thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Câu chuyện về một bà cô tội nghiệp
Bản dịch của Hải Ngọc

 

Chuyện bắt đầu vào một buổi chiều chủ nhật cực kỳ đẹp trời trong tháng bảy – chính là cái buổi chiều chủ nhật đầu tiên của tháng. Phía một góc trời xa lác đác đôi ba cụm mây trắng xốp, nhỏ nhoi, tựa những dấu ngắt câu được đặt một cách đặc biệt cẩn thận. Không hề bị cản trở, ánh mặt trời rót lênh láng xuống thế gian. Trong vương quốc của tháng bảy, thậm chí một nhúm giấy bạc bọc sô cô la bị vứt lại trên bãi cỏ cũng hắt lên tia lấp lánh kiêu hãnh, như một mảnh pha lê dưới đáy hồ. Nếu bạn ngắm nhìn cảnh tượng ấy đủ lâu, bạn có thể nhận ra ánh mặt trời còn bao bọc một thứ ánh sáng nữa, giống như một chiếc hộp Trung Hoa[1] ở bên trong một chiếc hộp khác. Thứ ánh sáng bên trong ấy dường như được tạo nên bởi vô số hạt phấn hoa - những hạt phấn lơ lửng trong không trung, gần như bất động cho đến tận lúc chúng lắng xuống mặt đất.

Hôm đó, tôi đi dạo với một cô bạn và trên đường về nhà, chúng tôi dừng lại trước quảng trường bên ngoài Phòng tranh tưởng niệm Minh Trị Thiên Hoàng. Ngồi bên hồ, chúng tôi đưa mắt nhìn hai con kỳ lân bằng đồng dựng ở bên bờ đối diện. Một làn gió nhẹ làm xao xác những rặng sồi và khiến mặt hồ lăn tăn những làn sóng nhỏ. Thời gian dường như cũng chuyển động như làn gió ấy: gợn lên rồi lại ngừng lặng, ngừng lặng rồi lại gợn lên. Những lon soda hắt lên qua làn nước trong, như thể những phế tích bị chìm lắng của một thành phố đã mất. Đi ngang qua chúng tôi là một đội cầu thủ bóng chày trong bộ đồng phục của họ, một cậu bé lái xe đạp, một cụ già dắt chó đi dạo, một người nước ngoài trẻ tuổi mặc quần short, loại dành cho người tập chạy bộ. ੃húng tôi chợt nghe thấy một đoạn nhạc vọng ra từ một chiếc radio xách tay cỡ lớn đặt trên bãi cỏ: đó là một bài hát ngọt ngào về một mối tình đã thành dĩ vãng. Giai điệu bài hát nghe quen quen nhưng tôi không chắc chắn. Có lẽ nó từa tựa một bài hát mà tôi biết. Tôi có thể cảm nhận được cánh tay trần của mình đang lặng lẽ mơn man những tia nắng. Mùa hạ đang ở nơi đây.

Tại sao một bà cô tội nghiệp, trong tất cả mọi điều, lại ám ảnh tâm trí tôi giữa một buổi chiều chủ nhật như thế này? Tôi không hiểu nổi. Xung quanh đây chẳng có một bà cô tội nghiệp nào cả, chẳng có cái gì khiến tôi liên tưởng đến sự tồn tại của một bà cô như vậy. Thế nhưng một bà cô tội nghiệp lại xuất hiện trong đầu tôi và rồi bà biến mất. Giá mà, dù chỉ trong một phần trăm của một giây, bà ở trong tôi. Khi bà rời khỏi tôi, bà để lại một nỗi trống rỗng xa lạ, nỗi trống rỗng mang hình thù con người. Cứ như thể có ai đó vụt ngang qua một ô cửa sổ và rồi mất hút. Tôi chạy vội ra bên cửa, thò đầu ra ngoài thế nhưng chẳng có ai ở đó hết.

Một bà cô tội nghiệp?

Tôi cố nói rõ từng từ cho người bạn đồng hành. “Tớ muốn viết một cái gì đó về một bà cô tội nghiệp”. Tôi bảo.

“Một bà cô tội nghiệp?”. Nàng có vẻ hơi ngạc nhiên. “Tại sao lại là một bà cô tội nghiệp cơ chứ?”

Tôi không biết tại sao cả. Không hiểu sao những điều choán lấy tôi bao giờ cũng là những điều tôi không hiểu. Trong một lúc, tôi chẳng biết nói gì, chỉ di di ngón tay theo đường viền của nỗi trống rỗng mang hình thù con người trong tôi.

“Mình không biết là có người nào muốn đọc một câu chuyện như vậy không”, cô bạn của tôi nói.

“Phải”, tôi nói. “Nó có thể không phải là loại mà bạn cho là ‘đọc được’”.

“Thế sao cậu lại viết một thứ như thế?”

“Tớ không thể nói rõ bằng lời được”. Tôi nói. “Để giải thích vì sao tớ lại muốn viết một câu chuyện về một bà cô tội nghiệp, có lẽ tớ phải viết ra câu chuyện đó. Nhưng khi câu chuyện đó hoàn thành rồi thì liệu có cần phải giải thích vì sao lại viết nó hay không nhỉ?”

