thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGƯỜI CHÂU PHI [3]
(Hoàng Ngọc Biên dịch & giới thiệu)

 

     Jean-Marie Gustave Le Clézio sinh năm 1940 ở Nice, bắt đầu nổi tiếng từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Le Procès-verbal, Giải thưởng Théophraste Renaudot 1963. Từ ấy đến nay – hơn 40 năm trôi qua một sự nghiệp văn chương đa dạng, phong phú và độc đáo, có thể chỉ căn cứ là nhà văn đầu tiên nhận giải thưởng Paul Morand cho toàn bộ tác phẩm (1980)? – ông đã xuất bản trên dưới 40 cuốn sách: tiểu thuyết, tiểu luận, truyện ngắn, hai bản dịch thần thoại thổ dân châu Mỹ, và vô số những bài viết, bài tựa và nhiều đóng góp cho những tác phẩm tập thể. Từ thời trẻ, mới nổi tiếng, Le Clézio đã được biết đến như một nhà văn “ẩn dật”: ông sống ở Nice (tôi còn nhớ một tấm ảnh chụp ông bước đi trên một bến cảng, người cao lêu nghêu, nổi bật trên một cái nền sông nước và thuyền bè đăng trên báo Le Figaro Littéraire hơn một phần tư thế kỷ trước) và rất ít khi đến Paris, rất ít khi thích ngồi xuống cho ai phỏng vấn. Nhưng “ẩn dật” chỉ là một thái độ: thật sự, ông là một người bước đi. “... đối với tôi là dân ở đảo, một người ở bên bờ biển nhìn những chuyến tàu chở hàng đi qua, gót chân mài trên những bến cảng, như một người bước đi dọc theo một đại lộ nhưng là người không thể thuộc một khu phố hay một thành phố nào, mà là thuộc về mọi khu phố và mọi thành phố, ngôn ngữ Pháp là quê hương duy nhất của tôi, là nơi duy nhất tôi sống .” (trả lời Catherine Argand, 1994). Chúng ta sẽ không ngạc nhiên: Le procès-verbal thai nghén ở Anh, L’extase matérielle lên men ở Bangkok, và nhiều tác phẩm khác nẩy sinh từ những chuyến đi, sống và viết: Mexique, Panama, quần đảo Maurice và Rodrigues... Từ một nhà văn trẻ, mà những cuốn sách viết rất đẹp làm người đọc liên tưởng đến những nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết Mới, nhạc pop, nhiều nét Lautréamont, Artaud, nhất là Michaux, cái nhìn theo tinh thần Blake – cả Keats, Auden, Salinger mà ông đọc đi đọc lại nhiều lần - đến nay Le Clézio đã vạch con đường riêng của mình, và năm 1994 được chọn là nhà văn viết tiếng Pháp lớn nhất còn sống.
     Trong truyện ngắn "Le monde est vivant", Le Clézio có mô tả một phương pháp viết đơn giản, quá mức đơn giản: Đây là những gì cần làm: phải đi về đồng quê, như một họa sĩ Chủ nhật, với một tờ giấy lớn và một cây bút bi. Chọn một nơi vắng vẻ, trong một thung lũng nằm trong hốc núi, ngồi trên một tảng đá và nhìn lâu chung quanh mình. Khi đã nhìn no, phải lấy tờ giấy ra, và vẽ ra bằng chữ những gì ta thấy... Nhưng ta hãy coi chừng: nhà văn của chúng ta không đơn giản như thế: tác phẩm Le Clézio đi từ những vấn đề liên hệ đến nhà văn và ngôn ngữ (ngôn ngữ chỗ quê hương), lý do phải viết, ngôn ngữ-thực tại, ngôn ngữ-âm nhạc, ngôn ngữ-hội họa, thần thoại cổ, cái nhìn, sự cô đơn, nỗi đau, con người chuyển động trong một thế giới mà công việc đẹp nhất của người viết là... sao chép lại.
     [Ngoài nhiều giải thưởng văn học giá trị, J-M G. Le Clézio còn nhận được một giải thưởng không văn học: mùa Hè 1999, theo thăm dò đặc biệt của Ipsos/L’Evénement, nhà văn được bầu là người thứ 11 trong số 12 “ngôi sao nam” được phụ nữ Pháp chọn là hấp dẫn nhất trên toàn thế giới – cùng với Robert Redford, Sean Connery, Antonio Banderas, Johnny Depp, Alain Delon, Leonardo di Caprio, Hugh Grant, vân vân.]
     Tác phẩm Jean-Marie G. Le Clézio có thể gọi là đồ sộ. Có lẽ đây là một trong những tác giả ít ai muốn ghi danh sách tác phẩm trong một vài dòng giới thiệu sơ sài, sợ mang tiếng khập khiễng chăng...
     [Bạn đọc nếu có hứng thú tìm hiểu về tác phẩm của J-M G. Le Clézio bằng tiếng Việt có thể tìm đọc Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại , Hoàng Ngọc Biên giới thiệu và dịch, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon, 1969  “Hai trích đoạn và hai chuyện diễm tình” (HNB trích dịch từ "Le procès-verbal" & "Le livre des fuites" và "Trois aventurières" & "Vent du Sud" trong Cœur brûle et autres romances ) đăng trên tạp chí Văn (California) số 70-71 tháng 10 & 11, 2002.]

