thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đôi mắt

 

Đôi mắt ấy theo tôi mọi nơi, mọi lúc. Đêm, tôi lên giường: đôi mắt cúi xuống dịu dàng hôn lên trán tôi khi tôi đang chìm dần vào giấc ngủ. Ngày, tôi làm lụng, đi lại tất tưởi: đôi mắt vẫn đi theo tôi mỗi bước chân. Đôi lúc đôi mắt mỉm cười với tôi, có lúc lại cáu bẳn hay toé lửa giận dữ.

Thoạt đầu, tôi nghĩ có lẽ mình quá mỏi mệt đâm ra ảo giác. Nhưng sau một thời gian, tôi không thể làm ngơ được nữa: quả thật có một đôi mắt theo tôi suốt đêm suốt ngày. Khi tôi đã khẳng định điều này, tôi bắt đầu sống hơi khác thường. Đôi lúc tôi đâm ra lo lắng, bất an. Thật ra, không hẳn lúc nào tôi cũng lo sợ: nhiều lúc tôi biết ơn có đôi mắt bên cạnh, nhất là lúc tôi một mình thơ thẩn giữa đêm khuya vắng lặng hay ũ rũ ngồi nhá ổ bánh mì nguội bên thềm, đôi mắt như có ngôn ngữ đặc biệt để trò chuyện với tôi.

Có lần, tôi đọc được đôi mắt bảo tôi.

“Này, đàng ấy lập dị quá đấy, sao lại không đi chơi?”.

Tôi bảo đôi mắt.

“Tôi không biết khiêu vũ, tôi nói lặp, lại thô kệch quê mùa, đi đâu tay chân tôi cũng vụng về, thừa thãi, tôi ngại làm phiền thiên hạ”.

Tôi thấy đôi mắt lắc đầu cười. Tôi nghĩ chắc nó hiểu vì trông nó có vẻ như muốn an ủi tôi.

Nhưng có lúc tôi thật khó chịu khi có đôi mắt bên cạnh. Lúc tôi đi vào nhà tiêu, nhà tắm, đôi mắt cứ nhìn tôi chằm chặp. Tôi quay mặt đi, nó vẫn trơ trơ cạnh tôi. Có lúc tôi định bảo nó đi chỗ khác nhưng tôi ngại. Cứ mỗi lần tôi bối rối hay lo lắng, tôi nói lặp càng tợn và tôi e làm nó chế giễu. Thực tình, tôi cũng sợ mất lòng nó, vì quả thật, tôi cũng cần có nó. Tôi chẳng có bạn bè nào, chả hiểu sao đôi mắt ấy lại thích đi theo tôi khi chính tôi cũng thấy mình chán ngắt.

Sau một thời gian đi lại với tôi, đôi mắt bắt đầu thay đổi tính nết. Trước đây, nó chỉ im lặng theo dõi tôi, thỉnh thoảng nó cười đùa hay trách cứ chút ít khi nó không ưng điều gì đó tôi làm. Nhưng từ ngày tôi nhận nó làm bạn, nó lên mặt ra phết. Có lần, tôi làm quấy, nó mắng tôi không tiếc lời đến lúc tôi phát khóc nó mới thôi. Có lúc tôi lười nhác, nó hối thúc tôi hơn cả bố mẹ và còn lên giọng giảng đạo đức nữa. Tôi đâm cáu và quyết định tẩy chay nó. Tôi không muốn chơi với nó nữa nhưng nó vẫn đi theo tôi. Càng ngày nó càng quá quắt và tôi đâm ghét nó. Tôi thẳng thừng bảo nó đi nơi khác, nó cứ trơ mặt ra chằm chằm nhìn tôi. Tôi vốn không quen gay gắt với ai nên khi tôi quyết nặng lời với nó để nó bỏ đi, tôi nói lắp đến mức chính tôi cũng không biết mình đang nói gì. Nó phá ra cười rồi bỏ đi, nhưng chỉ một chốc sau, nó lại trở về, thản nhiên ngồi cạnh tôi như thể chưa hề có điều gì xảy ra.

