thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bệnh nhân

 

Trong lúc lục lọi trong cặp đựng hồ sơ gia đình, cô lấy ra một số giấy tờ.

Chuông cửa reo.

Cô ngưng tay.

Bỏ tất cả ở đấy, dưới sàn phòng ngủ, cô bước ra.

Người đàn bà lạ mặt, trạc 45 tuổi, khá đẹp, ăn mặc sang trọng, cầm một giỏ đồ lớn, đang đứng chờ ở cổng.

Người đàn bà đã ra về.

Cô ngồi thừ ra ghế, nghĩ ngợi.

Lấy từ giỏ đồ ra kẹo sô-cô-la, cà phê, trà, bánh ngọt, rượu vang, cô càu nhàu: "Cái mụ này thật đáng ghét, anh ấy nhặt được và trả đủ 20 cây vàng mà không biết đền ơn lấy một chỉ...Đã vậy còn gọi anh ấy bằng 'anh'. Hừ, mụ ta hơn anh ấy ít nhất cũng một, hai tuổi chứ đâu có ít... Thật là phi lý, những 20 cây vàng, trong khi 2 tháng tiền nhà chưa thanh toán, tiền mổ amiđan cho con không biết lấy đâu ra... Trời ơi! Ngu ơi là ngu, ngốc ơi là ngốc! Ít nhất cũng phải biết giữ lại một, hai cây mà xài chứ..."

Cô đứng lên,

rót nuớc uống,

dằn ly xuống bàn,

vừa bước trở lại phòng ngủ vừa càu nhàu: "Anh ấy điên rồi. Đúng là anh ấy có vấn đề về tâm thần mà."

Trong phòng ngủ,

cô xếp các giấy tờ vào cặp.

Bỗng cô cầm lấy tờ giấy in các biểu đồ, chăm chú đọc: "Điện não đồ". Rồi cô cầm lên một tờ khác, lẩm bẩm: "Mất ý thức trong chốc lát."

Cô ngước mặt, kêu lên: "Trời ơi, đúng rồi! Thật thế rồi! Khổ cho thân tôi không cơ chứ!"

 

+

 

