thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hermann Nóng Tính - Câu chuyện về Cuộc Than Khóc Vĩ Ðại
Bản dịch của Lã Việt

SAKI (1870-1916)

 

Ðó là vào thập niên thứ hai của Thế Kỉ Hai Mươi, sau khi cơn Ðại Dịch tàn phá nước Anh, thì Herman Nóng Tính, còn được gọi là Hermann Thông Thái, ngự trên ngai của vương triều Anh Quốc. Cơn đại dịch đã xoá sạch toàn bộ hoàng tộc, đến cả thế hệ thứ ba và thứ tư, và vì thế mới đến lượt Hermann thứ mười bốn của xứ Saxe-Drachsen-Wachtelstein, người đứng thứ ba mươi trong danh sách kế vị, một hôm bỗng thấy mình trở thành kẻ trị vì những thuộc địa Anh quốc bên này lẫn bên kia bờ những đại dương. Ngài là một trong những việc xảy ra không lường trước trong chính trường, và ngài xuất hiện với một sự hoàn hảo tuyệt đối. Trong nhiều phương diện, ngài là một vị vua cấp tiến nhất đã trị vì một vương triều quan trọng; trước khi thiên hạ biết mình ở đâu, họ đã bị đặt vào một nơi khác. Ngay cả những Bộ trưởng, theo truyền thống là những kẻ cấp tiến cũng đã cảm thấy khó theo kịp những đề xướng về lập pháp của ngài.

"Vấn đề là như thế này," Thủ Tướng thú nhận, "chúng ta đang bị quấy rầy bởi những kẻ ủng hộ quyền bầu cử cho phụ nữ; họ phá rối các hội nghị của chúng ta trong toàn quốc, và họ muốn biến Phủ Thủ Tướng[1] thành một sân chơi chính trị."

"Cần phải dập tắt họ," Hermann bảo.

"Dập tắt," Thủ Tướng trả lời; "thật đúng như vậy; nhưng bằng cách nào?"

"Ta sẽ thảo cho khanh một Dự luật," Nhà Vua bảo, ngồi vào trước chiếc máy đánh chữ, "ra lệnh rằng phụ nữ phải đi bầu trong tất cả các cuộc bầu cử trong tương lai. Phải bầu, khanh hãy lưu ý; hoặc, nói thẳng ra, bắt buộc phải đi bầu. Việc đi bầu vẫn giữ là tuỳ ý như cũ đối với nam cử tri; nhưng đối với phụ nữ tuổi từ hai mươi mốt đến bảy mươi sẽ bị bắt buộc đi bầu, không những chỉ ở những cuộc bầu Quốc hội, hội đồng quận, hạt, hội đồng xã và thành phố, mà cả những cuộc bầu nhân viên pháp y, thanh tra trường học, quản lý nhà thờ, quản trị bảo tàng, cán bộ kiểm tra vệ sinh, thông dịch viên toà án, hướng dẫn viên hồ bơi, thầu khoán, nhạc trưởng, quản lý chợ, giáo viên hội họa, quản thủ giáo đường, và những chức vụ địa phương mà ta sẽ bổ sung khi nào ta nhớ ra. Những chức vụ này sẽ được bầu nên, những nữ cử tri nào không tham gia vào bất cứ cuộc bầu cử nào trong phạm vi cư ngụ của mình sẽ bị phạt 10 bảng Anh. Vắng mặt mà không có đầy đủ chứng nhận y tế, sẽ không được chấp nhận. Hãy cho lưỡng viện Quốc hội thông qua dự luật này rồi đệ trình cho ta ký vào ngày mốt."

Ngay từ lúc đầu điều luật Cưỡng Bách Nữ Giới Bầu Cử không đem lại chút hứng khởi gì ngay cả với những nhóm đã từng lên tiếng mạnh mẽ nhất trong việc đòi hỏi quyền đi bầu. Nữ giới trong cả nước đa số thì thờ ơ hoặc ác cảm với việc cổ xuý quyền bầu cử, và những thành viên cuồng tín nhất của nhóm Suffrage[2] cũng bắt đầu tự hỏi họ đã tìm thấy điều gì hấp dẫn trong cái viễn cảnh được bỏ những lá phiếu vào một cái hộp. Trong những quận hạt của cả nước việc thực thi những điều khoản của bộ Luật mới thật vô cùng phiền phức; trong những thị xã và thành phố nó trở thành cơn ác mộng. Hình như không bao giờ dứt những cuộc bầu bán. Những chị thợ giặt và thợ may phải vội bỏ dở công việc để đi bầu, thường là cho một ứng cử viên mà họ chưa từng nghe tới, và được họ bầu một cách may rủi; Những cô thư kí và phục vụ phải dậy sớm hơn để hoàn tất việc bầu bán trước khi đến sở làm. Những mệnh phụ thấy những cuộc họp mặt của mình bị trở ngại và đảo lộn bởi việc yêu cầu liên tục phải có mặt tại những địa điểm bầu cử, rồi những tiệc tùng cuối tuần và những ngày lễ mùa hè dần dần trở thành một món xa xỉ của giới đàn ông. Những nơi như Cairo và Riviera thì chỉ những người có giấy chứng nhận là thật sự tàn phế hoặc những kẻ giàu sụ mới có thể đi được, vì sự tích luỹ của những lần phạt 10 bảng Anh trong suốt một thời gian dài vắng mặt là một phí tổn khôn lường ngay cả với những kẻ giàu sang cũng khó mà dám liều.