Tôi suy nghĩ mãi, chẳng biết làm thế nào để đuổi nó. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một cách: đôi mắt không thể tự nó có được, tôi chỉ cần tìm ra chủ nó là ai và bảo người ấy dẹp nó đi, thật dễ!

Nhưng định là vậy mà làm lại không dễ như tôi nghĩ. Tôi nhận thấy đôi mắt ấy thật quen thuộc, chắc hẳn phải là của người nào đó thân quen với tôi. Tôi chăm chú nhìn mắt từng người trong gia đình: không ai có đôi mắt ấy cả. Tôi chuyển sang tìm trong đám bạn bè thân thiết: cũng chẳng ai có đôi mắt ấy. Tôi thất vọng, vậy tôi đã gặp đôi mắt ấy ở đâu? Tôi bắt đầu để tâm tìm kiếm và mỗi ngày, khắp mọi nơi, hễ gặp ai là tôi chăm chú nhìn vào mắt họ, hy vọng tôi sẽ tìm được nó.

Nhưng tôi luôn thất vọng khi tôi tưởng là tôi đã tìm được chủ nó. Vài lần, tôi thấy mấy đôi mắt hao hao như nó, tôi mừng quýnh. Nhưng khi nhìn kỹ lại, tôi nhận ra không phải. Có lúc những đôi mắt ấy quá lớn, khi lại quá hẹp, khi thì gian manh, có lúc lại quá lờ đờ. Còn đôi mắt này vẫn ngày ngày theo tôi nhưng chủ của nó tôi vẫn chưa tìm ra.

Tôi cố vắt óc nghĩ ra cách nào tôi có thể tìm ra chủ nó. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một cách: tôi xin chuyển làm ca đêm dài hạn. Ban ngày, tôi xin đi làm không công cho một người bạn có hiệu bán kính và khám mắt. Bạn tôi vui lòng nhận ngay. Ngày ngày, hàng mấy chục khách vào hiệu, tôi hăm hở nhìn từng người. Những đôi mắt đủ màu, đủ cỡ, nói đủ thứ ngôn ngữ khác nhau. Nếu có thì giờ, tôi có thể phân loại và viết thành sách để cống hiến cho loài người về những đôi mắt, nhưng tôi chẳng có lòng dạ nào làm điều đó: tôi vẫn đang tìm người mang đôi mắt ngày ngày theo tôi.

 

*

 

Một hôm, có một khách hàng vào cửa hiệu. Lần đầu tiên, tôi thấy đôi mắt bối rối xúc động. Nó loanh quanh một đỗi rồi bỏ tôi đứng đấy, nó theo người khách vào phòng khám mắt. Nó ở mãi trong đấy trò chuyện với đôi mắt của người khách. Tôi buồn cười và thở phào nhẹ nhõm: tôi được tự do, thoát khỏi sự theo dõi của nó một lúc. Mãi sau, đôi mắt trở ra, nửa e thẹn, nửa vui sướng. Tôi nghĩ nó đã phải lòng đôi mắt người khách. Tôi thì thầm bảo nó.

“Theo đuổi đi, biết đâu gặp may!”.

Nó lắc đầu.

“Không được đâu, đàng ấy không hiểu!”.

Tôi gặng hỏi nó, nó chỉ rầu rầu nhìn tôi chẳng nói gì.

Mấy lần, tôi thấy nó ngồi khóc. Tôi thấy thương nó, định cất lời an ủi nó thì nó vội vã gạt lệ rồi tìm chuyện lái sang hướng khác. Nó kể cho tôi nghe hôm trước, lúc tôi đang ngồi lơ láo trong hiệu kính, nó vô tình thấy tên giúp việc tính gian với khách hàng rồi bỏ tiền thừa vào túi. Tôi gặng hỏi nó có thật không, nó bảo thật và có vẻ dỗi vì tôi không tin nó. Tôi vội tìm lời xin lỗi nó, tôi biết nó chẳng nói điêu làm gì, nhưng tôi cũng muốn biết chắc trước khi tôi tìm cách cho bạn tôi hay.

