thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những con ong, phần 1 [IV]
Bản dịch của Hải Ngọc
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc

 

(tiếp theo và hết)

 

NHỮNG ÔNG BỐ VÀ NHỮNG CÔ CON GÁI

Phải mất một thời gian tôi mới hiểu điều gì đã xảy ra giữa các đoạn văn: Một tháng trôi qua kể từ khi bố tôi viết văn, chuyện bắt đầu từ lúc bố tôi nhận được một cú điện thoại từ Nada, con gái của Slavko, anh họ của bố. Cô đã di tản một mình, cuối cùng thì định cư tại Lincoln, Nebraska, nơi cô theo học đại học, chuyên ngành chính là thư viện học và chuyên ngành phụ là thần học. Bác Slavko và bố tôi đã lớn lên cùng nhau—họ bằng tuổi nhau—nhưng bác Slavko vừa mới qua đời, bác là một người nghiện rượu nặng. Nada gọi điện cho bố tôi bởi, như cô nói, cha cô đã kể cho cô nghe những câu chuyện về thời thơ ấu của hai anh em. Bố tôi rất vui vì được nói chuyện với cô, ông nói cô có thể gọi điện cho ông bất cứ lúc nào cũng được—vì “gia đình là gia đình”. Nhưng chi phí điện thoại rất đắt đối với cả ông lẫn Nada vì thế họ thường xuyên thư từ cho nhau. Thay vì viết “Những con ong”, ông lại dành thời gian để dài dòng kể lại những kỷ niệm cho Nada, ông hồi tưởng những trò ranh mãnh tuổi thơ của ông và bác Slavko với bao trìu mến. Những lá thư của ông bề bộn chuyện kể về những con ong, những quả táo và những buổi sum họp gia đình, nơi mọi người cùng hò hát, ôm hôn nhau và liếm mật ong trên đầu ngón tay. Mẹ tôi bảo tôi nếu Nada không có họ hàng với bố tôi hẳn cô ta đã nghĩ ông đang yêu cô mất. Giờ thì ông đã có một người để ông có thể vẽ những bức tranh đời mình cho người ấy nhìn ngắm, để ông có thể kể cho người ấy câu chuyện chân thực của mình.

Những bức thư của Nada, tuy nhiên, lại thường là những lời ồn ào cường điệu, rên rỉ chuyện cha mình cuối cùng đã biến thành một lão già ốm đau, cay đắng, còn mẹ cô lại dễ dãi quá mức trước sự để ý của những người đàn ông khác. Cô căm ghét nước Mỹ và người Mỹ, cô căm ghét chủ nghĩa tỉnh lẻ của họ, cô căm ghét nền văn hoá ngu xuẩn, không có cội nguồn của họ. Cô ấy rõ ràng đang rất đau khổ, mẹ tôi nói vậy, thế nhưng bố tôi lại chẳng để ý đến điều đó. Thế rồi có một dạo Nada không viết thư nữa. Nhưng một đêm, bố mẹ tôi bị đánh thức bởi một đống giấy tuôn dồn dập ra từ máy fax. Trong một bản fax dài đến 65 trang, cha của Nada bị cô tăng cấp lên thành một kẻ sách nhiễu tình dục trẻ con, còn mẹ cô là một mụ điếm rẻ tiền. Nước Mỹ đã trở thành một thứ địa ngục nhơ nhuốc của những điều ngu ngốc và vô nghĩa, bị cầm quyền bởi dân Do Thái và C.I.A. Kẻ ở cùng phòng với cô (một ả gái làng chơi gốc Mỹ-Latinh) đang âm mưu giết cô; những giáo sư của cô bàn tán về cô với các bạn cùng lớp, cho họ xem những bức ảnh chụp lén thân thể trần truồng của cô, trong lúc bọn nam sinh viên thì thủ dâm. Bác sĩ của cô định cưỡng hiếp cô; ở Sở Di Dân và Quốc Tịch (I.N.S.), nơi cô xin đăng ký thẻ cư trú dài hạn, người đàn bà phỏng vấn cô có móng guốc thay vì chân người; và có ai đó đã biến đổi những từ ngữ trong sách vở mà cô đang học—giở ra cô lại thấy dày đặc những từ dối trá, dối trá, dối trá được viết thêm vào đó mỗi ngày. Thoạt đầu, cô nghĩ rằng cô bị những kẻ đố kỵ quấy phá, những kẻ căm ghét cô bởi sự trinh bạch của cô, nhưng giờ thì cô biết Chúa đã biến thành quỷ dữ và bắt đầu thanh trừng kẻ vô tội. Niềm hy vọng duy nhất của con là chú, cô ta viết, Chú có thể đến đây và mang con khỏi hầm tối địa ngục này? Ở mấy trang cuối cùng, cô nhắc bố tôi phải cảnh giác đối với tôi, cô gợi lại cho ông huyền thoại Oedipus[1] và lưu ý bố tôi rằng tôi đang ở Mỹ, điều đó có nghĩa là tôi là đứa hư hỏng và không đáng tin. Chú hãy luôn nhớ, cô ta viết, Chúa bao giờ cũng thiên vị những đứa con trai hơn những ông bố và những cô con gái.