 

J.-M. G. LE CLÉZIO

(1940~)

 

NGƯỜI CHÂU PHI*

 

Cha tôi đến châu Phi năm 1928, sau hai năm sống ở Guyane thuộc Anh với tư cách y sĩ lưu động trên đường sông. Cha đi khỏi nơi này vào đầu những năm năm mươi, khi quân đội cho rằng ông đã quá tuổi hưu trí và như thế không còn phục vụ được nữa. Hơn hai mươi năm cha đã sống nơi chốn rừng rú (một từ thời bấy giờ người ta thường nói, nhưng ngày nay không còn nói nữa), là y sĩ duy nhất trên những lãnh thổ rộng lớn bằng nguyên cả nước, nơi cha được giao phụ trách chăm nom sức khỏe cho hàng ngàn người.

Người đàn ông mà tôi gặp năm 1948, năm tôi tám tuổi, bấy giờ đã yếu sức, già trước tuổi do khí hậu xích đạo, tánh khí đã trở nên cáu kỉnh do thuốc teofilin mà ông vẫn dùng để chống những cơn suyễn, cay đắng bởi nỗi cô đơn, bởi phải sống cắt đứt khỏi thế giới suốt những năm tháng chiến tranh, không tin tức gia đình, trong tình trạng không thể rời nhiệm sở để giúp đỡ vợ con, hay ngay cả chuyện gửi tiền cho gia đình.

Bằng chứng lớn nhất về tình thương cha dành cho những người thân, ấy là khi giữa lúc chiến tranh, cha đã băng qua sa mạc đến tận Algérie, để gặp lại vợ con và đưa những người này trở về nơi trú ẩn ở châu Phi. Cha bị bắt trước khi đến Alger và cha đã phải quay trở lại Nigeria. Chỉ đến khi chấm dứt chiến tranh cha mới có thể gặp lại vợ và làm quen với những đứa con của mình trong một lần thăm viếng ngắn ngủi mà tôi không giữ lại một kỷ niệm nào. Suốt những năm dài xa cách và im lặng, cha tiếp tục hành nghề y sĩ cấp cứu, không thuốc men, không dụng cụ, trong khi khắp thế giới con người đang giết lẫn nhau – chỗ này hẳn là còn hơn cả khó khăn, chỗ này hẳn là không có sức chịu nổi, là tuyệt vọng. Chỗ này cha không bao giờ nói ra. Cha không bao giờ để ai biết là trong kinh nghiệm của mình có bất cứ cái gì đặc biệt. Tất cả những gì tôi có thể biết được về giai đoạn ấy, là những gì mẹ đã kể lại, hoặc mẹ thỉnh thoảng đem gửi gắm trong một tiếng thở dài: “Những năm chiến tranh ấy người này phải xa người kia, khắc nghiệt thật...” Nhưng mẹ chẳng nói về chính mình. Mẹ muốn cho thấy nỗi lo sợ bị vướng vào cái bẫy của chiến tranh, đối với một phụ nữ sống một mình và không tiền của với hai đứa con còn nhỏ. Tôi nghĩ ra rằng, đối với nhiều người phụ nữ ở Pháp, sống một mình như thế quả là khó khăn, khi chồng bị bắt cầm tù ở Đức, hay mất tích không để lại một dấu vết. Hẳn nhiên do chỗ ấy mà cái thời khủng khiếp kia với tôi có vẻ là bình thường. Những người đàn ông không có ở đây, chung quanh tôi chỉ có phụ nữ và những người rất già. Chỉ một thời gian lâu sau đó, khi lòng ích kỷ vốn là tự nhiên đối với những trẻ em đã phai nhạt, tôi mới hiểu ra: trong khi sống xa cha tôi, mẹ tôi vì có chiến tranh đã theo một lối sống anh hùng không cường điệu, không phải do không nhận thức hay do cam chịu (ngay cả khi lòng tin tôn giáo có thể tiếp sức nhiều cho mẹ), mà do cái sức lực đã nảy sinh trong mẹ từ một tình thế phi nhân như thế.

