thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện của B.

Người ta đã tính sổ rồi: phim The Blair Witch Project (BWP) chỉ có ba mươi ngàn đô để quay mà sau mấy tháng chiếu cho thiên hạ xem đã thu vào đến gần 150 triệu. Lời: gần 5.000 lần vốn. BWP là một phim kinh dị (horror film). Có người mỉa mai: Kinh dị đối với Hollywood là cái chắc! Nhưng phim gọi là "Hollywood", ngân sách không khi nào dưới 100 triệu đô-la. Hình như Titanic tốn đến 200 triệu. Dĩ nhiên, những phim "Hollywood" cũng thu nhập một số lời khổng lồ, nhưng so với vốn chỉ lời khoảng gấp rưỡi, 150%, hay gấp đôi, 200%, là nhiều. So với BWP, lời 500.000%, thua xa!

Nhờ phim BWP mà Burkittsville, Maryland được cả nước biết đến. Chỉ bởi vì chuyện phim xảy ra trong một cánh rừng ở Burkittsville (B.). Đã có khách tứ phương lái xe hàng trăm dặm đến B. xem cái nghĩa địa sau lưng nhà thờ, đìu hiu mấy tấm bia xiêu vẹo. Đến B. xem đường chính – Main Street – với nhà bưu điện: một phòng nhỏ + một nhân viên. Nhờ BWP mà B. được ghi tên lên bản đồ USA. Vân vân. Vân vân.

Bản thân tôi cũng có một tí duyên với B. Tôi đã cư ngụ ở đó trong mười bốn năm trời. Ngôi nhà cũ của tôi vẫn còn, ngôi nhà xây toàn đá đầu thế kỷ 19, năm Gia Long lên ngôi, được nhắc đến trong một truyện ngắn viết năm 1980 ("Bách Hương", Văn Học số 110, tháng 6 năm 1995). Tôi viết bài này không phải, ồ không, để "khoe" rằng B. và tôi có tí liên hệ, mà là để "khóc" cho một Mỹ quốc ít được biết đến, một Mỹ quốc trên đà tiêu tùng.

Là người gốc Việt, sinh trưởng ở Việt Nam, tôi cũng đã "khóc" nhiều cho quê hương. Dĩ nhiên, cái "khóc" cho Việt Nam quá khác biệt với cái "khóc" cho Mỹ quốc. Quê tôi là một nước... Trước kia, các nước Tây phương trịch thượng lắm. Một nước cỡ Việt Nam bị gọi là "lạc hậu" (backward), là "chưa mở mang" (undeveloped). Lạc hậu? Chưa mở mang? Ta có những "bốn ngàn năm văn hiến" kia mà! A, cái bọn thực dân, đế quốc tự cao tự đại. Sau này, người ta khéo léo hơn, "ngoại giao" hơn, tránh làm cho những nước nhược tiểu bất bình. Việt Nam được nâng lên hàng những nước "trên đà mở mang" (developing nations). Tuy không nói ra, ai cũng hiểu rằng "mở mang" ở đây chỉ có nghĩa là mở mang về mặt kinh tế, để cho người dân được ăn no mặc ấm hơn, mở mang về mặt pháp lý để cho nhân quyền, dân quyền được bảo đảm, v.v... Ngày nay, chẳng "ông Tây" nào dại dột xách mé với những nước nhược tiểu nữa.

Với Việt Nam, đổi thay là cần thiết. Có "tiến" có "hoá" mới tồn tại. Trọng tâm nằm ở sự chọn lựa. Tiến, chẳng hạn, là để cho người dân có nước sạch mà uống, không phải "tiến" cho "kịp" phương Tây. "Hoá" là để cho cả nước được tự do đi lại, nói năng, thờ phụng... không phải "hoá" để trở thành một bản sao nhếch nhác của một nước tiền tiến.

