thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những hòn đảo [kỳ I]
Hải Ngọc dịch
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc

 

Đôi nét về tác giả:
Aleksandar Hemon sinh năm 1964 tại Sarajevo, Bosnia Herzegovina. Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương tại đại học Sarajevo (University of Sarajevo) năm 1990. Vào thời gian ấy ông đã in một số truyện và bài báo tại Nam Tư. Năm 1992 ông đến thành phố Chicago, Hoa Kỳ và sau đó định cư tại Mỹ khi Sarajevo xảy ra biến loạn. Bắt đầu từ đó ông viết bằng tiếng Anh. Sáng tác của ông đã được in trên các tạp chí uy tín như The New Yorker, Ploughshares, Granta, Esquire. Truyện ngắn “Những hòn đảo” của ông đã được chọn vào tuyển tập The Best American Short Stories 1999 (Những truyện ngắn hay nhất nước Mỹ năm 1999). Một số truyện ngắn khác của ông cũng được chọn vào tuyển tập The Best American Short Stories 2000. Tập truyện đầu tiên của ông, The Question of Bruno (do nhà xuất bản Nan A. Talese/Doubleday phát hành năm 2000) đã đoạt giải John C. Zacharis First Book Award của tạp chí Ploughshares năm 2001. Cuốn thứ nhì của ông, Nowhere Man, đã được nhà Nan A. Talese/Doubleday phát hành năm 2002.

 

1.

Chúng tôi thức dậy vào lúc bình minh, không để ý gì đến vầng mặt trời đỏ như lòng trứng, ai cũng mải chất va ly lên chiếc Austin[1] màu xanh nước biển rồi sau đó phóng xe thẳng ra bờ biển, chỉ dừng lại ở vùng ven Sarajevo để tôi đi tiểu. Suốt cuộc hành trình, tôi luôn miệng hát những bài ca cộng sản: bài ca về những người mẹ khổ đau nhìn xuống mộ sâu nơi những đứa con đã chết; bài ca về những cuộc cách mạng, nóng bỏng và sắt đá, tựa như một đầu máy xe lửa; bài ca về những người thợ mỏ kiên trung đang chôn cất những người đồng chí của mình. Cho đến khi xe tới bờ biển, tôi gần như đã mất giọng.

2.

Chúng tôi đứng đợi tàu trên một chiếc cầu dài bằng đá, mặt cầu nóng đến độ chân tôi như phải bỏng ngay khi vừa tháo xăng đan ra. Không khí thật oi ả, bão hoà với hơi biển, mùi khói tàu, và mùi dừa trong kem chống nắng toả ra từ những du khách người Đức mặt mũi đỏ bừng và nhễ nhại đang đứng chụp hình ở phía cuối cây cầu. Chúng tôi nhìn thấy một cụm khói mỏng phía đường chân trời lúc bấy giờ hãy còn mảnh như một sợi chỉ, thế rồi con tàu mỗi lúc một lớn hơn, hơi nghiêng nghiêng về một bên giống như bức vẽ của một đứa trẻ. Tôi đội một chiếc mũ rơm tròn tròn có vẽ hình bảy chú lùn trên đó. Cái mũ hắt bóng lốm đốm lên mặt tôi. Tôi cứ phải nghểnh cổ để nhìn những người lớn. Nếu không, tôi chỉ có thể nhìn thấy đầu gối họ, những vệt mồ hôi loang đẫm áo hay những nếp nhăn mỡ chảy xệ trên bắp đùi họ mà thôi. Một người Đức trong đám ấy, một ông lão hom hem, quỳ xuống và nôn oẹ lên thành cầu. Bãi nôn rơi xuống mặt đất bắn ra tung toé chẳng khác nào những đứa trẻ con chạy tản đi tìm chỗ ẩn nấp trong trò ú tim. Phía dưới bãi nôn đang dập dềnh trên sóng như hòn đảo màu hoàng thổ và màu hạt dẻ, một đàn cá màu nhôm bu lại, cáu kỉnh nhấm rỉa.

3.