Nàng mỉm cười và rút một điếu thuốc nhàu nhò từ túi áo ra rồi châm lửa. Những điếu thuốc của nàng lúc nào cũng nhàu nhò, thỉnh thoảng chúng tệ hại đến nỗi rất khó bén lửa. Nhưng điếu thuốc này thì không thế.

“Trong họ hàng của cậu có bà cô tội nghiệp nào không?” Nàng hỏi.

“ Không có ai cả”, tôi trả lời.

“ Mình thì có đấy. Chính xác là có một bà cô. Con số một ở đây hoàn toàn xác định. Mình thậm chí đã ở cùng với bà ấy mấy năm.”

Tôi nhìn vào mắt nàng. Mắt nàng vẫn bình thản như vốn thế.

“Nhưng mình không muốn viết về bà ấy,” nàng nói thêm. “Mình không muốn viết dù chỉ một từ về bà cô của mình.”

Chiếc radio xách tay bắt đầu mở một bản nhạc khác, rất giống với bài đầu tiên, nhưng bản nhạc này tôi hoàn toàn không nhớ ra.

“Trong nhà cậu không có một bà cô tội nghiệp nào cả, vậy mà cậu vẫn muốn viết một câu chuyện về một bà cô tội nghiệp. Trong khi đó, mình có một bà cô tội nghiệp thực sự, một nhân vật sống, nhưng tớ chẳng hề muốn viết về bà ấy.”

Tôi gật đầu. “Tớ cũng băn khoăn không biết vì sao lại như vậy.”

Nàng gõ đầu nhè nhẹ và không nói gì. Nàng ngồi xây lưng lại với tôi, miết những ngón tay mảnh mai của mình thành vệt trên làn nước. Dường như câu hỏi của tôi đang tuột qua kẽ tay nàng và từ từ chìm xuống cái thành phố điêu tàn bên dưới mặt hồ.

Tôi băn khoăn không biết vì sao. Vì sao như vậy? Vì sao?

“Thực ra thì,” nàng nói, “cũng có một vài điều mình muốn nói về bà cô tội nghiệp của mình. Nhưng mình không biết nói sao cho đúng cả. Mình chỉ không thể làm được điều ấy, bởi vì mình có một bà cô tội nghiệp thực sự”. Nàng cắn môi. “Điều đó thật khó - khó khăn hơn những gì cậu có thể hình dung rất nhiều”.

Tôi ngước mắt lên, nhìn hai con kỳ lân đồng một lần nữa, hai vó trước của nó dựng lên như thể chúng đang phản đối một cách giận dữ dòng chảy của thời gian vì đã bỏ rơi chúng lại. Nàng chùi tay vào gấu áo. “Cậu định viết về một bà cô tội nghiệp,” nàng nói, “Cậu chuẩn bị bắt tay vào công việc này. Mình không rõ cậu có khả năng làm việc ấy ngay lúc này không. Thậm chí cậu còn không có một bà cô tội nghiệp nào cả.”

Tôi hắt một hơi thở dài và sâu.

“Mình xin lỗi”, nàng nói.

“Không sao cả”.Tôi đáp. “Có lẽ là cậu đúng”.

Và quả là như thế.

Hừm. Y như những câu hát vậy.

 

Có thể ngẫu nhiên là bạn cũng chẳng có một bà cô tội nghiệp nào trong số họ hàng của mình. Nếu vậy, chúng ta còn có điểm chung nào đấy. Nhưng hẳn là bạn, ít nhất đã một lần, nhìn thấy một bà cô tội nghiệp trong đám cưới của ai đó. Giống như ở giá sách nào cũng có một cuốn sách không ai đọc và ở tủ quần áo nào cũng có một chiếc áo chưa từng được mặc bao giờ, trong mọi tiệc cưới đều có một bà cô tội nghiệp.

Không ai bận tâm giới thiệu bà. Không ai nói chuyện với bà. Không ai mời bà phát biểu. Bà chỉ ngồi đó tại bàn, như một chai sữa đã cạn rỗng. Một cách nhỏ nhẹ buồn bã, bà nhấm nháp bát nước súp của mình. Bà dùng món salad bằng chiếc dĩa dùng cho cho món cá. Bà là người duy nhất không có thìa khi món kem được dọn ra.

Ừ thì hình của bà vẫn có đó, mỗi khi người ta giở album ảnh đám cưới ra xem nhưng hình ảnh của bà được người ta chú ý đến chỉ như một cái xác chết chìm, không hơn.

“Anh yêu, người phụ nữ này là ai vậy, cái người đứng ở hàng hai, đeo kính ấy?”

“Để ý làm gì cho mệt, đó là một người không quan trọng,” anh chồng trẻ trả lời. “Bà cô tội nghiệp của anh ấy mà.”

Không có tên. Chỉ là một bà cô tội nghiệp.

Mọi cái tên, tất nhiên, đều nhoà mờ. Có những người mà cái tên của họ nhòa đi vào phút họ nhắm mắt qua đời. Lại có những người mà sự ra đi của họ giống như một cái ti vi đã cũ, màn hình chập chờn, cho đến bất ngờ một ngày, cái ti vi đó cháy hoàn toàn. Và có những người mà tên của họ nhoà mờ thậm chí trước cả khi họ chết - ấy là những bà cô tội nghiệp. Thỉnh thoảng chính bản thân tôi lại rơi vào tình trạng vô danh như những bà cô tội nghiệp ấy. Giữa không khí ồn ã của một sân ga hay ở nhà đón khách của sân bay, bỗng nhiên đích đến của tôi, tên của tôi, địa chỉ của tôi, tẩt cả không còn tồn tại trong đầu óc tôi nữa. Nhưng tình trạng này chưa bao giờ kéo dài: nhiều lắm cũng chỉ đến năm hay mười giây.