Thời tôi mới lớn, con đò trên sông Hương trôi lờ lững; người nữ chèo đò mặc áo đổi vai. (Ai không biết áo đổi vai là gì xin hỏi một bà gốc Huế lứa tuổi trên 60.) Lần trước về thăm Huế, tôi thấy đò có gắn máy đuôi tôm. Anh đàn ông "lái" đò đội cái mũ baseball đỏ choét. Đò không trôi, đò phóng. Máy kêu xành xạch, vang cả mặt sông. Sóng quặn lên, táp vào hai bờ; chim chóc hoảng sợ bay tứ tán. Nhìn con đò "hiện đại hoá" tôi không ưa tí nào. Nhưng tôi không khóc cho con đò ngày xưa. Tôi biết gì về người nữ mặc áo đổi vai có thể vừa đói vừa mệt còn phải chèo đò chở hàng về chợ cho kịp buổi mà đòi hỏi đò phải trôi lờ lững? Mà chờ đợi o lái đò cất tiếng hò mái đẩy mái nhì? Đặt lên cân, cái quyền của người nữ đó được ăn uống được nghỉ ngơi nhất định là phải nặng ký hơn cái ưa chuộng của riêng tôi. Nhìn con đò Huế trên sông Hương có gắn máy đuôi tôm tôi không thích tí nào, tôi bực mình, nhưng tôi không "khóc".

Có "khóc" chăng là tôi "khóc" cho nỗi cơ cực của quê hương, đồng bào tôi. Tôi "khóc" cho thành quách rêu phong chung quanh đạïi nội có chỗ tróc lở: thay vì tốn tí công tí của lắp vào vài viên gạch người ta đã lấy xi-măng trét đại lên, trông vừa bôi bác vừa xấu xí. Tôi "khóc" cho cái cửa thành, uy nghi là thế, cổ kính là thế mà ở chỗ dễ thấy nhất lại mang hàng chữ sơn trắng to tướng: "Anh Văn Xuất Cảnh, số... đường..." Tôi "khóc" cho tô bún bò Huế, nấu tại Huế, ăn tại Huế, mà nuốt xuống thấy vừa vô vị vừa vô duyên.

Cái "khóc" cho Việt Nam đại khái là thế. Khác một trời một vực với cái "khóc" cho Mỹ quốc. Cư ngụ ở Mỹ đã nhiều năm, tôi may mắn được biết đến một nước Hiệp Chủng Quốc chẳng những ít người Mỹ gốc Việt biết đến mà cũng ít người Mỹ bản xứ biết đến, một nước Hiệp Chủng Quốc đang dần dần mất dạng.

Mà có phải Mỹ quốc cần đổi thay một cách khẩn thiết gì cho cam. Như Việt Nam đang cần đổi thay. Ai cũng biết Mỹ là một nước lớn, dân đông, giàu mạnh vào bậc nhất thế giới, nhân quyền, dân quyền được tôn trọng, một đại cường, v.v... Vậy mà Mỹ quốc vẫn cứ "tiến" cứ "hoá". Đổi thay không phải là hiện tượng. Đổi thay là... bản chất! Không những chỉ đổi thay mà đổi thay mạnh, đổi thay nhanh, đổi thay chết bỏ. Ai đổi, ai thay, mặc, Burkittsville (B.), Maryland cứ tà tà. Được bao lâu nữa, không ai biết. Chỉ biết nếu không có phim BWP, sau mấy tháng được tung ra, đã thu nhập đến 148 triệu đô-la thì chẳng ai biết đến, thèm biết B. làm gì.

Chúng ta đừng để cho cái đuôi ville của Burkittsville nó loè. Chúng ta biết, ville, tiếng Pháp, có nghĩa là thành phố, city. Ville de Paris, New York City, là những thành phố tầm vóc thế giới, không nói làm gì. Chỉ ở Mỹ thôi cũng đã có những thành phố lớn với cái đuôi ville như Louisville ở Kentucky, Jacksonville ở Florida, Knoxville ở Tennessee... với dân số mấy trăm ngàn, trên triệu. Đằng này mắc mớ gì mà B. cũng đeo được cái đuôi ville khi tổng dân số dân cư chỉ có... 200?!

