thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
30 NĂM… XÓM TÔI [4 - Chuyện nhà tôi]

 

Từ nhà máy gạch đi xuôi xuống chừng 220 mét là một cái hồ lớn. Hồ này không tên tuổi như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, nhưng thực tế là nó đẹp chẳng kém. Nước hồ xanh ngăn ngắt, xung quanh cũng liễu rủ thướt tha. Bọn trẻ xóm tôi hay rủ nhau xuống đây bơi lội. Tháng nào cũng có một đứa chết đuối. Nhìn chúng nó bơi lội tung tăng tôi vô cùng thèm thuồng, nhưng không bao giờ dám. Bởi bố tôi rất nghiêm khắc. Ông cấm tiệt hai anh em tôi đi bơi. Cũng có nhiều đứa bị bố cấm, nhưng chúng nó không sợ. Buổi trưa nào cũng có cảnh ông bố cầm roi đuổi đằng sau, vừa đuổi vừa chửi, thằng con chạy đằng trước, vừa chạy vừa cười nhe nhởn. Cứ thế. Vòng quanh hồ. Và người thua bao giờ cũng là các ông bố. Tôi nhìn chúng nó mà ao ước, nhưng không bao giờ dám.

Trong xóm, chỉ duy nhất gia đình tôi thuộc thành phần viên chức nhà nước. Mẹ tôi là công nhân trại lợn Cầu Diễn. Bố tôi là nhà thơ. Ông công tác ở nhà hát Opera dân tộc. Chức danh bố tôi là trưởng phòng nghệ thuật, công việc chính của ông là bảo quản, phun thuốc chống mối mọt cho phòng truyền thống của nhà hát.

Với tôi, cái phòng truyền thống này là một thế giới đầy huyền bí. Chính giữa phòng có hai bức tượng toàn thân hai ông mặc áo quần xanh đỏ, đi hia, mang gươm. Một ông mắt lác, vẻ hơi hung dữ. Một ông sứt môi, vẻ nhí nhảnh. Tôi không biết hai ông này là ai, song tôi rất kính cẩn hai ông. Tôi nghĩ, chắc đó là hai ông thần, thần gì thì chịu. Việt Nam mình vốn nhiều thần.

Trong phòng truyền thống có một giá sách rất to, đây mới thật sự hấp dẫn tôi, nhưng thông thường, bố không cho phép tôi lục lọi. Cứ khoảng hai tuần, ông lại phun thuốc chống mối cho giá sách này. Mỗi lần như vây, ông lại loại ra một số sách, báo bị mối xông. Tôi nhìn đống sách báo này hau háu. Nhưng chả bao giờ đến lượt tôi. Số sách báo này nhanh chóng chuyển tới mấy tiệm buôn sách báo cũ. Bù lại việc không được đọc, hôm đó nhà tôi có bữa tươi.

Nhà tôi có ba anh chị em. Chị Hương là cả. Kế là anh Hùng. Tôi là út. Mang tiếng con út, nhưng bố ghét tôi nhất, vì tôi học kém, chỉ mê đọc truyện linh tinh. Còn với mẹ, bà thương ba đứa như nhau. Học giỏi hay học dốt với bà không khác gì

Chị Hương học giỏi văn, năm nào chị cũng được đi thi học sinh giỏi. Một lần chị đoạt giải ba cuộc thi văn toàn thành phố.

Anh Hùng giỏi toàn diện, nhưng trội nhất là toán. Cũng như chị Hương, anh đoạt giải ba cuộc thi toán toàn thành.

Nhìn chung, nhà tôi như một biểu tượng văn hoá của xóm. Cũng dễ hiểu khi ông Trọng “pác” rất nể bố tôi.

 

*

 

Vào đầu thập niên cuối thế kỉ trước, khi đất nước đã trở nên khá giả, các đoàn nghệ thuật được nhà nước đầu tư mạnh. Nhà hát Opera dân tộc của bố tôi cũng vậy, được đầu tư xây dựng một nhà hát riêng. Rất qui mô. Bố tôi được phân công làm phó ban quản lí xây dựng (thuộc bên A - chủ đầu tư). Từ ngày bố tôi thay đổi vị trí công tác, nhà tôi khá khẩm hẳn lên. Chuyện ăn uống thịt thà không phải nghĩ. Bố tôi có thêm nhiều bạn (là những ông thuộc bên B - thầu xây dựng), họ suốt ngày uống rượu ngâm thơ.

