thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một truyện ngắn

 

Người đàn ông tóc muối tiêu, muối nhiều hơn tiêu, dù người đàn ông đội mũ vải rộng vành. Tôi biết người đàn ông này có mái tóc như vậy, tôi biết từ lúc mái tóc người đàn ông này chưa như vậy, tôi biết người đàn ông này từ lúc chưa là một người đàn ông để có mái tóc muối tiêu, hay để về đây khi mái tóc còn xanh xanh.

Quán nước, nói chung người ta vào căn nhà lá trống trải này để uống cà phê, một quán cà phê ở chốn quê, nơi gọi là xã Đồng Thạnh, thuộc huyện Hòa Đồng, tỉnh lỵ Gò Công. Vì thế tôi nhớ liền tên của chủ nhân quán nước, Ba Thạnh. Tôi vào quán uống cà phê từ bao giờ không nhớ, vài ba lần hoặc vài ba chục lần thì cũng vậy, nói chuyện phất phơ với Ba Thạnh. Sau đó, nhiều năm qua đi, muối đổ dày trên mái tóc người đàn ông đội mũ vải rộng vành, tôi không một lần trở lại Đồng Thạnh, vào quán cà phê Ba Thạnh.

Quán vẫn như vậy, căn nhà lá trống trải, buổi trưa càng trống trải, người khách duy nhất là người đàn ông đội mũ vải rộng vành. Người đàn ông lưu lại trong trí nhớ những người ngồi quán với bao thuốc lá Bastos xanh đậm, người đàn ông hút mỗi ngày một gói, ít nhất là như vậy, và nhả ra một ngàn vòng tròn khói, nhiều nhất là như vậy, ai mà đếm.

“Mầy dìa hồi nào đó Đăng?”, Ba Thạnh từ phía sau quán đi ra, nói lớn sau lưng người đàn ông đội mũ vải rộng vành đang ngồi trên chiếc ghế gỗ thấp chủn, nhả những vòng tròn khói. Người đàn ông đội mũ vải rộng vành tên là Đăng, Ba Thạnh vừa gọi như vậy. Đăng trả lời bằng một vòng khói tròn lớn và đậm, không nhúc nhích trên cái ghế gỗ thấp chủn, cái ghế gỗ duy nhất trong quán, còn toàn là ghế nhựa. Có lẽ Đăng nhỏ tuổi và nhỏ con hơn Ba Thạnh, người đàn ông mập mạp đẫy đà nhanh nhẹn, hàng râu mép được chăm chút cắt tỉa, người ta gọi đấy là râu con kiến. Thầy giáo Nhi thì bảo Ba Thạnh để râu kiểu tài tử xi-nê Clark Gable, ông vua không ngai gì đó, ở xứ Đồng Thạnh này ai mà biết.

“Thầy giáo Nhi bây giờ ở đâu?”.

“Thằng chả đổi trường, rồi dìa thành phố sao đó, tao nghe nói chớ đâu biết… Mà mầy được trả tự do khi nào?”, Ba Thạnh đứng sát gần Đăng, đứng trước mặt Đăng, ngó phía trái ngó phía phải người đàn ông đội mũ rộng vành, vẫn không nhúc nhích trên cái ghế gỗ thấp chủn, và tiếp tục hút thuốc nhưng không nhả thêm vòng tròn khói nào nữa, “Coi mầy vẫn tốt tươi hồng hào, mầy vẫn phong độ lắm, đẹp trai”. “Thôi dẹp giùm đi anh Ba, đẹp trai mẹ gì nữa”. Ba Thạnh kéo cái ghế nhựa tới ngồi đối diện Đăng, cười hề hề, hàng răng đều đặn, trắng bóc: “Thì đẹp lão… Đù mẹ, gái Đồng Thạnh mầy muốn tán em nào cũng còn dính như nhựa”.

