thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những con ong, phần 1 [III]
Bản dịch của Hải Ngọc
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc

 

(tiếp theo)

 

NHỮNG CON ONG, PHẦN 1

Có một mối quan hệ trung thành mật thiết giữa gia đình tôi và những con ong, câu chuyện của bố tôi đã bắt đầu như vậy. Giống như thành viên của gia đình, bao giờ những con ong cũng quay trở về.

Trước khi ông nội của bố, tức ông cố Teodor của tôi, lần đầu tiên mang nghề nuôi ong văn minh đến Bosnia năm 1912, theo như bố tôi kể lại thì dân bản xứ ở đây vẫn nuôi ong trong những chiếc tổ được trát bằng rơm và bùn, và dùng lưu huỳnh giết chúng—giết tất cả bọn chúng—để lấy mật ong. Ông ôn lại câu chuyện về cuộc hành trình của mấy cái tổ ong đã cùng với gia đình mình từ miền nội địa duyên hải Ukraina đến vùng đất hứa ở Bosnia. (Lúc bấy giờ chỉ có một điều duy nhất hứa hẹn với họ là ở vùng đất ấy có nhiều củi, giúp cho họ chống chọi qua mùa đông). Những tổ ong ấy phát triển nhanh chóng, bất chấp sự bùng nổ của Thế Chiến Thứ Nhất. Con trai của cụ Teodor, tức ông nội Ivan của tôi, mới có mười hai tuổi khi đặt chân đến Bosnia, về sau trở thành chủ tịch Hội Nuôi Ong của thị trấn Prnjavor. Trong bức ảnh ghi lại buổi liên hoan ngoài trời nhân dịp thành lập hội, ông nội Ivan đứng chính giữa một nhóm nông dân, với bộ râu mép dài rất điệu và đội một chiếc mũ ba góc không vành đúng mốt. Một vài thành viên khác kiêu hãnh phô ra bộ mặt sưng vù bởi ong đốt.

Thỉnh thoảng những con ong lại giở những trò ranh mãnh thú vị, bố tôi ghi chú mà không nói cụ thể đó thực sự là những trò ranh mãnh gì. Xuyên suốt bản thảo, ông loay hoay giữa những câu văn nặng nề báo điềm gở, tái hiện bối cảnh lịch sử—Chiến tranh giẫm chân lên nẻo đường quê hay Những vị thần huỷ diệt đã trỏ ngón tay giận dữ của mình vào những hũ mật ong của chúng tôi—và những đoạn miêu tả kỹ thuật chi li về lối cấu trúc mang tính cách mạng của những cái tổ nuôi ong mà ông nội đã thiết kế. Mạch văn của ông đang từ chỗ bàn luận về cái chết khủng khiếp mà một con ong phải chịu khi nó đốt (và cả ngụ ý triết lý chứa đựng trong đó nữa) lại chuyển sang mạch miêu tả đầy chất trữ tình về cây táo gai nở hoa và tiếng của con ong chúa có thể nghe rõ trong cái đêm trước khi bầy ong rời tổ. Ông dành gần một trang để kể lại lần đầu tiên ông nhận ra một con ong chúa. Một tổ ong chứa khoảng năm mươi ngàn con ong và chỉ có duy nhất một nàng ong chúa. Nàng to hơn hẳn những con ong khác đang nhảy múa xung quanh nàng, lượn vòng, di động một cách kỳ lạ, thậm chí dường như là theo một nghi thức sùng bái nào đó. Nhìn thấy con ong chúa lần đầu tiên trên một chiếc khung tổ trĩu mật, ông viết, có cảm giác giống như được chạm vào trung tâm vũ trụ; sự mênh mông và vẻ đẹp của phơi bày trước mắt ông, và cái logic nằm phía sau tất cả những điều đó.

Thời kỳ nghề nuôi ong của chúng tôi thành công nhất bắt đầu từ những năm hai mươi với sự ra đời của Hội Nuôi Ong và chấm dứt vào năm 1942, trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai, khi lần đầu tiên chúng tôi phải chịu mất những đàn ong của mình, ông viết. Sự mất mát đó là tai hoạ lớn đối với gia đình nhưng bố tôi cố gắng nhìn vấn đề ở tầm rộng hơn—lúc đó có nhiều tấn bi kịch trong vùng Sarajevo đang bị bao vây. Có những điều còn tồi tệ hơn xảy đến với người ta. Chẳng hạn, cả một gia đình bị tiêu diệt, không để lại một dấu vết nào. Chúng tôi không bị tiêu diệt, đó đã là một điều tốt rồi.