Và thỉnh thoảng cũng xảy ra một tình huống như thế này. Một người nào đó bảo: “Cả đời tôi, tôi chẳng thể nào nhớ nổi tên của cậu cả.” “Không có chi. Đừng bận lòng vì điều đó. Dẫu sao thì cái tên thì cũng chẳng quan trọng lắm”.

Người ấy chỉ vào miệng mình nói đi nói lại: “Không, tôi sẽ nhớ ra ngay thôi mà, tôi thề đấy”.

Tôi cảm tưởng như mình đã bị vùi xuống đất, chỉ còn nửa bàn chân trái ló ra. Người ta vấp phải nó và bắt đầu cuống quýt xin lỗi. “Tôi thề đấy, chỉ chút nữa, tôi sẽ nhớ ra ngay thôi mà”.

Những cái tên bị mất đó biến đi đâu? Khả năng sống sót của nó trong mê cung của một thành phố chắc chắn là vô cùng thấp. Tuy thế, cũng có thể có vài cái tên sống sót và tìm được đường về cái thị trấn của những cái tên bị mất, nơi mà những cái tên ấy tạo dựng nên cộng đồng của mình, một cộng đồng nhỏ bé lặng lẽ. Đó là một thị trấn nhỏ, ở ngay lối vào có cắm một tấm biển: “Không phận sự miễn vào”. Kẻ nào không có việc gì mà lại muốn đột nhập vào thị trấn đó sẽ phải nhận một hình phạt nho nhỏ thích đáng.

 

Có lẽ đó là lý do tại sao một hình phạt nho nhỏ đã dành sẵn cho tôi. Một bà cô tội nghiệp - một bà cô nho nhỏ đã bám chặt vào lưng tôi.

Đó là vào khoảng giữa tháng tám khi lần đầu tiên tôi nhận ra bà cô ở đó. Không có gì đặc biệt mách bảo cho tôi biết về sự hiện diện của bà. Vào một ngày, tôi nhận ra điều đó, rất đơn giản: Tôi có một bà cô tội nghiệp trên lưng. Đó không phải là một cảm giác khó chịu. Bà hoàn toàn không nặng nề. Bà không phả hơi thở khó chịu qua vai tôi. Bà chỉ bám chặt vào đó, trên lưng tôi, như một cái bóng. Người ta thậm chí phải nhìn kỹ mới có thể nhận ra bà ở đó. Thật vậy, những con mèo ở chung căn hộ với tôi mấy ngày đầu còn nhìn bà với ánh mắt nghi ngại, nhưng ngay khi hiểu rằng bà không hề có mưu mô gì trên lãnh địa của chúng, chúng đã chấp nhận bà.

Bà khiến một vài người bạn của tôi lo lắng. Chúng tôi ngồi uống rượu và bà nhìn lén qua vai tôi.

“Bà ấy khiến tớ rùng mình”, một người bạn nói.

“Đừng lo lắng bởi bà ấy. Bà ấy có việc của bà ấy. Bà ấy vô hại mà.”

“Tớ biết, tớ biết. Nhưng tớ không hiểu – bà ấy khiến tớ thấy u ám quá.”

“Cố đừng nhìn vào bà ấy nữa.”

“Ừ, mình nghĩ thế.” Rồi thở dài. “Thế cậu phải đi đến đâu để vác ੶ề một thứ như vậy trên lưng hả?”

“Tớ chẳng đi đâu cả. Tớ chỉ nghĩ mãi về một vài điều gì đó. Và thế là… vậy đấy.”

Anh bạn gật đầu và lại thở dài. “Tớ nghĩ là mình hiểu được điều đó. Đấy là tính cách của cậu. Lúc nào tính của cậu cũng như vậy.”

“À, ừ.”

Sau đấy, chúng tôi nhấm nháp thêm vài ly wishkey nữa nhưng chẳng hào hứng lắm.

“Này, nói cho tớ biết,” tôi nói, “điều gì ở bà ấy khiến cậu thấy u ám?”

“Tớ không rõ. Thấy bà ấy giống như mẹ mình đang theo dõi mình vậy.”

 

Theo ấn tượng của một số người ( bởi bản thân tôi không thể nhìn thấy bà được), dính chặt trên lưng tôi không phải là một bà cô tội nghiệp với một hình dạng độc nhất, cố định: dường như hình dáng của bà thay đổi tuỳ theo người quan sát bà, cứ như thể bà được tạo nên bởi ête vậy.

Đối với một anh bạn của tôi, bà là một con chó của anh ta, thuộc giống Akita, con chó đã chết hồi mùa thu năm ngoái vì ung thư thực quản.

“Dẫu sao con chó này cũng sắp chết rồi, tớ nghĩ thế. Nó đã được mười lăm tuổi. Nhưng chết như thế thì thật khủng khiếp, tội nghiệp thay!”