Công trình xây dựng nhà hát mà bố tôi là phó ban quản lí đạt một kỉ lục. Kỉ lục câu giờ. Công trình dự kiến hoàn tất sau hai năm, nhưng thực tế là mười hai năm nó mới hoàn thành. Tôi không được chứng kiến ngày khánh thành nhà hát này. Khi đó, tôi đang ở xa (tôi học trung cấp thú y, ra trường, tôi được phân công về một trạm xá của một huyện lỵ trên Tây Nguyên).

Ở vào cương vị phó ban quản lí công trình, bố tôi mang lại cho gia đình cuộc sống vật chất khá dễ chịu. Nhưng bù lại, mẹ tôi rất đau khổ. Vì bố suốt ngày nhậu nhẹt, và tệ hơn, bố tôi có bồ. Bồ của bố là một chủ quán cà phê. Nghe nói hai người yêu nhau đắm đuối. Tôi không hiểu người đàn bà kia yêu đắm đuối bố tôi vì điều gì, bởi bố tôi hom hem, hói trán, và đặc biệt rất hôi nách. Có lẽ bà ta yêu bố tôi vì một tâm hồn thi sĩ.

Công trình nhà hát hoành tráng sau khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng được ba năm thì xuống cấp trầm trọng. Lún móng, nứt mái. Và một sự cố ghê gớm đã xẩy ra. Hôm đó, nhà hát đang biểu diễn thì trần nhà hát (phía khán giả) sập xuống. Cũng may, không có ai chết và bị thương. Vì các suất diễn thường không có khách nếu bán vé lẻ. Chỉ khi nào diễn hợp đồng hay phát giấy mời thì mới có khách. Người ta đành niêm phong nhà hát và chưa có kế hoạch cụ thể nào cho nó. Việc này đã đưa ra cả quốc hội để bàn bạc. Vì sự việc này mà bố tôi phải đi tù. Ông bị kết án 18 tháng tù giam. Pháp luật rất công minh. Ông trưởng ban, người chịu trách nhiệm chính, và cũng là người ăn chính, bị kết án gấp đôi: 36 tháng tù treo.

Sau khi ra tù, bố tôi dọn về ở hẳn với bà chủ quán cà phê (bố có vốn riêng gửi ngân hàng). Bố sống với bà ta được sáu tháng thì chết. Ông bị “thượng mã phong”. Khi bố chết, tôi đang bận quá nhiều việc (huyện lị của tôi quản lí, dân số mấy nghìn người mà chỉ có một trạm xá, nhân sự gồm một bác sĩ là tôi và hai y tá giúp việc là hai bà người Thượng vừa tốt nghiệp lớp xoá nạn mù chữ; năm ấy, cả huyện mắc chứng sốt vàng chân. Cả người, bò, lợn. Mắc tất) nên không về được. Tôi rất áy náy về điều này. Tuy bố không yêu thương tôi lắm, nhưng tôi luôn kính trọng ông. Với tôi, ông là một biểu tượng của thành công. Thành công về mọi mặt. Ngay cái chết của ông cũng khiến tôi ngưỡng mộ. Chết trên bụng đàn bà là một cái chết vĩ đại.

 

*

 

Trong thời gian tám năm phục vụ trên Tây Nguyên, vừa làm việc vừa phấn đấu, tôi đã kiếm được cái “mát-tơ” tại chức, và tôi đã xin chuyển được về Hà thành. Một bệnh viện lớn đã đồng ý tiếp nhận.

Công cuộc đổi mới khiến xóm tôi thay đổi ghê gớm. Nhà cửa thi nhau mọc lên, nhà sau cao hơn nhà trước. Chỉ duy nhất nhà tôi vẫn thế. Vẫn căn nhà cấp bốn. Tuy nhiên, trong nhà cũng có toilet.

Anh Hùng tốt nghiệp đại học bách khoa, loại xuất sắc. Được nhận về một cơ quan nghiên cứu khá nổi tiếng. Chả hiểu thế nào, anh yêu một cô phò hơn anh mười chín tuổi, đòi cưới. Mẹ tôi phản đối quyết liệt, bà doạ tự tử nếu anh Hùng không nghe lời. Anh Hùng nghe lời mẹ, nhưng sau đó anh mắc căn bệnh rất lạ. Anh cứ ỉa ra rồi ăn vào, mồm miệng dớt dãi thều lều, suốt ngày gẩy bàn tính. Lâu lâu, đập phá ra trò, vì vậy, phải xích trong góc nhà.