Ở trang tiếp theo, ông vẽ tấm bản đồ về ngôi làng nhỏ ở Vucjak, và thị trấn Prnjavor cách đó sáu cây. Ông vẽ những ngôi sao nhỏ xung quanh trang giấy để biểu thị những ngôi làng khác và dân chúng trong khu vực. Đó quả thật là một vùng đa quốc gia, lời ghi chú của ông đượm một nỗi bâng khuâng. Ngưòi Đức, người Hungary, người Séc, người Ba Lan, người Ukraina, người Slovakia, người Ý, người Serbi, người Hồi giáo, người Croatia, và tất cả những người có thành phần quốc tịch hỗn hợp. Cư dân trong vùng xuất thân từ mười bảy quốc gia- thậm chí có cả một người Nhật là thợ may ở Prnjavor. Vào năm 1942, bố tôi giải thích, xã hội trở nên hỗn loạn, luật pháp rối ren. Có những băng đảng giang hồ theo chủ nghĩa phát xít người Serbi và người Croatia đồng thời cũng có cả quân du kích của Tito[1] nữa. Một hôm có hai dân quân xuất hiện trước cửa nhà bố tôi. Họ vốn là hàng xóm của gia đình, trông họ vẫn như những nông dân bình thường, ngoại trừ việc họ mang theo bên mình những cây súng trường cà tàng và trên mũ họ có gắn phù hiệu quân Chetnik[2] (hình một con đại bàng xấu xí đang giang rộng cánh) ở phía trước và ngôi sao đỏ tượng trưng cho quân du kích ở phía sau—họ sẽ đảo mũ trong trường hợp thấy cần thiết. Sắp có đánh lớn, những người nông dân đó nói vậy. Họ bảo chúng tôi tốt hơn là hãy rời đi. Họ bảo họ sẽ giúp khoá lại tất cả mọi thứ bằng khoá móc và họ cho chúng tôi xem một cái chìa khoá lớn, mà nhìn thì thấy rõ sẽ chẳng có cái ổ nào vừa với nó cả. Họ đề nghị chúng tôi chỉ lấy những thứ gì có thể đem theo được, vừa nói họ vừa lần sờ những con dao gài ở thắt lưng như thể chỉ vô tình. Bố tôi nài xin được mang theo một con bò; mẹ tôi, sáu chị em gái của tôi, và hai anh em trai chúng tôi khóc nức nở. Mùa đông đã đến gần kề. Có lẽ chính cuộc khóc lóc thảm thiết đó đã khiến bọn họ thương hại và cho phép chúng tôi dẫn một con bò đi, mặc dù đó chỉ là một con bò ốm yếu—cái vú teo tóp của nó chẳng cho chúng tôi được một chút sữa hay một chút an ủi nào. Và chúng tôi đành phải bỏ lại sau lưng ba mươi tổ ong.

Ở đoạn kế tiếp, văn của bố tôi bắt đầu trở nên bất ổn, một vài câu bị gạch xoá. Bên dưới một dòng gạch xoá nhằng nhịt, tôi có thể đoán được một vài từ ngữ: quạ, nước đái, thuộc về, và da dẻ, lưỡi hái.

Hồi đó tôi mới sáu tuổi, ông kể tiếp, và tôi mang theo một cái cối xay thịt. Mẹ của bố tôi bế em trai út của bố tôi—thằng nhỏ ôm ghì lấy ngực mẹ mình như một con khỉ con. Chỉ sau vài tháng, tất cả những vụ cướp phá và ăn cắp của những kẻ hàng xóm láng giềng đó lộ ra. Những người nông dân sau khi đã khua khoắng sạch trơn ngôi nhà, căn gác xép và kho thóc, cuối cùng cũng động đến bọn ong. Bọn họ muốn lấy mật ong mặc dù lượng mật ong chỉ còn lại rất ít—chỉ vừa đủ cho bầy ong chịu đựng hết mùa đông. Họ mở tổ ong và đem dốc những con ong vô phương tự vệ ra khỏi tổ. Lúc đó đã là cuối tháng Mười, trời lạnh, bầy ong không thể bay hay đốt được nữa. Chúng rơi xuống mặt đất trong trạng thái im lặng tuyệt đối: không một tiếng vo ve, hoàn toàn không còn sự sống; đêm đó cả bầy ong đã chết hết. Khi gia đình cuối cùng cũng quay về nhà được, bố tôi phát hiện một đống xác ong đang rữa mềm xốp. Trước khi chết, những con ong đã bò sát lại gần nhau để giữ hơi ấm.