Nghe đâu cuối thế kỷ 17 (triều Lê Dụ Tông / Trịnh Nguyễn phân tranh) có chàng phiêu lưu người Tô Cách Lan (Scotland/ Écosse) tên John Burkitt trôi dạt làm sao đó mà tấp vào chân núi Nam Sơn (South Mounatain), tây bắc Maryland rồi ở lì luôn tại đó. Dần dà, John có thêm hàng xóm láng giềng, rồi từ từ xóm trở thành làng, làng mang cái tên khá hoách: Burkittsville. Không Village of Burkitt hay Hamlet of Burkitt cho nó có vẻ chính xác và khiêm tốn. Burkittsville hẳn hoi. Tên gọi là vậy nhưng B. không phải, xin nhắc lại, không phải là một thành phố, giản dị bởi vì B. không có phố.

Ở B., chỉ có mỗi một con đường chính (Main Street) và dăm con đường hẻm mọc ra từ đường chính. Trên đường chính không có hàng quán gì ráo. Chỉ có những ngôi nhà nhỏ nhắn, xưa cũ, xây bằng gạch đỏ, mái đá. Trên lề đường, những gốc phong già cỗi. Chỉ có một nhà thờ (sau lưng nhà thờ là nghĩa địa) và "sở" bưu điện. "Sở" mang hai dấu kép vì đó chỉ là một căn nhà nhỏ xíu mang bảng đề Burkittsville, Maryland 21718. Bước lên tam cấp, mở cửa, bước vào căn phòng nhỏ. Phòng có một dãy hộp thư (P.O.Boxes) lối xưa, và cái quày. Sau quày có Miss Black. Cô Đen. Tên là Đen nhưng da thì trắng, gốc Ái Nhĩ Lan. Cô Đen một tuổi với tôi. Năm tôi dọn đến B. cô Đen đã 39 mà vẫn còn được gọi là cô (Miss) bởi vì cô chưa chồng. Một hai năm đầu thập niên 70 chưa có phong trào nữ quyền chủ trương gọi người nữ, bất luận trẻ già, chưa hay đã có chồng, là Mị (Ms.) thay vì Mít (Miss) hay Mít-xị (Mrs.). Cô Đen không có vẻ lưu tâm đến việc được gọi là Mít. Cô lớn hơn tôi một tháng cho nên năm nào tôi cũng nhớ bỏ vào thùng thư "local" (địa phương) một cái thiệp chúc lành kèm theo một chi phiếu gọi là mừng sinh nhật.

Năm tháng trôi qua, cả hai chúng tôi cùng già đi. Tôi thấy cô Đen già thật nhanh: tóc bạc nhiều hơn, người càng ngày càng phì nộn, đi đứng nặng nề, hơi thở khó khăn. Mới ngoài 50, cô Đen đã về hưu vì cô mang bệnh tim, đã phải mổ mấy lần.

Tôi ở B. 14 năm rồi dọn đi một nơi cách đấy chừng mười lăm cây số. Tuy đã dọn đi tôi vẫn giữ hộp thư cũ ở sở bưu điện nên cứ vài ba bữa lại ghé B. lấy thư từ sách báo. Miss Black đã về hưu; người thay thế là Annie, một chị "nhà quê" mới ngoài 20, mập, thô, nhưng luôn luôn vui vẻ, tươi tắn. Có điều tôi không biết là cô Annie lặng lẽ tiếp tục một truyền thống của sở bưu diện B.

Số là lần nào ghé qua bưu điện tôi cũng thấy ba bốn người ngồi đứng lai rai trong cái quầy duy nhất có dãy hộp thư. Tôi vẫn tưởng họ là khách hàng của sở bưu điện như tôi. Nhưng có bữa nọ, lấy thư xong, tôi sắp sửa bước ra đường thì một trong mấy người gọi lại: "Này ông bạn, đi đâu gấp vậy? Làm một ly cà phê cho ấm đã!" Thì ra sáng nào cô Annie, như cô Black trước kia, cũng pha một ấm cà phê tại ngay sau quày. Ai cần tem, cô bán, lấy tiền cho nhà nước. Ai muốn uống cà phê (cô xuất tiền túi mua), cô rót, cô cho không. "Tiếng lành đồn gần", sáng sáng, mấy anh người làng tụ lại ở căn phòng bưu điện, rề rà đấu hót năm ba tiếng đồng hồ. Có Tom, 70, đã về hưu. Có Tim, còn trẻ, nhưng què một cẳng. Có Bob, thợ đụng của làng. (Tôi học được chữ "thợ đụng" này từ mấy ông bạn gốc Nam, có nghĩa là 'đụng" đâu làm đó, ai mướn làm chi cũng làm.) Có Wayne, anh phát thư khi... chưa có thư để phát. Thỉnh thoảng, sáng thứ Bảy, có cả Bobby, bồ của Annie.

