thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bánh mì

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

MARGARET ATWOOD

(1939~)

 

Margaret Atwood — thi sĩ, tiểu thuyết gia và phê bình gia — là một khuôn mặt nổi bật của văn chương Canada hậu hiện đại. Bà nổi tiếng như một cây bút nữ quyền với kỹ thuật hư cấu độc đáo. Lối viết của bà biểu lộ một trí tưởng tượng cực kỳ phong phú và mạnh mẽ, nhưng những hình tượng huyễn ảo trong tác phẩm của bà lại phóng dọi sâu sắc vào bản chất của hiện thực cuộc sống đương đại. Bà đã viết một số lượng tác phẩm rất đồ sộ, và đã được trao rất nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải Booker Prize năm 2000 cho tiểu thuyết The Blind Assassin. Atwood đã từng là Chủ Tịch của Writers' Union of Canada vào năm 1981-1982, và Chủ Tịch của International P.E.N., chi nhánh Canada, từ 1984 đến 1986.

 

___________________

 

BÁNH MÌ

 

Hãy tưởng tượng một miếng bánh mì. Bạn không cần tưởng tượng nó, nó ở ngay trong bếp này, trong cái bao nhựa của nó, trên cái thớt cắt bánh mì, bên cạnh chiếc dao cắt bánh mì. Chiếc dao cắt bánh mì là một chiếc dao cũ bạn mua được trong một cuộc đấu giá; nó có chữ BÁNH MÌ khắc vào cái cán gỗ. Bạn mở cái bao, kéo lớp giấy bọc ra phía sau, cắt cho chính mình một lát bánh. Bạn trét bơ lên bánh, rồi trét thêm bơ đậu phộng, rồi mật ong, và bạn xếp nó lại. Một chút mật ong chảy ra dính vào những ngón tay bạn và bạn liếm lấy nó. Bạn mất chừng một phút để ăn xong miếng bánh mì. Miếng bánh mì này ngẫu nhiên là bánh mì nâu, nhưng cũng có bánh mì trắng, trong tủ lạnh, và một ổ bánh lúa mạch đen bạn mua hồi tuần trước, lúc ấy nó tròn như một cái bao tử no nê, nhưng bây giờ thì đã lên mốc. Thỉnh thoảng bạn cũng có làm bánh mì. Bạn cho rằng làm bánh mì là một thứ động tác tiêu khiển thoải mái cho hai bàn tay của bạn.

 

Hãy tưởng tượng một nạn đói. Rồi bây giờ hãy tưởng tượng một miếng bánh mì. Cả hai đều có thật, nhưng bạn ngẫu nhiên ở cùng phòng với một thứ mà thôi. Hãy đặt chính bạn vào một phòng khác, đó là công việc dành cho trí óc. Bây giờ bạn đang nằm trên một tấm đệm mỏng trong một căn phòng nóng bức. Những bức vách được làm bằng đất khô, và cô em gái của bạn đang ở trong phòng với bạn. Cô ấy đang đói, bụng cô đầy hơi, những con ruồi đậu lên mắt cô; bạn dùng bàn tay đuổi chúng bay đi. Bạn cũng có một tấm vải, nhớp nhúa nhưng ẩm ướt, và bạn đắp nó lên môi và trán của cô ấy. Miếng bánh mì này là miếng bánh mì bạn để dành, dường như đã nhiều ngày. Bạn cũng đói như cô ấy, như chưa yếu sức đến thế. Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Khi nào sẽ có người mang thêm bánh mì đến? Bạn muốn đi ra ngoài để xem thử có tìm thấy cái gì ăn được không, nhưng ở ngoài kia đường phố đầy nhung nhúc những kẻ bới rác và mùi thối của những xác chết bốc lên nồng nặc khắp nơi.

Bạn nên chia miếng bánh mì, hay cho em gái nguyên cả miếng? Bạn có nên ăn miếng bánh mì một mình? Nói cho cùng, bạn có nhiều cơ hội sống sót hơn, vì bạn khoẻ hơn. Bạn mất bao lâu để quyết định?