Con tàu trông thật tiều tuỵ, với những bậc cầu thang bằng thép đã bị tróc sơn và những lớp gỉ sắt trên tay vịn có thể làm người ta đứt tay như chơi. Cầu thang uốn vòng lên như một chiếc khăn tắm bị xoắn lại. “Chào mừng quý khách,” một người đàn ông râu ria xồm xoàm lên tiếng. Ông ta mặc một chiếc áo phông có in hình một con thuyền cùng với một cụm khói hình con rắn lắc lư trên sóng, phía trên là hình ông mặt trời nhoẻn miệng cười hình chữ U và đôi mắt được vẽ cách điệu. Chúng tôi ngồi ở tầng trên và con tàu vừa nhảy qua những cơn sóng nhỏ, vừa thở hổn hển, ợ chua. Chúng tôi lướt qua một dải những hòn đảo nhỏ giống như chiếc xe đã bị phế thải bỏ lại bên đường. Tôi thắc tha thắc thỏm hỏi ba mẹ: “Đây là Mljet phải không ba mẹ?” và lần nào ba mẹ cũng lắc đầu: “Không phải đâu.” Một trong những hòn đảo ấy đã bị cạo trụi bởi một đám cháy nào đó, và từ phía sau nó một cơn gió mạnh đã mai phục tấn công chúng tôi, giật phăng cái mũ rơm khỏi đầu tôi và quăng xuống biển. Tôi nhìn theo cái mũ bập bềnh trôi xa, mái tóc tôi ép chặt vào đầu giống như một chiếc mũ sắt và lúc đó tôi đã hiểu sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ mình còn được nhìn lại cái mũ ấy nữa. Giá như có thể quay ngược thời gian trở lại đứng lúc ấy, tôi sẽ giữ chặt cái mũ trước khi cơn gió xoáy gian xảo đó táp vào mặt. Con tàu bỏ xa cái mũ và cái mũ biến thành một vết bẩn màu be thấp thoáng trên một mặt biển xanh lầy nhầy như nước mũi. Tôi oà khóc và cứ nức nở cho đến khi thiếp đi. Lúc tỉnh dậy thì tàu đã cập bến. Đã đến đảo Mljet.

4.

Bác Julius hôn lên má tôi, một nụ hôn lạnh và ướt—khoé miệng của bác chạm vào khoé miệng của tôi, để lại một chấm nước bọt trên môi tôi. Nhưng môi của bác mềm, giống như mình sên vậy, tưởng như chẳng có gì phía sau giúp nhấc cặp môi ấy lên cả. Khi chúng tôi rời khỏi cầu tàu, bác bảo rằng mình đã quên mất bộ răng ở nhà, và để chứng tỏ mình nói thật, bác khoe tôi nụ cười thật rộng, để lộ những nướu răng hồng với những vết sẹo màu son. Người bác sực mùi dầu thơm làm từ nhựa thông, nhưng từ bên trong bác có một cái gì đó đã thối rữa, đã mục ruỗng phả ra, xuyên qua đám mây mùi dầu thơm ấy. Tôi giấu mặt vào sau váy của mẹ. Tôi nghe thấy bác khịt mũi cười thầm. “Mẹ ơi chúng ta về nhà thôi!” tôi bật khóc.

5.

Chúng tôi đi trên một con đường quanh co bốc nắng. Dép của bác Julius khua nhịp đều đều, nhè nhẹ khiến tôi buồn ngủ. Dọc đường đi có một bụi cây lớn, héo úa. Bác Julius bảo rằng trước kia ở Mljet có nhiều rắn độc lắm, đến nỗi người ta thường xuyên phải đi những đôi ủng cao làm bằng cao su suốt cả ngày, thậm chí cả khi ở nhà, và rắn cắn cũng phổ biến như là muỗi cắn vậy. Tất cả mọi người đều biết cách làm thế nào để có thể cắt phăng phần thịt bị rắn cắn trong giây lát trước khi nọc độc loang rộng. Rắn giết cả gà và chó. Có một lần, bác kể, một con rắn ngửi thấy mùi sữa, thế là nó quấn chặt lấy một đứa trẻ sơ sinh đang ngủ. Sau đó, người ta được nghe về loài chồn mongoose,[2] rằng loài này có thể giết rắn với niềm khoái trá như thế nào, và họ đã cử một người sang châu Phi, và người đó mang về một lứa mongoose, rồi người ta thả rông chúng trên đảo. Hồi đó ở đây nhiều rắn đến nỗi có thể nói đây là thiên đường dành cho bọn chồn mongoose. Người ta có thể đi hàng dặm mà chẳng nghe thấy gì cả ngoài tiếng rít của bọn rắn và tiếng kêu chói tai của loài chồn mongoose cùng tiếng xạc xào trong những bụi cây. Nhưng rồi bọn chồn mongoose đã giết tất cả bọn rắn và sinh sôi nảy nở đông đúc đến nỗi hòn đảo trở nên quá nhỏ bé đối với chúng. Gà bắt đầu biến mất, lũ mèo cũng vậy, rồi những tin đồn về những con chồn mongoose mắc bệnh dại, thậm chí cả giai thoại về những con quái vật mongoose như hệ quả của việc nhân giống cùng huyết thống. Bây giờ thì người ta lại đang cố nghĩ xem bằng cách nào để tiêu diệt bọn chồn mongoose đó đi cho rảnh nợ. “Thế đấy,” bác nói, “hết loài ôn dịch này lại đến loài ôn dịch kia, giống như những cuộc cách mạng vậy. Đời chỉ là những chuỗi tai hoạ nối đuôi nhau thế thôi,” bác tiếp lời rồi dừng lại, nhặt ra một viên cuội từ chiếc xăng đan bên trái của mình. Bác chìa cho chúng tôi xem viên cuội màu xám nhỏ xíu, như thể đấy là bằng cớ không thể nghi ngờ chứng tỏ điều bác nói là sự thật.