Chẳng có gì lạ lùng khi việc cổ động bỏ quyền đi bầu của phụ nữ trở thành một phong trào mạnh mẽ. Liên Đoàn Phụ-Nữ-Không-Muốn-Bầu-Cử có số đoàn viên lên đến hàng triệu; lá cờ của Liên Đoàn, với màu vàng chanh và đỏ thiên thảo, được trưng khắp mọi nơi, và khúc chiến ca "Chúng Tôi Không Muốn Ði Bầu" trở thành một điệp khúc nổi tiếng. Khi chính phủ không tỏ vẻ gì nao núng trước cách thức biểu tình ôn hòa, những biện pháp bạo động hơn trở nên thịnh hành. Những cuộc hội họp bị phá rối, các Bộ trưởng bị vây đánh, cảnh sát bị cắn xé, và khẩu phần ăn bình thường của nhà tù bị phản đối, và trong đêm lễ kỉ niệm chiến thắng Trafalgar[3] phụ nữ tự trói họ lại với nhau thành từng lớp kín cả tháp Nelson đến nỗi truyền thống kết hoa cho tượng đài phải bị huỷ bỏ. Dù thế chính phủ vẫn kiên quyết giữ vững lập trường rằng phụ nữ phải đi bầu.

Thế rồi, như một biện pháp cuối cùng, một số phụ nữ mưu lược sáng chế ra một phương thức mới lạ mà chẳng ai nghĩ ra trước đó. Cuộc Than Khóc Vĩ Ðại được tổ chức. Các bà tiếp sức nhau, mỗi đợt cả chục nghìn người, khóc lóc không ngừng ở những nơi công cộng khắp Luân Ðôn. Họ khóc ở những nhà ga, trong các toa xe điện và xe buýt hai tầng, trong Viện Bảo Tàng Quốc gia, ở những kho quân nhu của Lục và Hải quân, tại công viên St James, ở những buổi hoà nhạc, ở quảng trường Prince và Burlington Arcade. Sự thành công liên tục của vở hài kịch trứ danh "Chú thỏ của Henry" bị đe dọa vì sự hiện diện của những bà than khóc thảm thương trong các hàng ghế, trước khán đài, trên hành lang, và một trong những vụ li dị tai tiếng nhất đang được kiện cáo suốt nhiều năm qua bị tước đi vẻ huy hoàng của nó vì thái độ khóc lóc sướt mướt của một nhóm người dự thính ở toà án.

"Chúng ta phải làm gì đây?" Thủ Tướng hỏi, đầu bếp của ông đã nhỏ nước mắt lên những món điểm tâm và người hầu của ông cũng khóc một cách thầm lặng và thảm thiết khi dẫn con cái ông đi dạo ở công viên.

"Mỗi việc đều có thời điểm của nó," Nhà Vua bảo; "đã đến lúc nên nhượng bộ. Hãy cho lưỡng viện thông qua một đạo luật bãi bỏ quyền đi bầu của phụ nữ, và đem dâng cho ta vào ngày mốt để Hoàng Gia phê chuẩn."

Khi Thủ Tướng lui ra, Hermann Nóng Tính, còn được gọi là Hermann Thông Thái, cười một cách thâm thuý.

"Có nhiều cách để giết một con mèo hơn là nhồi cho nó chết nghẹn với kem sữa," ngài nhắc lại câu tục ngữ, "nhưng ta không chắc," ngài nói thêm, "rằng đó không phải là phương cách hay nhất."

 

Nguyên tác Anh ngữ:
đăng trên Bibliomania.

 

_________________________

[1]Trong nguyên tác Anh ngữ, Saki dùng chữ "Downing Street". Người Anh hiểu chữ này là Phủ Thủ Tướng ở số 10 Downing Street.

[2]Suffragettes: thành viên của National Union of Women's Suffrage, một phong trào phụ nữ thành lập vào 1897 ở Anh, nổi tiếng nhờ dùng những biện pháp cực đoan bạo động để đòi hỏi quyền bình đẳng cho nữ giới, trong đó có quyền đi bầu.

[3]Trận thuỷ chiến giữa Hải quân Hoàng Gia Anh và Hải quân Pháp và Tây Ban Nha của Napoleon vào ngày 21 tháng 10 năm 1805.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021