thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lời giải thích
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)
 

DONALD BARTHELME

(1931-1989)

 

      Donald Barthelme (1931-1989) là một trong những đại biểu của văn chương hậu hiện đại Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản 19 cuốn sách, trong đó có 3 tiểu thuyết, 1 kịch bản, và hầu hết là những tập truyện ngắn. Barthelme qua lại thường xuyên giữa New York và Houston vì làm việc ở cả hai nơi: ông dạy môn viết văn sáng tạo (creative writing) tại University of Houston, và đồng thời là giáo sư môn văn chương Anh ngữ tại City College (thuộc City University of New York). Barthelme đã đoạt nhiều giải thưởng văn học, trong số đó có: Guggenheim Fellowship (1966); Time Magazine's Best Books of the Year (1971) cho cuốn City Life; National Book Award for Children's Literature (1972) cho cuốn The Slightly Irregular Fire Engine or the Hithering Thithering Djinn; Morton Dauwen Zabel Award (1972), do National Institute of Arts and Letters trao tặng; và Jesse H. Jones Award (1976) do Texas Institute of Letters trao cho cuốn The Dead Father.
      Nhà phê bình Richard Gilman nhận định rằng Donald Barthelme là một trong số ít nhà văn Hoa Kỳ, với lối viết hậu hiện đại, đã làm cho nghệ thuật văn chương hư cấu trở nên phong dật và mở rộng, thay vì cố gắng làm đầy thêm cái kho chứa càng ngày tràn ngập những tác phẩm để tiêu khiển, để trình bày quan điểm, hay để ghi nhận những sự kiện của đời sống. Thật vậy, Barthelme viết hàng trăm truyện ngắn, nhưng hầu như mỗi truyện đều rất khác nhau về nhiều phương diện, từ cấu trúc đến ngôn ngữ. Đọc những tập truyện ngắn của ông, chúng ta như rơi vào một ống kính vạn hoa của những khả thể biểu đạt đầy những điều bất ngờ thú vị. Ông đã đem vào thể loại truyện ngắn một sức sống mới, khiến nó trở thành một nghệ thuật văn chương hứa hẹn những tiềm năng vô hạn.
      Trước kia, tôi đã dịch một số truyện của Donald Barthelme, trong đó có truyện "Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee để mất một chiếc phi cơ giữa Milbertshofen và Cambrai, tháng Ba 1916" khiến tôi đặc biệt yêu thích, và vì thế tôi đã viết một tiểu luận nhằm diễn dịch truyện ấy, "Thử thưởng thức một tác phẩm văn chương hậu hiện đại".
      Truyện "Lời giải thích" dưới đây cũng là một tác phẩm tôi đặc biệt yêu thích — một tác phẩm "rất Barthelme" — và tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày cùng độc giả cách thưởng thức của tôi vào một ngày không xa.

 

_______________________________

 

LỜI GIẢI THÍCH

 

 

H: Bạn có tin rằng cái máy này hữu ích trong việc thay đổi chính quyền không?

Đ: Thay đổi chính quyền...

H: Làm cho họ đáp ứng những nhu cầu của nhân dân nhiều hơn?

Đ: Tôi không biết nó là cái gì? Nó làm gì vậy?

H: Thế thì, hãy nhìn vào nó.

 

 

Đ: Nó không gợi một ý tưởng nào cả.

H: Nó có một chút... dè dặt.

Đ: Tôi không biết nó làm gì.

H: Bạn thiếu tin tưởng vào cái máy?

 

H: Tiểu thuyết chết rồi ư?

Đ: Ôi vâng. Chết ngắc rồi.

H: Cái gì thay thế nó?

Đ: Tôi cho rằng nó được thay thế bởi cái gì đó đã hiện hữu trước khi tiểu thuyết được phát minh.

H: Cũng cái đó à?

Đ: Cũng cùng loại như vậy.

H: Chiếc xe đạp chết rồi ư?

 

H: Bạn không tin vào cái máy?

Đ: Tại sao tôi phải tin vào nó?

H: (Bày tỏ sự thiếu tin tưởng của chính mình vào những cái máy)

 

H: Chiếc áo ấm đẹp quá chừng.