6.

Bác mở cổng và chúng tôi bước vào một khu vườn nhỏ tươm tất với những cây cà chua to tướng, như những anh lính gác, trồng dọc theo lối đi. Vợ của bác đang đứng nơi sân trước, mặt của bà giống một ổ bánh mì với một củ khoai tây núc ních ở giữa, hai tay chống nạnh, bắp chân bà đầy những vết bầm tím và những mạch máu tưởng chừng như sắp vỡ tung, mắt cá chân thì sưng phồng. Bà đi chân trần, ngón chân cái toẽ ra, ngoắt về một hướng, cứ như thể nó quay đi vì khó chịu với những ngón chân khác. Hai bàn tay của bà bao lấy đầu tôi, vặn đầu tôi ngược lên, rồi bà áp miệng vào miệng tôi, để lại một vệt dày nước bọt âm ấm, khiến tôi vội vã nhếch vai lên để chùi. Tên của bác gái là Lyudmila.

7.

Tôi kéo một túi đựng đầy những đồ chơi đi biển bằng nhựa, theo sau song thân hớn hở của tôi, trèo lên cái cầu thang đúc bê tông bên hông nhà có những bậc tam cấp rất sắc cạnh và trên dãy lan can có những chiếc bình cắm những thứ hoa vô danh như những người hầu bưng nến.

8.

Căn phòng thơm mùi oải hương, mùi thuốc xịt muỗi và mùi của những chiếc khăn trải giường sạch sẽ vừa mới được ủi xong. Trên tường có một bức không ảnh của một hòn đảo uốn lượn (đảo Mljet, góc dưới bên phải bức tranh ghi như vậy) và ở phía tường đối diện là một bức ảnh đen trắng chụp hình Đồng Chí Tito[3] đang mỉm cười. Bên dưới cửa sổ, sàn nhà lốm đốm đầy xác những con muỗi—rải rác đó đây là một con ruồi lớn có màu xanh óng ánh hay một con ong—vẫn còn toát ra vẻ sững sờ vì bị xịt thuốc bất ngờ. Khi tôi đi về phía bọn chúng, tiếng động tôi gây ra làm bọn chúng dạt ra, như thể chúng đang thoái lui, dè chừng trước một sự bất ngờ nào khác có thể xảy ra nữa.

9.

Tôi nằm trên giường, nghe tiếng màn cửa đập phần phật như sóng và nhìn lên bức ảnh chụp hòn đảo Mljet. Ở điểm tận cùng phía trên bức ảnh có hai cái hồ thuôn thuôn tiếp xúc với nhau và trên một trong hai cái hồ ấy, có một hòn đảo.

10.

Tôi thức dậy. Đêm ở đây thật ồn ã với tiếng ve ran ran triền miên như thể đó là âm thanh phát ra từ một cỗ máy trên đảo. Mọi người hãy còn ngồi cả ở ngoài kia, xung quanh một chiếc bàn đặt dưới giàn nho. Một chiếc bình thuỷ tinh cổ cao đựng đầy rượu vang đen đặt chính giữa bàn giống như một cái trục vậy. Bác Julius đang nói chuyện và mọi người cùng cười. Bác trừng mắt, nhoài người tới trước, thoi nắm tay, rồi lại xoè ra, ngón tay trỏ chỉ thẳng vào khoảng không giữa mẹ tôi và vợ bác, thế rồi bàn tay nắm lại, nhưng ngón tay trỏ lại chìa ra, đầu ngón tay gõ vào mặt bàn giống như người đang đánh điện tín. Rồi bác ngừng nói, trở lại với tư thế ban đầu của mình, nhìn mọi người đang cười.