Hai trong số những tổ ong bị Tedo, một người hàng xóm khác, cũng là một người nuôi ong, ăn trộm. Ông nội Ivan thừa biết Tedo đang giữ những tổ ong đó nhưng chưa bao giờ ông hỏi xin lại. Một ngày kia Tedo đến nhà, không dám nhìn thẳng vào mắt ông Ivan, quả quyết rằng gã chỉ chăm sóc đàn ong giùm khi cả gia đình phải rời đi mà thôi. Lão muốn trả lại những tổ ong đó. Tôi còn nhớ mình đã cùng cha đến lấy lại bầy ong của chúng tôi. Chúng tôi đi trên một chiếc xe trượt tuyết và phải rất cẩn thận không để những tổ ong bị xóc, e làm rã bầy ong đang kết vào nhau thành từng đám để giữ ấm. Bố tôi ngồi giữa hai tổ ong, giữ chặt lấy chúng. Đó là một đêm lạnh giá, với những ngôi sao lấp lánh như những vụn băng vỡ. Nếu cẩn thận và kiên nhẫn thì hai tổ ong này sẽ sinh sôi nảy nở thêm rất nhiều, ông nội đã nói với bố tôi như vậy. Năm sau đó, họ đã có sáu tổ ong, rồi số lượng đó lại nhiều lên gấp đôi và chỉ trong vài năm, họ đã gây dựng được hai mươi lăm tổ ong.

 

HOÀN CẢNH SÁNG TÁC

Vì trân trọng nỗi khao khát—nỗi bức xúc—của bố tôi muốn được viết ra một cuốn sách chân thực, tôi thấy cần phải nói thêm đôi điều về hoàn cảnh của ông khi ông thực hiện công việc trình bày sự thật này. Tôi không ở bên ông khi ông viết, vì thế tôi đành phải dựa vào những thông tin từ một nhân chứng đáng tin cậy (mẹ tôi). Ông chủ yếu viết vào buổi chiều, với một cây bút chì, trên tập giấy rời, nét chữ dài, nghiêng như kiểu chữ của các kỹ sư. Ông ngồi trên giường của mình, với chiếc bàn ngủ kẹp giữa hai chân. Ông gọt bút chì bằng con dao bỏ túi của quân đội Thuỵ Sĩ (món quà tặng bố mà tôi mua được từ một của hàng miễn thuế cách đây đã nhiều năm), và xả vỏ bào bút chì rải rác khắp phòng ngủ. Những cây bút chì được mua từ một cửa hiệu tạp hoá bình dân và thường xuyên bị gãy ruột chì. Có khi ông đã tức tối bẻ gãy mấy cây liền một lúc. Qua điện thoại, tôi nghe những lời than vãn lâm li và cả sự tiếc rẻ của bố về những chiếc bút chì “của chúng ta”, những cây bút chì đáng tín nhiệm. Thỉnh thoảng ông chỉ ngồi đó khẽ suỵt vào lũ bồ câu đang mổ chỗ vụn bánh mì mà mẹ tôi để lại cho chúng trên ban công. Ông thường xuyên gián đoạn những suy nghĩ của mình để đi lấy một lát bánh mì cùng với bơ và mật ong. Cuối cùng thì ông cũng bắt đầu viết, và có khi ông ngồi viết liên tục trong khoảng bốn mươi lăm phút—một thiên thu đối với một ngưòi thiếu kiên nhẫn và khốn khổ như bố tôi.

Giờ đây tôi đang cầm bản thảo của ông trong tay, và tôi có thể mường tượng được mức độ nông sâu của sự tập trung ở ông. Tôi có thể nghiệm ra được lưng của ông lên cơn đau mỏi rồi lại đỡ đau đi như thế nào qua nét chữ liền lạc, đều đặn, chẳng hạn, ở đầu trang 10, rồi lại nguệch ngoạc ở trang 11; qua những từ được ghi ngẫu nhiên bên lề (Branko, những kỵ sĩ, dưa hấu, vụ tàn sát); những tính từ phụ trợ cho những danh từ trơ trọi, nhạt nhẽo (chữ hôi hám bốc mùi quanh chữ bàn chân; chữ cổ điển đi kèm với chữ vụ trộm; chữ vàng óng tan chảy lên chữ mật ong). Có những chỗ ngắt giữa câu, với những mâu thuẫn về cú pháp cho thấy tư tưởng của ông đang bị phân tán. Thỉnh thoảng lại có một câu đột ngột ngưng lại: Chúng tôi hiểu, rồi bỏ lửng; Phải nói rằng, nhưng không ai hiểu điều gì ở sau đó.

