thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Liên minh X,Y,Z

 

Cánh đồng trống vắng không còn cả hang hốc, dù chỉ đủ cho loài chuột có lông mượt nhẵn. Hai người, ít nhất một người buồn bã thấu tim phổi, nhìn theo hai người trên chiếc xe đạp, con đường đất đỏ, sỏi vụn và nắng khô khốc. “Ai vậy?”. “Không ai hết!”. Hắn và người bạn ngồi trong quán lều phía trước cánh đồng bỏ hoang. Bên kia con đường là cánh đồng bỏ hoang khác. Hai người có mặt ở đây từ rạng sáng, khi làm xong ca đêm ở xưởng đóng tàu Đồng Tiến mãi bên Nhà Bè, vùng ngoại ô Sài Gòn, tới bây giờ là giữa trưa.

Hắn nhìn hút theo con đường đất đỏ dài dặc trước mặt. Người đàn bà chở đứa bé gái trên chiếc xe đạp quốc doanh hiệu “Chiến Thắng”. Đứa bé còm nhom, chiếc mũ vải bèo nhèo, rộng mênh mông phủ trên đầu, chỉ còn hở chóp mũi trên chiếc cằm thanh mảnh.

“Tôi tưởng ông nhìn người quen”. Hắn lắc đầu: “Tôi không quen ai bên này”. Hắn giống một thằng cha sắp chết. Chai rượu trắng còn chừng một ly nhỏ, nhưng cả hai người đều không ngó ngàng, cái ly chơ vơ trên mặt bàn trống trơn, nếu không kể vỏ đậu phộng vương vãi trên đó.

Người bạn vươn vai, lấy lại thế ngồi. Hắn không lấy lại thế ngồi gì hết, còn xoải thân thể ra trên cái ghế xục xịch. Cuối cùng thì người bạn cũng thanh toán chút rượu trong chai, dốc ngược chai xuống cái ly, rồi uống rất từ tốn như chỉ nếm thử, có thể ly rượu sẽ đồng hành với ẩm khách tới buổi chiều.

Hắn ôm đầu. Người bạn hỏi: “Ông say rồi hả?”. “Không, chỉ buồn ngủ thôi”.

Người đàn bà khá đẹp, đứa bé gái cũng khá đẹp, tuy nhiên không giống mẹ, có lẽ giống cha, hoặc một vẻ đẹp tổng hợp của cha và mẹ. Chiếc xe đạp quốc doanh hiệu “Chiến Thắng” là tiêu chuẩn được mua của công nhân viên ngành giáo dục, người mẹ là giáo viên cấp 1, trường ở ngay cạnh những dãy nhà giống hệt nhau gọi là Cư Xá Công Nhân Thủ Thiêm.

Người bạn nhìn ngó khắp, nơi này xa lạ, không tên, phía bên kia của dòng sông chưa từng biết tới. Au-delà du fleuve. Au-delà du bien et du mal... Người bạn nhìn ly rượu sắp cạn kiệt, cả hai người có dốc túi mua rượu để uống cạn bao nhiêu ly cũng không thể, thật là không thể vượt qua một cái gì, để mà nói tới vượt qua một buổi trưa héo hắt.

Hắn mơ gặp người anh vợ, anh ta nói: “Cậu ngông cuồng lắm, lúc đó mà cậu sáng suốt, kêu gọi đồng đội cùng buông súng giơ tay đầu hàng, nộp vũ khí, thì cậu đã là người có công với Cách Mạng... chứ ai lại một mực cố thủ, đòi ngăn dòng thác, cuối cùng thì bị bắt giữ hết, tự mình xác nhận mình là phần tử ngoan cố, chống phá Cách Mạng…”. Anh ta tiếc hùi hụi cái máy chụp hình, người em hắn đi Mỹ mua về tặng hắn, sau ngày “Sài Gòn Giải Phóng” hắn cho ai đấy, bảo nếu còn giữ thì bây giờ đăng ký vào tổ hợp nhiếp ảnh, chụp ảnh ở thảo cầm viên Sài Gòn, kiếm sống nhàn nhã bao nhiêu… Anh ta than vãn giùm cho hắn, từng có ăn học mà cam chịu lao động chân tay, làm cái công việc nặng nhọc vất vả, tầm thường, thu nhập chẳng bao nhiêu, không đỡ đần gì được cho vợ con…