11.

Bác Julius kể: “Chúng tôi mang theo nghề nuôi ong đến Bosnia. Trước khi những người Ukraina đến đây, người bản xứ vốn quen nuôi ong trong những cái tổ được đắp bằng bùn và rơm và khi nào cần mật ong thì họ dùng lưu huỳnh để giết sạch bọn chúng. Ba năm sau khi đến Bosnia, ông nội tôi đã có tới năm mươi tổ ong. Trước khi cụ mất, cụ đã nằm bệnh một thời gian dài. Vào ngày cụ qua đời, trước lúc nhắm mắt, cụ bảo mọi người đưa mình đến chỗ bầy ong và mọi người dìu cụ đến đó. Cụ ngồi bên tổ ong hàng giờ đồng hồ, và cứ khóc mãi, khóc mãi, khóc cả một biển nước mắt, rồi người nhà đưa cụ trở lại giường mình, và một tiếng sau, cụ nhắm mắt”.

“Cụ qua đời vì bệnh gì?” Bác Lyudmilla hỏi.

“Bệnh kiết lỵ. Hồi đó người ta thường chết vì bệnh ấy. Người ta cứ ỉa vãi ra cho đến lúc chết.”

12.

Tôi xuống cầu thang, nói với mọi người rằng mình đang khát nước. Bác Lyudmilla đi về phía góc nhà tối om bên tay phải tôi, thắp đèn lên, và ở chỗ đó có một cái thùng đắp bằng bê tông trên có đậy một cái nắp vuông bằng gỗ khổ lớn. Bà nhấc cái nắp lên, với lấy một cái chén thiếc rồi vục cả tay mình vào trong thùng. Tôi đến chỗ két nước ấy (quả thật đó là một cái két nước), lén nhìn vào. Tôi nhìn thấy một con sên màu trắng, to như ngón tay cái của ba tôi, trên bức tường đối diện. Tôi không biết nó đang bò lên hay chỉ nằm bất động trước sự hiện diện bất ngờ của chúng tôi. Sương đọng trên lưng nó lấp lánh, trông nó hệt như một cái lưỡi bị đứt rời ra vậy. Tôi liếc nhìn bác Lyudmila nhưng dường như bà không để ý gì cả. Bà đưa tôi chén nước nhưng tôi lắc đầu từ chối uống thứ nước trông có vẻ đục đục ấy.

Vậy là mọi người đưa cho tôi một lát dưa hấu được ướp lạnh và tôi uể oải nhai nó. “Nhìn lại mình xem nào,” bác Julius bảo tôi. “ Cháu không muốn uống nước ấy! Vậy cháu sẽ làm gì nếu cháu khát đến độ phát điên lên được và trong đầu chỉ có một ý nghĩ—nước, nước!—và chẳng có một tí nước nào hết? Cháu mấy tuổi rồi?” “Cháu nó chín tuổi,” mẹ tôi trả lời thay.

13.

Bác Julius kể hồi bác ở trại tập trung Arkhanglesk, Stalin và quốc hội của ông đã thông qua một đạo luật rằng nếu một đứa trẻ thường xuyên đi học trễ hay nghỉ học vài ngày không có lý do, nó sẽ bị đưa đến trại tập trung từ sáu tháng đến ba năm. Thế là, thật bất ngờ, vào năm 1943, trại tập trung đầy một lũ nhóc, chỉ hơn tôi một vài tuổi—mười hai hay mười lăm gì đấy. Chúng nó không biết làm gì trong trại cả, vì thế bọn tù hình sự đã đem những đứa có mặt mũi coi được nhất đến khu của mình, cho bọn nó ăn và, hẳn là mọi người đều biết (không, tôi không biết gì cả), bọn họ cưỡng hiếp những đứa trẻ ấy. Những đứa trẻ đã sống trong trại như vậy đấy. Chúng nó chết chẳng khác nào những con ruồi bởi vì lúc ấy trời lạnh lắm, chúng nó đã mất quần áo ấm, lại không biết cách bảo quản hay bảo vệ những đồ ăn và nước uống hiếm hoi mà chúng được phân phối. Chỉ những đứa được bảo kê mới có thể sống sót được. Và có một cậu bé tên là Vanyka: gầy gò, mười hai tuổi, tóc vàng, mắt xanh. Nó sống sót được bằng cách ăn cắp đồ ăn của những đứa yếu hơn, bằng cách hiến mình bọn tù nhân bảo kê, và hối lộ cho bọn lính canh. Có một lần—tôi nghĩ lúc ấy nó đã uống chút ít rượu vodka với bọn tù nhân—nó chợt gào lên: “Cám ơn Lãnh Tụ,[4] người đã cho tôi một tuổi thơ sung sướng!” Nó căng ngực mà hét: “Cảm ơn Stalin, ông đã cho tôi một tuổi thơ sung sướng thế này!” Thế là người ta lấy báng súng đập nó túi bụi và dẫn nó đi mất.