Có phải chính chiến tranh, sự im lặng triền miên kia, đã làm cho cha tôi trở thành con người bi quan và hay ngờ vực, độc đoán, mà chúng tôi đã tập quen sợ đúng hơn là thương? Có phải là châu Phi? Vậy thì, châu Phi nào? Chắc chắn đó không phải là cái châu Phi ta nhìn thấy ngày hôm nay, trong văn chương hay trong điện ảnh, ồn ào, hỗn độn, trẻ trung, thân quen, với những ngôi làng nơi ngự trị những mụ bà, những tay kể chuyện, nơi thường xuyên thể hiện thật là đáng ngưỡng mộ cái ý chí sống sót trong những điều kiện có vẻ như không thế nào vượt qua nổi đối với những người sống ở những vùng đất được ưu đãi hơn. Cái châu Phi ấy đã từng hiện hữu trước chiến tranh, hẳn là như thế. Tôi tưởng tượng Douala, Port Harcourt, những con đường tắc nghẽn xe cộ, những chợ búa với những bọn trẻ con chạy lấp lánh mồ hôi, với những nhóm phụ nữ  chuyện trò với nhau dưới bóng cây. Những thành phố lớn, Onitsha và chợ sách truyện bình dân, tiếng lao xao của những chiếc thuyền đẩy những khúc gỗ trên sông lớn. Lagos, Ibadan, Cotonou, trộn lộn những giống người, những dân tộc, những ngôn ngữ, cái khía cạnh buồn cười, biếm họa của xã hội thuộc địa, những nhà kinh doanh trong bộ đồ com lê và mũ nón, những chiếc dù đen cuộn tròn không chê vào đâu được, những phòng khách sưởi ấm quá mức với những phụ nữ Anh quốc mặc ái dài hở cổ phe phẩy quạt, những sân thượng ở các câu lạc bộ nơi những viên chức của các công ty Lloyd’s, Glynn Mills, Barclay’s vừa hút xì gà vừa trao đổi năm ba chuyện về thời tiết trong ngày – old chap, this is a tough country – và những tên gia nhân mặc áo đuôi tôm và mang bao tay trắng lặng lẽ di chuyển mang theo những ly cocktail đặt trên những cái khay bạc. Một ngày nọ cha tôi có kể cho tôi như thế nào cha đã quyết định ra đi đến tận chân mây cuối trời, khi cha học xong y khoa ở bệnh viện Saint Joseph d’Elephant & Castle, ở Londres. Được học bổng của chính phủ, hồi ấy cha phải tham gia làm một công việc cho cộng đồng. Thế nên cha được bổ dụng vào phân ban những bệnh nhiệt đới ở bệnh viện Southampton. Cha lấy xe lửa, xuống tàu ở Southampton, vào ở một nhà trọ. Vì công việc của cha chỉ bắt đầu ba ngày sau đó, cha rong chơi trong thành phố, đi xem những chuyến tàu sắp rời cảng. Khi cha trở lại nhà trọ, có một lá thư đang đợi cha ở đấy, mấy chữ rất khô khan của vị đứng đầu bệnh viện bảo: “Thưa ông, tôi chưa nhận được danh thiếp của ông.” Vậy nên cha tôi cho in những tấm thiếp rất đẹp (tôi còn giữ một bản), chỉ in tên cha, không địa chỉ, không tước vị. Và cha xin được bổ dụng vào bộ Thuộc địa. Vài ngày sau, cha xuống tàu đi đến Georgetown, ở Guyane. Ngoại trừ hai lần nghỉ phép, lần đám cưới rồi lần các con ra đời, cha không trở lại châu Âu cho đến cuối cuộc đời hoạt động của mình.

