thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vớt nắng

Thôi đừng ấm ớ

Tôi nghe nói có những nhà văn kỷ luật, sáng nào cũng đúng giờ ngồi vào bàn, trang giấy trắng trải sẵn. Hay hiện đại hơn, thong thả ngồi vào máy vi tính, căn phòng yên tĩnh trang bị máy ấm máy lạnh, nút bấm xẹt xẹt, chung quanh với tay là có đủ sách vở tài liệu tham khảo .

Tôi đụng xe, trả lộn tiền chợ, vì người bán bấm sai biên lai chẳng thấy, lạc đường, quẹo xe chữ U vào chỗ bảng cấm, và bị phạt. Và mệt đừ. Tự chấn chỉnh, quyết từ nay, năm ngày một tuần, không văn chương văn nghệ văn gừng văn tỏi để giảm thiểu khó khăn, “máy văn nghệ” chỉ được mở vào hai ngày cuối tuần. Thôi thì thôi.

Cây đàn muôn điệu

Trong đầu, nhạc rung lên, một ngày tuyệt hảo. Cả nhà đi vắng, con gái nhỏ ra biển, con trai đi cắm trại. Tuyệt, chúng nó đang bơi lội với nắng hè, còn tôi, tôi sẽ bơi lội với mình tôi.

Gạn đục, khơi trong, lắng hồn, tĩnh tâm, thở bằng bụng, nén trái tim hồi hộp, và con nhà văn đã sẵn sàng rung lên như cây đàn muôn điệu...

Cây đàn điện thoại bất thình lình kêu vang.

Giọng mẹ qua phôn kể :

“...Hai vợ chồng nó đang kình cãi nhau kịch liệt, chưa từng thấy ai mất dạy như thằng chồng, tao không còn muốn ngó thấy cái bản mặt nó nữa...Kình cãi vợ con, bây giờ còn muốn từ luôn đứa con, thì cứ đăng báo đi mà từ...”

Tà tà, mẹ long rong kể chuyện ngọn ngành đầu dây mối nhợ, anh rể, chị hai, cháu trai, cháu gái...

“Vợ chồng nào cũng có khi kình cãi, kệ ổng bã, mẹ cứ đứng ngoài, không phải việc mẹ, mẹ đừng xen vô.”

Lời bàn ba phải bậy bạ làm mẹ nổ bùng tức giận:

“Chị hai mày là con tao, mày biểu tao không binh là làm làm sao?”

Điện thoại nhẹ đặt xuống, sau một hồi giả lã với mẹ cho mẹ bớt giận.

Cháu hai mươi mốt tuổi, hy vọng sẽ vào trường Dược năm tới, bỗng nhiên mất hẳn trí nhớ, ngơ ngẩn đi ra đi vào, gặp ai cũng hỏi thăm trái đất đã nổ chưa. Hai mươi mốt tuổi, còn quá trẻ để xin trợ cấp tàn phế, và cũng còn quá trẻ để chịu đựng một đời dài bất lực và vô tận trước mặt. Anh chị tôi gồng gánh không nổi gánh nặng này, gấu ó nhau chán, lại trút lên đầu thằng con lớn, hai mươi bốn tuổi, cái tuổi học hành, vui chơi và theo gái và sắp bị cha mẹ nó dọa từ. Schyzophenia, cái tên lạ lùng bất hạnh, thình lình náo động một gia đình tưởng là nền nếp.

“Một ngày, trời đẹp mùa xuân, Tấn gặp Lan.”

Truyện hạnh phúc hai người trẻ tuổi, tôi bắt đầu được giòng đầu nhưng áy náy phải gọi mẹ, định hỏi, mẹ muốn đi ra ngoài chơi một lát không, nhưng giật mình nhớ lại là tôi vừa tông vào xe buýt, chiếc xe còn bỏ sửa ngoài ga-ra. Đành trơ mặt lẳng lặng làm đứa con vô tình bất hiếu.

“Lan gương mặt hồng, sáng lên dưới ánh nắng xuân. Mùa xuân như ở bất tận nơi người con gái ấy. Aùnh sáng rồi sẽ không bao giờ tắt.”

Rục rịch cựa mình, nhưng vẫn có gì trục trặc, vẫn chưa bắt vô truyện được. Có lẽ, nên cho Lan bị tai nạn, hư xe và gọi Tấn, Tấn sẽ tới kêu người kéo xe cho Lan và hai người sẽ cùng với nhau đi đến ga-ra. Một hành trình hạnh phúc bắt đầu bằng một tai nạn, có chút kinh nghiệm sống của người viết.