Đ: Cảm ơn. Tôi không muốn lo nghĩ về những cái máy.

H: Bạn lo nghĩ về điều gì?

Đ: Lúc ấy tôi đang đứng ở góc đường đợi đèn giao thông đổi màu thì tôi phát hiện, giữa những người đang đợi đèn bên kia đường, một cô gái đẹp lạ thường đang nhìn tôi. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau, tôi nhìn về hướng khác, đèn đổi màu. Tôi bước vào lòng đường cũng như cô ấy. Thoạt tiên tôi nhìn cô ấy một lần nữa để xem có phải cô ấy vẫn còn đang nhìn tôi, cô ấy không nhìn nhưng tôi biết cô ấy để ý đến tôi. Tôi quyết định mỉm cười. Tôi mỉm cười nhưng theo một cách đáng tò mò — nụ cười có ý muốn bày tỏ rằng tôi thích cô ấy nhưng cũng có ý cho rằng tôi biết cái tình thế ấy đáng buồn cười. Nhưng tôi lại làm hỏng nó. Tôi cười khinh khỉnh. Tôi thậm chí không ưa chữ "khinh khỉnh". Anh biết đấy, có một khoảnh khắc chúng tôi đi ngang qua nhau. Tôi đã dám nhìn thẳng vào cô ấy trong khoảnh khắc đó. Tôi cố gắng làm thế, nhưng cô ấy nhìn hơi chệch về bên trái của tôi, cô ấy nhìn chệch khoảng ba tấc rưỡi về phía trái của mắt tôi.

H: Đây là loại máy mà...

Đ: Tôi muốn trở lại nơi ấy và làm lại một lần nữa.

 

H: Bây giờ thì bạn đã học được chút ít về nó, bạn có thể giải thích nó vận động ra sao chứ?

Đ: Dĩ nhiên. (Lời giải thích)

H: Có phải cô ấy vẫn còn đang cởi áo khoác ra?

Đ: Vâng, vẫn còn.

 

H: Bạn có muốn chụp hình với tôi không?

Đ: Tôi không thích chụp hình.

H: Bạn có tin rằng, một lúc nào đó trong tương lai, người ta sẽ có thể đạt sự thoả mãn tình dục, "hoàn toàn" thoả mãn tình dục, bằng cách uống một viên thuốc, chẳng hạn?

Đ: Tôi ngờ rằng đó là điều bất khả.

H: Bạn không thích ý tưởng ấy.

Đ: Không phải thế. Tôi nghĩ rằng trong những điều kiện ấy, chúng ta hẳn sẽ biết ít hơn bây giờ chúng ta biết.

H: Biết ít hơn về nhau.

Đ: Tất nhiên.

 

H: Nó có những vẻ đẹp.

Đ: Cái máy.

H: Vâng. Chúng tôi tạo nên những cái máy này không phải vì chúng tôi tin tưởng mong đợi chúng thực hiện những công tác được giao phó — chẳng hạn, thay đổi chính quyền — mà vì chúng tôi có tiên cảm về một cái máy, đặt ở ngoài kia, sáng rực như một siêu thị...

Đ: Bạn phải hài lòng với một lịch sử đầy thành công.

H: Mà đã chẳng mang chúng ta đến đâu cả.

Đ: (Tỏ lời an ủi)

 

H: Lúc đó bạn đã làm gì?

Đ: Tôi đã bước đi trên một cái cây. Được hai chục bước.

H: Loại cây gì?

Đ: Một cái cây chết. Tôi không thể phân biệt cây nào là cây nào. Có lẽ nó là một cây sồi. Lúc ấy tôi đang đọc một cuốn sách.

H: Sách gì?

Đ: Tôi không biết, tôi không thể phân biệt sách nào là sách nào. Chúng không giống như điện ảnh. Với điện ảnh thì bạn có thể nhớ, chí ít, ai là những người mà các diễn viên đang...

H: Lúc đó cô ấy đang làm gì?

Đ: Đang cởi cái áo khoác. Đang ăn một quả táo.

H: Cái cây hẳn là phải khá lớn.

Đ: Cái cây hẳn là phải khá lớn.

H: Đây là đâu?

Đ: Gần biển. Tôi mang đôi giày có đế bện bằng dây thừng.