“Vì ung thư thực quản?”

“Phải. Điều đó thật đau đớn. Tất cả những gì nó có thể làm là tru lên, mặc dù đến lúc đó nó đã gần như mất hết giọng. Tớ muốn cho nó ngủ nhưng mẹ tớ không cho phép.”

“Sao lại không?”

“Ai mà biết được? Nhà tớ đã cố giữ cho con chó sống khoảng hai tháng bằng ống hút thức ăn. Để nó ở ngoài chuồng. Trời ơi, nó hôi thối kinh lên được.”

Anh bạn im lặng một lát.

“Nó không còn là chó nữa. Nó sợ đến cả cái bóng của mình. Nó sủa đối với bất cứ ai đi qua. Một con vật hoàn toàn vô dụng. Lúc nào cũng sủa đến điếc tai, mình mẩy toàn ghẻ là ghẻ.”

Tôi gật gù.

“Đáng lẽ nó nên mang kiếp con ve. Con ve có thể gào đến vỡ đầu mình mà không ai nguyền rủa nó cả. Lại cũng không phải chịu cái bệnh ung thư thực quản”.

Nhưng bà cô của tôi vẫn ở đó, trên lưng tôi, một con chó với cái ống hút nhựa thập thò.

 

Đối với một nhân viên môi giới nhà đất mà tôi quen, bà cô tội nghiệp của tôi lại là cô giáo cũ ở trường tiểu học của ông ta.

“Chắc đó là hồi năm 1950, năm đầu tiên của cuộc chiến tranh Triều Tiên”, ông vừa nói vừa lấy khăn lau mồ hôi trên mặt. “Tôi đã học bà ấy hai năm liên tục. Gặp lại bà như được thấy lại cái thời xưa cũ. Không phải là tôi đã nhớ đến bà, thành thật mà nói, thậm chí tôi còn quên là bà đã tồn tại trên đời.”

Theo cách mà ông mời tôi một ly trà lúa mạch đá thì dường như ông nghĩ rằng tôi hẳn là họ hàng gì đấy của bà giáo trường tiểu học của ông ngày trước.

“Nhớ lại thì thấy cuộc đời của bà ấy thật buồn. Chồng của bà phải tòng quân đúng năm họ vừa lấy nhau. Ông ấy đi trên một chuyến tàu vận chuyển quân dụng và thế rồi bị trúng bom. Chuyện đó xảy ra chắc là vào năm 1943. Sau đó bà ấy vẫn tiếp tục dạy học ở trường. Rồi bà bị nhiều vết bỏng nặng trong những đợt không kích năm 44. Cả phần bên trái mặt bà cho đến tận cánh tay.” Ông lấy tay vẽ một đường vòng cung từ gó má của mình xuống đến tay trái. Rồi ông hớp cạn ly trà và lại chùi mặt. “Thật đáng thương. Bà ấy hẳn là đẹp lắm trước khi chuyện này xảy ra. Tính cách của bà ấy cũng đổi khác. Bà ấy có lẽ cũng gần tám mươi tuổi nếu như còn sống”.

 

Thế rồi cùng một lúc, bạn bè tôi bỏ rơi tôi, như những chiếc răng lược rụng rời khỏi chiếc lược. “Cậu ấy không phải là người xấu”, họ sẽ bảo thế, “nhưng tôi không muốn cứ phải nhìn thấy bà mẹ khổ não của mình” – hay con chó chết vì ung thư thực quản, bà giáo với những vết sẹo bỏng - “mỗi khi gặp cậu ấy”.

Tôi bắt đầu cảm thấy mình giống như một chiếc ghế trong phòng nha sĩ - người ta không ghét nhưng đều muốn tránh. Nếu vô tình gặp bạn bè trên phố, thế nào họ cũng tìm lý do để lảng tôi đi càng sớm càng tốt. “Tớ không hiểu vì sao”, một cô bạn gái thú nhận một cách khó khăn – và thật thà. “Nhưng thật sự bây giờ thật khó khăn khi ở bên cậu. Có lẽ tớ sẽ không e ngại đến thế nếu như có một cái ô cắm trên lưng cậu hay một cái gì khác.”

Một cái ô cắm trên lưng.

Trong khi bạn bè xa lánh tôi thì giới truyền thông lại rất hứng thú về tôi. Cứ đôi ba ngày, các phóng viên lại xuất hiện và chụp ảnh tôi cùng với bà cô, họ phàn nàn là hình ảnh của bà không hiện rõ và trút cho tôi cả một trận mưa những câu hỏi vô thưởng vô phạt. Tôi cứ hy vọng là nếu cộng tác với họ, họ có thể sẽ đưa tôi đến một sự khám phá mới hoặc một cách giải thích mới cùng thái độ tôn trọng đối với bà cô, nhưng thay vào đó, họ lại chỉ làm tôi kiệt sức.

Rồi một lần, tôi xuất hiện trong một chương trình buổi sáng. Họ lôi tôi dậy vào lúc sáu giờ, đưa tôi đến trường quay, tống cho tôi một thứ cà phê khủng khiếp. Những con người không thể nào hiểu được lăng xăng quanh tôi làm những việc cũng không thể nào hiểu nổi. Tôi đã định chuồn nhưng trước khi kịp hành động thì người ta thông báo đã đến lượt tôi. Khi camera chưa làm việc, tay dẫn chương trình là một gã cục cằn và ngạo mạn, chằng làm việc gì cả mà lại chỉ công kích người khác, nhưng ngay khi ống kính máy quay lên đèn đỏ thì chỉ thấy nụ cười và sự thông minh trên khuôn mặt gã: một gã đàn ông tuổi trung niên rất nho nhã.