Tôi đã thử tưởng tượng cuộc đời của cha (và luôn cả cuộc đời tôi) sẽ có thể ra làm sao nếu, thay vì bỏ đi thời ấy, cha đã chấp nhận cái quyền uy kia của vị đứng đầu bệnh viện Southampton, đã yên ổn làm ông thầy thuốc nông thôn ở vùng ngoại ô Londres (như ông tôi từng làm ở ngoại ô Paris), ở Richmond, chẳng hạn, hay ngay cả ở Tô cách lan (một xứ mà cha vẫn luôn yêu mến). Tôi không muốn nói tới những thay đổi mà cái chọn lựa kia có thể đã mang lại cho con cái của cha (bởi lẽ ra đời ở đây hay ở kia nói cho cùng chẳng có gì quan trọng đáng kể). Nhưng cái mà nó có thể đã thay đổi nơi chính con người của cha, con người lẽ ra đã có thể sống một cuộc sống thích hợp hơn, ít cô đơn hơn. Chọn săn sóc những kẻ sổ mũi cảm cúm hay táo bón, thay vì những người bị cùi, những người bị nhiễm sốt rét hay những nạn nhân bị viêm não ngủ mê man. Chọn học cách trao đổi, không phải bằng phương thức đặc biệt, bằng cử chỉ, bằng cách có thông dịch, hoặc trong cái thứ ngôn ngữ sơ đẳng được gọi là pidgin English** (không dính dáng gì đến tiếng nói pha tạp créole** tinh tế và dí dỏm ở đảo Maurice), mà từ trong đời sống hàng ngày, với những con người đầy tầm thường nhưng lại làm cho ta gần gũi, đưa ta hòa nhập vào một thành phố, một khu vực, một cộng đồng.

Cha đã chọn chuyện khác. Chắc hẳn là do tính kiêu ngạo, để trốn khỏi sự tầm thường của xã hội Anh, hay cũng là do sở thích phiêu lưu. Và cái chuyện khác kia không phải là chuyện vô cớ. Nó đưa ta lao vào một thế giới khác, đem ta tới một cuộc sống khác. Nó lưu đày ta trong thời buổi chiến tranh, khiến ta mất vợ mất con, làm ta, theo một cách nào đó, không tránh khỏi trở nên dửng dưng.

 

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cha tôi, ở Ogoja, tôi nhớ hình như cha đeo kính cặp mũi. Cái ý nghĩ ấy từ đâu đến với tôi? Thời ấy cặp kính kẹp mũi đã không còn thịnh hành lắm. Có lẽ ở Nice có một vài cụ ông của cụ bà còn giữ cái phụ tùng này, mà tôi nghĩ là hoàn toàn thích hợp với những viên sĩ quan Nga xưa của quân đội hoàng gia, phô trương chòm râu mép và râu hai bên má, hoặc những nhà phát minh bị phá sản nay lui tới với những “bà dì” của tôi. Tại sao lại là cha? Thật ra, cha tôi hẳn là có mang kính theo thời trang những năm ba mươi, gọng kính thép mỏng và mặt kính tròn phản chiếu ánh sáng. Cùng thứ kính tôi thấy trên chân dung những người cùng thế hệ cha, Louis Jouvet hay James Joyce (là người vả lại cha trông khá giống). Nhưng chỉ một cặp kính thôi không đủ cho cái hình ảnh mà tôi đã giữ lại từ lần gặp đầu tiên ấy, sự kỳ lạ, sự kéo dài trong cái nhìn của cha, nổi rõ hơn bởi hai đường nhăn thẳng đứng ở giữa hai chân mày cha. Ấy là cái khía cạnh Anh, hay nói đúng hơn cái khía cạnh toàn vương quốc Anh nơi cha, sự cứng đơ trong cung cách của cha, thứ khung cứng nhắc mà cha khoác vào người một lần và mãi mãi.

