thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
E Việt Nam

 

Để bắt đầu truyện, tôi định viết “vào một ngày đẹp trời,” nhưng lại nghĩ, đúng là ngớ ngẩn, ngày nào ở nước ta mà không đẹp trời? Khí hậu ở nước ta không nóng quá, không lạnh quá, không núi lửa, không động đất, kể cả sóng thần cũng chẳng thèm đếm xỉa đến. Nắng đẹp, gió mát, nước xanh, cá bạc, trầu cau quấn quít êm đềm, hàng dừa thì cong cong. Thế thì: vào một ngày không đến nỗi, tôi bỗng nghe tiếng lơ lớ của con ở, ru em, khi đang đứng đái giữa vườn địa đàng. Nó vừa nở vừa teo, chỉ tiếc là sún răng. Bảo đảm còn trinh. Ngày nào cũng là một ngày đẹp trời ở nước ta.

Thế thì: vào một ngày không đến nỗi, một ông già, cực kỳ già, có lẽ là người già nhất nước Việt Nam, đứng ngẫm nghĩ trước cửa kính của hãng hàng không E Việt Nam. Là một doanh nghiệp nhà nước, E Việt Nam có hơn 30 máy bay xịn, kể cả 4 chiếc Boeing 777. Ngày nào E Việt Nam cũng cất cánh ít nhất 100 lần, đi toàn quốc và khắp thế giới. Hà Nội, Huế, Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore, Hong Kong, Taipei, Tokyo, Seoul, San Francisco, Paris, Zurich, Vienna, Dubai, Sydney, Melbourne... Bao nhiêu người đi ngang ông già trước khi mở cửa, sau khi đóng cửa. Lơ đãng, hấp tấp, thỉnh thoảng họ còn quẹt vào ông già này bằng cùi chỏ hay đầu gối, nhưng ông vẫn đứng yên. Có kẻ bảo, “Có lẽ thằng già này đang hóng mát.” Mỗi lần cửa mở, một luồng gió lạnh hắt ra từ trong.

“Chắc cả đời chưa được hưởng máy lạnh bao giờ,” một người khác nói. “Bọn này không nên cho lên tỉnh! Chúng chỉ làm mất thẩm mỹ thành phố đang có đà cải tiến, văn minh, dân giàu, nước mạnh. Nhà nước nên có biện pháp cứng rắn với mấy thằng nhà quê này!”

Tôi thì không đồng ý với quan điểm trên. (Bao giờ rảnh tôi sẽ cãi lại trên talawas.) Nhà quê và thành thị tương trợ nhau. Nhà quê, xấu thì làm con ở, đẹp thì phục vụ bia ôm. Đó là chính sách nhà nước và luật thiên nhiên. Con ở nhà tôi, chẳng hạn, mười phần quê mười. Nó vừa u vừa thắt, chỉ tiếc là sún răng. Với bốn tay và sáu chân, nó lao động thoăn thoắt. Nó đi chồm hổm còn nhanh hơn tôi đi đứng. Ngày nào nó cũng thức dậy trước gà gáy. Tôi đã rình nhiều lần, chờ cơ hội, nhưng chưa bao giờ thấy nó ngủ. Nó biết tiết kiệm. Từ hồi nó về nhà tôi, đã gần nửa năm, tôi chưa thấy nó tắm một lần. Vợ tôi bảo, “Không tắm thì tốt, đỡ tốn nước.” Cả ngày nó đảo tới đảo lui như một con rối, làm một ngàn việc trừ một. Vợ tôi bảo, “Con này xuất sắc. Ông nên trói nó lại.”

Tôi bảo, “Bu mày miễn lo. Về quê thì ăn cứt!”

“Tôi chỉ sợ mấy thằng lựu đạn đéo nó ngoài đường!”

“Bà quả nhân đạo. Tình yêu rất hiếm!”

“Chỉ hiếm với đàn bà, chẳng hiếm với bọn cu ghẻ!”

“Bà hậu hiện đại nhỉ?”