“Và bây giờ là mục tiêu điểm hằng ngày của chúng tôi, ‘ Hãy Nhìn Xem Bên Ngoài Chúng Ta Còn Có Gì’, gã hướng vào máy quay. “Khách mời của chúng tôi hôm nay là ông __, một người bất ngờ phát hiện thấy mình có một bà cô tội nghiệp bám chặt trên lưng. Không nhiều người gặp phải một vấn đề rắc rối đặc biệt như thế này, và hôm nay tôi muốn hỏi xem chuyện đó đã xảy ra với vị khách của chúng ta như thế nào, ông đã gặp những khó khăn gì.” Quay lại nhìn tôi, gã tiếp tục: “Ông có cảm thấy bất tiện hay không khi có một bà cô tội nghiệp bám chặt trên lưng mình?”

“Ồ, không”, tôi nói. “Thật sự tôi không thể nói điều này gây bất tiện được. Bà ấy không nặng, và tôi không phải cho bà ấy ăn”.

“Ông không cảm thấy đau thắt lưng ư?”

“Không, không hề.”

“Ông phát hiện ra bà ấy dính chặt trên lưng mình khi nào?”

Tôi thuật lại vắn tắt cái buổi chiều bên cái hồ có những con kỳ lân đồng ấy, nhưng gã có vẻ không hiểu được ý tôi nói.

“Nói cách khác,” gã hắng giọng nói, “bà ấy ẩn nấp trong cái hồ mà ông đang ngồi bên, và rồi bà ấy ám vào lưng ông. Có đúng thế không, thưa ông?”

Không, tôi lắc đầu, không phải vậy.

Tại sao tôi lại để mình dính vào cái trò này nhỉ? Tất cả những gì mà bọn họ cần chỉ là những trò đùa hay những câu chuyện kinh dị mà thôi.

“Bà cô tội nghiệp của tôi không phải là một con ma”, tôi cố giải thích. “Bà ấy chẳng ‘ẩn nấp’ ở đâu cả, và bà ấy chẳng ‘ám’ ai hết. Bà cô tội nghiệp của tôi chỉ là từ ngữ”, tôi nói. “Chỉ là những từ ngữ”.

Không ai nói gì. Tôi cần phải nói rõ hơn.

“Một từ giống như một điện cực kết nối với ý thức của chúng ta. Nếu các bạn cứ truyền cùng một tác nhân kích thích thông qua nó, chắc chắn sẽ dẫn đến một phản ứng, một hiệu ứng nào đó. Phản ứng của mỗi cá nhân là khác nhau, tất nhiên, và trong trường hợp của tôi, phản ứng đó là một cái gì đó giống như cảm giác về một thực thể độc lập. Cái bám chặt trên lưng tôi, thật sự, là cụm từ ‘bà cô tội nghiệp’ - những từ ngữ ấy, không có ý nghĩa, không có hình thức. Nếu tôi phải cấp cho nó một danh pháp, tôi sẽ gọi đó là một ký hiệu mang tính khái niệm hay một cái gì đó tương tự như thế.”

Tay dẫn chương trình bối rối. “Ông nói nó không có ý nghĩa và hình thức”, gã quan sát, “nhưng chúng tôi đều nhìn thấy rõ…có một cái gì đó… một hình ảnh thật sự hiện hữu trên lưng ông. Và nó gợi ra một ý nghĩa nào đó trong mỗi chúng tôi.”

Tôi nhún vai. “Tất nhiên,” tôi nói. “Đó chính là chức năng của ký hiệu”.

“Nếu vậy”, cô trợ lý trẻ tuổi của tay dẫn chương trình xen vào, những muốn làm dịu đi bầu không khí, “ông có thể xoá đi hình ảnh này hay hữu thể này, hay bất kể nó là gì đi nữa, nếu ông muốn.”

“Không, tôi không thể”, tôi nói. “Một khi một sự vật nào đó hiện hữu, nó sẽ tiếp tục tồn tại độc lập với ý chí của tôi. Nó giống như một mẩu ký ức – một mẩu ký ức mà người ta muốn lãng quên nhưng lại không thể. Như vậy đó.”

Cô gái vẫn tiếp tục, có vẻ như cô ta chưa thấy thuyết phục: “Ông đề cập đến quá trình biến một từ thành một tín hiệu mang tính khái niệm. Đó có phải là điều mà thậm chí ngay tôi cũng có thể thực hiện?”

“Tôi không thể chắc nó sẽ được thực hiện ở mức độ nào nhưng về mặt lý thuyết, cô có thể làm được điều đó”, tôi trả lời.

Bây giờ thì tay dẫn chương trình vào cuộc. “Ví dụ nếu ngày nào tôi cũng phải lặp đi lặp lại cái từ “tính khái niệm”, thế thì hình ảnh của ‘tính khái niệm’ sẽ xuất hiện trên lưng tôi, đúng không?”