Tây bắc Maryland là miền núi non: mùa đông nhiều băng tuyết. Một sáng nọ, ghé nhà bưu điện, thấy chỗ thường đậu xe đầy cả tuyết, tôi cứ lái đại vào. Khi ra về, bánh xe trượt. Nhích tới, thụt lui mãi không thoát khỏi bãi lầy. Tôi chưa biết phải làm sao thì Tim và Bob đã từ trong bưu điện bước ra. Tim tóm lấy cái xuổng vẫn để cạnh tam cấp, xúc lấy xúc để. Trong khi Bob chạy ra sau đít xe hì hục đẩy. Chẳng mấy chốc xe tôi ra khỏi bãi tuyết. Tim nheo mắt, trề môi: "Làm gì với đống tuyết bây giờ nhỉ? Đổ vào xe bạn nhé?" Có lẽ mọi người cho là Tim đùa vui lắm, cười vang. Annie chạy ra đứng tựa cửa hồi nào không hay. Cũng cười lớn với bọn đàn ông. Lái xe đi, tôi kịp thấy Bobby đứng sau lưng bồ, hai tay vòng quanh bụng nàng.

Đại khái, B. là thế. Dĩ nhiên, còn nhiều "chuyện" khác; chẳng hạn, ông Jack một mình xây lên cả một cái nhà đá ("Lô cấu", Văn Học số 3, tháng 4 năm 1986). Chẳng hạn, sau lưng sở bưu điện có một cái ao lớn. Thỉnh thoảng thấy ông Tom ngồi câu. Có khi Tom cho tôi vài con blue gills, giống hệt cá rô Việt Nam, chiên dòn chấm nước mắm ớt chanh tỏi rất ngon. Mùa lạnh, nước đông cứng, bọn trẻ con tha hồ trượt băng. Trên con đường chính, cách sở bưu điện chừng bốn năm chục thước, có ngôi nhà xưa cũ, thật lớn. Người ta nói trên đường hành quân, "cha già dân tộc", tức "Old George", tức George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, từng ngủ lại một đêm trong nhà đó. Về sau, thời nội chiến, nhà đó lại được trưng dụng làm bệnh viện... Nhiều chuyện tương tự như thế. Lịch sử đầy mình! Nhưng thôi, tôi không có ý quảng cáo cho B. Tôi chỉ muốn nói rằng ở Mỹ quốc, còn có hàng ngàn, hàng vạn nơi như B., nhất là ở những vùng còn rơi rớt ít nhiều truyền thống. Truyền thống nào? Truyền thống về gì? Đó là truyền thống mà phần đông dân các nước trên thế giới, kể cả dân Việt, cứ khăng khăng cho rằng dân Mỹ không có, không có chứ không phải có mà đã mất. Đó là... truyền thống của sự giao tiếp gần gũi giữa người với người, giữa người và thiên nhiên. Truyền thống của chia sẻ và giúp đỡ. Truyền thống của một lối sống. Chậm rãi hơn, hiền hoà hơn, chân chất hơn.

Không phải đâu ở miền tây bắc Maryland cũng quê kệch như Burkittsville.

Thành phố gần B. nhất là Frederick (F.), thủ phủ của quận Frederick. Thành phố tí tẹo, dân số chừng ba chục ngàn. Tác giả bài quốc ca Hoa Kỳ "Star Spangled Banner" là Francis Scott Key sinh trưởng ở đó, sáng tác bản nhạc này ở đó. Trên con đường chính của thành phố còn thấy được ngôi nhà nhỏ trước kia của Barbara Fritchie. Nghe đâu hồi nội chiến F. thuộc phe Nam (Confederacy) mà cảm tình của Barbara lại dành cho phe Bắc (Union). Barbara bày tỏ cảm tình đó bằng cách chính tay may lấy một lá cờ Hoa Kỳ thật lớn, cờ phe Bắc, lá cờ có sao trắng và sọc đỏ mà chúng ta còn được thấy treo trước các công thự ngày nay. Một hôm, có toán lính miền Nam đang diễn hành, Barbara, từ lầu trên, mở cửa sổ, rũ lá cờ lớn ra ngoài cho mọi người cùng thấy. Cũng dễ hiểu thôi, nếu một anh lính đang đi dưới đường ngó lên thấy lá cờ thù địch điên tiết bắn cho một phát. Viên đạn xuyên qua lá cờ, xói vào tim cô gái, và Barbara đi vào lịch sử!!!

