thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cánh cửa phòng biệt giam đóng lại
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Arthur Koestler

(1905-1983)

 

Arthur Koestler — tiểu thuyết gia, ký giả và phê bình gia Anh quốc — sinh năm 1905 tại Budapest, Hungary. Năm 1922, ông vào đại học ở Vienna, Áo quốc. Năm 1926, ông bỏ học, sang Palestine, và bắt đầu dấn thân vào những phong trào đầu tranh xã hội. Năm 1937, trong cuộc nội chiến Tây-ban-nha, ông bị chế độ độc tài Franco cầm tù và kết án tử hình. Những chiến dịch phản đối của giới trí thức quốc tế, song song với biện pháp ngoại giao của chính phủ Anh quốc, đã giúp ông được trả tự do. Năm 1940, ông lại bị chế độ Vichy cầm tù ở Pháp. Sau khi được trả tự do, ông về sống tại Anh quốc và theo đuổi một sự nghiệp văn chương đầy thành công cho đến cuối đời.
 
Ông được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết Darkness at Noon (Bóng tối giữa trưa, 1940), một cuốn sách phản ảnh sự đoạn tuyệt của ông với Đảng Cộng Sản (vốn là một lý tưởng lớn của ông). Darkness at Noon được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới và được dựng thành kịch và phim. Năm 2000, ban chủ biên của Modern Library đặt Darkness at Noon vào hàng thứ 8 trong danh sách 10 tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ngoài tác phẩm này, Koestler còn viết 5 tiểu thuyết khác, và hơn 30 tập luận văn giá trị về các đề tài triết học, khoa học, sân khấu và chính trị. Ông tự tử năm 1983.
 
"The Cell Door Closes" (Cánh cửa phòng biệt giam đóng lại) là một trích đoạn từ chương VII của cuốn tự truyện Spanish Testament (Chứng thư Tây-ban-nha, 1937), sau này được viết lại và đổi nhan đề thành Dialogue with Death (Đối thoại với cái chết, 1942).

 

___________________

 

CÁNH CỬA PHÒNG BIỆT GIAM ĐÓNG LẠI

 

Đó là một âm thanh độc đáo. Cánh cửa phòng biệt giam không có tay nắm, cả phía ngoài lẫn phía trong. Người ta không thể đóng nó lại bằng cách nào khác ngoài cách xô nó đánh sầm vào khung cửa. Nó được làm bằng thép và bê tông đúc thành tấm, dày chừng hơn một tấc, và mỗi lần nó đóng lại thì có một tiếng va chạm dữ dội nghe như một phát súng bắn. Nhưng tiếng nổ này tắt lịm đi ngay, không một âm vọng. Những âm thanh trong tù thì lạnh lẽo và không có tiếng dội.

Khi cánh cửa đã đóng sầm lại lần đầu tiên sau lưng, người tù đứng giữa phòng và nhìn quanh. Tôi tưởng tượng rằng bất cứ ai mới vào tù cũng ít nhiều có những cử chỉ giống như nhau.

Trước hết, anh lướt mắt nhìn quanh bốn bức tường và làm một bản kiểm kê trong trí về tất cả những đồ vật thuộc về khoảng không gian mà lúc này đã trở thành nơi cư ngụ của anh:

cái giường sắt
chậu rửa mặt
cầu tiêu
khung cửa sổ có những chấn song

Hành động tiếp theo của anh thì không gì khác hơn là ráng sức đu lên những chấn song sắt nơi cửa sổ để nhìn ra ngoài. Anh thất bại và tấm áo khoác của anh bị phủ một lớp bột vữa trắng tróc ra từ bức tường mà anh đã áp người vào. Anh bỏ cuộc, nhưng quyết định sẽ tập luyện cho thành thạo việc đu người lên bằng hai tay. Thật vậy, anh nghĩ đến tất cả những giải pháp đáng được tuyên dương; anh sẽ tập thể dục mỗi buổi sáng và học một ngoại ngữ, và anh nhất quyết không để tinh thần suy sụp. Anh phủi bụi trên áo khoác và tiếp tục cuộc khám phá chung quanh cái lãnh thổ nhỏ nhoi của mình — năm bước chiều dài, bốn bước chiều ngang. Anh nằm thử lên cái giường sắt. Những chiếc lò xo gãy xụm, tấm lót giường bằng lưới kẽm oằn xuống và cắt vào thịt; anh có cảm giác như nằm trên một chiếc võng làm bằng sợi thép. Anh nhếch mép cười, quyết tâm chứng tỏ mình đầy can đảm và tự tin. Rồi tia nhìn của anh dừng lại nơi cánh cửa phòng biệt giam, và anh thấy một con mắt đang dán vào cái lỗ nhỏ trên cửa, rình anh chằm chặp.

Con mắt trâng trâng soi vào anh một ánh nhìn vô cảm với cái đồng tử lớn khác thường. Đó là một con mắt không dính liền với một con người nào cả, và trái tim của người tù chợt ngừng đập trong một khoảnh khắc.

Con mắt biến đi và người tù hít vào một hơi thở sâu, ép bàn tay vào phía trái lồng ngực mình.

"Thế đấy," anh tự nhủ để khuyến khích chính mình, "thật là dại dột mà hoảng sợ như vậy. Mày phải làm quen với điều đó. Chẳng qua đó chỉ là thằng cán bộ đang làm nhiệm vụ rình qua lỗ khoá. Đó là một phần của sinh hoạt trong tù. Nhưng bọn chúng sẽ không thể làm cho ta sa sút tinh thần, bọn chúng sẽ không bao giờ có thể làm cho ta sa sút tinh thần. Đêm nay ta sẽ nhét giấy vào cái lỗ nhòm lén ấy..."

Nói cho đúng thì không có lý do gì khiến anh không thể làm điều ấy ngay lập tức. Ý tưởng nhét giấy vào lỗ khoá làm dâng lên trong anh một nỗi nao nức thực sự. Lần đầu tiên anh cảm nhận được nỗi khao khát gần như điên dại rằng mình cần phải hoạt động, và từ giây phút ấy trở đi nỗi khao khát ấy sẽ liên tục — lúc dâng lên, lúc hạ xuống theo một đường chữ chi không bao giờ dứt — hoán vị với tâm trạng ưu sầu và thất vọng.

Rồi anh nhận ra rằng anh không mang theo tờ giấy nào, và phản ứng tâm lý tự nhiên của anh — xuất phát từ vị thế của anh trong xã hội — là muốn nhấc điện thoại lên quay số hoặc chạy đến tiệm sách nơi góc đường. Cái phản ứng tâm lý tự nhiên này chỉ xảy ra trong vòng chưa đến một giây đồng hồ. Rồi ngay lập tức sau đó anh bắt đầu trở nên tỉnh táo để nhận thức trạng huống trầm trọng thực sự của mình. Lần đầu tiên anh anh nắm bắt được cái hiện thực đúng nghĩa của cuộc sống đằng sau một cánh cửa khoá trái từ bên ngoài, nắm bắt nó với trọn vẹn nỗi đau đớn cháy bỏng đến tan nát tâm hồn...

Và mọi sự sẽ tiếp tục kéo dài mãi như thế này — trong bao nhiêu phút, bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm nữa.

Anh đã ở trong phòng biệt giam này bao lâu rồi?

Anh nhìn đồng hồ đeo tay: chỉ mới đúng ba phút.

 

 

------------------------------------
Nguồn: Trích dịch từ chương VII, trong Arthur Koestler, Dialogue with Death [bản Anh ngữ của Trevor & Phyllis Blewitt] (New York: Macmillan, 1942) 59-60. Chương này được in lại dưới nhan đề "The Cell Door Closes", trong tuyển tập This Prison Where I Live: The PEN Anthology of Imprisoned Writers [Siobhan Dowd biên tập, và Joseph Brodsky viết lời tựa] (London: Cassell, 1996) 13-14.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021