 

H: Tôi có một số thông báo lỗi kỹ thuật mà tôi muốn giới thiệu ra đây và tôi muốn bạn nghiên cứu chúng cẩn thận... chúng được đánh số. Tôi sẽ cùng bạn xem xét chúng: bất định biến... chuỗi toán tử phi trình tự... lạm dụng thứ bậc... khuyết toán tử... hỗn trạng, cái đó thì thật là trầm trọng... tham số của hàm là một định điểm... ký tự bất hợp trong hằng số... hằng số với định điểm bất hợp... hằng số với hệ thập phân động bất hợp... ký tự vô hiệu lực được truyền tải trong mệnh lệnh ngầm, thật là một con đĩ chó... thiếu mệnh lệnh KẾT.

Đ: Tôi thich chúng lắm.

H: Còn hàng trăm cái khác, hàng trăm và hàng trăm.

Đ: Bạn có vẻ vô cảm.

H: Không đúng.

Đ: Cảm xúc của bạn... dính liền... vào cái gì, nếu tôi được phép hỏi như vậy?

 

H: Bạn có thấy cô ấy đang làm gì không?

Đ: Đang cởi cái áo khoác.

H: Cô ấy trông thế nào?

Đ: ... Mê mải với chính mình.

H: Bạn có chán cái hình thức hỏi-đáp không?

Đ: Tôi chán nó nhưng tôi nhận ra rằng nó cho phép tiếp cận nhiều điều quý báu vẫn thường bị bỏ sót: ngày hôm nay thuộc loại ngày gì, tôi đang mặc cái gì, tôi đang nghĩ điều gì. Đó là một sự thuận lợi rất đáng kể, tôi muốn nói như vậy.

H: Tôi tin điều này.

 

H: Cô ấy đã hát và chúng ta đã lắng nghe.

Đ: Lúc ấy tôi đang nói chuyện với một du khách.

H: Cái ghế của họ đây này.

Đ: Tôi đã gõ cửa; cửa đóng.

H: Những người lính đã diễn hành về phía toà lâu đài.

Đ: Tôi đã có một chiếc đồng hồ đeo tay.

H: Hắn đã đánh tôi.

Đ: Tôi đã đánh hắn.

H: Cái ghế của họ đây này.

Đ: Chúng ta sẽ không băng qua con sông.

H: Những chiếc thuyền bị ngập nước.

Đ: Bố hắn sẽ đánh hắn.

H: Nhét trái cây đầy các túi của hắn.

 

H: Khuôn mặt... cái máy có một khuôn mặt. Cái bảng điều khiển đây này...

Đ: Cái đó?

H: Cũng như khuôn mặt con người đã phát triển... từ loài cá... có thể truy nguyên điều này... từ... có thể nói... cái... Cái miệng đầu tiên là miệng của một con sứa. Tôi không nhớ nổi cái tên, cái tên bằng tiếng La-tinh... Nhưng một cái miệng, có gì đó hơn chỉ là một cái miệng, chỉ một cái miệng thôi thì không phải là một khuôn mặt. Nó đã tiếp tục phát triển xuyên qua loài cá mập...

Đ: Phát triển xuyên qua loài cá mập...

H: ... đến loài rắn...

Đ: Vâng.

H: Khuôn mặt có ba chức năng chính: thăm dò nguồn năng lượng cần thiết, điều hướng guồng máy vào mục tiêu của nó, và bắt lấy...

Đ: Vâng.

H: Bắt lấy và chuẩn bị sơ khởi về thức ăn. Có phải cái này cũng...

Đ: Không chút nào.

H: Khuôn mặt, một khuôn mặt, cũng phục vụ như một cái bẫy trong việc tìm bạn giao phối. Cái mũi rộng, chỉa thẳng ra phía trước---

Đ: Tôi không thấy cái ấy trên bảng điều khiển.

H: Hãy nhìn vào nó.

 

 

Đ: Tôi không---

H: Có một sự tương đồng, có tin nổi hay không. Cái... Chúng tôi dùng những nhà thiết kế công nghiệp để làm những cái bảng điều khiển, những bộ điều tác. Những nhà thiết kế, những nghệ sĩ. Để làm những cái máy hấp dẫn trước con mắt của những khách hàng tương lai. Hoàn toàn là trò trang điểm bề ngoài. Họ bảo chúng tôi rằng những cái cầu dao mang vẻ nam tính. Đàn ông cảm thấy... Nên chúng tôi dùng cả đống cầu dao...