14.

“Đừng hành hạ thằng bé với những câu chuyện như thế. Nó sẽ không bao giờ có thể ngủ ngon được nữa”.

“Không, cứ để nó nghe, nó nên biết những chuyện ấy.”

15.

Sau đó người ta đưa bác Julius đến một trại khác, rồi lại sang một trại khác nữa, đến nỗi ông không nhớ được mình đã trải qua bao nhiêu lần chuyển trại, bao nhiêu trại mình đã từng ở, và cuối cùng thì ông thấy mình ở Siberia. Một mùa xuân nọ, công việc của ông là đào những cái huyệt lớn trên chỗ đất đã tan băng, chở những người chết trên một cỗ xe lớn đến chỗ huyệt đó rồi nhồi họ xuống đấy. Mỗi huyệt theo quy định là phải chôn năm mươi người. Có khi ông phải dẫm chân lên những xác chết ở miệng huyệt để chúng dẹp xuống, như thế mới có thêm chỗ để chất đủ xác người theo yêu cầu. Ông đã mang những đôi ủng rất lớn. Một hôm, người ta bảo ông có một người chết trong phòng biệt giam, vậy là ông đẩy xe đến đó và chất tử thi lên xe, và khi ông đẩy xe đi, bỗng nhiên ông nghe thấy cái xác đó rên rỉ: “Hãy để tôi chết đi! Hãy để tôi chết đi!” Bác Julius kể: “Lúc đó tôi sợ gần chết, tôi ngã khuỵu xuống mà cái xác vẫn tiếp tục kêu rên: “Để tôi chết đi! Tôi không muốn sống!” Thế là tôi đẩy xe về phía sau doanh trại, rồi cúi sát xuống nhìn tận mắt cái xác đó. Anh ta rất hốc hác, răng rụng hết cả và một bên tai không còn, nhưng anh ta có một cặp mắt xanh, rất xanh. Có tin nổi không, đó chính là Vanyka! Chúa ơi, trông nó già đi nhiều quá! Thế là tôi đưa cho nó mẩu bánh mì mà tôi để dành phòng những ngày khó khăn, tôi nói với nó rằng tôi nhớ ra nó là ai, và nó kể cho tôi nghe những gì xảy ra cho nó”.

16.

