thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tháng Tư mùa ngứa

 

Tháng Tư, lại được mùa mụt ngứa trên da ông Hường, những mụt đỏ rất tươi kết lại từng chùm trên da mặt, cổ, lúc lộ ra ở cánh tay đám mụt ngứa gồ lên rồi hùa nhau đùn đẩy chạy về phía hai mu bàn tay. Nếu ai chỉ vào đám mụt ngứa hỏi, ông nói chung chung: “Cái tôi bị không phải dạng da liễu. Nó chỉ nổi ở chỗ nào da tôi ló ra ánh sáng.” Thỉnh thoảng ông vạch áo quần cho người ta coi cái phần da trắng trơn trước ngực, sau lưng, trên đùi của ông. Có người nói: “Cái mọc trên mặt ông đỏ tươi như dâu Đà Lạt còn khi ra đến cánh tay là thứ mận thối.” Rõ ràng ông có nghe người ta nói sau lưng: “Ngồi gần thằng chả tanh thấy mẹ!” Nhưng mùi tanh của cơ thể ông không phải bốc từ mấy cái mụt ngứa. Ông nói với vợ ngay sau ngày cưới: “Mồ hôi cả dòng họ anh những lúc sau này tự dưng có cùng một mùi.” Lúc mới cưới, vợ ông thản nhiên cho rằng nước da ông xấu: “Nước da trí thức phát bệnh ngứa là phải.” Và sau 10 năm, vợ ông có cách nói thản nhiên khác: “Tôi làm đĩ vậy đó, rồi sao? Con này còn là người nữa đâu khi sống với cái xác chết.” Ông Hường hiện không có gia đình, ông chỉ sống với đám mụt ngứa đỏ và ông thấy sướng khi mấy thằng bạn nhậu nói: “Đụ mẹ, nó dám nói ngứa ngáy mà không gãi, sướng hơn đụ!” Ông cười cười khẳng định: “Thì các vị lãnh tụ ta mỗi lần nghiêm trước trước cột cờ đều sướng y vậy.”

Ông thành tín trước giá trị: Thõng tay vào chợ. Một hôm, ông Trưởng ban quản lý chợ Phú Định mời ông lên văn phòng cảnh cáo.

- Tôi lệnh cho ông chấm dứt ngay cái chuyện nhậu nhẹt rồi tuyên truyền bậy bạ. Lãnh tụ nào ngứa mà không gãi chớ?

Ông Hường nghĩ “thằng trưởng ban còn nhỏ, chừng chưa tới 40 nên nóng tính thái quá là phải.” Ông nói nhỏ nhẹ:

- Ậy, chú không hiểu ý tôi. Tôi chỉ nói, ngứa mà gãi thì đâu còn sướng ích gì.

- Thấy ông như chó sà mâu* nên tôi để yên, quậy nữa đừng có trách!

Nói thì nói vậy, nhưng ông Trưởng ban cũng là bạn nhậu của ông Hường. Ở cái chợ nơi ông Hường sinh nhai bằng nghề dọn rác này, chỉ có ông Trưởng ban quản lý chợ mới dám lệnh cho ông: “Mai lo cho tôi một con thỏ máng xối xào dừa. Rõ chưa!”