Đ: Tôi biết người ta đã viết rất nhiều về tất cả những thứ này nhưng khi tôi gặp những bài viết ấy, trên tạp chí hay nhật báo, tôi không đọc. Tôi không thích.

H: Bạn thích những gì?

Đ: Tôi là một giám đốc của Lễ Hội Schumann.

 

H: Bây giờ cô ấy đang làm gì?

Đ: Đang cởi cái quần jeans ra.

H: Cô ấy đã cởi xong cái áo khoác rồi chứ?

Đ: Không, cô ấy vẫn còn mặc cái áo khoác.

H: Một cái áo khoác màu vàng?

Đ: Xanh.

H: Thế thì, bây giờ cô ấy đang làm gì?

Đ: Đang cởi cái quần jeans ra.

H: Cô ấy mặc cái gì bên dưới?

Đ: Quần. Quần lót.

H: Nhưng cô ấy vẫn còn đang mặc áo khoác?

Đ: Vâng.

H: Cô ấy cởi xong quần lót rồi chứ?

Đ: Vâng.

H: Vẫn còn đang mặc áo khoác?

Đ: Vâng. Cô ấy đi dọc theo một khúc gỗ.

H: Mặc cái áo khoác. Có phải cô ấy đang đọc sách?

Đ: Không. Cô ấy có cặp kính mát.

H: Cô ấy đang mang kính mát?

Đ: Đang cầm nó trong tay.

H: Trông cô ấy thế nào?

Đ: Khá đẹp.

 

H: Nội dung của chủ nghĩa Mao là gì?

Đ: Nội dung của chủ nghĩa Mao là sự tinh khiết.

H: Sự tinh khiết có quy thành số lượng được không?

Đ: Sự tinh khiết chưa bao giờ được quy thành số lượng.

H: Sự tinh khiết diễn ra thế nào trên toàn thế giới?

Đ: Sự tinh khiết xảy ra chừng 0,004 phần trăm của mọi trường hợp.

H: Sự tinh khiết thuần tuý thì thường đi đôi với cái gì?

Đ: Sự tinh khiết thuần tuý thì thường đi đôi với sự điên loạn.

H: Nói thế không phải để làm giảm giá trị của sự điên loạn.

Đ: Nói thế không phải để làm giảm giá trị của sự điên loạn. Sự tinh khiết thuần tuý cho ta một cái khác để thay cho sự ngự trị của lý chứng đúng đắn.

H: Nội dung của lý chứng đúng đắn là gì?

Đ: Nội dung của lý chứng đúng đắn là sự hùng biện.

H: Và nội dung của sự hùng biện?

Đ: Nội dung của sự hùng biện là sự tinh khiết.

H: Sự tinh khiết có thể quy thành số lượng được không?

Đ: Sự tinh khiết không thể quy thành số lượng được. Nó lại có thể thổi phồng được.

H: Làm sao duy trì được sự hùng biện của chúng ta trước những cuộc tấn công của những sự hùng biện khác?

Đ: Sự hùng biện của chúng ta được duy trì bởi những đại biểu được bầu cử của chúng ta. Trong chất mỡ của những cái đầu của họ.

 

H: Không ích gì để tranh cãi rằng cái máy này thì hoàn toàn thành công, nhưng nó có những phẩm tính. Tôi không thích dùng ngôn ngữ nhân cách hoá để nói về những cái máy này, nhưng có một phẩm tính...

Đ: Đó là gì?

H: Đó là lòng can đảm.

Đ: Máy móc thì can đảm hơn nghệ thuật.

H: Kể từ cái chết của xe đạp.

 

H: Có mười quy tắc để điều khiển cái máy. Quy tắc đầu tiên là mở máy.

Đ: Mở máy.

H: Quy tắc thứ hai là đổi các định đề. Quy tắc thứ ba là luân chuyển các nhập liệu. Quy tắc thứ tư là bạn đã tạo nên một sai lầm nghiêm trọng.

