thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Quê hương và Thiên đàng – một giấc mơ thời sự

 

Cô em nhà tôi xưa là nhân viên Air France, sống lâu năm ở Paris, là một người ngoan đạo. Đầu tuần này cô gọi điện nói chuyện nắng mưa với nhà tôi rồi đòi nói chuyện với tôi, chỉ để kể lại một giấc mơ có từ trước ngày Đức Giáo hoàng của cô qua đời.

Chuyện kể tất nhiên bị gãy khúc, không được liền lạc như những tường trình sắp xếp có lớp lang chuyện đi đánh xứ người để chống khủng bố xứ mình, đại để bắt đầu từ chỗ có hai người bước vào một căn nhà, vào một buổi giữa buổi trưa và buổi chiều. Một người chính là cô ấy, nhân vật trung tâm, cô em nhà tôi. Người kia là người em trai út cũng của nhà tôi, một thanh niên bảnh trai cao một thước bảy mươi bảy, bảy mươi tám gì đó, từng trốn lính, đi lao công chiến trường ở trại Lam Sơn, về gác cầu Long An như một hạ sĩ quan, tốt nghiệp kịch nghệ Saigon, rồi vào biên chế đoàn kịch nói Đồng Nai, và từng theo đoàn đi biểu diễn mãi tận Hà Nội Hải Phòng, trước khi vào nằm Hồng Bàng để kiểm tra khả năng sống còn, rồi tự động ra khỏi biên chế để theo đuổi học và làm những chuyện đồ họa với nhiều anh chị em bạn bè họa sĩ, nhà báo. Người em út ấy qua đời tính đến nay đã hơn mười năm, ở Saigon, giữa tuổi thanh xuân.

Như thế, hai chị em bước vào một căn nhà trống không, trên tay người em trai chỉ có một paquet, một cái bọc, một carton (cô em nhà tôi tìm chữ cho tôi dễ hiểu, không có nghĩa cả ba thứ) mà cậu ấy để xuống giữa nhà. Cậu em dẫn bà chị vào một căn phòng khác, cũng gần như trống trơn, ngoại trừ một chiếc giường ở góc phòng, và nói: Chị cứ ở đây. Em đi công chuyện đàng này một tí rồi sẽ trở lại. Cô chị tự an ủi: có một cái giường thế này là tốt rồi, mình sẽ ngủ ở đây... Chờ mãi không thấy cậu em trở lại, lấy làm lạ, cô bắt đầu thử tìm một lối ra. Ra đến căn phòng ngoài, căn phòng trước đây đã đi qua, phòng vẫn trống không, không có một cánh cửa sổ, cả cái paquet người em trai rõ ràng đã để xuống cũng không thấy. Nhưng cô nghĩ một paquet trong lúc đặc biệt này không có nghĩa gì. Cô mở cửa bước ra ngoài. Bên ngoài lúc này trời đã hoàn toàn hết nắng, không tối hẳn nhưng cũng không sáng, đã là crépuscule. Trước khi thật sự bước xuống mặt đường, cô ngoái đầu nhìn lại có ý tìm một cái gì đánh dấu căn nhà, để khi trở lại còn có thể có một cái giường để nằm: ngôi nhà mang biển số 35. Cô bước đi trên một mặt đường ướt nhem (chữ Việt trong nguyên tác), mặc dù cô không nhớ đã có mưa khi đi đến đây, nhưng đâu đó sạch bong, không một miếng rác, bất cứ một loại rác nào, còn có thể nói là không một hạt bụi. Trên đường cô gặp nhiều người lặng lẽ đi qua, trước mặt, sau lưng, hai bên, ai nấy bước đi nhẹ nhàng và gần như có cùng một tư thế: mặt hơi cúi xuống đất, không rõ buồn vui thế nào, mắt không nhìn thẳng, nhưng không ai đụng nhau, không ai vấp ngã, cũng không ai vấp bất cứ một thứ gì trên đường đi. Trời vẫn là crépuscule, chưa hẳn là đã tối.

Ở một khúc quanh, không nhớ là ngả ba, hay ngả tư, cô bắt đầu nghe tiếng hát, bài hát lạ, nhưng nghe vui tai. Cô tưởng mình đang trên đường trở về thế giới trước, sớm muộn gì cũng sẽ hiện ra trước mặt cô những màu sắc, những âm thanh quen thuộc, sẽ có hoa lá, có tiếng reo vui của trời đất... Nhưng không, hiện ra ở khúc quanh ấy là một đám thanh thiếu niên vừa đi vừa lao xao hát, vui vẻ, vang động, sự xuất hiện tuy nhiên nhanh như một đợt sóng mạnh xô vào bờ và tan biến trong cát, không có đợt kế tiếp. Cái âm thanh náo nhiệt trẻ trung kia đi qua, chỉ để lại một sự im lặng còn nặng nề hơn. Đường phố vẫn thế, ướt sũng, sạch sẽ, trong suốt trông gần giống như bầu trời vào một buổi mai sáng bình thường.

Cô em nhà tôi đi tới một khúc quanh khác, cố tìm gặp một người nào đó, một người lạ cũng đã là tốt lắm rồi, cô tự nhủ, vì cô bắt đầu thấy cần có một người để hỏi han, chuyện trò. Đàng xa kia là một chỗ gì rất giống một công viên, và trên một nền xanh đậm cây và lá, một màu đơn điệu, nổi rõ một dáng người với đôi vai hơi cong, ngồi trên một cái băng dài bằng đá nâu. Con người bằng xương bằng thịt kia cô càng đến gần càng nhận ra là một bà cụ già biết nói. Sau những chào hỏi quấn quít (ít ra là về phía cô em nhà tôi) để nhận ra hai bên đều là những con người với nhau, và sau khi khởi sự những câu thăm hỏi xi lô xi la cần thiết, cô em nhà tôi tiếp nhận những thông tin sau đây:

1. Nơi đây quả đúng là Thiên đàng;

2. Bà cụ đến từ Trung quốc, cụ thể là từ một ngôi làng xa mà vì bà nói tiếng Tàu, cô em nhà tôi đã quên mất tên. Về chi tiết bà cụ là người Tàu, cô em nhà tôi nói cô nhận ra ngay từ lời thăm hỏi đầu tiên: nó nhắc tới những năm tuổi thơ, thời cả gia đình bên vợ tôi sống ở Chợ lớn – nơi người anh cả và một người cậu ruột từng lấy bằng đíp lôm Tàu, không nhớ trong système giáo dục Tàu thời Tây người ta gọi bằng gì.

3. Tuy đây đúng là Thiên đường, nơi sạch sẽ trang nghiêm, không ai chối cãi, nhưng bà cụ bảo bà vẫn thích trở về làng cũ, về quê hương mãi bên Tàu, sớm hôm được quanh quẩn cạnh đàn con cháu cuộc sống hiện nay nghe nói đã tiến lên hiện đại hóa, nhưng vẫn còn vô số chuyện bấp bênh trước một bên là những đế quốc (chữ đế quốc bà nói tiếng Phổ thông, nhưng cô nhận ra được) vẫn đang tồn tại, một bên là những kẻ tàn bạo người ta đã bắt đầu quen gọi chung là quân khủng bố.

Cô em nhà tôi hỏi thế ở Thiên đường, cụ ngụ tại đâu, cụ bà chỉ về hướng ngược lại: quẹo trái, rồi quẹo trái nữa, đến nhà số 35...

 

San Jose, 11.4.05

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021