Một hôm, gia đình tôi có chuyện xào xáo. Cả nhà tôi chia làm hai cánh, ai nấy gân cổ cãi nhau ầm ĩ. Đôi mắt sợ hãi trốn vào góc phòng. Tôi mãi bận bịu việc nhà, chẳng để ý đến nó. Mãi sau, tôi mới nhìn lại: nó đã đi đâu từ lúc nào. Bẵng đi mấy hôm nó không về, thoạt đầu tôi thấy khoái nhưng sau tôi đâm lo rồi nhớ nó. Tôi mong nó trở về và tìm nó khắp nơi, nhưng cả nó lẫn chủ nó tôi chẳng thấy đâu. Mấy hôm sau nó mới trở về. Trông nó ngơ ngác, tiều tuỵ, tôi hỏi gì nó cũng lặng lẽ lắc đầu. Mãi đến nhiều ngày sau tôi mới thấy nó vui trở lại, tôi cũng thấy vui lây.

 

*

 

Ngày cưới chị tôi, đôi mắt vui vẻ lăng xăng khắp nơi. Có lúc, tôi thấy nó trìu mến nhìn chị tôi thướt tha yêu kiều trong chiếc áo cưới và tôi đọc thấy vẻ ao ước trong ánh mắt nó. Tôi định trêu nó nhưng ngại làm hỏng tâm trạng vui vẻ của nó nên thôi. Không ai ngoài tôi nhìn thấy nó hoặc biết đến sự hiện hữu của nó trên đời. Có lúc, tôi ước sao những người thân của tôi nhìn thấy nó như tôi, tôi nghĩ chắc mọi người sẽ lấy làm thú vị với những điều thấy được.

Tôi vẫn chưa tìm ra chủ của nó.

Hôm bố tôi ốm, tôi ngạc nhiên thấy nó loanh quanh ở chân giường ông cụ suốt ngày. Thỉnh thoảng, nó đi đâu đó chút ít rồi lại trở về cạnh ông cụ. Tôi cảm thấy thiêu thiếu khi đôi mắt không còn theo tôi sát gót mỗi ngày nữa. Vốn quen lúc nào cũng có nó bên cạnh, nay thỉnh thoảng mới gặp nó tí xíu rồi nó lại lỉnh đi mất, tôi cảm thấy như bị bỏ rơi. “Cứ như là tình yêu vậy”, có lúc tôi nghĩ. Khi người ta theo đuổi mình ráo riết, mình cho là khó chịu, cho đến khi người ấy lơ là mình mới cảm thấy quý.

Tôi buồn cười khi thấy mình suy nghĩ lẩn thẩn. Có lẽ nỗi cô đơn trong tôi thêm vào cái thiếu ngủ dài hạn vì vẫn phải đi làm hai ca một ngày để tìm chủ nó khiến tôi từ một người thiếu tự tin trở nên một người khờ khạo. Tôi không nhớ đã bao lâu rồi từ lúc tôi bắt đầu đi tìm chủ nó. Tôi nghĩ tôi có thể hỏi lại bạn tôi để biết chính xác khi nào tôi bắt đầu làm với chị ấy nhưng tôi ngại. Tôi e việc tôi xin đi làm không công đã đủ để chị ấy cho tôi là dở hơi mà không cần phải hỏi lại tôi đã làm cho chị từ lúc nào.

Nhưng tôi vẫn chưa tìm ra chủ của nó.

