thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những con ong, phần 1 [II]
Bản dịch của Hải Ngọc
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc

 

(tiếp theo)

 

CUỐN SÁCH CHÂN THỰC

Bố tôi tin vào bất cứ cái gì truyền đạt hiện thực. Ông nghi ngờ những bản tin thời sự trên ti vi vốn không ngớt liệt kê những thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, nhưng ông lại nghiện mục dự báo thời tiết. Ông đọc báo, nhưng chỉ tin duy nhất mục “Phó văn” [cáo phó kèm tiểu sử người chết] mà thôi. Ông yêu thích những chương trình về thiên nhiên, bởi vì sự tồn tại và ý nghĩa của thiên nhiên tự nó đã rất rõ ràng—chẳng có cách nào để phủ nhận việc một con trăn nuốt chửng một con chuột, hay một con báo cheetah nhảy lên lưng một con linh dương đầu bò đã kiệt sức và sợ hãi. Nhưng không có gì lại xúc phạm ông bằng văn chương. Toàn bộ ý niệm văn chương chỉ là một trò lường gạt. Không phải chỉ vì toàn bộ văn chương được làm bằng ngôn từ—mà tính hiện thực của ngôn từ lại mơ hồ, bấp bênh ngay cả khi nó diễn đạt tốt nhất—nhưng còn vì những ngôn từ đó lại được dùng để biểu đạt những thứ thật sự chưa bao giờ xảy ra cả. Mối ác cảm của bố tôi đối với văn chương lại càng trở nên trầm trọng hơn khi tôi tỏ ra có hứng thú đặc biệt với nó (bố tôi đổ lỗi cho mẹ tôi về điều này), đã thế tôi lại còn cố gắng thuyết phục bố thích nó nữa. Vào ngày sinh nhật lần thứ 45 của bố, tôi đã khờ dại đem tặng bố một cuốn sách có tên “ Những kẻ nói dối”—chưa bao giờ ông buồn đọc quá cái nhan đề. Một lần khác, tôi đọc cho bố tôi nghe một đoạn văn từ một truyện của García Marquez kể về một thiên thần từ trên trời rơi xuống và bị nhốt trong một cái chuồng gà, và bố tôi đã tỏ ra hết sức lo lẳng về tình trạng tinh thần của tôi. Thế rồi đến lúc bố tôi bắt đầu thỉnh thoảng nói đến dự định viết một cuốn sách chân thực.

Viết một cuốn sách như vậy không phải là một việc đòi hỏi những cố gắng đặc biệt, bố tôi cho là vậy—miễn là người ta đừng để sự phóng túng của trí tưởng tượng lôi kéo, cốt yếu là phải bám chặt lấy những sự kiện đã thật sự xảy ra. Ông chỉ cần một vài tuần rỗi rãi. Nhưng ông không bao giờ kiếm được thời giờ: ông đã có công việc của ông, và những con ong, và những thứ cần phải xây dựng, và những giấc ngủ ngắn cần thiết để lấy lại sức. Một buổi chiều tôi thấy bố nằm ngáy trên đi văng với cuốn sổ trên ngực và cây bút chì trên sàn nhà bên cạnh chỗ ông nằm, chỉ có mấy chữ được viết ra: Cách đây đã nhiều năm.

 

CHỐN ẨN DẬT CỦA NHÀ VĂN

Bố tôi thật sự bắt tay vào viết lách khi sang sống tại Canada vào mùa đông năm 1994. Bố mẹ tôi và em gái đã định cư tại đó sau vài năm lang thang tị nạn, cùng khoảng thời gian đó, tôi đang làm đủ thứ nghề mạt hạng tại Chicago và cố xin được thẻ cư trú dài hạn. Bố mẹ tôi rời Sarajevo vào ngày mồng 1 tháng 5 năm 1992, cái ngày trước khi cuộc biến loạn bùng nổ. Trước đó đã xảy ra một vài vụ xung đột vũ trang, và tình hình nhiễu loạn rõ ràng đang có cơ xảy đến, nhưng lý do chính khiến bố mẹ tôi ra đi là vì sự tận tuỵ của bố tôi đối với nghề nuôi ong. Nếu ông không phải làm những công việc vào mùa xuân cho nhà nuôi ong của mình—dọn dẹp những tổ ong, đem ghép những bầy ong yếu với những bầy ong khoẻ mạnh, vân vân—thì có lẽ bố mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ rời khỏi Sarajevo. Dù gì đi nữa, bố mẹ tôi đã sống một năm tại ngôi nhà của ông bà nội quá cố của chúng tôi ở nông thôn. trên quả đồi có tên Vucjak, lấy rau quả trồng được trong vườn làm nguồn thực phẩm để sinh sống và hằng ngày nhìn những đoàn xe tải chở đầy lính Serbi chạy ngang qua nhà trên đường ra mặt trận. Thỉnh thoảng bố tôi bán mật ong cho những toán lính, và đến cuối mua hè thì ông cũng bắt đầu bán cả rượu mật ong cho bọn họ, tuy nhiên đám lính lại thích say sưa với loại rượu mận slivovitz hơn. Bố mẹ tôi lén nghe đài phát thanh truyền đi từ thành phố Sarajevo đang bị bao vây, và họ sợ nghe thấy một tiếng gõ cửa lúc nửa đêm. Thế rồi mẹ tôi bị viêm túi mật tưởng chừng không qua khỏi, do đó bố mẹ tôi đến Novi Sad nơi em gái tôi đang cố hoàn thành khoá học để lấy tấm bằng cao đẳng. Họ xin visa di tản sang Canada rồi được chấp nhận, và vào tháng 12 năm 1993, họ đến Hamilton, Ontario.