Bác sĩ mặc blouse trắng, chừng 48, 50 tuổi, người gầy, đeo kính trắng gọng đồi mồi, tròng kính tròn. Ông nhìn vào mắt anh một lúc, hỏi: "Trên đường về quê thăm cha mẹ vợ, tại sao anh bỏ rơi vợ anh ở trạm kiểm soát của Cảnh sát?" "Thưa bác sĩ, tôi không bỏ rơi, tôi chỉ quên thôi. Như quên một món đồ vậy? Tôi nghĩ quên thì một cái nón hay một người phụ nữ cũng như nhau thôi." Bác sĩ ngước mặt, đưa tay đẩy kính, gật gù. Anh nói tiếp: "Nhưng tôi không quên luôn, sau đó tôi nhớ lại." "Phải, nhưng chỉ sau khi đã đi được chừng 5 cây số, sau khi đã nói chuyện với vợ một lúc mà không thấy cô ấy trả lời trả vốn gì, anh mới dừng xe, quay nhìn phía sau, và phát hiện cô ấy không có trên xe, đúng không?" "Thưa bác sĩ tôi nghĩ rằng ai cũng có lúc đãng trí." "Nhưng anh thì hơi nhiều: có lần anh đi kiếm đôi vớ ở chân anh." Anh im lặng. Bác sĩ dựa lưng vào ghế, hỏi: "Anh có uống rượu không?" "Thưa, thỉnh thoảng." "Anh biết không, rượu có liên quan đến bệnh thần kinh...và quên là một dấu hiệu của bệnh tâm thần đấy." Anh im lặng. Bác sĩ nói tiếp: "Anh đã nói với Giám đốc Công ty xây dựng Kiến Tạo là anh đồng ý làm việc cho Công ty nếu Công ty không nhốt chó trong chuồng nữa?" Anh nhìn bác sĩ, ngạc nhiên. Ai đã nói cho ông ta biết chuyện này, anh tự hỏi. Anh nhớ là anh không hề kể chuyện này với vợ. Anh gật đầu:"Thưa vâng. Tại sao? Tôi không thích người ta nhốt chó trong chuồng dành để nhốt gà." "Theo anh, người ta nhốt chó ở đâu?" "Để nó tự do." Bác sĩ gật gù, hỏi tiếp: "Anh có viết văn?" "Thưa vâng." "Trong một truyện ngắn của anh có chi tiết những hình nhân nói năng suy nghĩ như con người?" "Vâng, nhưng tôi có viết thêm là những cử động của các hình nhân chỉ xảy ra khi vắng mặt con người, và lời họ nói ở một tần số mà con người không nghe được." "Nhưng riêng anh thì thấy và nghe được?" "Thưa vâng, vì tôi biết lắng nghe." Bác sĩ mỉm cười: "Anh còn có thể nghe được gì nữa?" "Tất cả: động vật, thực vật, đồ vật, đất đá, sông suối, mây trời..." "Trong một truyện khác, anh bảo những đồ vật cũ có linh hồn. Anh tin như thế thật không?" "Tôi tin... như tín đồ Ky-tô giáo tin vào sự phục sinh của Chúa, như tín đồ Phật giáo tin vào sự luân hồi, tín đồ Hồi giáo tin..." Bác sĩ xua tay: "Được rồi, được rồi...Ở nhà, anh gắn lên tường những con côn trùng như: thằn lằn, bọ ngựa, kiến, dế để làm gì?" "Tôi thích côn trùng." "Anh đã nuôi kiến phải không?" "Trong các loài kiến, tôi thích nhất là kiến vàng." Bác sĩ xếp hồ sơ: "Được rồi..." "Thưa bác sĩ, tôi không bị bệnh chứ ạ?" Anh cần ở lại bệnh biện để được khám thêm. À, nhân tiện, theo anh, khi bị bệnh, người ta cần điều trị ở bệnh viện hay sống bình thường ở nhà?" Bác sĩ liếc anh, chờ đợi. Anh đáp tự nhiên: "Tôi thích ở nhà... nếu ở nhà có thể khỏi bệnh được." "Phòng 4 giường, tiện nghi giống phòng khách sạn hạng vừa." Anh thấy dễ chịu khi được ở một mình. Ban đầu, anh định phản đối. Sau, anh nghĩ lại. Anh đã xin nghỉ làm những 2 ngày. Ở lại, anh sẽ có cơ hội quan sát cử chỉ, hành vi, lời nói, sinh hoạt của người bệnh tâm thần và cách người ta đối đãi với họ. Anh yên tâm vì không bị bắt phải mặc đồng phục bệnh nhân. Vợ anh đưa anh một típ kem, một bàn chãi đánh