Nhưng điện thoại lại reo:

“Hello, chị Hà phải không? Minh Auto Repair đây. Xe chị đụng nặng quá, gãy cái trục, bể đèn mặt, bể bình dầu, ét-ti-mét [1] là một ngàn tám tiền sửa. Bây giờ tính sao, chị cho biết, rồi sẽ kiếm mua phụ tùng để sửa...”

“Hừm...chà, sao mắc quá, hừm...anh nhắm chừng có thể tính bớt lại chút đỉnh không, xe cũ quá, tôi không định sửa tốn nhiều tiền...”

“Chị suy nghĩ đi rồi gọi trả lời. Giá đó hạ quá rồi, không hạ được nữa đâu!”

“Tôi đang có đường dây khác gọi, cám ơn anh nhe, tôi sẽ gọi lại, dạ, chào anh.”

“Con ra biển, trời muốn mưa, xui thiệt, có gì con sẽ gọi về sau, thôi, bye mẹ nhe!”

Giọng vội vàng, con gái nhỏ hối hả gác phôn. Ra biển là để tắm, để vui chơi với bạn bè, không phải là để gọi phôn kể lể ỉ ôi với mẹ. Bao giờ nó cần, nó sẽ nói với cái giọng khác.

Trở lại nhẩm tính, chiếc xe cũ, trị giá chưa tới hai ngàn, phải đi kiếm blue book [2] coi mới biết chắc. Có đáng không, nếu bỏ ngàn tám ra để sửa? Đóng cái truyện, tìm lối vào internet kiếm blue book coi giá xe.

Đang lục đục, lần này chuông cửa kêu.

Hai vợ chồng con gái lớn bỗng hồng hào bước vào:

“Mẹ nói điện thoại, phải không? Sao không chịu bắt phôn? Gọi mãi không được.”

“À...mẹ vào internet kiếm coi giá chiếc xe.”

“Xe sao rồi?”

“Thì bán quách cho rồi. Tiền sửa mắc quá, bán cỡ năm trăm, trừ tiền kéo về ga-ra mất trăm rưỡi...”

Cả hai vợ chồng nó cười xòa.

Chuông điện thoại lại kêu:

“À, anh Minh. Tôi đây. Dạ phải, nhưng tôi nghĩ tiền sửa mắc quá, nếu anh thấy mua lại được, anh mua bao nhiêu? Xin anh chờ cho tới chiều mai, tôi sẽ chạy ra ga-ra. Hiện giờ trong nhà đi vắng hết, dạ phải, thôi chào anh.”

Thằng rể vọt miệng nói:

“Hằng có thai rồi đó mẹ!”

“Cái gì?”

Tôi nhìn con gái, nó cười cười. Mới lấy chồng sáu tháng, con gái lớn đã cấn thai. Lá là la, gia đình tôi đang sắp mở rộng vòng đai. Mẹ tôi sẽ sắp sửa lên bà cố, và tôi sẽ là bà ngoại. Bà ngoại, bà ngoại, nghe chưa quen nhưng cái gì lạ tai thì cũng thú, thinh thích. Chúng tôi đã tới cái tuổi đi ăn đám cưới con trai con gái của bạn, hoặc đi đám ma bạn, hoặc đang thành hay sắp thành ông nội ông ngoại. Nhưng các ông nội bà ngoại này vẫn còn sung sức và vẫn tình tứ với nhau lắm.

Các con lôi ra một mớ đồ ăn: thịt, rau, bún, ớt.

Tôi đứng lên, phải tắt máy để nấu ăn, ăn mừng cháu ngoại sắp có. Bịn rịn bần thần liếc qua mấy dòng mở đầu cái truyện “...ngày đẹp trời mùa xuân... Lan mặt hồng... sáng lên... nắng xuân...” Nắng mùa xuân trên mặt Lan lúc này có lẽ chỉ còn le lói như trời đang sắp mưa, chuyển lạnh. Bên ngoài, thật sự có lẽ sắp sang thu, có lẽ con gái con trai tôi giờ này đang cố vớt vát ít nắng trong buổi đi chơi bên ngoài cuối cùng của mùa hạ. Thở dài, Vớt Nắng, có thể đặt làm đề tựa cho cái truyện Tấn và Lan.

Bữa ăn, tôi im lặng nghe hai vợ chồng con bàn tán về chứng khoán của hãng này nọ lên xuống, mutual fund [3] ít lời cũng ít lỗ, saving bonds* lời chậm nhưng chắc...

“Tuy vậy, cũng phải tính lui tới về tiền thuế phải đóng khi rút tiền ra.”

“Và cả chuyện đồng bạc lạm phát.”

“Quỹ hưu bỗng IRA tuy được miễn thuế, nhưng không thể muốn rút tiền ra lúc nào cũng được.”