Bố tôi thấy thất vọng ngay khi vừa đặt chân lên đất Canada. Từ cửa sổ căn hộ tuềnh toàng không có một thứ đồ đạc nào trên tầng thứ mười lăm, ông có thể nhìn thấy những đụn tuyết, những cuộn khói bốc lên từ những nhà luyện thép ở Hamilton và một bãi để xe trống trơn. Tất cả mọi vật đều màu đen, trắng, và xám như loại phim hiện sinh Đông Âu ảm đạm mà bố tôi thấy vừa giả tạo vừa nhạt nhẽo đến phát bệnh, không có một ngoại lệ nào. Ông không hiểu mình đang ở đâu, làm cách nào họ sẽ kiếm ra tiền để mua thức ăn và đồ đạc; ông không biết điều gì sẽ xảy ra nếu như có ai trong gia đình bỗng nhiên ngã bệnh. Và hoàn toàn rõ ràng là ông không bao giờ muốn học tiếng Anh.

Mẹ tôi, ngược lại, vẫn kiên trì với thái độ chấp nhận hoàn cảnh của mình—một phần để làm đối trọng với những nỗi sợ hãi của bố tôi và một phần cũng bởi bà nghĩ mình đã mất hết tất cả rồi đến nỗi chẳng còn điều gì thật sự quan trọng nữa. Bà buông xuôi trước sóng gió bi kịch của mọi chuyện. Bây giờ tôi vẫn còn hình dung được mẹ với vẻ nhẫn nại và vô cảm ngồi xoay khối ru bích trong lúc nhìn màn hình ti vi truyền đi tin tức về một vụ thảm sát ở Sarajevo, hoàn toàn không tỏ ra sốt ruột rằng bà không thể và sẽ chẳng bao giờ giải nổi cái trò chơi rắc rối ấy.

Mẹ tôi bài trí căn hộ bằng những đồ đạc cũ mà cô giáo dạy tiếng Anh của bà tặng lại, nhưng trông nó vẫn trống trải, thiếu vắng tất cả những thứ nhỏ nhặt in dấu ấn cuộc sống mà gia đình mà bố mẹ tôi từng trải qua: chiếc đồng hồ hình quả địa cầu với những cây kim mô phỏng chiếc vệ tinh Sputnik mà bố tôi đem từ Liên Xô về; bức ảnh của tôi hồi còn nhỏ đang ngồi trên cây anh đào, mỉm cười (mà chỉ sau đó một lát tôi đã ngã lộn và bị gãy tay); cái vòi tắm có vết ố do hơi nước đọng lại trông giống ông Lenin với bộ râu lởm chởm và tóc dài bờm xờm; bản in lại một bức vẽ tĩnh vật của Cezanne được lồng trong một cái khung xấu xí; những hũ mật ong mang nhãn hiệu “Mật ong thứ thiệt”, trên nhãn có vẽ mấy con ong nhỏ bay bay.

Bố tôi bỏ lớp học tiếng Anh của mình, điên tiết với cái thứ ngôn ngữ cứ thỉnh thoảng lại có những mạo từ vô nghĩa và bất cứ một câu ngu xuẩn nào cũng đòi hỏi phải có chủ ngữ. Ông gọi những cú điện thoại lạnh lùng đến các công ty ở Canada và, bằng một thứ tiếng Anh không ai hiểu nổi, ông mô tả cuộc đời mình—gồm cả chi tiết ông đã từng là một kỹ sư đem ánh sáng đến cho những thành phố lớnkhiến các nhân viên trực bàn hết sức bối rối nên để mặc cho ông cầm máy chờ đến vô thời hạn. Suýt nữa ông dính vào một vụ làm ăn liều lĩnh do một gã người Ukraina mờ ám xúi giục, hắn đã thuyết phục ông rằng có thể kiếm được một món tiền béo bở bằng việc buôn lậu loài ngỗng Ukraina xuống miền nông thôn cho ngành công nghiệp làm nệm của Canada.

Tôi gọi điện từ Chicago về cho gia đình tôi và bố tôi nghe máy.

“Bố đang làm gì thế?” Tôi hỏi.

“Tao đang chờ”, ông trả lời.

“Bố chờ cái gì cơ?”

“Chờ chết.”

“Cho con nói chuyện với mẹ”.

Và rồi đến một ngày, khi những nỗi khổ sở của ông đã đến độ quá sức chịu đựng khiến tâm hồn ông đau đớn thật sự, một nỗi đau có thể hiểu theo nghĩa đen, tựa như ngón chân bị bật móng hay tinh hoàn bị sưng tấy, thì ông bắt đầu cầm bút. Ông không cho mẹ hay em gái tôi xem những gì mình viết, nhưng họ đều biết là ông đang viết về những con ong. Đầu mùa xuân năm 1994, tôi nhận được một phong thư bìa cứng, trên có dòng chữ được viết với nét thảo đầy kịch tính: “Những con ong, phần 1”. Tôi run run lật mở tập bản thảo 21 trang mà có cảm giác như đang mở một cuộn sách linh thiêng mới được phát hiện lại sau một nghìn năm. (Cảm giác về sự linh thiêng đó trong tôi có phần giảm đi một chút khi tôi bắt gặp một vết mật ong bết lại trên trang 6).

 

[còn tiếp]

 

Nguyên tác: “The Bees, Part 1”, đăng trên The New Yorker, số ngày 14 & 21/10/2002.

 

----------

Đã đăng:

Những con ong, phần 1 [I]

----------

Xem tiếp:

Những con ong, phần 1 [III]

Những con ong, phần 1 [IV]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021