Tôi nghĩ là trong những giờ phút đầu tiên khi tôi đặt chân tới Nigeria –

quãng đường mòn dài trên cảng Port Harcourt ở Ogoja, dưới cơn mưa rào, trong chiếc xe Ford V8 to tướng và hình dáng kiểu nghệ thuật vị lai, trông chẳng giống bất cứ cái xe nào chúng ta từng biết – không phải châu Phi đã gây nơi tôi một cú sốc, mà là việc tôi khám phá ra người cha chưa quen biết này, người cha lạ lùng, cũng có thể là nguy hiểm. Điểm tô thêm cho cha cái kính kẹp mũi, tôi đã biện minh cho cái cảm giác kia. Cha tôi, người cha thật sự của tôi có thể nào mang cặp kính kẹp mũi?

Cái uy quyền của cha lập tức đặt ngay ra một vấn đề.  Anh em chúng tôi xưa nay vốn sống trong một thứ thiên đường hỗn loạn bừa bãi gần như chẳng có theo một luật lệ nào. Cái chút ít uy quyền mà chúng tôi phải đối đầu là từ bà ngoại tôi, một bà cụ già độ lượng và tế nhị, cơ bản chống đối mọi hình thức trừng phạt thể xác đối với trẻ con, vì cho rằng giải thích lý lẽ và mềm dẻo là hay hơn. Còn ông ngoại tôi, thời niên thiếu của ông ở đảo Maurice, ông từng tiếp thu những nguyên tắc chặt chẽ hơn, nhưng tuổi cao, và tình yêu đối với bà ngoại tôi, và cái thứ xa cách buồn nản vốn là nét đặc thù của dân ghiền hút thuốc lá đã cô lập ông trong một góc nhà nơi ông khóa trái cửa lại, chỉ để yên ổn được hút thứ thuốc lá loại xoàng của mình.

Còn về mẹ tôi, mẹ chính là sự phóng túng và duyên dáng. Chúng tôi yêu mẹ, và tôi nghĩ những trò nghịch ngợm vô nghĩa của chúng tôi thường làm mẹ cười. Tôi không nhớ có lần nào nghe mẹ to tiếng. Bởi vậy, trong căn hộ nhỏ chúng tôi được toàn quyền cho ngự trị một thứ bầu khí khiếp đảm của trẻ con. Trong những năm trước khi khi chúng tôi lên đường qua châu Phi, chúng tôi đã từng làm những việc mà khi nhìn lùi lại tuổi, quả tôi thấy có vẻ khá là khủng khiếp: một ngày nọ, theo sự xúi giục của anh tôi, tôi đã cùng với anh leo qua lan can ban công (tôi vẫn còn nhìn thấy nó, rõ ràng là cao hơn tôi) để ra tới cái máng xối, nhô ra cả khu phố từ độ cao sáu tầng lầu. Tôi nghĩ rằng ông bà ngoại tôi và mẹ tôi kinh hoàng đến nỗi, khi chúng tôi bằng lòng quay trở lại, ai nấy đã quên trừng phạt chúng tôi.