Người ta giải Vanyka đi, hành hạ không biết bao nhiêu ngày, giở đủ trò đối với nó. Rồi người ta chuyển nó đến một trại khác và ở đó Vanyka lúc nào cũng gặp rắc rối vì nó cũng lại nói thẳng ý nghĩ của mình, mặc dù nó khôn hơn. Nó biết cách ăn cắp của những kẻ yếu hơn và vẫn có những tên đàn ông thích nó. Nó được bọn tù nể mặt khi nó giết một người đáng sợ, một gã Do Thái nào đấy, sau khi nó thua một ván bạc. Nó còn giết thêm nhiều người nữa. Nó giở đủ trò khốn nạn và biết cách làm thế nào để sống sót, nhưng không bao giờ nó biết tự khoá mồm lại. Vì thế người ta giải nó đến một hòn đảo, nơi ấy tập trung tất cả những thằng tồi tệ nhất trong những thằng tồi tệ nhất. Trạm canh gần nhất cách bờ biển chừng năm mươi cây. Lính canh thả cửa cho bọn tù nhân cướp bóc và chém giết lẫn nhau như những con chó dại. Mỗi tháng một lần lính gác vào trại để đưa thức ăn và đếm số xác chết và số mộ rồi lại trở lại doanh trại bên bờ biển. Vì vậy, một ngày Vanyka cùng hai thằng khác giết chết vài tù nhân khác, lấy đồ ăn và quần áo của họ, rồi chạy trốn về phía bờ biển. Lúc đó đang là mùa đông vô cùng lạnh giá—ngày nào cũng thấy những cành thông gãy rụng như những que diêm—vì thế bọn chúng nghĩ rằng phải đi theo đường eo biển đang đóng băng để tránh lính canh. Nhưng rồi bọn chúng lạc lối và cạn lương thực, thế là Vanyka và một trong hai kẻ cùng trốn trại kia thoả thuận ngầm bằng mắt là chúng sẽ giết kẻ thứ ba. Bọn chúng đã hành động như vậy và lấy thịt của thằng kia để ăn rồi bọn chúng lại đi, đi, đi mãi. Sau đó, Vanyka giết chết thằng còn lại và ăn thịt hắn. Nhưng lính canh cùng với lũ chó săn đã tìm được dấu vết và tóm cổ được nó, kết cục là nó bị nhốt trong phòng biệt giam, không biết là mình đã ở đó bao lâu rồi. Tất cả những gì mà nó muốn là được chết, và nó đã đập đầu vào tường và đã cố gắng dùng lưỡi để tự làm nghẹt thở. Nó quyết tuyệt thực nhưng người ta ép buộc nó phải ăn, chỉ để làm nó sống lâu hơn và chịu đựng nhiều hơn nữa. “Hãy để tôi chết đi!” nó cứ gào khóc mãi không thôi.

17.

Bác Julius ngừng lời, không ai dám nói điều gì. Nhưng tôi băn khoăn: “Vậy thì chuyện gì đã xảy ra đối với Vanyka?”

“Nó bị giết”, bác Julius làm một động tác bằng tay như thể muốn gạt tôi sang một bên cho khuất mắt.

 

[còn tiếp hai kỳ]

 

Nguyên tác: “Islands”, đăng trên tạp chí Ploughshares, số mùa xuân năm 1998.

_________________________

[1]Austin: tên một loại xe hơi cỡ nhỏ. [người dịch]

[2]mongoose: tên một loài chồn có khả năng giết rắn rất giỏi ở châu Phi, châu Á và miền nam châu Âu. [người dịch]

[3]Tito: Tên đầy đủ là Josep Broz Tito (1892- 1980), người đứng đầu liên bang Nam Tư cũ, thời kỳ liên bang này còn nằm trong khối cộng sản Đông Âu. Tito được biết đến như một thủ lĩnh chính trị độc tài, thực thi những biện pháp chuyên chế cứng rắn để thâu tóm quyền lực như tổ chức cơ quan mật vụ khét tiếng UDBA, bắt bớ, ám sát. Nhưng ông cũng được xem như một nhân vật can đảm dám đối đầu với Stalin, có những đường lối cải cách mạnh bạo về kinh tế, chính trị, khiến Nam Tư từng được xem như một nước xã hội chủ nghĩa cởi mở hơn cả, đến mức, đất nước này được mệnh danh là “thiên đường” trong khối các nước xã hội chủ nghĩa. Chính những đường lối cải cách này đã tạo ra sự nứt rạn trong quan hệ giữa Nam Tư và khối XHCN Đông Âu cũ, nhất là đối với Nga, đồng thời làm xích gần mối quan hệ giữa Nam Tư và các nước phương Tây. [người dịch]

[4]Trong nguyên tác là “Thank you, Vozhd, for my happy childhood!” Chữ "Vozhd", tiếng Nga, là "Lãnh Tụ". Thời Stalin cầm quyền, chữ này được dùng để gọi ông. Các khẩu hiệu phổ biến nhất để ca ngợi Stalin là: "vozhd' progressivnogo chelovechestva" (lãnh tụ của nhân loại tiến bộ); "velikij vozhd' i uchitel'" (lãnh tụ và người thầy vĩ đại); "lyubimyj vozhd' narodov" (lãnh tụ kính yêu của dân tộc), vân vân. Tất nhiên, Stalin còn được hưởng nhiều lời ca ngợi hấp dẫn hơn nữa, chẳng hạn: "organizator i vdoxnovitel' gigantskix istoricheskix pobed sovetskogo naroda" (nhà tổ chức và người gây hứng khởi của những chiến công lịch sử khổng lồ của nhân dân Xô-viết); "svetlyj genij chelovechestva" (thiên tài rực sáng của nhân loại); "otec narodov" (người cha của đất nước), vân vân. [chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021