thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trở về với Đất

Hình ảnh còn đậm nét trong trí nhớ tôi, về một người bạn làm điêu khắc luôn nuôi hoài bão lớn. Đã nhồi hàng tấn đất sét để làm tượng, nay lại đành xuôi tay trở về với Đất.

Cùng sinh tại Thủ Dầu Một, Lê Thành Nhơn, Hồ Hũu Thủ và tôi. Cùng lứa tuổi và những khoá học ở trường Mỹ Thuật Gia Định và Huế. Hai trường, với số sinh viên các khoá, các ngành không nhiều. Phần lớn là quen biết nhau. Điêu khắc lại ít. Mỗi khoá chỉ có vài người có duyên với sáng tác.

Thủ Dầu Một, thuở ấu thời

Thủ Dầu Một, nơi Nhơn đã lớn lên, đã theo học trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở đó, trước khi về dự thi vào trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, năm 1961.

“ ... Từ Saigon, Gia Định ra, nếu đi ngã cầu Bình Lợi, rồi rẽ trái, đi về Bình Phước, Lái Thiêu, Bún, ... dựa theo bờ sông Cái Bè, có những lớp vườn trái cây sầm uất, mướt màu, che bóng mát u tịch. Cam, quít, dâu, bưởi, ổi, sầu riêng, dừa, ... từng lúc, từng mùa, ăn trái quanh năm. Đất đen bóng như thoa mỡ, trong chốn u ẩn của những tàng cây giao cành với nhau, những chùm trái cây chín tới, vàng, đỏ, thấp thoáng, óng ánh... Kết động, như những niềm vui, những hạnh phúc , chắc chắn, để dành riêng cho cư dân ở miệt đó, là, truyền đời, là, từ kiếp này qua kiếp khác, là, phải trồng thêm, vào, để lớp cây này tàn đi, sẽ, có lớp mới thay thế, quanh năm, trăm năm, ngàn năm...

Cái màu vàng, đỏ ... cuả trái cây chín tới, như tự nó phát quang. Trái cây đó, màu sắc đó, hương thơm đó, vị ngọt đó là tinh túy được kết hợp bởi đất đai, khí hậu ngàn năm ở đó. Và từ đó mà đi, nhà thơ Bùi Giáng “Vào đất rộng, kính chào Bình Dương” [1] , tức là, vào sâu đến quận Phú Cường tỉnh Thủ Dầu Một ngày xưa, tức là, vào đến vùng đất sét, đất mội, vào đến vùng canh chua lá giang, vào đến vùng tiểu công nghệ, lò chén, lò gốm, vào đến vùng tranh sơn mài...” (Cao Đông Khánh – Thủ Dầu Một, Quê Nội).

Thủ Dầu Một và Lê Thành Nhơn với những nét bút vỡ lòng của trang trí mỹ nghệ. Căn bản cho những bài tập tiếp theo sau này ở trường Mỹ Thuật. Mà bạn đã đậu thủ khoa năm 1964.

Và Căn Nhà 101 Nguyễn Du, Saigon

Những năm 1960, chúng tôi hay đến chơi với Nhơn tại căn nhà ấy. Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trung và tôi hay cùng đi. Trước nữa, năm 1957, nơi đó là trụ sở cuả Phong Trào Hòa Bình, của nhóm Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Bửu Kiếm, ... vốn là bạn của chủ nhà : ông Trần Kim Quang, người trí thức miền Nam tham gia kháng chiến Nam Bộ đầu tiên.

Căn biệt thự phía trước luôn đóng kín. Gia đình Nhơn ở căn nhà, có gác nhỏ phía sau. Một khoảng sân rộng ở giữa. Lúc đó Nhơn khởi công làm Tượng Phật Ngồi [2] đồ sộ. Lúc nào đến cũng thấy cả núi đất sét, giây nhợ chằn chịt khi làm sườn cho tượng.