Năm 1981 là năm ông Hường ăn thịt con mèo đầu tiên. Ông bị công an Q11 tpHCM bắt đưa vào trường cải tạo tệ nạn xã hội vì tội: Nấu cồn lậu. Khoảng đời trước lúc bị bắt của ông không hề biết mùi vị thịt mèo. Trường cải tạo dạy cho ông phân biệt thịt mèo với các thứ thịt khác là thịt mèo thì không ướp gia vị. Ông phát biểu với anh đội trưởng bảo vệ trường Thanh Niên xây dựng cuộc sống mới: “ Dạ, tôi thấy giống thịt người.” Ông đội trưởng tên Tuấn nhăn mặt: “Đm biết là thịt thần linh thì nói thẳng thịt thần linh. Cảm nhận kiểu trí thức như con c !” Ông Hường ngớ người. Ông nhớ lúc cán bộ Tuấn nâng cây Ak nhắm con mèo mướp đang nép trên sà nhà kho, sau ba phát súng con mèo té xuống đất. Rõ ràng là con mèo không trúng đạn, còn vì sao nó không chạy trốn thì ông không biết. Cán bộ Tuấn mặt xanh lè, ấn vào tay ông cây chĩa, đẩy lưng ông, khò khè nói: “Thử đi!” Ông Hường cứ vậy bước tới đâm con mèo, mấy nhát ông không nhớ, chỉ nhớ vị mồ hôi trên trán chảy vào miệng mặn chát. Trong bữa cơm chiều hôm đó, cán bộ Tuấn có cho ông Hường một tô thịt mèo kho muối hột. Cán bộ Tuấn nói: “ Không phải tôi bắn dở, cách 5 thước sao hụt được. Con mèo này đúng là linh thiệt. Chỉ trí thức như ông mới giết nổi nó. “ Ông Hường chỉ còn biết thắc mắc: “ Thịt mèo trắng nhách nếu có gia vị chắc ngon hơn!” Cán bộ Tuấn nói “Ai dè đâu, nếu tin dị đoan thì sáng nay tôi đã biểu tụi nó đi chợ mua gia vị rồi. Mấy ngày liền tôi mơ thấy con mèo này rõ ràng nghen.” Ông Hường cũng nói: “Tối qua tôi cũng thấy con mèo này lội từ biển vô.” Ông Hường nói vậy không phải là có ý nịnh cán bộ Tuấn. Thật sự mỗi đêm lúc lên giường ông đều nhìn thấy câu chuyện người thân ở nước ngoài viết thư kể “… Vợ thằng Hường thay vì ẳm con nhảy khỏi tàu, quýnh quáng nó lại dzụt đứa con gái nhỏ xuống biển, súng của tàu biên phòng bắn rần trời. Biển đen thui làm sao kiếm được. Vậy mà lội vô tới bờ, có người đi chung tàu nói thấy con nó biến thành con mèo lội ngược về hướng bờ Rạch Giá. Vô lý hết nói! Chết thì nói chết mẹ cho rồi để đở tủi thân!”

Ông Hường tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh năm 1972. Trong thời kỳ thực tập ở Bảo Lộc để chờ nhận chức phó quận thì ông bỏ trốn. Má ông cho rằng ông trốn vì sợ Việt Cộng ám sát là trúng. Còn ông thì khoe với bạn bè và gái nhảy ở Sài Gòn là: “Kẻ biết đọc sách không thể làm cái trò trị dân bẩn thỉu.” Ông không có ý nói chỉ Việt Cộng mới trị được dân Việt Nam. Nhưng vì bạn bè quá khích dồn ép ông đành nói đại “ Ừ, moa thân Cộng !” Ba ông Hường là cựu chủ sự hành chánh tỉnh Vũng Tàu, dể dàng chạy cho thằng con thứ tư cái giấy miễn dịch vĩnh viễn. Ông Hường trốn về Vĩnh Long suốt ngày đi đánh bi da, đọc sách triết Đông lẫn Tây cho đến ngày Việt Cộng tiếp quản miền Nam. Nhưng trước đó ba ông đã gật gù trấn an má ông. “ Hiếm có ai đọc sách để biết cách ngoan ngoãn như thằng Tư. Sống với Việt Cộng được vậy là mừng đó bà ơi!” Ngày giải phóng ông đi học tập tại chỗ và dấu hiệu duy nhất cho biết ông là trí thức đó là việc chính quyền cách mạng cho ông sử dụng trong lí lịch cụm từ: thành phần trí thức.