“Về mặt lý thuyết thì ít nhất điều đó cũng có thể xảy ra.” Tôi nhắc lại một cách máy móc. Ánh sáng rất mạnh và không khí chán ngắt của trường quay bắt đầu làm tôi thấy đau đầu.

“Vậy thì cái từ “tính khái niệm” đó sẽ trông như thế nào nhỉ?” Tay dẫn chương trình đánh bạo lên tiếng, làm rộ lên một tràng cười từ một số vị khách mời khác.

Tôi nói rằng tôi không biết. Đó không phải là điều mà tôi muốn nghĩ đến. Chỉ một bà cô tội nghiệp đã ứ đầy cả hai bàn tay tôi. Không một ai thực sự để ý đến điều này, dù chỉ một chút. Tất cả những gì họ quan tâm đến là làm sao duy trì được cuộc trò chuyện ba hoa này cho đến phần quảng cáo kế tiếp.

 

Cả thế giới này chỉ là một trò kịch hề. Từ ánh sáng rực rỡ của trường quay đến không khí âm u nơi túp lều của một bậc ẩn sĩ, tất cả rồi cũng như nhau hết. Đi giữa cái thế giới trò hề này, với bà cô tội nghiệp bám chặt trên lưng, tôi chính là cái thằng hề lớn nhất trong tất cả. Có lẽ cô bạn gái kia đã nói đúng: sẽ hay hơn nếu trên lưng tôi cắm một cái ô. Như thế cứ hai lần một tháng, tôi lại cho vẽ lên nó một màu mới và đem nó đến những buổi tiệc.

Trông ha…ay nhỉ! Cái ô cắm trên lưng cậu tuần này lại có màu hồng!” Người ta có thể thốt lên như thế.

“Đúng thế”, tôi sẽ trả lời như vậy. “Tuần tới tớ sẽ cho nhuộm nó thành màu xanh lá cây, giống như màu trang phục trong trường đua của những kỵ sĩ nước Anh”.

Có thể còn có những cô nàng sẵn sàng lên giường với một gã đàn ông có cái ô cắm trên lưng nữa. Nhưng, bất hạnh thay, trên lưng tôi không phải là một cái ô mà là một bà cô tội nghiệp. Thời gian qua đi, sự chú ý của mọi người đến tôi và bà cô tội nghiệp của tôi cũng nhạt dần. Cô bạn gái ở công viên của tôi đã đúng: chẳng có ai hứng thú với một bà cô tội nghiệp.

“Tớ đã nhìn thấy cậu trên TV”, cô bạn của tôi nói. Chúng tôi lại ngồi cùng nhau bên hồ. Tôi đã không gặp nàng ba tháng. Bây giờ đang độ đầu thu. Thời gian trôi nhanh thật. Chúng tôi chưa bao giờ đi xa nhau lâu cả.

“Cậu trông hơi mệt”.

“Đúng vậy”

“Cậu không còn là chính cậu nữa.”

Tôi gật đầu. Cũng đúng: Tôi đã không phải là tôi.

Nàng cứ gấp rồi lại mở chiếc áo len đặt trên đầu gối mình.

“Cuối cùng thì cậu cũng đã có được một bà cô tội nghiệp của mình”.

“Ừ”.

Nàng mỉm cười và mơn man chiếc áo len trên đầu gối như thể đó là một con mèo.

“Bây giờ cậu đã hiểu về bà ấy hơn chưa?”

“Một chút”, tôi trả lời. “Tớ nghĩ là như thế”.

“ Và điều đó có giúp cậu viết được một cái gì đó không?”

“Không”. Tôi khẽ lắc đầu. “Không một chút nào. Sự thôi thúc viết lách không còn trong tớ nữa. Có lẽ là tớ không có khả năng làm được việc đó.”

Nàng im lặng một lát.

“Tớ có một ý tưởng thế này”. Cuối cùng nàng cũng lên tiếng. “Hãy đặt cho tớ một vài câu hỏi. Tớ sẽ cố giúp cậu giải toả khó khăn một chút”.

“Cậu lấy tư cách của một bà cô tội nghiệp ư?”

“Ừ”. Nàng mỉm cười. “Cậu bắt đầu đi. Tớ đang có hứng để trả lời những câu hỏi về bà cô tội nghiệp và có thể tớ sẽ chẳng bao giờ muốn như vậy thêm một lần nữa”.

Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu.

“Đôi khi”, tôi nói, “ tớ cứ băn khoăn không biết loại người như thế nào sẽ trở thành bà cô tội nghiệp. Có phải số của người ta là vậy? Hay là do hoàn cảnh đặc biệt của những bà cô tội nghiệp? Phải chăng có một lỗi sai nào đó đã biến người ta trở thành bà cô tội nghiệp?”. Nàng gật gù, như muốn bảo đó là những câu hỏi hay.

“Cả hai điều trên đều đúng. Chúng cùng là một là mà thôi.”

“Cùng là một?”

“Ừ, hình dung xem nhé. Một bà cô tội nghiệp có thể từng trải qua một thời thơ ấu tội nghiệp. Hoặc có thể không. Có hàng triệu lý do lơ lửng khắp thế giới này cho hàng triệu kết quả. Hàng triệu lý do để sống, và hàng triệu lý do để chết. Hàng triệu lý do để đưa ra những lý do. Dễ dàng lấy ra những lý do như thế. Nhưng lý do mà cậu tìm kiếm không phải là một trong số những lý do kiểu đó đúng không?”

