thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bán chữ
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Lianne Mercer là một nhà văn, nhà thơ, và chuyên gia về "thi ca liệu pháp" (poetry therapy - phương pháp dùng thơ để chữa bệnh tâm thần). Truyện ngắn của chị đã được chọn vào tuyển tập Tales of Magic Realism by Women: Dreams in a Minor Key, Susanna J. Sturgis biên tập (California: Crossing Press, 1991), và đã đăng trên những tạp chí như Hayden's Ferry Review, Thema, New Texas, Margin... Trong năm 2005, những cuốn sách do chị viết hoặc biên tập gồm có Compassionate Witness: Before We Say Good-Bye (Fredericksburg,Texas: Barons Creek Press, 2005); Plains, Deserts, Canyons, Mountains: Women Write About the Southwest (Texas: University of Texas Press, 2005); và The Poetry of Nursing: Poems and Commentaries of Leading Nurse-Poets (Kent, Ohio: Kent State University Press, 2005).

 

________________________

 

Trong bếp của một ngôi nhà nhỏ màu vàng với những cửa chớp màu trắng đã long bản lề, trên một con đường hẹp tên là Santiago chỉ dài bằng hai dãy phố, một bà già tên là Anita rán những con chữ trong một cái chảo đen. Trên tấm bạt màu vàng nâu sạch sẽ, một con gà mái và một con gà trống giương cánh chấp chới. Chúng tin vào của bố thí -- những mảnh cháy.

Nhưng Anita lại cẩn thận. Chỉ vài chữ bén lửa. Những chữ bị cháy thành than không còn nhận dạng được thì lại càng ít hơn nữa. Anita cho cặp gà trống mái vô danh ăn những chữ chưa rán. Chúng đang học thưởng thức mùi vị ấy. Từ một dãy những cái bát thuỷ tinh màu hồng ngọc, màu lục và màu vàng (những món quà từ mẹ của bà), Anita nhặt những loại từ để dùng cho hôm ấy. Khi bà còn ở lớp chín, bà yêu văn phạm dù bà chỉ được điểm D+ vì bà mất quá nhiều thì giờ để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha và dịch ngược lại khi bà vẽ biểu đồ những câu văn.

Bà rửa, xắt lát, gọt, và bóp cho mềm. Sau khi rán, Anita thả những con chữ nóng vào những tấm khăn giấy đặt trên những chiếc khay móp méo đựng bánh nướng. Khi những con chữ đã nguội, Anita đặt chúng giữa những lớp khăn vải lanh bạc phếch đã bị giặt quá nhiều lần đến nỗi chúng mềm nhũn như tai chó cốc. Bà đặt những chữ đã được gói lại vào bốn chiếc rổ và bưng chúng ra chợ, rồi bà ngồi xổm gần người làm bánh bột giòn, và bán chúng sau giờ ngủ trưa và trước khi những tiếng nói ồn ào của bọn khách du lịch làm át đi thứ âm nhạc tinh tế của khu chợ.

Khách hàng của bà là những con người thâm trầm trong chiếc T-shirt và giày Dockers, hay váy chùng và áo vải sô, hay quần cộc và sơ-mi vải bông chéo nhuộm màu, với ống tay áo phủ dài xuống để tránh nắng và tránh những lời đàm tiếu về những hình xăm. Anita không hỏi họ mua chữ để viết cái gì, cũng không lắng nghe khi họ phàn nàn về tác phẩm bị từ chối và về sự thiếu khả năng của họ trong việc chọn những chữ thích đáng.

Công việc bán chữ của bà phát triển nhờ lời truyền miệng. Tuần trước, khi một tài xế đỗ chiếc Lincoln đen nhánh và để máy nổ trong lúc ông chủ nhiệm phân khoa Anh ngữ của một học viện ở địa phương mua một tổng hợp những danh từ và động từ, Anita đã không thắc mắc chút nào cả.

Những con chữ không có cùng một giá tiền.

Chúng cũng không có cùng một mùi vị.

Những danh từ đôi khi có mùi xúp mướp tây, đôi khi có mùi thịt hầm. Anita lắng nghe những con chữ sống dậy trên ngọn lửa, rồi dùng những gia vị thích nghi để làm tăng mùi thơm ngon. Những tính từ của bà gây trên lưỡi một vị cay cay không hẳn là của tiêu. Những trạng từ nhúng vào bột bắp thì rẻ tiền và có đầy chất béo.

Những động từ thì đắt tiền. Anita chỉ rán có ba loại.

Những gã rách rưới bị đời quên lãng dốc hết túi bạc cắc để mua những động từ hơi mờ đục với ngò và chanh xanh, ăn vào nổ tung trong miệng và trong óc.

Những động từ được ướp đường và bơ của thời tương-lai-hoàn-thành thì lọt vào tay của những thiếu nữ viết nỗi lòng thầm kín của mình trong những bài thơ tình gửi đến những chàng trai có đôi mắt đen và những dấu tán thán nhặt từ những gói thuốc lá mà họ không được phép mua vì còn quá trẻ.

Nhưng giới phụ nữ trung niên mới là đối tượng để bà bán loại thứ ba: những động từ thuộc thể giả định ở thời quá khứ bị rán già lửa trông giống như những cánh hoa hồng đang chết khô co rúm nhợt nhạt trước sự lãnh đạm của những người tình cũ.

Một số phụ nữ không nhìn vào mắt bà; họ kín đáo mua những con chữ rồi lẩn mất vào cái mùi mằn mặn của bánh bột giòn. Những người khác thì giả vờ đang mải nhìn nơi khác, tia mắt họ phóng dọc theo những quầy bán đá quý, mũ gắn lông chim và ví da. Sau khi nhận tiền từ tay họ, trong lúc họ còn đang nói, Anita nhìn ra sau lưng họ để chào người khách hàng kế tiếp. Nhưng cũng có một vài phụ nữ mua chữ với thái độ bất chấp, họ lôi những mớ tiền nhàu nát từ chiếc ví đựng đầy những danh sách và những cái kẹp giấy.

Hẳn là Anita có thể nói với tất cả những phụ nữ này rằng họ đang quá nông nổi. Bởi những đôi mắt của họ kể những câu chuyện của họ còn mạch lạc hơn nhiều so với những con chữ. Nhưng bà không nói.

 

 

---------------------
Nguyên tác: "For Sale", đăng trên tạp chí Margin (June, 2001).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021