“Tôi nói sự thật!”

Từ hồi đọc thơ triền miên trên internet, ngôn ngữ vợ tôi ngày càng phóng thoáng. Thỉnh thoảng mụ còn đóng góp dưới bút hiệu “Phanh Phanh.” Thơ mụ không đu dưa, không vần, không trăng, không cò, chỉ toàn những cảm xúc rối rắm mụ bới từ tiềm thức ngàn năm của dân tộc, đọc mà phát khiếp. Nhiều người mách tôi mụ đã nổi tiếng với bọn đồi trụy và tiền vệ. Có lẽ chúng chỉ ưa cái hình hở rốn, nhô lông mụ đăng trên trang tiểu sử tác giả. Hình đó mụ chụp hồi còn con gái, khi vợ chồng tôi mới quen. Đã bao nhiêu năm, nhưng giờ ngắm lại, vẫn nứng. Đúng là phép lạ của nhiếp ảnh! Ngoài đời thì sắp sửa trèo lên bàn thờ, trong hình thì vẫn mát rượi. Ôi, tuổi trẻ đi qua, tuổi già đã đến. Đó mới là thơ!

“Sự thật của bà là một sự thật méo mó, tục tĩu!”

“Thằng nào hoa liễu, thằng đó biết!”

Đang hớt móng chân cho vợ tôi, con ở bỗng ngẩng đầu lên, nhe răng sún cười, ra vẻ đồng ý. Nó đừng mở miệng thì dễ thương làm sao! Nãy giờ thuật chuyện vợ chồng, con ở, một dạng ménage à trois truyền thống, tôi quên bẽng ông già. Thời buổi này, với truyền hình, truyền thanh, quảng cáo và internet, con người khó có thể tập trung vào bất cứ gì. Xưa các cụ đọc một chữ cả đời mà đã thấy thấm thía, thậm chí dư thừa. Bây giờ nhìn đâu cũng nhan nhản chữ nghĩa, nhưng chẳng đâu ra đâu. Thà làm mọi còn hơn. À, tôi lại quên bẽng ông già, ông già, ông già. Nhìn kỹ, tôi thấy hắn y như một xác ướp. Nước ta không có tục ướp xác như Ai Cập, chỉ biết làm mắm cá, mắm tôm, đợi sình lên rồi xơi, nhưng ta cũng biết làm mắm người khi có đúng đối tượng. Chần chờ đã lâu, gần cả đời người, ông già bỗng bước thẳng đến cửa kính của hãng hàng không E Việt Nam, mạnh dạn mở ra, đi vào.

Ông đi thẳng đến quầy bán vé, rất chắc bước, không vấp, không đảo qua đảo lại. Một bước của ông bằng ba bước người khác. Tiếng dép của ông uỳnh uỵch trên mặt đất, làm thót đáy quần tất cả mọi người trong văn phòng hãng hàng không E Việt Nam. Nhìn thẳng vào mắt nhân viên bán vé, một thiếu nữ lễ độ khác thường, biết sơ sơ ba thứ tiếng, ông nói, “Ở đây có bán vé đi nước ngoài không?”

“Ông muốn đi nước nào?”

“Nước nào cũng được.”

“Ông phải nói rõ nước nào thì cháu mới bán vé được.”

“Nước nào E Việt Nam đi thì tôi đi!”

“Tụi cháu đi rất nhiều nước. Ông muốn đi đâu?”

“Nước nào sướng nhất thì tôi đi!”

“Âu châu? Á châu? Phi châu? Mỹ châu?”

“Châu nào cũng được.”

“Bắc cực? Nam cực?”

“Cực nào cũng được.”

“Ông đi du lịch?”

“Không.”

“Ông đi buôn lậu?”

“Không.”

“Ông đi công tác văn hoá?”

“Không.”

“Thế thì ông đi để làm gì?”

“Tôi chỉ muốn đi để đi. Tôi chỉ muốn đi luôn. Thế thôi.”

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021