“Ừ, mình nghĩ vậy”, tôi đáp.

“ Bà ấy tồn tại. Thế thôi. Bà cô tội nghiệp của cậu ở đó. Cậu phải nhận thức được cái thực tế đó và chấp nhận nó. Bà ấy tồn tại. Và một bà cô tội nghiệp là như thế đấy. Sự tồn tại của bà ấy là lý do của bà ấy. Như chúng ta mà thôi. Chúng ta tồn tại ở đây và bây giờ, chẳng có bất cứ một lý do hay nguyên cớ nào hết”.

Chúng tôi ngồi bên hồ một hồi lâu, không ai trong chúng tôi cử động hay nói năng. Ánh nắng trong trẻo của mùa thu hắt bóng lên gương mặt nàng.

“Thế cậu không định hỏi tớ xem tớ đã nhìn thấy gì trên lưng cậu sao?” Nàng hỏi.

“ Vậy cậu nhìn thấy gì?"

“Không có gì cả”, nàng nói và nở một nụ cười. “Tớ chỉ nhìn thấy cậu”.

“Cảm ơn cậu”. Tôi nói.

 

Thời gian, tất nhiên, đều đánh đổ tất cả mọi người, nhưng đòn đánh của nó mà phần lớn chúng ta đón nhận đều nhẹ nhàng một cách đáng sợ. Rất ít người trong chúng ta nhận ra rằng mình bị đánh. Tuy vậy, ở một bà cô tội nghiệp, chúng ta có thể thật sự chứng nghiệm được sự chuyên chế nghiệt ngã của thời gian. Nó đã vắt kiệt bà cô tội nghiệp ấy như một trái cam cho đến khi nào không còn giọt nước nào còn sót lại. Điều thu hút suy nghĩ của tôi về bà cô tội nghiệp ấy chính là sự toàn vẹn của bà, một sự hoàn chỉnh tuyệt đối.

Bà giống như một thi thể được bao kín bên trong một phiến băng - một phiến băng tuyệt đẹp mà mặt băng cứng như thép. Phải đến cả vạn năm dưới ánh mặt trời mới có thể làm phiến băng đó tan chảy. Nhưng không một bà cô tội nghiệp nào có thể sống đến vạn năm và bởi thế bà phải sống trong trạng thái toàn vẹn của mình, chết trong sự toàn vẹn và được đem đi chôn cất cũng trong sự toàn vẹn ấy.

 

Thế rồi đến cuối thu, bà cô tội nghiệp biến mất khỏi lưng tôi. Nhớ ra có một vài việc phải hoàn thành trước mùa đông, tôi bắt một chuyến tàu đi ra ngoại ô, trên lưng vẫn cõng theo bà cô tội nghiệp. Như mọi chuyến tàu đi ra ngoại ô vào buổi chiều, chuyến tàu thực sự chẳng có một ai. Khá lâu rồi tôi mới đi ra ngoại ô và tôi thích thú ngắm nhìn phong cảnh trôi qua mắt mình. Không khí khô lạnh và trong sáng, những quả đồi xanh một cách không tự nhiên và đây đó, dọc theo đường mòn, có những bụi cây lấp ló những trái mọng đỏ tươi.

Ngồi ở dãy ghế bên với chỗ tôi trên chuyến tàu trở về là một phụ nữ gày gò, độ chừng ba lăm ba sáu tuổi cùng hai đứa con của mình. Đứa chị mặc một chiếc váy may bằng vải nỉ màu xanh nước biển và đội một chiếc mũ phớt màu xám có gắn một dây ruy băng màu đỏ - một bộ đồng phục ở trường mẫu giáo - ngồi ở bên trái bà mẹ. Bên phải bà mẹ là đứa con trai, có lẽ mới lên ba. Không có điểm gì nổi bật ở cả bà mẹ lẫn những đứa nhỏ. Khuôn mặt của họ, trang phục của họ đều rất đỗi bình thường. Bà mẹ giữ một gói đồ lớn. Chị trông mệt mỏi, nhưng hầu hết các bà mẹ đều trông mệt mỏi cả. Tôi hầu như không để ý khi họ lên tàu.

Nhưng không lâu sau đó, tiếng của cô bé vọng đến tôi từ dãy ghế bên kia. Có một nỗi hốt hoảng trong giọng nói của nó, một sự khẩn nài muốn nhận được sự bênh vực.

Rồi tôi nghe thấy bà mẹ lên tiếng: “Mẹ đã dặn con phải ngồi yên trên tàu cơ mà!”. Trước mặt chị là một cuốn tạp chí mở rộng đặt trên bọc đồ và dường như chị phải miễn cưỡng rời mắt khỏi nó.

“Nhưng mẹ nhìn xem nó đang làm gì với cái mũ của con,” cô bé kêu lên.

“Im đi nào!”

Cô bé dường như muốn nói nhưng rồi đành ngậm miệng. Cậu em của nó đang nghịch chiếc mũ mà nó vừa đội lúc nãy. Thằng bé vừa cào vừa xé chiếc mũ. Cô bé với tay cố gắng giật lại chiếc mũ nhưng thằng bé kịp thời né mình, quyết không để chiếc mũ gần tầm tay của cô chị.