Ở trang 17, bố tôi kể lại một câu chuyện hài hước về một người hàng xóm có tên là Branko. Lúc này, những tổ ong của ông nội Ivan đã bị một tập đoàn xã hội chủ nghĩa trưng thu, và ông được giao trách nhiệm quản lý nhà nuôi ong của hợp tác xã, trông coi khoảng hai trăm tổ ong —một số lượng tổ ong quá lớn tập trung tại một nơi như vậy thì khó lòng đem lại hiệu quả được, nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh. Bố tôi, lúc đó mười ba tuổi, phụ giúp cho ông nội. Hôm đó là một ngày rực rỡ, chim chóc ríu rít, cây táo ở giữa khu nhà nuôi ong trĩu quả. Hai cha con cứ lẳng lặng làm việc, chỉ bị gián đoạn khi thỉnh thoảng lại có một quả táo chín rơi bịch xuống đất. Một bầy ong đang bám trên một cành cây, và hai cha con phải làm sao để đưa chúng vào tổ. Ông nội Ivan bảo bố tôi giữ cái tổ ong ở bên dưới trong lúc ông rung cành cây; khi bầy ong bay chạm vào cái tổ, ông bảo, chúng sẽ lần lượt bò vào trong đó, theo con ong chúa. Nhưng, bố tôi lo xa, tôi không đủ sức để giữ được cái tổ ong và nhỡ bọn ong không bay trúng vào cái tổ thì chúng sẽ rơi xuống đầu tôi. Tôi biết là ong không đốt khi chúng đang di chuyển theo bầy, nhưng nếu chúng rơi những cái ngòi chĩa xuống thì chúng vẫn có thể làm tôi đau. Đã thế, chúng tôi lại phải chờ cho đến lúc nào chúng hợp bầy trở lại. Đến lúc này thì Branko xuất hiện, rõ là một gã vô tích sự. Gã căm ghét loài ong bởi vì đã bị ong đốt nhiều lần, thế nhưng gã vẫn tình nguyện giúp một tay, có thể là vì muốn tranh thủ xoáy một cái gì đó. Vậy là Branko làm nhiệm vụ giữ tổ ong thay cho bố tôi, gã hằn học ngước nhìn bầy ong, bước lúp xúp vòng quanh, cố gắng nhắm cho cái tổ hứng đúng vào chính giữa. Khi gã đang còn di chuyển thì ông nội Ivan lấy một khúc gậy dài, cong queo khua cành cây và thế là cả bầy ong rơi đúng lên đầu Branko. Trước khi bị bất cứ cái ngòi ong nào chích thủng da, Branko đã hét toáng lên và lắc đầu lia lịa như thể gã bị một bầy quỷ ám. Gã hộc tốc chạy khỏi nhà nuôi ong, đâm đầu qua một bờ rào, và lao xuống một vũng bùn. Nữ chủ nhân của vũng bùn ấy, một con lợn nái to tướng, lờ đờ nhìn gã. Bố tôi bò lăn ra đất mà cười; một chút nhíu mày như một nụ cười thoáng hiện trên khuôn mặt ông nội Ivan, rồi nhanh chóng tan đi. Đoạn văn đến đó thì bị ngắt.

Ở đoạn tiếp theo, với nét bút kéo lê quá dài và yếu ớt tưởng như không còn rõ chữ, bố tôi kể về một trận dịch tấn công những tổ ong của hợp tác xã, nhanh chóng lan rộng vì các tổ ong nằm quá gần nhau, làm chết đến một phần mười tổng số ong. Ông tả lại cảnh tượng thương tâm của một lớp dày xác ong lấp lánh trên đám cỏ. Ông nội Ivan ngồi bệt xuống, dựa lưng vào gốc cây với vẻ chán chường tột cùng, chung quanh ông là những quả táo thối mời gọi bầy ruồi điên cuồng kéo đến. Đời là thế, bố tôi kết luận, hết cuộc đấu tranh này đến cuộc đấu tranh khác, mất mát nối tiếp mất mát, chỉ rặt là những khổ đau vô tận.

 

[còn tiếp]

 

Nguyên tác: “The Bees, Part 1”, đăng trên The New Yorker, số ngày 14 & 21/10/2002.

 

----------

Đã đăng:

Những con ong, phần 1 [I]

Những con ong, phần 1 [II]

----------

Xem tiếp:

Những con ong, phần 1 [IV]

_________________________

[1]Tito: Tên đầy đủ là Josip Broz Tito (1892-1980), chủ tịch liên bang Nam Tư từ sau Thế Chiến Thứ Hai cho đến khi ông qua đời vào năm 1980. Trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai, Tito là Tổng chỉ huy lực lượng quân giải phóng Nam Tư. Lực lượng của ông nhận được sự ủng hộ của quân Đồng minh phương Tây, và bản thân ông lại có mối quan hệ mật thiết với Stalin.

[2]Chetnik: Thành viên của một tổ chức người Serbi hoạt động bí mật trong thời kỳ phát xít Đức xâm chiếm Nam Tư trong Thế Chiến Thứ Hai. Quân Chetnik ban đầu nhận được sự giúp đỡ của quân đồng minh, nhưng về sau sự giúp đỡ này được chuyển sang cho phe của những người cộng sản do Tito đứng đầu.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021