răng, m ?khăn mặt, một chai nước khoáng, một tờ báo Văn hoá thể thao. Anh không biết những thứ ấy cô mua ở bệnh viện hay mang từ nhà theo. Anh nhờ cô mua một xấp giấy trắng để ghi chép. Cô trấn an: "Anh đừng lo, em có quen với ông giám đốc, ông ấy nói với em là sau khi khám nghiệm đầy đủ, không thấy bệnh, ông sẽ cho anh về ngay." Chiều tối, sau bữa ăn, một bà mặc đồng phục xanh lớn tuổi mang đến cho anh mấy viên thuốc, bảo anh uống trước mặt bà. Anh bỏ thuốc vào miệng, hớp một ngụm nhỏ nước. Anh nhả thuốc ra ngay sau khi bà mặc đồng phục xanh đi khỏi. Sáng hôm sau, anh vào phòng khám lúc chưa có ai ở đấy, ngồi chờ. Anh nhìn hai cây kim đồng hồ xê dịch. Kim dài chỉ số 12, kim ngắn chỉ số 8, anh nghe tiếng chân từ hành lang. Anh quay đầu ra cửa. Bác sĩ bước vào phòng, đúng giờ đã hẹn. Bác sĩ niềm nở tựa vẻ huy hoàng sáng đẹp của buổi sớm mai. Ông hỏi: "Anh ngủ được không?" "Thưa được ạ." Anh đã nói dối. Từ khi lên giường, đầu óc anh tràn ngập những ý nghĩ vẩn vơ. Cả đêm, anh chỉ chợp mắt được một lúc. "Chúng tôi đã nghiên cứu trường hợp của anh và xin thông báo để anh biết là anh có bệnh. Anh có triệu chứng hoang tưởng." Câu nói của bác sĩ tựa lời phán quyết có tội của vị quan toà, mà, anh chính là bị cáo. Cả bầu trời sụp xuống trong anh. "Bác sĩ nói thật chứ?" Bác sĩ gật đầu. Anh lắc đầu, quả quyết, có phần hoảng hốt: "Không, tôi không tin. Không thể như thế được." "Anh không tin, nhưng anh có bệnh. Không ai muốn tin mình có bệnh. Anh cố giử bình tĩnh: Không, tôi không có bệnh. Tại sao anh nghĩ rằng anh không có bệnh?" "Vì...vì tôi không có bệnh, thế thôi." "Tất cả bệnh nhân ở đây, không ai cho rằng mình bệnh cả. Anh có tin như thế không?" Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời: "Tôi tin." Bác sĩ dựa lưng vào ghế: "Chính vì vậy." "Vì vậy là thế nào, bác sĩ có thể nói rõ được không?" "Anh giống họ, anh có bệnh." Anh quay mặt ra cửa sổ, rồi quay vào: "Có nghĩa là tôi phải ở lại đây sao? Tôi không được ở nhà tôi, không được đi làm sao?" "Chính anh đã muốn thế mà." "Tôi muốn ư?" "Hôm qua anh đã nói rằng nếu bị bệnh thì cần điều trị ở bệnh viện, đúng không?" "Phải, tất nhiên là vậy." Bác sĩ nhún vai. Anh hét lên:"Nhưng tôi không có bệnh, tôi không muốn ở đây, tôi muốn đi làm, tôi muốn về nhà." Bác sĩ thản nhiên: "Anh sẽ được về nhà khi đã hết bệnh." Anh đứng lên, quát vào mặt bác sĩ: "Tôi mà tâm thần à? Chính ông mới là tâm thần." Một người mặc sơ mi trắng, vóc dáng mảnh dẽ, da trắng, tóc ngắn, lông mi dài, miệng nhỏ, xuất hiện ở cửa. Người mặc sơ mi trắng nắm lấy cánh tay anh, dẫn anh trở lại ghế, nói: "Xin vui lòng đừng nóng, xin hãy bình tĩnh." Bàn tay ấy lạnh tựa một xác chết. Anh giật tay khỏi bàn tay ấy. "Tôi bình tĩnh quái gì được, một khi ông bác sĩ đây cứ nhất quyết cho rằng tôi bị tâm thần. Ông ta tâm thần thì có!" Người mặc sơ mi trắng nói chậm rãi, giọng kim pha thổ: "Xin anh bình tĩnh mới giải quyết được vấn đề." Bác sĩ đặt trước mặt anh một ly nước. Anh nhìn ly nước. Quan sát kỹ, anh thấy có một số bọt li ti ở đáy và ở thành ly. Nhìn lâu, anh phát hiện những bọt này không nổi lên như những bọt nước thông thường. Anh đưa mắt nhìn quanh phòng. Anh đang