Tôi cũng nhớ đã từng trải qua những cơn giận dữ, bởi người ta không chịu cho tôi một cái gì đó, một cái kẹo, một món đồ chơi, nói ngắn là vì một lý do vô nghĩa đến nỗi nó không để lại dấu vết gì nơi tôi, một cơn giận đến độ tôi ném ra ngoài cửa sổ tất cả những gì có trước mặt, cho đến cả những thứ bàn ghế. Vào những lúc như thế, không có gì mà cũng không có ai có thể làm cho tôi dịu đi được. Ngày nay thỉnh thoảng cái cảm giác về những cơn giận kia lại trở về với tôi, một cái gì đó mà tôi chỉ có thể so sánh với cái say của người nghiện ête (thứ ête người ta dùng để giúp trẻ em thở trước khi cắt bỏ amiđan trong cổ họng). Mất kiểm soát, cảm giác trôi bồng bềnh, và cùng lúc một sự cực kỳ tỉnh táo. Đấy là thời tôi còn bị hành hạ bởi những cơn đau đầu dữ dội, chốc chốc khó chịu đến nỗi tôi phải trốn dưới bàn ghế để không còn phải nhìn thấy ánh sáng. Những cơn khủng hoảng kia từ đâu đến? Ngày nay tôi thấy dường như lối giải thích duy nhất là nỗi kinh hoàng của những năm chiến tranh. Một thế giới khép kín, u tối, không hi vọng. Thức ăn thảm hại – là thứ bánh mì đen, mà người ta nói là có trộn với mạt cưa, và là cái từng suýt làm tôi chết hồi ba tuổi. Trận bom ném xuống cảng Nice trước đó đã hất tôi xuống đất trong phòng tắm của bà ngoại tôi, cái cảm giác mà tôi không sao có thể quên được về cái nền đất hụt hẫng dưới chân mình. Hoặc cả hình ảnh vết loét trên ống chân của bà tôi, trầm trọng hơn do thiếu thốn các thứ và không đủ thuốc men; tôi ở trong một ngôi làng miền núi nơi mẹ tôi đến trốn, do cương vị của cha tôi trong quân đội hoàng gia Anh và do sợ bị bắt đưa đi tập trung. Chúng tôi sắp hàng đuôi trước cửa tiệm thực phẩm và tôi nhìn những con ruồi đậu trên vết thương bị hở ra ngoài trên ống chân của bà ngoại tôi.

Chuyến đi châu Phi đã chấm dứt mọi thứ ấy. Một sự thay đổi triệt để: theo những chỉ dẫn của cha tôi, trước khi lên đường, tôi phải cho cắt mớ tóc mà cho đến bấy giờ tôi từng để dài như tóc một thằng nhóc người miền Bretagne, đưa tới kết quả là bắt tôi phải chịu một cú nắng khác thường ăn trên hai tai, và đưa tôi trở về hàng ngũ bình thường của cánh nam giới. Không bao giờ tôi cảm thấy trở lại những cơn nhức đầu khủng khiếp kia nữa, không bao giờ tôi còn có thể tha hồ biểu lộ những cơn giận của thời thơ ấu nữa. Đi đến châu Phi với tôi là bước vào phòng chờ của thế giới người lớn.

 

Sông, Ahoada (Nigeria) - Ảnh tư liệu của tác giả

 

--------------
Chú thích:
     * Chương thứ ba của tác phẩm L’Africain , Jean-Marie Gustave Le Clézio, 112 trang, Mercure de France, 2004. Ngoài một trang mở đầu, sách gồm cả thảy 8 chương không đánh số: "Le corps" – "Termites, fourmis, etc." – "L’Africain" – "De Georgetown à Victoria" – "Banso" – "Ogoja de rage" – "L’oubli" – và một chương có thể coi như chương kết.
     ** Pidgin English : có thể dịch nôm na là tiếng Anh bồi, thứ tiếng Anh ra đời từ những cuộc tiếp xúc ngoài đường phố khởi đầu giữa những người châu Âu đến buôn bán ở một số nước châu Phi, như Nigeria chẳng hạn, là nơi pidgin English bị coi là tiếng Anh bậy bạ, xấu, sai – không giống như créole tiếng nói pha tạp hai thứ ngôn ngữ và được nơi pha tạp nhìn nhận là ngôn ngữ chính. Người dịch nhân đây có mấy lời cám ơn những giải thích tường tận (và một số thí dụ ở địa phương) của bà Ify Ogamba, y tá người Nigeria tại bệnh viện O’Connor ở San Jose.

