thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [30]
(tiếp theo)

 

Bí mật của một cô chủ:

“Em nghĩ là anh sẽ không bất ngờ khi em mail cho anh, mặc dù em vốn là người chẳng văn chương chữ nghĩa gì ráo. Tự giới thiệu nhé: Chủ quán cà phê bình dân, bốn ngàn một ly cà phê sữa. Ngoài cà phê, ai muốn nhậu cũng sẽ có mồi. Quán em mới mở được hơn một tháng, nhưng không có ý định nhờ anh quảng cáo tiếp thị đâu, chỉ có một đề nghị thẳng thắn: Anh có muốn làm ông chủ của em không?

Điều kiện? Em nói luôn nhé, anh cho em ba triệu đồng để trả nợ góp bọn xã hội đen. Sau đó thì em thuộc về anh. Lo cơm nước đầy đủ tươm tất cho anh. Làm bò cho anh cỡi.

Tại sao em lại đề nghị với anh mà không phải một người nào khác? Vì em thích anh. Em muốn có một chỗ dựa sau lưng. Và bởi em cũng không muốn buông thả em nữa. Hiện nay, mỗi ngày em phải trả góp năm mươi ngàn, thật quá sức em. Em muốn sống đàng hoàng. Em muốn xây dựng lại cuộc đời em, chấm dứt những ngày vạ vật. Trả hết nợ, mỗi ngày em sẽ bỏ heo được ba mươi ngàn, cuối tháng có tiền trả tiền nhà, điện nước. Em sẽ không phải lo lắng gì nữa.

Mong anh trả lời em sớm.”

Anh thích lắm, nhưng không biết em có chờ được đến lúc nhà nước để yên cho anh kiếm việc làm không?

Tôi giết thì giờ bằng cách đếm người đi qua đi lại và tưởng tượng ra số phận của họ. Tôi cũng giết thì giờ bằng cách suy nghĩ tại sao người Việt mình chửi nhau thì “địt mẹ mày”, hoặc “đụ má mày”, hay “tiên sư cha mày”; trong khi người Mỹ chỉ là “fuck you”. Người Việt chửi nhau là chửi cái đồ đã sinh ra đứa khốn nạn, chửi bậc bề trên của đối thủ đã không biết dạy dỗ con cháu để nó sinh sự với người ta. Còn người Mỹ rõ ràng chỉ chửi bản thân cái đứa đáng chửi. Văn hóa chửi cũng có tính dân tộc. Cái chửi của người Việt mang tính thâm thù và biểu lộ mặc cảm. Trong khi “fuck you”, mang cái vẻ khinh bỉ.

Để sướng cũng fuck. Để trả thù cũng fuck. Không biết làm gì cũng fuck. Không chửi ai cũng “đụ má”, “địt mẹ” đệm trong câu nói cho nó sướng cái lỗ miệng.

Bản thân từ “fuck” trong tiếng Việt có rất nhiều từ lóng mang những nội hàm khác nhau như : Bụp, quất, tẩn, chơi, đi… vừa có tính hành hạ vừa có tính giải trí. Trong bản chất, fuck là một hành động của nhu cầu bản năng, cũng là một hành động hủy diệt, nó khát vọng được giao hòa trong tình yêu, sự thỏa mãn thú vật và siêu nhiên.

Nhưng tại sao khi chửi người ta lại đòi fuck đối thủ hay mẹ đối thủ mà hoàn toàn không phân biệt giới tính và tuổi tác có thích hợp hay không?

Fuck là một sự thật không mang tính đạo đức.

Bí mật dưới âm phủ:

Nhà thơ Nguyễn Du đang ngồi đánh cờ với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, bên cạnh có nhà thơ Cao Bá Quát và nhà thơ Nguyễn Công Trứ ngồi mách nước. Thúy Kiều và Nguyệt Nga hầu quạt. Ở một góc riêng lẻ, nhà thơ Hồ Chí Minh và nhà thơ Tố Hữu tiếp tục ngồi nghe triết gia Karl Marx giảng giải Tư bản luận cho Lénin, Staline và Mao Trạch Đông.

Nguyễn Du hỏi Nguyễn Đình Chiểu:

Ông biết vụ cô bé học sinh lớp 11 chê bài văn tế của ông chưa?

Biết rồi.

Vui hay buồn?