khát nước. Một bình nước tinh kh ết bằng nhựa đặt ở góc phòng. Bác sĩ đang hứng lấy nước từ bình vào ly giấy, rồi cầm ly bước lại cửa sổ, vừa uống vừa nhìn ra ngoài. Anh nghe tiếng bác sĩ: "Anh uống nước đi." Anh đứng lên, đến lấy một cái ly giấy trên đầu tủ nhỏ gần đấy, vặn vòi chiếc bình, hứng lấy nước, vừa uống vừa liếc nhìn người mặc sơ mi trắng. Người mặc sơ mi trắng nhìn bác sĩ lúc này đang quay người vào trong, mỉm cười. Nụ cười bí ẩn tựa như của Mona Lisa. Người mặc sơ mi trắng nói với anh sau khi anh uống xong ly nước: "Nào, bây giờ ta hãy phân tích." Anh rút khăn tay từ túi quần, lau miệng, cất khăn: "Thì cứ phân tích, diễn dịch hay quy nạp gì cũng được." Người mặc sơ mi trắng ngó bác sĩ: "Anh bảo ông bác sĩ này tâm thần vì ông ta cho rằng anh bị tâm thần?" "Đúng." "Như thế có nghĩa là trong hai người có một người bị tâm thần và một người không?" Anh thấy sợ, một nỗi sợ mơ hồ. Vì vậy, anh càng lớn tiếng: "Đúng. Và người bị tâm thần chính là ông ta." "Ta hãy xem xét vấn đề từ đầu: ông ta là bác sĩ; còn anh, anh làm nghề gì?" "Tôi hả...tôi làm nghề gì ư? Tôi là người thiết kế sửa chữa nhà." "Anh là một kiến trúc sư?" "Không, tôi không phải là kiến trúc sư." "Anh là kỹ sư xây dựng?" "Không, tôi không phải là kỹ sư xây dựng." "Vậy anh là ai?" "Tôi là ai ư? Tôi là.... tôi." "Công việc hàng ngày của anh là gì?" "Tôi vẽ, tôi thiết kế." "Vẽ, thiết kế gì?" "Nhà." "Để làm gì?" Anh nổi cáu, lên giọng: "Thì còn làm gì nữa? Để đơn vị thi công coi bản vẽ của tôi mà xây dựng, mà sửa chữa." Người mặc sơ mi trắng vẫn giữ thái độ bình thản: "Đó là công việc cửa kiến trúc sư và kỹ sư. Vậy mà anh lại bảo là anh không phải là kiến trúc sư hoặc kỹ sư?" "Tôi không học Kiến trúc, tôi học Văn khoa." "Xin anh vui lòng cho biết ai đã nhận anh vào làm việc thiết kế?" "Tôi nộp đơn xin làm bất cứ việc gì, ông trưởng phòng tổ chức xem lý lịch và đơn xin việc của tôi rồi nói được rồi, anh học Kiến trúc, tôi cho anh vào làm ở bộ phận thiết kế..." Người mặc sơ mi trắng lắc đầu, quay sang bác sĩ. Bác sĩ cũng lắc đầu. Người mặc sơ mi trắng quay lại anh: "Vậy, anh là một nhân viên thiết kế làm ở Xí nghiệp thiết kế sửa chữa nhà, ông này là bác sĩ làm ở bệnh viện tâm thần. Nhiệm vụ của anh là vẽ bản vẽ để đơn vị thi công dựa vào mà thi công, nhiệm vụ của ông bác sĩ này là điều trị bệnh nhân tâm thần. Phải không?" "Phải." "Vậy ai có thể điên?" Anh lớn tiếng: "Ai cũng có thể điên hết, từ anh quét rác đến ông vua." Người mặc sơ mi trắng vẫn bình thản, hình như không biết xúc động: "Người điên có thể điều trị cho người khác được không?" "Không." "Ông bác sĩ này là người có nhiệm vụ điều trị cho anh, ông ta có thể nào điên không?" Anh đáp nhanh: "Điên thì điều trị quái gì được." "Vậy người điên chính là anh chứ đâu phải ông ấy." Anh trố mắt nhìn người mặt sơ mi trắng. Anh trố mắt quay sang nhìn bác sĩ. Anh thấy khuôn mặt họ, cả hai người giống như sáp, vô cảm. Phản ứng yếu ớt, tuyệt vọng, anh nhăn nhó, rên rỉ: "Không, tôi không có bệnh, tôi vẫn khoẻ mà..." Người mặc sơ mi trắng nhìn bác sĩ. Lần này, bác sĩ rời chỗ, đi về phía anh, đặt tay lên vai anh: "Thôi được, anh không điên, chỉ là sức khoẻ tâm thần không