Đặc biệt, Nhơn có một đệ tử người Tây đen, tên Nguyễn văn Tâm, giúp Nhơn đắc lực trong việc nhồi hàng hai mươi tấn đất sét. Đi đâu, Nhơn cũng đem Tâm đen theo, kể cả thời ra Huế làm tượng Phan Bội Châu. Gần đây, điện thoại thăm Nhơn, tôi có hỏi thăm Tâm đen, Nhơn nói bây giờ Tâm làm ăn phát đạt lắm, hiện cũng ở Úc. Lúc đi Úc, Nhơn đã đưa Tâm đi cùng gia đình.

Tượng chân dung thiếu nữ quấn khăn, hay Nhơn đặt tên là Mẹ Việt Nam, làm bằng chất liệu granito mài trắng, được chọn tham dự triễn lãm châu Á đầu tiên tại Singapore năm 1974. Phần hội họa có tranh Nguyễn Quỳnh và tôi. Tượng này sau được trả về, để sân trước ngôi biệt thự 101 Nguyễn Du cho đến những năm sau 1975, dãi dầu sương nắng. Năm 1998, Nhơn về Việt Nam, vận động lấy lại được tượng, trục về gửi tại nhà người bà con, cô Sáu, ở số 10 Lê Ngô Cát, Gia Định.

Những tháng cuối cùng trước khi mất, khi điện thoại qua Úc thăm, Nhơn có nói với tôi là liên lạc với Nguyễn Hưng Quốc, tặng cho đại học Atami của Úc tại Việt Nam, nếu không đem ra dựng tại một công viên nào đó của Saigon được. Cũng như tượng Phan Bội Châu ở Huế, nói liên lạc với Trần Viết Ngạc, giáo sư sử học ( đã giúp Nhơn tư liệu nghiên cứu khi làm tượng cụ Phan, cũng như những danh nhân khác, trong dự tính của Nhơn...), cùng với anh Hai, cháu cụ Phan Bội Châu để có lúc tượng được đem ra ngoài quảng trường rộng, thay vì nằm khuất trong vườn nhà thờ cụ Phan ở Bến Ngự.

Huế và Lê Thành Nhơn

Khi viết những dòng chữ này, thì được tin từ Huế : trường đại học Mỹ Thuật sẽ làm buổi hội thảo tưởng niệm Lê Thành Nhơn. Thầy điêu khắc cũ, đã đào tạo được những điêu khắc gia trẻ, giỏi, hiện giảng dạy tại trường. Các bạn còn nói là thành phố Huế rất tiếc không được đón tiếp Lê Thành Nhơn, khách được mời tham dự trại sáng tác tượng quốc tế lần hai, tổ chức tại Huế trong mùa hè vừa qua. Lê Thành Nhơn được mời như một khách qúi.

Năm 1972, chiến tranh tiếp diễn ác liệt. Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị. Nhơn về Huế dạy điêu khắc và làm tượng Phan Bội Châu, Quan Thế Âm. Trong thời gian này cho tới về sau. Lúc ấy, Vĩnh Phối làm giám đốc trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, anh Hồ Đăng Lễ làm trưởng ty công chánh Huế ... và nhóm bạn bè : Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Trần Viết Ngạc, Phạm Nhuận ... cùng giúp Nhơn thực hiện ý định làm tượng danh nhân Việt Nam, mà Huế là cụ Phan Bội Châu. Thuận lợi có Phường Đúc, nơi đúc đồng truyền thống của Huế.

Làm sao kể hết những kỷ niệm trong thời gian làm cái chân dung vĩ đại ấy. Một khoảng sân trường Mỹ Thuật dưới bóng mát của những cây nhãn. Góc quán cà phê ông Tôn trước cổng trường, với bao nhiêu lần bạn bè ghé qua, bao nhiêu xác chai bia. Khi hưng phấn lúc gian nan, có lúc như muốn bỏ dở, nên công lớn về phương tiện vẫn là anh Hồ Đăng Lễ, hiện ở tại San Jose, vẫn là kỹ sư công chánh tại Mỹ.

Nhớ là khi tượng đã hoàn thành, cũng có khuynh hướng chính trị muốn xen vào . Từ hai phiá, may là bất thành. Và đó là điều hay... Tiếp theo là tháng 4, 1975, tượng còn để y tại Phường Đúc, mãi sau này mới được đem về, xây đế, dựng trong vườn nhà thơ cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự.

Cũng trong thời gian ở Huế, Nhơn còn làm tượng Quan Thế Âm, đúc bằng đồng đen, được đặt trên bệ cao trước trung tâm Liễu Quán Huế, lúc ấy do thượng tọa thích Đức Tâm làm giám đốc. Mấy tháng gần đây, nghe có tin là các vị thượng tọa ở Huế đang bàn họp muốn dời tượng đó đi, chưa biết sẽ ra sao.

Ngoài những tượng lớn, Nhơn còn làm nhiều tác phẩm điêu khắc cở vừa và nhỏ bằng thạch cao, đá granito hay đúc đồng. Trịnh Công Sơn có nhiều tượng đẹp của Nhơn tặng, hiện vẫn còn để ở nhà 47C Phạm Ngọc Thạch. Chân dung Sơn do Lê Thành Nhơn làm gần đây nhất, với đường nét, khối mạnh. Tiếc là gia đình không để cái tượng ấy trước mộ Sơn, mà để tượng của một người làm điêu khắc đá Non Nước Đà Nẵng thực hiện ... Thây kệ, như Trịnh Công Sơn hay nói.

Nha Trang, kỷ niệm với Đại Học Duyên Hải.

Anh Trần Ngọc Lợi là viện trưởng hiện ở tại Michigan, Trương Hồng Sơn, giáo sư toán, phụ tá cho anh, hiện ở Maryland. Dự tính thành lập thêm phân khoa nghệ thuật, đã mời Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Lê Thành Nhơn và tôi về dự những buổi sinh hoạt của trường, nói chuyện về ngành của mình cho sinh viên, để gây không khí chuẩn bị cho việc thực hiện. Mùa hè 1974, chúng tôi đã có những buổi sinh hoạt với sinh viên tại trường và đêm lửa trại lớn trên ngọn đồi ở Đồng Đế. Những đêm ở biệt thự Cây Bàng, có cả Trùng Dương ghé ra. Bao nhiêu là dự tính, là ý kiến, là sinh hoạt sắp tới ... và không làm gì được nữa. Tháng 4, 1975 đã ập tới, hoang tàn. Bây giờ chỉ còn lại những cây phượng đỏ mà chúng tôi đã trồng, là dấu tích, khi vừa rồi anh Lợi về thăm nơi sinh hoạt cũ, là ngọn đồi cao nằm không xa trường đại học.

Thời gian sau 30.4.1975 đến nay, ở Úc

Tôi ít liên lạc với Nhơn, chỉ theo dõi bạn trên các báo chí, vẫn thích làm những việc đội đá vá trời, như lần Nhơn lên vùng núi Monaco, làm bức tường bằng đá quí, và sưu tầm đá, lắp đặt, bố cục thành tượng ... Những bức tranh hoành tráng, vẫn Gió và Lửa, vẫn những hình tượng con người đầy sinh động trong một vòng quay của thế giới, nhân loại. Thời gian này có các bạn ở Úc sống gần Lê Thành Nhơn sẽ viết đầy đủ hơn.

Tôi nhận ra một tình cảm cao quí hiếm có của các anh trong nhóm Việt, khi thực hiện một brochure in tranh, tượng và mấy bài viết ngắn, mấy lời phát biểu gọn của bạn bè thân thiết với Nhơn. Một tập sách đẹp để Nhơn nhìn thấy trước khi từ giã bạn bè. Nhơn đã sống, và hiến tặng tài năng mình, với nhân cách của một nghệ sĩ như thế nào mới được bạn bè thương yêu quí trọng như vậy.