Đăng quăng mẩu thuốc ra sân. Từ nhà ra sân ra con lộ rực nắng không biên giới. Bây giờ Đăng đã nhúc nhích trên cái ghế gỗ thấp chủn, nhúc nhích nhiều là đằng khác. Đăng cười lớn tiếng: “Để dành tiết mục đó cho anh Ba, tôi về đây kiếm thầy giáo Nhi mà thôi”. “Mầy khỏi kiếm làm chi… Thằng chả đã rời xứ Đồng Thạnh nầy từ khuya rồi, hết dan díu ái tình tầm bậy. Còn vụ án ông thầy rắn coi như đã xong. Chỉ tội cho mầy tù oan mấy năm”. “7 năm, thưa ngài. Tù oan hay không, tôi nghĩ chỉ mình anh Ba biết”. Ba Thạnh lại cười hề hề, kéo dài hai con mắt muốn không còn nhìn ngó gì: “Đù mẹ, tao thương mầy nhứt ở đây, tao không biết mầy bị tù oan thì ai biết. Tao tin chắc thằng cha thầy giáo chải chuốt tối ngày đó nó dàn cảnh ám hại ông thầy rắn, nhưng ngặt không có bằng cớ”. “Tôi chả muốn nghe nói tới rắn rết, sư phụ tôi có tên tuổi hẳn hòi, ông Tư Thiết”. “Thì tao có nói chi đâu… tao cũng thương tiếc ổng lắm chớ, ổng sống hiền như ông thầy tu”. Đăng nhìn Ba Thạnh, một khối lù lù trước mắt Đăng. Sau lưng Ba Thạnh là không gian trắng lóa. Đăng nói thấp giọng: “Sao anh Ba tin chắc là thầy giáo Nhi dàn cảnh ám hại ông Tư Thiết?”. Ba Thạnh cười rộ: “Thằng chả phải khử tình địch chớ! Để sống làm kỳ đà cản mũi sao!”. Đăng lắc đầu: “Anh Ba dùng chữ sai rồi đó. Ông Tư Thiết là người chồng chứ đâu phải là người tình của vợ ông ấy. Tôi tin là thầy giáo Nhi không dính dáng gì tới cái chết của ông Tư Thiết. Xã đội không bắt đúng bắt oan thầy giáo Nhi là vậy”. Ba Thạnh đưa bàn tay mập mạp, những ngón tay thon, người ta gọi là ngón tay tháp bút, ngón tay búp măng, nắm một bên vai Đăng, lay lay bên vai ấy: “Mầy không làm thầy giáo như thầy giáo Nhi, nhưng tao thấy thằng chả phục mầy lắm, biểu mầy không phải là đệ tử của ông thầy rắn đâu, vì mầy có trình độ học thức lắm, thằng chả kêu mầy là người bắt rắn giả danh… Mầy có nhớ, bữa thằng chả ca ngợi tiếng ca của vợ ông thầy rắn… ông Tư Thiết, thì mầy biểu, giọng bả ca nghe tạm được, nhưng mỗi khi gặp tiếng nào cuối cùng là chữ g, như bàng hoàng, thì bả bỏ phứt chữ g, ca là bàn hoàn. Gặp tiếng nào cuối cùng là chữ t, bả ca thành c, và ngược lại, c ca thành t, rạo rực mà thành rạo rựt, ngất ngây mà thành ngấc ngây, nghe muốn độn thổ không kịp, mầy nhớ không? Thầy giáo Nhi nói mầy ỷ là dân Bắc Kỳ, bắt bẻ từng chữ đúng sai”.

Đăng hơi cười cười: “Anh Ba trí nhớ có hạng đấy. Tôi thì chỉ nhớ thầy giáo Nhi nói anh Ba là người đàn ông quyến rũ nhất Gò Công, với hàng ria Clark Gable, tốt nghiệp đại học giang hồ, về Đồng Thạnh giả dạng làm chủ quán lều tranh”.