Trước ngày vợ ông đi vượt biên hai vợ chồng lại hẹn nhau ở sau hè to nhỏ, ông có hỏi : “Bà không sống nổi với tôi hay sợ bị Việt Cộng bỏ đói?” Vợ ông nói trong nước mắt là: “Tôi sợ và ghét cả hai.” Vợ ông muốn ông giữ lại nuôi một đứa. Ông lắc đầu. “Tôi bầu bạn với mấy cuốn sách được rồi” Vợ ông quẹt nước mắt: “ Phải rồi mẹ con tôi qua bển được tự do làm đĩ để nuôi ông.” Nếu tính từ khi vợ và đứa con gái lớn của ông thành công dân nước Mỹ, ông Hường đã có gần 25 năm chỉ sống và làm hai việc, dọn vệ sinh chợ và làm món nhậu mèo xào nước cốt dừa, phục vụ cán bộ quản lý chợ. Dân nhậu thập phương tuy có truyền cho ông nhiều cách bẫy mèo nhưng ông ưng cách bịt giấy báo lên thùng phi nước, mèo cứ việc mê mồi nhảy vô kiếm ăn, rớt xuống uống nước cho đến chết. Ông nổi tiếng là người uống rượu không biết say. Dân nhậu quen, lạ ai cũng ham mê cái nước nhậu không say của ông. Khi cán bộ có ý bắt ông trao bí quyết, ông cười hì hì nói: “ Do tôi không có gan.” Đâu ai chịu tin. Một ông công an lúc nhậu ngà ngà móc súng kê vào đầu ông, nói nửa chơi nửa thiệt. “ Việc chính để kiếm sống của tao là nhậu, biết chưa! Mầy không chỉ tao bắn tại chỗ” Ông Hường không dám nói dóc, chỉ vào đám mụt ngứa trên tay mình kể. “ Hồi đó tôi uống chừng vài ly là xỉn nhưng từ dạo có mấy mụt này nổi lên tôi uống hoài được hoài.” Trưởng ban quản lý chợ nói: “ Đm thằng xạo, nó là ghẻ ngứa chớ có phải thuốc men gì.” Tổ trưởng tổ thuế chợ nói. “ Mấy cha để yên cho nó giải thích coi, nó là dân hành chánh chớ có phải học hoá đâu mà biết. Nói nghe không lọt lỗ tai thì đuổi việc cho rồi.” Ông Hường nói. “Ngày nào tôi cũng gỡ mày đám mụt ngứa này, trộn với dấm nuôi, mỗi lần uống chừng vài muỗng canh. Chỉ có vậy thôi, mấy ông không tin cũng được” Ông công an chồm lên bàn, lúc định gõ bán súng vào đầu ông Hường thì ụa ói, thức ói bắn ra tùm lum và cái mùi chua tanh làm người nhậu tự nhiên thấy tỉnh. Mấy tay cán bộ cùng nhậu tự động bỏ đi. Ông Hường ngồi uống một mình.

Việc ông lột mày ghẻ ngứa làm thuốc là có thật, cái phương ngoại này do một ông tên Nghĩa, có nghề làm men rượu nhà ở khu nhà thờ Hầm quận 11 chỉ để giúp ông trị ghẻ ngứa. Việc ông khám phá ra công dụng chống say rượu của phương thuốc này là việc không thể nghĩ bàn. Ông Nghĩa chỉ nói: “ Tôi thấy phục anh. Nhưng anh ghẻ chóc như vầy thấy gớm quá. Cứ về làm rồi xức thử, hiệu nghiệm lắm!”

Theo lời ông Nghĩa, ông Hường tìm một cục gạch xây nhà, nhưng thứ gạch nung dùng làm thuốc phải là thứ gạch để ở dưới sàn rửa chén, giặt đồ. Chỉ thứ gạch để ở đó mới có thứ rêu nhớt bám sâu và dầy. Ông Nghĩa nói rằng, chính sự hiện hữu của thứ rêu nhớt đó mới trúng là kết tinh của đời sống một người, một gia đình, một chế độ. Ông Hường lượm cục gạch về, lấy muỗng từ từ cạo lấy rêu nhớt. Ông Nghĩa dặn phải nhẹ tay sao cho mỗi lớp cạo dính theo cả lớp bùn có màu như cứt chó của cục gạch, khi cạo tới lớp bên trong thấy màu đỏ thì ngừng. Sau đó bỏ cục gạch lại chỗ cũ và nhớ là chừng nào xài hết cục gạch đó mới kiếm cục gạch khác. Ông Hường cho rêu nhớt vào một cái chén, đổ dấm nuôi vào bắt lên lửa nung, dấm là một thứ mau sôi, nhìn thứ bọt sôi ùng ục ông Hường thấy sợ. Ông nghĩ có thể ma quỉ đang đánh nhau trong đó. Bọt dấm từ màu cứt chó chuyển lợn cợn qua màu đỏ, rồi từ từ bọt dấm trong như nước miếng của người đang đói bụng. Cái chén thuốc đã nấu xong. Ông Hường tự nhiên thấy tin tuyệt đối rằng cái chất thuốc được làm nên từ thân xác của đám ma quỉ, một khi đã luyện thành thì không có gì không trị được. Ông Nghĩa dặn ông chỉ thoa đám mụt ngứa ngoài da thôi. Nhưng ý thức ông Hường mách bảo ông: “Ngứa là thứ bệnh từ máu. Chỉ ma quỉ mới gãi đã ngứa được máu huyết con người. Ta cứ uống!”

 

Tháng 5 / 2005

---------------------------------------------

*Chó sà mâu: tiếng Nam bộ chỉ chó ghẻ

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021