được tốt, hãy đ ?húng tôi giúp anh. Rồi anh sẽ được về nhà sớm thôi." Anh cúi đầu im lặng. Anh bước trong sân, trên lối đi tráng xi măng. Một cái lon sữa bò nằm ở mé lối đi. Anh tung chân đá cái lon. Nó văng đến chổ một thanh niên. Người này nhìn anh, há miệng cười, đá nó lại về phía anh. Một phụ nữ mặc đồng phục xanh bước đến nhặt cái lon. Hành vi của anh, của người thanh niên và của người phụ nữ mặc đồng phục xanh đối với cái lon làm dịu cơn giận dữ của anh. Anh lang thang trong sân bệnh viện, tự hỏi tại sao ông bác sĩ và người mặc sơ mi trắng lại không tin chuyện ông trưởng phòng tổ chức đọc Đại học Văn khoa ra Đại học Kiến trúc. Đất nước này đầy những chuyện khó tin hơn nhiều mà vẫn có thực. Một người đàn bà từ góc nhà đi ra, tóc tai áo quần ướt sũng. Anh đứng lại, nhìn bà ta, tự hỏi bây giờ là tháng mấy. Tháng ba? Phải, tháng ba. Tháng ba ở miền Nam trời không bao giờ mưa. Tháng ba lạy trời mưa xuống, trời cũng không mưa. Trong tâm trí anh, tháng ba, trời hoặc xanh cao vời vợi, hoặc có những cụm mây trắng rải rác. Anh ngước nhìn trời. Bầu trời có những cụm mây trắng rải rác. Anh thấy một cụm mây có hình cái chai, một cụm khác có hình đầu một con chó, một cụm khác nữa giống chiếc vớ...Anh mải mê ngắm những cụm mây cho đến khi nhận biết có một bàn tay nắm lấy bàn tay anh. Anh giật mình, rút tay, quay nhìn. Một cô gái trẻ đang đứng cạnh anh, nhìn lên trời theo hướng nhìn của anh. Anh bước nhanh đi nơi khác, không quay đầu nhìn lại. Bổng anh nghe tiếng chân bước theo. Anh đi nhanh hơn; rồi vụt chạy. Trước mặt anh là một ngôi nhà vuông vức, nằm lẻ loi ở góc tường. Không thấy có cửa, chỉ thấy có một lỗ trống cao khỏi tầm nhìn. Chạy ngang qua đó, anh nghe tiếng la hét vọng tới. Anh chạy nhanh hơn. Đang chạy, anh bỗng nhác thấy có người chạy bên cạnh mình. Một giọng nói cất lên bên tai anh: "Đua không?" Mệt và sợ hãi, không nhìn người vừa nói, anh đứng lại. Bóng một người vút qua. Anh ngước mặt, thở dốc, rồi nhìn về hướng chạy của kẻ lạ. Không có ai. Chỉ có con đường vắng sâu hun hút giữa hai hàng điệp rụng đầy hoa vàng. Phải chăng tất cả những người ấy đều là bệnh nhân tâm thần, anh tự hỏi. Rồi anh nhớ lại câu chuyện về nhân vật Maria của nhà văn Gabriel Garcia Marquez. Maria bị hỏng xe trên đường về Barcelona, xin đi quá giang, đến một dưỡng trí viện, tìm điện thoại gọi về cho chồng, bị ngộ nhận là bệnh nhân tâm thần, suốt đời bị giam ở đó, giữa những người bệnh tâm thần thực sự. Anh cũng nhớ một lần ngồi quán cốc vỉa hè uống cà phê tán gẫu với bạn bè văn nghệ, một người cho biết nhiều người chống lại chế độ độc tài ở một nước nọ đã bị nhà cầm quyền đưa vào trại tâm thần. Anh không phải là Maria, và người đưa anh vào đây không phải là nhà cầm quyền. Nhưng ý tưởng của anh không dừng lại; nó dẫn anh đi xa hơn, đến tận bờ vực thẳm: đành rằng thế, nhưng giữa anh và Maria cũng có một điểm chung: đều bị hiểu lầm, dù vô tình hay cố ý, và vợ anh, xét trên phương diện nào đấy, cũng là một kẻ cầm quyền... Một người đàn bà lững thững bước về phía anh. Bỗng bà ta trừng mắt nhìn anh, rồi ù té chạy băng qua cỏ, vấp phải một thứ gì dưới chân, ngã xuống, ngồi dậy, vừa bò vừa nhìn anh với vẻ mặt kinh hoàng. Hai người mặc đồng phục xanh, một nam, một nữ chạy nhanh đến chỗ bà ta. Anh vừa bước vừa quay đầu nhìn về phía người đàn bà đang được dẫn đi. Ở đây, những người mặc đồng phục xanh lúc nào cũng có mặt đúng lúc. Khi quay lại, đầu anh va phải một nhánh cụt của cây mận. Cảm thấy đau rát, anh đưa tay sờ trán, nhìn những ngón tay vấy máu. Đồng thời, anh nhận ra mình đang ở chỗ ngôi nhà kín, sát mặt tường có lỗ trống. Tò mò, anh nhón gót nhìn vào lỗ trống ấy. Trong khoảng không gian ấy, không có một thứ gì ngoài một người đàn ông trần truồng tiền sử, đang nằm co quắp dưới sàn xi măng. Anh nhắm mắt trong chốc lát. Anh nhăn mặt, bước nhanh khỏi cái địa ngục ấy. Thèm thuốc lá, anh đi ra cổng. Nhìn thấy bên kia đường có tủ thuốc, anh đến đó, mua nửa gói, đốt một điếu. Ở cổng, người bảo vệ bắt anh dập tắt thuốc. Anh bước trở ra, quăng điếu thuốc vào đống cát bên vệ đường. Trở lại cổng, anh xoè hai bàn tay trước người bảo vệ. Ông ta gật đầu; anh đi vào. Anh tìm một chỗ có thể ngồi một mình. Thấy dưới gốc điệp vàng có một băng ghế trống, anh bước đến, ngồi xuống. Nhìn quanh không thấy ai, anh lấy gói thuốc ra, rút một điếu, vừa hút vừa cố nhớ từ đầu câu chuyện. Anh đã quên vết trầy sướt trên trán mình. Anh nhớ lại cách đây hơn ba tháng, anh đã rơi vào một tình huống kỳ lạ: anh nhìn thấy rõ diện mạo, nghe rõ âm thanh phát ra từ miệng cô nhân viên trong phòng kế toán, nhưng lại hoàn toàn không hiểu cô ta nói gì. Tuy sợ, anh vẫn tỉnh táo, biết mình phải làm gì. Anh nói với cô nhân viên rằng anh cần phải đi gặp khách hàng bây giờ, rồi vội vã rời phòng, lấy xe, ra khỏi Công ty. Dọc đường, anh dừng xe một chỗ vắng, lẩm bẩm: "Tên tôi là Nguyễn Phong Hồ, tôi đang trên đường đến bệnh viện để khám bệnh... Đúng thế, mình đang đi đến bệnh viện." Anh hài lòng vì nghe thấy và hiểu được mình nói gì. Chợt anh bắt gặp một người đi đường đang nhìn đăm đăm vào mình. Anh cau mày nhìn lại. Người đó sợ hãi đạp xe chạy nhanh. Đến bệnh viện, anh sực nhớ vấn đề của anh không phải là nghe và hiểu chính mình, mà hiểu người khác; anh lo lắng, chờ nghe vị bác sĩ . "Thưa bác sĩ, có vấn đề gì đấy trong tôi, tôi chỉ nghe người khác nói mà không hiểu gì cả." "Anh bị như thế bao giờ?" Một tiếng thầm thì trong tâm thức anh cất lên, chính là tiếng nói của anh: "Ông ấy hỏi mình bị như thế từ bao giờ." Anh đáp: "Dạ, vừa lúc nãy, hơn 30 phút trước." Vị bác sĩ đặt tay lên trán anh, đặt ống nghe vào ngực anh, đo huyết áp anh rồi ghi vào tờ giấy chẩn đoán: "Sốt nhẹ, mất ý thức trong chốc lát, chuyển đo điện não." Anh trách mình kết quả điện não bình thường, mà lại bằng lòng nghe lời vợ đi khám tâm thần. Anh nghĩ không có mối liên quan nào giữa tình trạng "mất ý thức trong chốc lát" với bệnh tâm thần hoang tưởng mà bác sĩ đã gán cho anh. Một ý nghĩ mới xuất hiện trong đầu óc anh, tựa tia chớp loé lên trong bầu trời u tối: anh sẽ xin gặp ông giám đốc bệnh viện, anh sẽ trình bày rõ tình trạng khoẻ mạnh của mình, và ông sẽ cho anh về nhà. Cần phải báo vợ anh biết ý định ấy. Cô ấy có quen với ông giám đốc. Nghĩ vậy, anh dí tàn thuốc dưới giày, định vùi nó vào cỏ; tuy nhiên, thấy cỏ xanh mướt, anh nhặt tàn thuốc bỏ vào