Đ: Tôi làm cái gì?

H: Bạn gửi cái thông báo lỗi kỹ thuật theo đúng cách.

Đ: Tôi sẽ không bao giờ nhớ những quy tắc này.

Đ: Tôi sẽ lặp lại chúng một trăm lần.

Đ: Trước kia tôi sung sướng hơn.

H: Bạn đã tưởng tượng đấy.

Đ: Những vấn đề này thì không có thật.

H: Những vấn đề không có thật khi ta có thể sờ chạm vào chúng được. Những vấn đề nổi lên ở đây lại là những sự tương đồng. Những lý chứng và những kết luận thì hiện hữu mặc dù chúng hiện hữu ở nơi nào khác, chứ không phải ở đây. Những lý chứng và những kết luận thì ở trong không khí và đơn giản để quan sát ngay cả cho những kẻ không có thì giờ rảnh rỗi để tham vấn hay học hỏi cách đọc những ấn phẩm của các ngành chuyên môn.

Đ: Tình trạng này đầy những khó khăn.

H: Tình trạng này đầy những khó khăn nhưng cuối cùng thì thanh niên và công nhân sẽ có điều kiện sống tương đương với người già và viên chức nhà nước, vì phúc lợi hỗ tương của mọi thành phần. Hiện tượng đại chúng, theo quy luật dân số cao, làm cho những sự kiện ngoại lệ và hy hữu có thể xảy ra, mà...

Đ: Lúc đó tôi gọi cô ấy và kể cho cô ấy rằng tôi đã chiêm bao thấy cô ấy, rằng cô ấy trần truồng trong giấc chiêm bao, và chúng tôi đã làm tình. Cô ấy không muốn bị ai mơ cả, cô ấy nói--không ngay bây giờ, không về sau, không bao giờ, khi nào thì tôi sẽ chấm dứt nằm mơ như thế. Tôi cho rằng nằm mơ là một cái gì tôi không kiểm soát được. Cô ấy nói chuyện ngày xưa ấy đã trôi qua quá lâu rồi và bây giờ cô ấy đã kết hôn với Howard, như tôi đã biết, và cô ấy không muốn... những sự xâm phạm theo kiểu này. Hãy nghĩ đến Howard, cô ấy nói.

 

H: Gã đã đánh tôi.

Đ: Tôi đã đánh gã.

H: Chúng ta đã thấy họ.

Đ: Lúc ấy tôi đang nhìn vào cửa sổ.

H: Cái ghế của họ đây này.

Đ: Cô ấy đã hát và chúng ta đã lắng nghe.

H: Những người lính đang diễn hành về phía toà lâu đài.

Đ: Tôi đã nói chuyện với một du khách.

H: Tôi đã gõ cửa.

Đ: Chúng ta sẽ không băng qua sông.

H: Sông đã làm những chiếc thuyền ngập nước.

Đ: Tôi nghĩ tôi đã từng thấy cô ấy với chú tôi.

H: Lúc đang leo vào chiếc xe bốn bánh của họ, tôi đã nghe họ.

Đ: Hắn sẽ đánh cô ấy nếu hắn đã mất nó.

 

Đ (kết luận): Không có chút nghi ngờ nào trong ý nghĩ của tôi rằng những người chơi bóng hôm nay là những người giỏi nhất từ trước đến giờ. Họ là những vận động viên sáng láng, kết hợp với nhau cực kỳ nhuần nhuyễn, hảo hạng về mọi mặt. Những người chơi bóng hôm nay quá tuyệt diệu đến nỗi ghi bàn thắng là một việc tương đối đơn giản đối với họ.

H: Cảm ơn bạn đã giãi bày với tôi.

 

H: ... cho bạn xem một bức ảnh của con gái tôi.

 

 

Đ: Rất xinh.

H: Tôi có thể cho bạn một số tài liệu tham khảo để đọc thêm.

Đ: (Vỗ bàn tay vào tai)

 

H: Bây giờ cô ấy đang làm gì?

Đ: Có một vết bầm trên đùi cô ấy. Bên phải.

 

Nguyên tác: "The Explanation", trong Donald Barthelme, 40 Stories
(New York: Penguin Books, 1987)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021