Chị Hương tốt nghiệp đại học tổng hợp, khoa ngữ văn, nhưng ra trường không xin được việc làm. Nói cho đúng là có xin được việc, nhưng nơi nào chị làm lâu nhất cũng chỉ được sáu tháng là bị sa thải. Chị Hương mang nặng gien bố tôi. Chị là một thi sĩ. Làm ở đâu chị cũng không hoàn thành công việc được giao, hay cầm nhầm của công, đã thế đầu óc chị cứ lơ mơ về thơ thẩn. Bây giờ chị đã lấy chồng, ở riêng. Chồng chị Hương làm xe ôm, còn chị Hương bán quán nước chè di động (tức là nay ngồi vỉa hè này, mai ngồi vỉa hè khác). Chị cho tôi biết, vì thơ chị đã vượt quá xa tầm thời đại, người bình thường đọc vào rất dễ lên cơn động kinh, nên không có nhà xuất bản nào nhận in thơ chị, nhưng chị đã in được 27 tập, dưới hình thức photocopy. “Có một nhà xuất bản bên châu Phi đang liên hệ để dịch thơ của tôi đấy nhá” — chị Hương thì thào khoe với tôi, mắt chị đảo tròn rất gian, cứ như buôn bạc giả.

Sau khi bố tôi đi tù thì trại lợn Cầu Diễn giải thể, mẹ tôi được hưởng chế độ hưu non, coi như thất nghiệp. Không biết làm gì, thỉnh thoảng mẹ phải đi làm thuê lặt vặt cho mấy gia đình trong xóm. Người Hà thành gọi là oshin. Nhưng cũng chả có việc đều, bởi mẹ già quá rồi, chủ nhà muốn chửi mắng bắt nạt cũng ngại, nên bí lắm họ mới thuê. Gia cảnh sa sút, buồn chuyện chồng con, đâm ra dạo này mẹ tôi sinh tật nói bậy. Cứ ngứa mắt ngứa mồm là bà chửi. Dạo bùng nổ dịch ca sĩ người mẫu chụp ảnh khoả thân trên mạng, báo chí, dư luận lên án, xóm tôi lập tức họp tổ dân phố, có cán bộ văn hoá quận xuống quán triệt, để các bậc phụ huynh kịp thời răn đe con cái. Mẹ tôi đi họp, tự nhiên, bà chửi đổng rõ to: “Vú nồn nà bố mẹ ló cho ló, nà giời cho ló. Giời thương ló giời cho nó nồn đẹp vú đẹp. Ló đưa nồn nên in tờ lét chứ ló đưa nồn nên mặt trăng thì đã chết bố con thằng nào. Chả khoe cũng phí. Dào ôi, đạo đức chết tiệt ba cái chuyện cởi truồng với mặc quần. Rõ là nũ thối mồm. Rõ là giống ghen ăn tức uống. Mấy thằng liền ông thấy nồn người đẹp hơn nồn vợ mình, tức, chửi. Liền bà thấy nồn người xinh hơn nồn mình, tức, cũng chửi. Rõ nỡm. Đéo mẹ cha nhà ló chứ, như bà đây, cả đời giữ nề giữ thói, có cái nồn cứ giữ khư khư cho thằng giời đánh, ngứa cũng đéo dám gãi, để ló vác cặc ló đi với gái. Rõ thật nà …”. Cả hội trường xôn xao như ong vỡ tổ. Tôi phải chạy ra năn nỉ mãi bà mới thôi.

 

*

 

Cái hồ xóm tôi nước vẫn trong xanh, những hàng dương liễu vẫn thướt tha rủ bóng. Con đường quanh hồ được lát gạch, đặt nhiêu ghế đá. Gìơ thì cái hồ này cũng nổi tiếng lắm, quanh đó, những quán bar karaoke mọc lên san sát, đèn xanh đỏ nhấp nháy, nhạc xập xình. Nhiều ông Tây bà Đầm và các cặp tình nhân nội địa khoác vai đi dạo mát.

Một buổi trưa, tôi ngồi trong quán café ven hồ, chợt một cảnh tượng vô cùng quen thuộc diễn ra. Một thằng bé trạc 10 tuổi chạy thục mạng, vừa chạy vừa cười nhe nhởn, phía sau là một gã trung niên cởi trần trùng trục, tay cầm roi, miệng hò hét chửi bới đuổi theo. Nghe nói, ban quản lí công trình đô thị đã ra sắc lệnh cấm tụi trẻ con xuống bơi dưới hồ, nên tôi không hiểu bố con nhà kia đuổi nhau vì lí do gì.

Họ cứ đuổi nhau vòng quanh hồ, cho tới khi tôi ra về, họ vẫn tiếp tục đuổi bắt vòng quanh.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021