 

MỘT CÂU CHUYỆN KHÁC

Bố tôi liên tục gọi điện cho Nada nhưng đều không nhận được trả lời, cho đến khi Madrigal, cô bạn sát nhân cùng phòng với Nada, nhấc điện thoại và cho ông biết Nada đã bị đưa vào “dưỡng trí viện” rồi. Ông không hiểu từ đó, và không phát âm được nó để tôi có thể dịch cho ông hiểu, vì thế tôi đành phải gọi cho Madrigal. “Nó phát rồ rồi”. Madrigal nói. “Trong thư viện. Cô ta nghe thấy những giọng nói phát ra từ những cuốn sách, lan truyền những tin đồn thổi về mình.”

Bố tôi tan nát cả tâm can. Ông gọi cho một người nào đó ở trường đại học Nebraska, với một thứ tiếng Anh của Tarzan,[2] ông yêu cầu người ta phải đến thăm Nada ở nhà thương điên và nói cho cô ấy biết là ông đã gọi điện đến. “Chúng tôi không làm việc đó được”, cái người không rõ tính danh ở đại học Nebraska ấy trả lời ông. Bố tôi ngồi xuống bàn, lấy cây bút chì ra gọt như điên như dại (nhưng ông không viết) cho đến khi cây bút chì chỉ còn trơ một mẩu mà ông có thể kẹp giữa ngón tay. Ông gọi điện thoại cho tất cả thành viên trong gia đình, dường như ông nghĩ rằng họ có thể dốc hết năng lượng tinh thần của mình lại và chữa chạy cho Nada bằng một phương pháp ngoại cảm. Hầu như ngày nào ông cũng điện thoại cho tôi và yêu cầu tôi phải gọi lại cho ông vì ông không đủ khả năng chi trả cho những cuộc gọi. Ông kể lại cho tôi những nỗ lực vô ích của ông để liên lạc với Nada, và cuối cùng ông bắt tôi đến Lincoln tìm cô ta. Tôi không thể làm việc đó được. “Mày biến thành một thằng Mỹ rồi”, ông bảo tôi thế. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

 