Ba Thạnh lại cười hề hề, đứng dậy, khéo léo đẩy cái ghế nhựa không ngã đổ: “Uống cà phê đá ha?”. Đăng cũng đứng dậy, lắc đầu, vành mũ vải quay qua quay lại: “Thôi khỏi”. Ba Thạnh đứng ngó Đăng đi ra ngoài lộ, tiếng nói bám sau lưng Đăng: “Mầy vẫn ở cái nhà hoang Lầu Bà Tám hả?”. “Vẫn”. Tiếng cười hề hề như tiếng dê kêu của Ba Thạnh lại cất lên thêm một lần nữa.

Buổi tối Ba Thạnh lẻn vào ngôi nhà bỏ hoang, ngày xưa là biệt thự của bà Tám, vợ Ông Hội Đồng xã Đồng Thạnh. Ba Thạnh nện cái chày vồ gì đó xuống chỗ nằm của Đăng, đúng chỗ gối đầu. Từ một xó tối đặc, Đăng xuất hiện, đập gậy vào cánh tay Ba Thạnh. Cái chày vồ gì đó rơi khỏi tay Ba Thạnh, ngay tức thì Đăng giáng quả đấm thẳng vào mặt Ba Thạnh.

Đăng nói: “Thầy giáo Nhi chỉ thích giọng hát của bà vợ ông Tư Thiết, còn anh Ba mới thích toàn bộ bà ta. Tất nhiên anh Ba phải khử ông Tư Thiết, chứ không phải thầy giáo Nhi làm chuyện đó”.

Đăng nói vậy, nhưng không phải vì suy luận như vậy mà Đăng biết sự thật Ba Thạnh ám hại ông Tư Thiết. Đăng chỉ biết trong khi ở tù trong trại giam của công an thị xã Gò Công, Ba Thạnh vốn là tay giang hồ, sát thủ lạnh lùng như máy, nổi tiếng ở một vùng xứ Quảng. Ấy vậy mà Đăng tưởng Ba Thạnh là người Gò Công. Ba Thạnh có vợ ở thị xã Gò Công, chủ một sạp bán vải ở chợ trung tâm thị xã, thỉnh thoảng mới về thăm vợ con.

Sẫm chiều hôm trước, Đăng trở lại Đồng Thạnh. Tối đến nhà ông Tư Thiết, Đăng khựng lại, nghe tiếng nói Ba Thạnh trong căn nhà khép cửa, để đèn ngủ.

“Cái chày vồ gì đây, hẳn là hung khí anh Ba đập vào đầu ông Tư Thiết. Còn con rắn, chắc là con rắn tôi cho anh Ba hồi đó, anh thả nó vào trong áo quần ông Tư Thiết, làm như ông Tư Thiết chết vì sinh nghề tử nghiệp. Và người có khả năng điều khiển rắn ở Đồng Thạnh này, ngoài ông Tư Thiết là tôi chứ còn ai khác nữa. Anh Ba biết tôi bị tù oan, chứ mấy ông xã đội bắt tôi là phải”, Đăng nói, trong khi Ba Thạnh còn ở thế nửa ngồi nửa nằm. Cú đấm thẳng của Đăng khiến Ba Thạnh thúc thủ.

Tôi đưa truyện ngắn "Một Truyện Ngắn" này cho người bạn là nhà phê bình văn học xem. Anh nói: “Ờ, đây là truyện ngắn, còn những cái trước của ông hầu hết là, ghi lại chuyện thật của mình mà thôi, chẳng có xây dựng nhân vật, bố cục, chi tiết, gút thắt, kịch tính gì cả”.

Tôi ngạc nhiên về nhận xét của người bạn, nhà phê bình văn học. Rồi tôi nói sự thật, truyện ngắn này là hơn tất cả những cái trước. Hoàn toàn là chuyện xảy ra với tôi. Thay vì nhân vật chính xưng tôi, tôi cho tôi cái tên là Đăng. Bảo đảm một trăm phần trăm là chuyện thật. Có chút xíu không đáng kể, tôi chỉ bị giam giữ 7 tháng ở trại giam giữ của công an thị xã Gò Công, nhưng tôi nói với Ba Thạnh, đúng tên anh ta là vậy: “7 năm, thưa ngài”.

 

Sài Gòn, 7-3-2005

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021