tôi tôi” có thể, ngay cả thời bây giờ, vẫn không thích hợp trong một số hoàn cảnh. Cũng như thế, chữ nói với bạn (chỉ Jean Duvignaud) trong bản dịch trước đã được thay bằng thưa với ông vì Duvignaud tuy về sau trở thành bạn tâm tình và là “đồng lõa” với Perec, vẫn là người từng là giáo sư dạy triết của Perec. Ở chỗ riêng có thể “anh tôi”, nhưng trong buổi họp biên tập, đương nhiên khi vouvoyer, Perec hẳn không muốn thân mật “thả cửa”. Jean Duvignaud là tác giả cuốn Perec ou la cicatrice (Actes Sud, 1993), tuy là một cuốn sách nhỏ nhưng được coi là cánh cửa mở ra toàn bộ tác phẩm của Perec để “trả lại cho nhà văn quá cố cái thế giới từng là thế giới của ông” .(chú thích của người dịch)
        ** Trong bản văn Georges Perec: SOA - la sangle d’ouverture automatique
        *** (1987 hay 1900? - 1983) gốc Đức, vợ của nhà văn André Malraux (1901 - 1976), cũng là một nhà văn & dịch giả, từng liên lụy với chồng trong vụ án xử ở Phnom Penh (tháng Bảy 1924) và Saigon liên quan đến chuyện lấy đi những đồ cổ ở Cambodge, nhưng hoàn toàn được trắng án, nhờ quan niệm “xuất giá tùng phu” của người Đông dương. Về sau, trở về Pháp, hai vợ chồng Malraux đã ra một tờ báo đấu tranh cho quyền của người An-nam.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021