 

Hãy tưởng tượng một nhà tù. Có một điều gì đó bạn biết mà bạn chưa nói ra. Những kẻ quản lý nhà tù biết rằng bạn biết. Những người khác cũng biết rằng bạn biết. Nếu bạn nói ra, thì ba bốn chục hay một trăm bằng hữu, đồng chí của bạn, sẽ bị bắt và bị giết. Nếu bạn không chịu nói ra, thì đêm nay sẽ có thể là đêm cuối cùng của bạn. Bọn chúng luôn luôn chọn ban đêm. Tuy nhiên, bạn không nghĩ về đêm nay, mà lại nghĩ về miếng bánh mì bọn chúng đã cho bạn. Bạn nghĩ mất bao lâu? Miếng bánh mì ấy nâu và mới, khiến bạn nhớ đến ánh nắng rơi ngang qua sàn gỗ. Nó khiến bạn nhớ đến một cái bát, một cái bát màu vàng có lần đã hiện diện trong nhà bạn. Cái bát ấy đã đựng những trái táo và lê; nó đã nằm trên một cái bàn mà bạn còn nhớ. Không phải cơn đói hay sự đau đớn đang giết bạn, mà chính là sự vắng mặt của cái bát màu vàng. Giá như bạn có thể cầm cái bát ấy trong hai bàn tay bạn, ngay ở đây, thì bạn có thể chịu đựng nổi bất cứ điều gì, bạn tự nhủ. Miếng bánh mì bọn chúng đã cho bạn là miếng bánh mì lừa đảo, nó phản bội, nó không có sự sống.

 

Ngày xửa ngày xưa có hai chị em. Người em thì giàu và không có con, người chị là một goá phụ, có năm đứa con và quá nghèo đến nỗi không còn gì để ăn. Người chị khốn cùng đến nhà người em và xin một ít bánh mì. "Các con của chị đang chết," người chị nói. Người em giàu đáp, "Tôi không có đủ cho tôi ăn," và xua người chị ra khỏi cửa. Thế rồi ông chồng của người em giàu về nhà và muốn ăn một miếng bánh mì, nhưng khi ông ta vừa cắt xong miếng đầu tiên, máu đỏ tràn ra.

Ai cũng biết điều đó có nghĩa là gì.

Đây là một truyện cổ tích của nước Đức.

 

Ổ bánh mì mà tôi gợi lên trong trí tưởng tượng của bạn thì đang trôi bồng bềnh trong không trung, cách mặt bàn nhà bếp chừng 3 tấc. Đây là một cái bàn bình thường, không có một hộc bàn bí mật nào cả. Một tấm khăn lau bát màu xanh đang trôi bồng bềnh bên dưới ổ bánh mì, và không có một sợi dây nào nối liền từ tấm khăn đến ổ bánh mì hay từ ổ bánh mì đến trần nhà hay từ mặt bàn đến tấm khắn; bạn đã khẳng định điều đó bằng cách quơ tay qua khoảng không ở trên và ở dưới. Tuy vậy, bạn không sờ vào ổ bánh mì. Cái gì ngăn bạn lại? Bạn không muốn biết phải chăng ổ bánh mì là có thật hay nó chỉ là một ảo ảnh mà bằng cách nào đó tôi đã khiến bạn nhìn thấy nó. Chẳng nghi ngờ gì nữa bạn có thể thấy ổ bánh mì, thậm chí bạn có thể ngửi được mùi của nó, nó có mùi men bánh, và nó có vẻ đủ cứng chắc, cứng chắc như cánh tay của chính bạn. Nhưng bạn có thể tin nó không? Bạn có ăn nó không? Bạn không muốn biết, hãy tưởng tượng như thế.

 

 

-------------------
Nguyên tác: "Bread", đăng trên tạp chí Iowa Review, Vol.12, No 2&3, 1981.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021