LỜI CĂN DẶN

Sau đoạn ngắt đó, nhịp độ của câu chuyện chậm dần. Ông lướt qua câu chuyện ông nội Ivan bị cả trăm con ong đốt và phải mất vài ngày hôn mê bất tỉnh. Ông dành một đoạn để viết về nghề nuôi ong, những năm sáu mươi, bảy mươi, thời kỳ được xem là giai đoạn hoàng kim thứ hai của nghề nuôi ong gia đình, mặc dù Cha gần như đã mù hẳn. Khi ông nội Ivan bị mù, đàn ong cũng từ từ chết dần, và cho đến lúc ông qua đời, nhà tôi chỉ còn lại ba tổ ong. Bố tôi không thể làm gì được. Công việc buộc tôi phải đi khắp thế giới, chủ yếu là sang Trung Đông và Châu Phi; tôi chỉ có thể về nhà thăm cha mẹ ba lần một năm và không có cách gì để dành thời gian cho bọn ong. Không lâu trước khi qua đời, Cha gọi tôi và các anh em trai của tôi lại để bàn về nghề nuôi ong gia truyền của nhà mình. Ông căn dặn

Và “Những con ong, Phần 1” kết thúc ngay chỗ đó, không có lời căn dặn nào được ghi lại, mặc dù cũng không khó để tưởng tượng ông nội tôi muốn nói gì. Ông nội mất, bà nội tôi cũng qua đời, bố tôi cùng các anh em trai của ông tiếp tục duy trì nghề nuôi ong của gia đình. Chúng (đàn ong) sống sót qua một trận dịch do loài bọ Varroa gây ra, đợt đại hạn, và thời kỳ đầu của cuộc nội chiến ở Bosnia. Khi gia đình tôi di cư sang Canada, chúng tôi phải bỏ lại hai mươi lăm tổ ong. Sau ngày chúng tôi ra đi không lâu, một toán người vốn là hàng xóm láng giềng, tất cả đều là lính tình nguyện trong Quân Đội Serbi, say khướt, tràn vào vườn nhà chúng tôi giữa đêm khuya, đá vào những tổ ong, hất chúng ra khỏi bệ, và khi những con ong cố gắng một cách yếu ớt để trốn thoát (đó lại là một đêm mùa đông lạnh giá và bọn ong bò trên mặt đất), bọn họ liền ném mấy quả lựu đạn cầm tay và đứng đó khoái trá cười nhìn xác những con ong bay vòng vòng như thể đang còn sống. Bọn họ lấy đi những những chiếc khung tổ to nặng, và để lại một dải mật ong rỏ giọt kéo dài sau lưng.

 

CÁI GIẾNG

Bố tôi tìm được một việc làm ở một nhà máy, chuyên bảo dưỡng thiết bị máy móc. Nhà máy ấy nóng bức vào mùa hè, lạnh cóng vào mùa đông, và khi ông đi làm ca đêm, đôi lúc ông ngủ gật trên tay lái chiếc xe Lincoln Town hom hem trong lúc đợi đèn xanh. Một lần, khi đang đọc các mục quảng cáo để tìm mua đồ gia dụng cũ với giá rẻ nhất, thì ông bắt gặp một mẩu quảng cáo mật ong sản xuất tại nhà. Ông gọi điện ngay cho người đăng mẩu quảng cáo và nói thẳng là ông không có tiền để mua mật ong nhưng rất muốn được xem những con ong của người ấy. Bởi có một thứ tình cảm đồng hội đồng thuyền nào đó giữa những người nuôi ong, nên người kia mời bố tôi đến nhà. Ông ta là người Hungary, vốn là thợ mộc, nay đã nghỉ hưu. Ông đồng ý để bố tôi phụ giúp việc nuôi ong và tặng lại bố tôi một chồng tập san Nghề nuôi ong ở Canada đã cũ mà bố tôi đã cố gắng đọc với sự hỗ trợ không đầy đủ từ cuốn từ điển của mẹ tôi. Sau một thời gian, ông già người Hungary đó tặng lại cho bố tôi một bầy ong và một cái tổ cũ để bố tôi bắt đầu gây dựng nhà nuôi ong của mình. Ông trách bố tôi cứ bỏ áo khoác và bỏ mũ, thậm chí còn không đeo găng tay nữa, nhưng bố tôi cho rằng những vết ong châm thì còn tốt so với mọi thứ đau đớn khác. Tôi vẫn không hình dung được họ dùng thứ ngôn ngữ nào để trò chuyện với nhau, nhưng hẳn đó không thể là Anh ngữ được.