Lần điện thoại thăm Nhơn cuối cùng

Tôi vốn ít sử dụng điện thoại nên lần điện thoại thăm Nhơn cuối cùng cũng đã hơn hai tháng nay. Hỏi chuyện gia đình, Nhơn vui vẻ kể về con cái đã trưởng thành, đã ra đời, yên tâm. Nhơn nói, đặc biệt có thằng Đực (tên ở nhà của Lê Hưng) nay là một danh hài trên các show truyền hình của Úc. Hung Lee được mời lưu diễn khắp nước Úc. Nổi tiếng và sống giản dị , như bố. Hai cô con gái và một con trai nữa của Nhơn cũng đã vững vàng công việc. Và làm sao không kể đến chị nhà. Từ lâu lắm chưa gặp lại chị. Hồi xưa, chưa bao giờ nghe chị nói, đó là một phụ nữ miền Nam phúc hậu, con nhà giàu, thừa hưởng của gia đình một tủ sách quí. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, thường mượn những bộ sách mỹ thuật , những sách lý thuyết về thẩm mỹ về đọc. Tôi mới nhắc lại với Nhơn hôm điện thoại ... tủ sách ấy đã tiêu tan từ lâu, cùng với những thùng sách nhạc của Trịnh Công Sơn đem gửi nhà Nhơn.

101 Nguyễn Du, hiện nay là một building cao tầng, có một galerie triển lãm tranh đẹp. Đi ngang qua, vẫn nhớ Lê Thành Nhơn, với dáng đi lều khều, hơi chồm tới trước, vẻ mặt đầy tư lự , cười nói đùa giỡn cùng bạn bè. Và bao giờ cũng trở lại với những ước mơ làm công việc lớn ... Mộng chưa thành, căn nhà cũ, và thời trai trẻ của chúng ta bị cắt đứt một thời gian dài chưa kịp nối lại con đường mà chúng ta đã sống hết lòng, ấp ủ bao lý tưởng, với nghệ thuật.

Nhắc lại về người thầy

Người thầy mà Nhơn học được nhiều nhất cho những tác phẩm điêu khắc sau này là Lê Ngọc Huệ. Năm 1961, thầy Huệ từ Pháp về dạy điêu khắc (sinh năm 1936, cựu sinh viên Mỹ Thuật Montpellier – Paris). Đưa những phương pháp, cách nhìn mới, đó là sự cách điệu của khối, mảng, dùng lằn ranh giữa hai mảng, khối đó tạo ánh sáng và nhịp điệu cho tượng.

Tất nhiên, vẫn không tránh khỏi cái bóng lớn lao của những Brancusi, Henri More cuả thập niên 1960. Nhơn còn gần với Alberto Giacometti hơn, trong những tượng đồng hiện thực với những dáng người khắc khổ, như chảy dài... Tôi hỏi Nhơn có gặp lại thầy Huệ ở Pháp không, Nhơn nói, thầy Huệ hiện sống với bà vợ đầm. Làm phim hoạt họa, không thành công lắm.

Thầy chỉ hơn bốn tuổi, còn sống. Mà hai người sinh viên tài năng : Mai Chửng, Lê Thành Nhơn đều đã không còn nữa...

Xa xôi quá, chỉ còn biết ngậm ngùi thương tiếc bạn. Bạn hãy về rong chơi cùng Sơn, cùng Mai Chửng ở dưới ấy, như thời thơ mộng của chúng ta. Mai kia tôi về...

Đinh Cường

Virginia, 12.11.2002

_________________________

[1] Thủ Dầu Một nay là Tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Việt

[2] Chùa Huệ Nghiêm – Phú Lâm


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021