Hắn mơ thấy người vợ hắn than trách hắn với ông anh tưởng không bao giờ được gặp nếu không có ngày thống nhất đất nước: “Em dạy học ban ngày, tối lại dạy thêm lớp bổ túc văn hóa, thế mà chồng có biết thương vợ thương con gì đâu. Chưa từng mắc mùng cho vợ con, nhưng hễ có bạn tới chơi, ở lại, là sắp xếp giường chiếu, mắc mùng cẩn thận cho bạn ngủ. Đi làm về không đoái tưởng chuyện nhà, ngày nào cũng bạn bè đi ăn nhậu, chỉ biết sung sướng cái thân, thật là một người chồng ích kỷ…”

Hắn mơ thấy phà Thủ Thiêm hỏng hóc gì đấy không chạy, người ta tranh nhau xuống xuồng máy, xuồng quá tải, gặp sóng nổi lớn, xuồng nghiêng lệch. Người đàn bà cố níu chiếc xe đạp quốc doanh hiệu “Chiến Thắng”, để rớt đứa bé xuống dòng sông, chiếc mũ vải rộng rinh tuột khỏi đầu đứa bé, trôi dập dềnh trên sóng nước.

Hắn tỉnh giấc mê mệt vào lúc trong quán lều có thêm mấy người công nhân Ba Son, họ la ó, họ um sùm kêu thức nhắm xôm tụ: “Vịt nướng chao nhe! Mang trước xị đế thứ ngon nhứt, với dĩa đậu phộng Húng Lìu”. Người bạn lẩm bẩm: “Làm gì có đậu phộng Húng Lìu ở đây”. Hắn hỏi một người trong đám mới vào quán: “Ở bến phà có chuyện gì không?”. Người này hỏi lại: “Chuyện gì là chuyện gì?”. Hắn nói: “Có chuyện xuồng lật gì đó không?”. Người công nhân Ba Son cười lớn cùng các bạn: “Cha nội này mớ ngủ tụi bây ơi! Có chiếc xuồng nào được chạy mà chả nói lật xuồng”. Người bạn nói với hắn: “Mấy người này uống ở đâu rồi. Kệ họ. Về thôi”. Hai người đi ra cùng hai chiếc xe đạp cũ kỹ, méo mó. “Đi với tôi xa nữa không?”, hắn hỏi, người bạn lắc đầu, chỉ phía bến phà: “Au-delà du fleuve”. Người nào đó trong đám công nhân Ba Son nói lớn: “Ông Tây rau muống tụi bây ơi!”, cùng các bạn cười rộ.

Hắn đạp xe về phía ngược chiều người bạn, trên con đường đất đỏ, sỏi vụn, nắng loãng dịu dàn rộng hai bên cánh đồng. Ngừng lại ở một căn nhà khóa cửa trong Cư Xá Công Nhân Thủ Thiêm, hắn tần ngần một lúc, lại tiếp tục đạp xe đi xa nữa trên con đường đất đỏ. Người đàn bà hồi trưa đạp xe chở đứa bé gái, từ trong quán cà phê mái lợp lá dừa nước đi ra. Trong quán chỉ còn khách là người đàn ông để “râu con kiến”, ngậm ống vố, ngó hắn chăm chăm. Chiếc xe gắn máy hiệu Honda dựng trước cây cột gỗ tràm vỏ giấy, gần chỗ người đàn ông ngồi. Hắn hỏi người đàn bà: “Khoa Quỳnh ở bên ngoại?”. Người đàn bà không trả lời, trở lại chỗ chiếc xe Honda, lấy chùm chìa khóa trong túi xách để ở đó, trở ra đưa hắn, và nói:

“Anh thu xếp quần áo sách vở, về ở bên nhà cha mẹ anh một thời gian. Ngày mai anh chị tôi ở Hà Nội vào chơi ít ngày, anh ở chung đây chật chội khó chịu lắm”.

Hắn đạp xe vào căn nhà ở Cư Xá Công Nhân Thủ Thiêm, không mở khóa cửa để lấy quần áo sách vở. Hắn gửi người ở căn nhà kế cận chùm chìa khóa. Hắn không đạp xe đi xa nữa trên con đường đất đỏ, sỏi vụn và nắng sẫm. Hắn đạp xe, vẫn trên con đường đất đỏ, về phía bến phà. Có thể hắn sẽ gặp lại người bạn, có thể không.

 

Sài Gòn, 24-6-2005

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021