 

____________________________

 

Đôi lời về cuốn L’Africain

 

Chào đón cuốn L’Africain của Jean-Marie Gustave Le Clézio (viết trong vòng hai tháng: Chạp 2003 - Giêng 2004) xuất bản năm 2004 ở Nhà Mercure de France, trong tủ sách Traits et Portraits, có người gọi nó là tiểu thuyết, cũng có người nghĩ rằng đây là cuốn sách cá nhân nhất và thật nhất của tác giả Le procès-verbal, một chân dụng tự họa, có người cho rằng qua câu chuyện kể về tuổi thơ tự do nhưng cũng đầy sóng gió của mình, cùng với một kinh nghiệm hình thành khác thường ở châu Phi, tác giả đã hoàn thành một tác phẩm chính nó đã hoàn thành cả một sự nghiệp sáng tác. Trên bìa cuốn L’Africain không có chữ “tiểu thuyết”, nhưng tại sao câu chuyện quãng đời tám tuổi của Le Clézio, chuyện có thật đã được sáng tạo lại, cái passé recomposé (Michèle Gazier/Télérama) ấy dưới ngòi bút tự thuật của nhà văn không thể là một tiểu thuyết?

Năm ấy là năm 1948. Cùng với mẹ và anh, cậu bé rời thành phố Nice để theo cha – người cha mà cả hai anh em chưa hề biết – bấy giờ đang sống và hành nghề y sĩ ở Nigeria. Với cậu bé “tôi”, chuyến đi châu Phi (J’ai toujours l’impression que je n’aurai fait qu’un seul voyage dans ma vie: celui-là – Le Magazine Littéraire, 1998) mà về sau nhà văn nhận ra là “tiền sảnh của thế giới người lớn”, mở ra hai khám phá, hai kinh nghiệm, cũng có thể gọi là hai cuộc gặp gỡ đã được chờ đợi và mơ ước từ lâu, hai miền đất hứa: một bên là châu Phi, lục địa đen, vẻ đẹp thiên nhiên, sức mạnh và sự hung bạo, một thứ tự do phóng khoáng của chuyển động, của tư duy và xúc cảm hoàn toàn mới mẻ; một bên là kỷ luật khắt khe của một người cha chưa từng được nhìn thấy con cái lớn lên, một con người sống xa gia đình quá lâu và sống đâu cũng như một người ngoại quốc, con người lẻ loi mang gọng kính tròn kiểu James Joyce mà nghề nghiệp đã biến thành sắt đá, hoàn toàn xa lạ với thế giới trẻ thơ. Nếu phải ghi nhận thêm một kinh nghiệm, một gặp gỡ khác, khá quan trọng trong cuộc đời và chuyện viết lách của Le Clézio, ấy là biển khơi: chuyến đi Nice-Nigeria kéo dài một tháng rưỡi...

Những trang sách đầu mở ra những hình ảnh một châu Phi đầy xúc động đối với một cậu bé da trắng tám tuổi: những thân thể thoải mái trên đường phố, mặt trời chói chang, những cơn dông dữ dội, cây lá, mưa, sâu bọ, đất – tất cả đều khoác một cường độ quá sự bình thường, cái gì cũng nói lên sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên. Dưới ngòi bút và ký ức xúc giác của tác giả, và mười mấy tấm ảnh đen trắng ngày xưa người cha chụp bằng cái máy Leica có hộp xếp nếp, cái châu Phi ấy được ghi nhận sắc nét và nhịp nhàng, làm nền cho khuôn mặt cứng rắn, có khi dữ dội, của một người cha không có khả năng biết tình thương và sự dịu dàng, nhưng vẫn được nhắc đến và mô tả với niềm thông cảm, sự kính trọng, cả con người cũng như việc làm (sự dấn thân triệt để của một y sĩ trong những bờ bụi xa xôi) và không một lời phê phán... Tất cả những gì nghiêm khắc, cứng rắn, khép kín nơi người cha, cũng như những khám phá đầu đời của cậu bé tám tuổi về nỗi đau, tuổi già và cái chết, về quyền uy và sự sợ hãi, về con người... tương phản một cách rất nghệ thuật với một bầu khí bùng vỡ tự do nơi những khoảng trời và con người châu Phi.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021