thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những hòn đảo [kỳ II]
Hải Ngọc dịch
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc

 

Đôi nét về tác giả:
Aleksandar Hemon sinh năm 1964 tại Sarajevo, Bosnia Herzegovina. Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương tại đại học Sarajevo (University of Sarajevo) năm 1990. Vào thời gian ấy ông đã in một số truyện và bài báo tại Nam Tư. Năm 1992 ông đến thành phố Chicago, Hoa Kỳ và sau đó định cư tại Mỹ khi Sarajevo xảy ra biến loạn. Bắt đầu từ đó ông viết bằng tiếng Anh. Sáng tác của ông đã được in trên các tạp chí uy tín như The New Yorker, Ploughshares, Granta, Esquire. Truyện ngắn “Những hòn đảo” của ông đã được chọn vào tuyển tập The Best American Short Stories 1999 (Những truyện ngắn hay nhất nước Mỹ năm 1999). Một số truyện ngắn khác của ông cũng được chọn vào tuyển tập The Best American Short Stories 2000. Tập truyện đầu tiên của ông, The Question of Bruno (do nhà xuất bản Nan A. Talese/Doubleday phát hành năm 2000) đã đoạt giải John C. Zacharis First Book Award của tạp chí Ploughshares năm 2001. Cuốn thứ nhì của ông, Nowhere Man, đã được nhà Nan A. Talese/Doubleday phát hành năm 2002.

 

18.

Tôi tỉnh giấc, không biết mình đang ở đâu hay mình là ai nữa nhưng rồi khi nhìn thấy bức ảnh chụp đảo Mljet, tôi bắt đầu nhận thức được. Tôi đứng dậy, thoát khỏi trạng thái phi tồn tại, bước vào một ngày vừa chớm. Trời sáng mờ, nhưng tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng ầm ì của bãi biển ngoài xa: tiếng thầm thì bẽn lẽn của những con sóng, tiếng vọng của một thứ âm nhạc không biết bắt nguồn từ đâu, tiếng thuyền máy chạy đều đều, tiếng la hét của lũ trẻ, tiếng mái chèo khua chỏi nhịp làm nước bắn tung toé. Những con ong bay lên chỗ những bông hoa trên cầu thang và tôi phải rất cẩn thận khi bước ngang qua chúng. Bữa sáng đã dọn sẵn trên chiếc bàn in bóng của giàn nho hắt xuống như những mắt lưới: một đĩa trứng nhão nhoét, một chén nước khói nghi ngút bay lên, và bảy lát bánh mì đựng trên một chiếc khay thép sáng bóng, gối lên nhau như những quân cờ domino ngã rạp xuống. Xung quanh không có ai cả, chỉ có những bóng râm trải dài trên mặt sân lát đá. Tôi ngồi xuống, khuấy tách cà phê sữa của mình. Có một con ong chết trong gió xoáy và nó cứ bay ngửa lòng vòng mãi, mỗi lúc lại hạ thấp hơn, cho đến lúc phải rơi xuống một cách miễn cưỡng.

19.

Ăn bữa sáng xong, chúng tôi đi xuôi xuống một con đường đất giống như một hang ổ kéo dài trong bụi rậm. Tôi mang theo một trái bóng Nivea màu xanh và trắng—loại bóng có thể bơm hơi vào—và thỉnh thoảng tôi lại sơ ý đánh rơi nó, và nó nảy lên chầm chậm trước mặt chúng tôi. Tôi nghe thấy tiếng xào xạc trong bụi cây—có lẽ là một con rắn cũng nên. Nhưng rồi có nhiều tiếng xào xạc hơn nữa khiến tôi hình dung ra cảnh một con chồn mongoose đang giết một con rắn. Một trận chiến khốc liệt: con rắn quằn quại trong mõm của con chồn đang cố cắn đứt đầu nó, hệt như cảnh tượng mà tôi đã từng thấy trên ti vi trong chương trình Sống Còn. Tôi đứng đợi ba mẹ đi cùng, vì tôi không rõ một con chồn dữ tợn sẽ có cảm giác gì trước một thằng bé tò mò—liệu nó có muốn cắn đứt đầu thằng bé đó không?

20.

Chúng tôi đến bãi biển sỏi, gần cái đập ngăn giữa hai hồ nước. Tôi phải ngồi choàng khăn tắm một lúc trước khi được phép bơi. Bên tay trái chỗ tôi ngồi có một ông già da dẻ đã nhăn nheo, một cuốn truyện trinh thám úp lên mặt ông, những sợi lông trắng phất phơ trên ngực ông, bụng ông nhấp nhô rất khẽ hầu như không thể nhận thấy, với một con ruồi xanh óng to tướng đậu trên bờ lỗ rốn. Bên tay phải có hai ông già ngồi đối nhau, đầu đội mũ rơm, mặc quần ống rộng phùng phình, chơi cờ trong sự im lặng bình thản, với bộ ngực của họ chảy xệ đến tận bàn cờ. Xa hơn một chút có ba đứa trẻ. Chúng ngồi trên khăn tắm, quây quần quanh một người đàn bà có lẽ là mẹ chúng, người đang phát những quả cà chua và những lát bánh mì trên có phết một lớp mứt vàng vàng. Những đứa trẻ đồng loạt cắn những lát bánh mì và những quả cà chua của mình và nhai ngấu nghiến. Nước cà chua rỏ xuống cằm mà chúng cứ coi như không, thế là khi chúng ăn xong, mẹ chúng đành lấy một miếng vải trắng ố màu để chùi những khuôn mặt bướng bỉnh ấy.