 

*

 

Thế rồi một hôm, tôi thức giấc với hai mắt xốn xang như phải hương ớt. Tôi lồm cồm bò ra khỏi giường, đầu óc váng vất như vừa qua cơn ốm nặng và cố vắt óc nhớ ra đêm hôm trước đã làm gì trưóc khi lên giường. Hoàn toàn chẳng nhớ được gì cả, nhưng tôi đoán chắc được một điều rằng tôi đã lên thẳng giường từ chỗ làm việc vì tôi vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục ở sở làm. Tôi mò mẫm đi lại trong nhà, cố tìm nào nước muối, thuốc nhỏ mắt, các loại kem chữa đau mắt, khử trùng… có sẵn trong nhà để dùng nhưng vô hiệu. Đến trưa, mắt tôi bỏng rát như xát ớt và tôi đành bó tay. Có lẽ cuối cùng tôi phải đi bác sĩ và với tình trạng như tôi lúc ấy, tôi phải chờ đến khi nào có ai trong gia đình tôi về mới đưa tôi đi được. Tôi buồn bã và khó chịu ngồi phệt xuống ghế xô pha, hai mắt tôi đau nên tôi cũng chẳng xem truyền hình hay đọc sách được. Chẳng biết làm gì cho hết nửa ngày còn lại, tôi ngồi thẫn thờ một đỗi rồi quyết định vào giường làm một giấc cho thoả.

Khi tôi đi qua tấm gương lớn ngoài phòng ăn, tôi chợt nảy ra ý định xem thử mắt tôi đau nặng đến mức nào. Tôi lò dò đến cạnh tấm gương, áp sát mặt vào đấy vì hai mắt tôi đầy nước loè nhòe không thể nhìn hơi xa được. Tôi giật nẩy mình khi nhìn thấy đôi mắt đỏ quạch, sưng mọng trong gương và vẻ thiểu não của nó làm tôi kinh ngạc. Nó đấy ư? Nó đấy, đôi mắt vẫn theo tôi hàng ngày từ bấy lâu nay hoá ra là của tôi. Tôi lắc đầu, dụi mắt, không thể tin vào điều đó được! Lẽ ra tôi phải nhận thấy điều này từ lâu nhưng quả là tôi khờ khạo thật và tôi nhận ra rằng, từ bấy lâu nay, tôi không hề soi gương hoặc nếu có, tôi hoàn toàn không hề nhìn đến mắt mình.

Tôi chới với ngồi xệp xuống chiếc ghế cạnh tường, tâm thần vẫn chưa hồi phục về sự phát hiện này. Chẳng hiểu sao tôi cảm thấy thất vọng, tôi cảm thấy giận dỗi như thể mình đã bị lừa dối bởi một kẻ đùa dai. Hoá ra bao nhiêu tháng qua tôi tốn bao nhiêu công sức đi tìm chủ của nó đều hoài phí. Tôi không hiểu nổi điều gì đã xảy đến với tôi ngày tôi lần đầu phát hiện ra đôi mắt đi theo tôi. Tôi chỉ biết lúc ấy tôi cảm thấy bớt cô đơn và an ủi thật nhiều vì ngỡ rằng có ai đó thành tâm theo đuổi mình. May mắn cho tôi, tôi chưa bao giờ cho ai hay lý do tôi thường ngồi trò chuyện một mình hoặc xin đi làm không công cho hiệu bán kính. Nếu có ai biết được điều này, chắc tôi sẽ xấu hổ chết mất!

 

*

 

Từ ngày ấy, đôi mắt không còn theo tôi nữa. Đôi lúc, tôi thấy tiêng tiếc rằng mình đã phát hiện ra điều này. Nếu không, tôi vẫn còn có chút hy vọng rằng có ai đó theo đuổi mình và cho dù mệt nhọc với hai ca làm việc, tôi sẵn sàng tiếp tục cuộc truy lùng chủ nhân của nó với niềm hy vọng sẽ tìm thấy một người thật tuyệt vời như tôi hằng mơ ước.

 
Adelaide 8/2004 và 3/2005.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021