Bây giờ thì bố tôi đã có hai mươi ba tổ ong và một năm thu được chừng vài trăm pound mật ong mà ông không thể bán được. “Dân Canada không biết thưởng thức mật ong ”, bố tôi nói thế. “Họ không biết gì về nó cả.” Ông muốn tôi giúp ông giới thiệu mật ong của mình vào thị trường, Mỹ nhưng tôi đoan chắc với ông rằng người Mỹ thậm chí còn hiểu biết về mật ong kém hơn cả dân Canada.

Ông vừa quyết định viết một cuốn sách chân thực nữa. Ông đã nghĩ được nhan đề của nó rồi: “Cái giếng”. Có một cái giếng gần nhà khi ông còn là một cậu bé. Mọi người đều đến đó để lấy nước. Thỉnh thoảng cũng có “những câu chuyện thú vị” xảy ra bên giếng. Có một lần, ông nhớ lại, một con la bỏ trốn và chạy đến bên giếng, biết có nước ở đó. Nhưng đầu nó bị buộc chặt vào chân—đó là cách người ta bắt con la phải gặm cỏ—vì thế, nó không tài nào uống được nước. Nó cứ nấn ná quanh cái giếng, đập đầu xuống máng nước, chết khát trong khi chỉ cách chỗ có nước chút xíu. Con la kêu inh tai trong nỗi đau đớn khủng khiếp. Nó cứ kêu inh lên như thế suốt cả ngày, bố tôi kể. Suốt cả ngày lẫn đêm.

 

Nguyên tác: “The Bees, Part 1”, đăng trên The New Yorker, số ngày 14 & 21/10/2002.

 

----------

Đã đăng:

Những con ong, phần 1 [I]

Những con ong, phần 1 [II]

Những con ong, phần 1 [III]

_________________________

[1]Huyền thoại Oedipus: Nhân vật trong vở bi kịch nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại “Oedipus làm vua” của kịch tác gia Sophocles. Vở kịch xoay quanh tấn bi kịch của Oedipus, vua của xứ Thebes, người đã phạm tội giết cha mình, sau đó kết hôn với mẹ mình. Oedipus vừa là tội nhân vừa là nạn nhân của một định mệnh độc ác, nghiệt ngã. Huyền thoại này còn gắn liền với ý niệm về mặc cảm Oedipus trong tâm lý học mà Sigmund Freud là người đầu tiên phát hiện. Nói một cách vắn tắt, mặc cảm Oedipus là một trạng thái tâm lý phức tạp nảy sinh ở trẻ nhỏ từ ba đến năm tuổi trong giai đoạn hình thành tâm lý giới tính: đứa trẻ vừa có biểu hiện yêu mến người sinh thành ra mình, thuộc giới tính khác mình, vừa có lòng đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình. Theo Freud, mặc cảm Oedipus là nền tảng của cái siêu ngã (superego), trung tâm của những mối quan hệ người. Theo một số nhà phân tâm học khác thì mặc cảm Oedipus không phải là biểu hiện của những ẩn ức dục tính mà là của sự oán hờn đối với quyền lực độc đoán của bố mẹ ở đứa trẻ.

[2]Tarzan: nhân vật huyền thoại trong loạt truyện lừng danh của Edgar Rice Burroughs (1875-1950) về một cậu bé bị thất lạc trong rừng thẳm từ lúc sơ sinh và được loài khỉ nuôi đến lớn. Sau đó, loài người tình cờ phát hiện ra cậu, và biết bao biến cố kỳ thú xảy ra từ đó. Loạt truyện này gồm rất nhiều tập. Tập đầu tiên được xuất bản từ năm 1912. Nhiều tập đã được chuyển thành tác phẩm điện ảnh.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021