21.

Rốt cuộc ba mẹ cũng cho tôi bơi, và tôi tập tễnh đi qua bãi biển đầy những viên sỏi cạnh bén và nhúng mình vào những chỗ nước cạn. Tôi nhìn thấy những con sứa đang trôi phập phồng. Đá dưới đáy hồ bị phủ bởi một lớp rêu mỏng, trơn trợt. Tôi e dè ngụp xuống nước và cái rùng mình vì lạnh khiến tôi cảm nhận sự hiện hữu của mình trong cơ thể của chính mình—tôi nhận thức rõ giới hạn của mình, tôi ý thức được làn da là ranh giới giữa thế giới và tôi. Thế rồi tôi nhô mình dậy, mặt hồ sóng sánh chỉ đến ngang ngực tôi, và tôi vẫy tay về phía ba mẹ tôi, nhưng ba mẹ kêu lớn: “Chỉ thêm năm phút nữa thôi đấy!”

22.

Thỉnh thoảng tôi cũng nhìn thấy những con cá dưới làn nước trong suốt, lượn lờ nơi đáy hồ. Một lần tôi bắt gặp một đàn cá trông từa tựa giống loại cá kiếm thu nhỏ lại, với cái bụng óng ánh bạc và cái mũi nhọn như kim. Bọn cá ấy bơi thành một đàn, rồi chúng đột ngột dừng lại trước tôi, hàng trăm con mắt mở to nhìn tôi chằm chằm với sự ngạc nhiên khó chịu. Tôi chớp mắt một cái, cả đàn cá lướt vụt đi mất.

23.

Khi mặt trời đang lặn, chúng tôi bước ngược lên lối đi cũ. Mọi vật giờ đây đều ngả sang màu đồng và, thi thoảng, một vạt ánh sáng mỏng dát vàng đâm xuyên qua bụi cây dại và những vòm ô liu, giống như một mũi dáo trổ lên từ mặt đất. Tiếng ve rền vang và hơi nóng của mặt đất làm nồng thêm mùi của những lá thông khô rụng đầy trên lối đi. Tôi bước vào quãng đường trước đó ít lâu đã nằm dưới bóng râm của những cây thông cao lớn, và hơi không khí mát mẻ bất ngờ làm tôi sực nhận ra vai mình đã rộp nóng như thế nào. Tôi ấn ngón tay cái thật chắc vào vai, và khi nhấc tay ra, một vết xanh tái hiện lên, rồi dần dần rút lại, trở về màu ưng ửng đỏ.

24.

Có một người đàn ông cầm cuộn dây xích dắt theo một con chó bẹc-giê, phần lớn cuộn dây quấn quanh cổ tay ông. Con chó cố nhảy bổ vào một con chồn mongoose đang lẩn trốn sau một bức tường đá đã đổ. Cứ mỗi lần con chó táp gần trúng mõm con chồn thì người đàn ông kéo giật nó lại. Lông của con chồn dựng đứng lên, và nó nhe răng ra, trông có vẻ nguy hiểm, nhưng tôi biết lúc đó nó đang điên người vì khiếp đảm. Cặp mắt nó loá lên một tia đỏ ửng, trông như đốm sáng đỏ trong mắt khi người ta nhìn vào đèn chớp mà ta thấy nơi những bức ảnh màu chụp tồi. Con chó tru và sủa ầm ĩ, và tôi nhìn thấy những nướu răng màu hồng và nâu cùng với dòng nước dãi khát máu tứa ra khỏi mõm. Rồi người chủ thả con chó ra và tiếng kêu rít và tiếng khò khè, tiếng gầm gừ và tiếng rên rú vang lên chỉ trong chốc lát. Người đàn ông kéo con chó lại và con chồn mongoose nằm ngửa trên mặt đất, nhe răng ra với vẻ mặt nhăn nhó vô dụng, những cái vuốt xuội lơ như không còn chút nguy hiểm nào nữa, và hai mắt trợn trừng, tròng đen nở lớn như muốn chiếm cả con ngươi, sửng sốt tột độ. Trên ngực nó có một cái lỗ—dường như con chó đã cắn mất một miếng thịt ở đó—và tôi nhìn thấy quả tim của con chồn, như một trái cà chua nhỏ xíu, phập phồng, như đang nấc cụt, chậm dần và chậm dần, khoảng cách giữa mỗi nhịp dài hơn từng chút, và ngừng đập hẳn.

 

[còn tiếp một kỳ]

 

Nguyên tác: “Islands”, đăng trên tạp chí Ploughshares, số mùa xuân năm 1998.

-----------

Đã đăng:

Những hòn đảo [kỳ I]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021