túi quần, bước về phía các dãy nhà, tìm nơi gọi điện thoại cho vợ. Loanh quanh trong các hành lang mờ tối của toà nhà rộng lớn một lúc, anh sực nhớ câu chuyện của Maria. Bên tai anh văng vẳng tiếng nói của Maria: "Ôi lạy Chúa, tôi thề có hương hồn mẹ tôi rằng tôi chỉ đến đây để gọi điện thoại thôi mà." Anh đứng lại, sững sờ lẩm bẩm: "Trời ơi, mình định làm gì thế này? Mình định tìm điện thoại để gọi ư, giống như Maria vậy sao? Không... không... Đừng gọi điện thoại." Anh đứng bất động khá lâu, nghĩ rằng định mệnh đang giăng lưới, cho đến khi chú ý thấy ánh sáng cuối một hành lang. Anh quẹo vào hành lang ấy. Đi hết hành lang, đúng như anh nghĩ, anh đến được khoảng sân rộng của bệnh viện. Giữa trời cao đất rộng, anh hít thở không khí, nhìn cảnh vật, nhìn người đi qua đi lại sinh động trong ánh sáng. Bỗng anh thấy trong số người ra vào nhộn nhịp ở cổng, vợ anh đang bước vào. Anh mừng rỡ kêu lên: "Em ơi! Em ơi!" và chạy ào về phía cô. Nhưng, phát hiện có vài người đang nhìn mình, anh thấy ngượng, đứng lại; rồi rảo bước. Trong phòng giám đốc, anh ngồi nép bên vợ, phía ngoài bàn, tựa đứa con bé bỏng cần sự che chở của mẹ. Ngồi bên trong bàn, ông giám đốc bệnh viện nói chuyện với vợ anh. Anh hết nhìn ông giám đốc đến nhìn vợ trong khi họ nói chuyện với nhau. Ông giám đốc gỡ kính, lau bằng khăn tay, mang vào, cúi nhìn hồ sơ trên bàn, ngẩng lên nhìn vợ anh: "Anh ấy có bệnh." Vợ anh lo lắng: "Thật sao bác sĩ?" "Hồ sơ ghi rõ như vậy." Anh rướn cổ nhìn vào xấp hồ sơ ông giám đốc mở ra trên bàn. Ông giám đốc đột ngột quay sang anh: "Anh có bệnh, phải không anh?" Anh đáp nhanh: "Thưa vâng ạ." Ngay sau khi thốt ra câu trả lời, anh không hiểu tại sao mình lại xác nhận. Có lẽ do cuộc tiếp xúc với bác sĩ và người mặc sơ mi trắng. Cuộc nói chuyện ấy cho thấy thật vô ích nếu cãi lại các bác sĩ. Dù sao, anh định nói thêm "nếu theo hồ sơ thì đúng là vậy." Nhưng anh chưa kịp nói hết câu. Ông giám đốc xoa hai bàn tay to lớn vào nhau, quay sang vợ anh: "Tốt rồi, anh ấy đã biết là mình bị bệnh." Vợ anh cau mày nhìn ông giám đốc. Anh nghe thấy tiếng tim đập trong lồng ngực mình. Ông giám đốc nhìn vợ anh nói tiếp: "Có nghĩa là anh ấy không bị bệnh! Cổ nhân có nói người nào biết mình dốt có nghĩa người đó không dốt, đúng không?" Anh mừng rỡ, gần như nhảy lên: "Thưa đúng, rất đúng ạ." Ông giám đốc im lặng nhìn anh và nhìn vợ anh, rồi nói tiếp: "Thật ra, tất cả những người sống trong xã hội hiện đại ở thành phố lớn, ai cũng, không ít thì nhiều đều bị tâm thần... Chỗ quen biết tôi muốn hỏi chị có muốn để anh ấy ở lại hay muốn cho anh ấy về?" Vợ anh nhìn vết thương trên trán anh với ánh mắt thương cảm. Lúc gặp nhau, cô đã hốt hoảng hỏi anh có đau không. "Dạ xin bác sĩ cho anh ấy về để tôi có thể điều trị cho anh ấy ạ." "Chị đã quyết định đúng, nên điều trị tại nhà." Anh đứng lên, cúi đầu thật thấp trước ông giám đốc: "Cám ơn bác sĩ, bác sĩ thật tử tế, cám ơn rất nhiều."

 

+

 

Rời phòng giám đốc,

anh và vợ anh đi thẳng ra cổng.

Bất chợt, anh ngước nhìn lên trời.

Bầu trời

xanh

có nhiều cụm mây rải rác. Chúng trắng,

không có hình thù gì đặc biệt.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021