“Lúc này tiền lời mua nhà thấp, thị trường nhà cửa rất chạy, tụi con tính sắm nhà để lấy về ít thuế.”

Tôi xen vô hơi lạc đường, lạc đề:

“Thứ bảy tới, nhà bác An có mấy thầy Tây Tạng đến thuyết pháp và dạy ngồi thiền. Bác mời, Hòa chở dùm mẹ đi, được không?”

Chúng cãi cọ nhau về chuyện ai đi, ai chở, cuối cùng con gái nói dứt khoát:

“Thôi, thiền hành gì. Mẹ đi lo dò báo đi, cuối tuần Hòa chở mẹ đi mua xe.”

Hòa rửa chén cho vợ vào phòng nghỉû mệt một lát, tôi mở xem ti-vi.

“Động đất Đài Loan, cao ốc sụp, chết hơn hai ngàn người.”

Hình ảnh cao ốc ngả nghiêng, trông giống như đồ chơi làm bằng gỗ, trẻ con chơi chán vứt ngã cồng kênh trong góc nhà. Aûnh người đàn bà trẻ, tóc ngắn, ôm mặt khóc, người đàn ông khác cũng mếu máo, cầm tay cô an ủi. Tôi cũng tự an ủi, biết đâu có thể vì động đất, Hoa lục sẽ thương tình bỏ lơ vụ hăm he tấn công vô Đài Loan?

Sau vụ động đất Turkey, “chạy giặc” bão Floyd, ti vi Mỹ và người dân Mỹ hầu như không còn nhớ tới Kosovo vô cố, nổ hồ đồ, xô bồ, ô, khốn khổ [4] nữa. Vô tình đến vô tình đi như gió, người nước lớn thường hay lo hộä cho người nước nhỏ, nhưng lo là lo theo kiểu lo chuyện thiên hạ. Đông Timor lại có khả năng châm ngòi cho một vụ phố đổ, hồ khô, vô số khổ kosovo*

Bức thư của Nguyễn Thanh Giang gửi cho nhà nước Việt Nam được chuyển qua email, vợ chồng Hằng – Hòa ghé mắt xúm xít đọc rồi bình luận:

“Họ mà còn vậy, tụi con mà không trốn ra khỏi nước thì chắc chắn cũng sẽ không làm sao mà ngóc đầu lên được!”

Lời bình luận lan man, không biết chúng đang liên tưởng đến điều gì? Bất giác tôi nghĩ đến chuyến ghe đưa mấy mẹ con trốn ra khỏi nước, Hằng lúc ấy mới mười ba tuổi. Chiếc ghe chắc giờ đang rã mục nơi một xó xỉnh quạnh hiu nào đấy, có lẽ. Biết làm sao được, những kỷ vật, những người thân yêu, rồi một ngày cũng phải rời xa nhau mà thôi, như câu nói cải lương cũ mèm sáo rỗng.

Trời đổ mưa, hai vợ chồng đội mưa ra xe về, cúi đầu đi chung dưới chiếc dù tròn xoe chiếc ô trên đầu,[5] vai quàng vai.

Tôi nhìn đồng hồ, đã tới giờ đi tắm, gội đầu, ủi quần áo, ký biên lai nợ, đọc vài trang tạp chí để dỗ giấc ngủ. Phải gọi sang cho thằng cha hàng xóm để ngày mai quá giang xe đến metro. Phải đi sớm hơn thường lệ vì phải tính luôn thì giờ đi bộ từ bến metro đến sở.

Lo lắng nhìn đám mưa bụi. Loang loáng như sương bột rắc trên dãy bóng đèn tù mù lụ khụ. Ôi mong ngày mai sẽ chỉ vẫn là mưa bụi không ướt nổi áo nhung một thời của tiểu thư Hà nội.

Một hôm

“Biết bao giờ tôi mới trở thành một nhà văn toàn thời gian và chuyên nghiệp?”

Tôi đem câu hỏi vào vật vã lúc làm khi ăn lúc ngủ, và một hôm nói như rên qua điện thoại với Danh.

Giọng bên kia đáp âm trầm:

“Thì em đang đùa chơi với phù du mà.”

Danh thì bao giờ cũng âm trầm. Như ma.

10/99

_________________________

[1]estimate: phỏng đoán

[2]blue book : sách ghi trị giá xe cũ

[3]những chương trình đầu tư tiền

[4]"Kosovo", thơ Mai Y Tiến , Hợp Lưu số tháng 8&9, 1999, mở đầu bằng đoạn: “ô hô, Cô sô vô vô cố, nổ hồ đồ xô bồ, ô, khốn khổ Cô sô vô tô hô

[5]Lời bài hát “Mưa ngâu” của Thanh Tùng


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021