Vui. Tôi suốt đời tranh đấu và đã chết cho tự do. Chuyện tôi làm văn chương chẳng qua cũng chỉ là bất đắc dĩ mong tải đạo thánh hiền, đâu phải như cụ. Những sự hi sinh như thế chỉ có ý nghĩa khi người đi sau biết thụ hưởng nó. Rất tiếc mãi tới bây giờ mới có đứa biết sử dụng tự do để phát biểu ý nghĩ và chính kiến của mình.

Cao Bá Quát xen vào:

May mà con bé ấy chỉ chê văn chương Nguyễn Đình Chiểu, chứ nó mà chê thơ của Tố Hữu hay Hồ Chí Minh thì đời nó khốn khó rồi.

Nhà thơ Hồ Chí Minh tuy nghe thấy nhưng giả vờ không biết. Còn nhà thơ Tố Hữu thì quay phắt ngay lại, nhìn trừng trừng nhà thơ Cao Bá Quát.

Tau bỏ tù bọn nổi loạn.

Ngang tàng như Cao Bá Quát cũng xanh mặt.

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đứng lên ưỡn ngực, ông cao gần một thước tám lừng lững như hộ pháp. Staline và Mao Trạch Đông cùng hắng giọng.

Bọn tao đã thọc tiết hàng triệu đứa như chúng mày. Thêm mấy đứa nữa cũng không sao đâu.

Nguyễn Công Trứ hít thở vài cái rồi ngồi xuống nhìn bàn cờ. Thúy Kiều giả lả: Các anh có uống rượu không để em lấy?

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nuốt cục nghẹn xuống họng bảo cứ mang ra.

Nguyễn Du hỏi tôi:

Báo chí phản ứng thế nào?

Dạ, đa số đều khen cô bé dũng cảm. Nhưng cũng chê trách các thày cô giáo không biết làm cho học sinh biết “rung cảm” trước các tác phẩm văn học giá trị như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Ông Đồ Chiểu bảo các thày cô giáo cũng đâu có quyền nói theo ý nghĩ và chính kiến của mình. Cũng không có quyền dạy theo cách của mình. Không nên trách họ.

Nguyễn Du lại hỏi tôi:

Còn ý kiến của các nhà thơ nhà văn đương thời khác thì sao?

Nhà thơ Thanh Thảo viết trên báo Thanh Niên: “Chớ động vào những ngôi đền thiêng do chính nhân dân dựng lên! Cụ Đồ Chiểu “thảo dân” và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là ngôi đền thật, ngôi đền thiêng của văn học chúng ta. Hãy cẩn trọng khi chạm đến nó.”

Khiếp. Làm gì mà răn đe nhau thế. Cao Bá Quát cười khẩy.

Ở 81 Trần Quốc Thảo, Sài Gòn, các danh sĩ quốc doanh ngồi nhậu chung với các danh sĩ hợp tác xã và các danh sĩ vỉa hè cũng luận bàn sôi nổi. Có ông nói: “Chuyện nhảm. Ở cái đất Sài Gòn này trước 1975, loại bài viết như cái con bé ấy thì cũng bình thường thôi. Và nó cũng rất bình thường ở bất cứ đâu trên thế giới ngoại trừ ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Một ông khác, coi bộ cũng hơi xỉn, nói to: “Địt mẹ thằng nào dám chê thơ tao dở, tao đánh cho bỏ mẹ. Thơ tao là đền thiêng. Tao đánh không được thì tao mách bố tao đánh”.

 

17.5.2005

 

(còn tiếp)

 

----------------

Xem kỳ trước:

Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [3]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [4]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [5]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [6]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [7]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [8]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [9]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [10]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [11]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [12]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [13]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [14]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [15]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [16]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [17]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [18]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [19]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [20]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [21]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [22]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [23]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [24]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [25]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [26]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [27]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [28]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [29]

 

Lời toà soạn:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai" là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”. Qua từng email tác giả nhận được từ các “em”, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.
 
"Em có gì bí mật, hãy mail cho anh" là hệ quả tự nhiên của "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai", sau khi tác giả nhận được một số email từ độc giả đáp lại lời mời gọi của ông. "Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]" và những kỳ tiếp theo sẽ có thể làm “truyện mở” này trở nên “rất dài và rất dai“ như tác giả dự đoán.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021