Đường sá ở F. có nơi giống hệt như bà Bùi Bích Hà tả cảnh Boston: "chật hẹp và cũ kỹ [...] hai bên hàng phố có những bờ lề mà thời gian lâu năm đã làm cho sồi sụt, mấp mô." ("Đôi cánh ước mơ của con", Văn Học số 160, tháng 8 năm 1999). Boston là một thành phố rất lớn, một thành phố quan trọng và giàu có mà đường sá còn có nơi "sôi sụt, mấp mô" huống hồ F. chỉ là một trung tâm hành chánh của một quận núi đồi heo hút.

F. là như vậy đó nhưng F. cũng đang rơi vào tình trạng đổi thay quá độ. Con đường 40 bây giờ dược mệnh danh là "Dặm Vàng" (The Gold Mile). Vàng là vàng bạc, không phải "gió vàng hiu hắt". Người ta san bằng đồi cao lũng thấp, triệt hạ cây cỏ, xây lên mấy cái "malls" (trung tâm thương mại) mênh mông. Đầu tháng đi qua còn thấy cánh đồng xanh mướt; cuối tháng trở lại đã không còn. Thấy chăng là một bãi đậu xe ngút ngàn.

"Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa chỗ giồng ngô khoai", chỉ đổi thay có thế mà lời thơ của ông Tú Vị Xuyên xưa kia nghe đã ngậm ngùi xa xót. Nếu ngày nay Tú Xương qua đến đất Mỹ, ông sẽ quên đi chuyện sông đã thành đồng và ông sẽ thay thế thành ngữ "biển dâu" với một thành ngữ mới mẻ hơn: "đồng xanh bãi đậu". "Thương hải biến vi tang điền" là chuyện xảy ra ngày xưa ở Trung Quốc, ở Việt Nam. Ngày nay, ở Mỹ quốc, chúng ta mới thấy được cảnh "thanh điền biến vi parking lots".

Về các lãnh vực thương mãi, kỹ nghệ, thiết kế đô thị, sự hiểu biết của tôi ít ỏi, lơ mơ. Đứng trên quan dểm chính trị, xã hội, kinh tế, tôi không có thẩm quyền lớn tiếng phê phán, lăm le đưa ra những đề nghị, những giải pháp, những kế hoạch. Tôi chỉ biết... "khóc". Tôi "khóc" cho một Mỹ quốc chỉ vài ba năm nữa sẽ không còn được biết đến. Như tôi "khóc" cho một quê hương Việt Nam trên đà "hiện đại hoá", học đòi "lối sống văn minh".

Nghĩ cho cùng, tôi đâu có "dư nước mắt" đến thế. Có "khóc" chăng là tôi "khóc" cho ấm cà phê cô Black, rồi cô Annie vẫn pha mỗi sáng. "Khóc" cho ai đó kẹt cứng trong tuyết lầy ở bãi đậu xe mà không có những Tim và Bob nào ra tay giải vây. "Khóc" cho giới trẻ nhỏ ngày nay, quá quen thuộc với những malls, những shopping centers mới toanh, sẽ không bao giờ biết đến "những bờ lề lót gạch đỏ mà thời gian lâu năm đã làm cho sồi sụt, mấp mô". Với cái đà 'tiến bộ" hiện nay, tôi còn sẽ "khóc" cho cả mụ phù thuỷ ở Burkittsville, chẳng biết bao lâu nữa cũng hết chỗ trú ẩn ở nơi trước kia chỉ có róc rách suối núi và "trầm mặc cây rừng".

Hai anh đạo diễn trẻ của phim The Blair Witch Project đã khám phá ra B. thật kịp thời.

9.1999


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021