“Nó sắp làm hỏng cái mũ của con rồi kìa,” cô bé nói, chực như muốn khóc.

Bà mẹ rời mắt khỏi cuốn tạp chí, cái nhìn tỏ vẻ khó chịu, làm động tác lấy lại cái mũ nhưng thằng bé cứ giữ khư khư lấy cái vành mũ, không chịu đưa. “Đế cho nó chơi một lúc!”, bà mẹ nói với cô con gái. “Nó sẽ chán ngay ấy mà”. Cô bé không có vẻ tin tưởng nhưng nó không cố cãi. Nó mắm môi lại và nhìn chiếc mũ trong tay thằng em với thái độ giận dữ. Thấy mẹ thờ ơ, thằng bé càng được thể, nó bắt đầu giật mạnh sợi ruy băng. Nó biết thừa là chị mình đang tức điên – và cả tôi cũng thấy như thế nữa. Tôi đã sẵn sàng nhảy sang chỗ thằng bé, giật lấy cãi mũ khỏi tay nó.

Con bé cứ câm lặng nhìn chằm chằm nhìn thằng em nhưng có thể thấy nó đang tìm cách. Thế rồi, hoàn toàn bất ngờ, con bé nhảy dựng lên tát mạnh vào má trái của thằng em. Rồi ngay sau khoả੮h khắc sững sờ ấy, nó giật lấy cái mũ và trở về chỗ của mình. Con bé làm việc đó rất nhanh và phải thở một hơi thật sâu, bà mẹ và cậu con trai mới nhận ra chuyện gì vừa xảy ra. Khi thằng bé khóc thét lên, bà mẹ lấy tay đánh vào chỗ đầu gối để trần của cô con gái mấy cái. Rồi chị quay sang an ủi cậu con trai, nhưng thằng bé vẫn cứ khóc thét.

“Nhưng thưa mẹ, nó làm hỏng cái mũ của con,” cô bé lên tiếng.

“Đừng nói chuyện với tôi”.Bà mẹ nói. “Cô không phải là con tôi nữa”.

Con bé cúi mặt, trân trân nhìn cái mũ của mình.

“Đi đi cho khuất mắt tôi” bà mẹ bảo. “Đi ra chỗ kia kìa”. Chị chỉ vào chỗ ghế trống ngay cạnh tôi.

Cô bé nhìn đi chỗ khác, cố gắng không để ý đến ngón tay của bà mẹ nhưng ngón tay ấy vẫn trỏ thẳng vào cái ghế bên trái tôi, như thể nó đã đông cứng lại giữa không trung.

“Đi đi”, bà mẹ vẫn tiếp tục. “Cô không còn là con cái của cái nhà này nữa”.

Đành phải cam chịu số phận, cô bé đứng lên cùng với cái mũ và chiếc túi đi học của mình, lê bước giữa hàng ghế và ngồi xuống bên cạnh tôi, đầu cúi xuống. Đặt chiếc mũ vào lòng, con bé vuốt ve cái vành mũ với những ngón tay nhỏ xíu. Đó là lỗi của thằng em, chắc chắn cô bé đang nghĩ vậy. Nó sắp giật sợi ruy băng khỏi mũ mình. Má của cô bé đẫm nước mắt.

Giờ thì trời đã gần tối. Luồng ánh sáng vàng đục hắt xuống từ trần tàu giồng như bụi bay ra từ cánh của một con bướm ma. Nó lửng lơ trên không để rồi thẩm thấu một cách âm thầm qua miệng và mũi của hành khách. Tôi gấp lại. Đặt hai tay trên đùi, tôi chăm chú nhìn hai bàn tay lật ngửa của mình. Lần cuối cùng tôi săm soi bàn tay mình là bao giờ nhỉ? Trong ánh sáng ám khói, trông bàn tay tôi đầy bụi, thậm chí thật bẩn thỉu – chúng không giống bàn tay của tôi chút nào. Hình ảnh của chúng khiến tôi buồn quá: đây là hai bàn tay sẽ chẳng bao giờ có thể làm cho ai hạnh phúc, chẳng bao giờ cứu giúp được ai hết. Tôi muốn đặt lên bờ vai cô bé đang nức nở bên cạnh tôi một bàn tay có thể khiến nó có thể bình tâm lại, để nói với cô bé rẳng nó không hề có lỗi, nó đã hành động đúng khi lấy lại cái mũ bằng cách ấy. Nhưng tất nhiên, ôi chẳng thể chạm vào cô bé hay nói với nó. Điều đó sẽ chỉ làm cho nó thấy bối rối và sợ hãi hơn mà thôi. Và, hơn nữa, hai bàn tay của tôi thật bẩn thỉu.

Đúng lúc tôi xuống tàu thì một cơn gió mùa đông nổi lên. Chẳng mấy chốc những chiếc áo len sẽ hết thời và những chiếc áo khoác mùa đông dày cộp đang đợi chúng ta. Tôi nghĩ đến những chiếc áo khoác một lúc, để quyết định xem có nên mua cho mình một chiếc hay không. Tôi đã đi xuống hết cầu thang và đứng ở ngoài cổng trước khi nhận ra bà cô tội nghiệp đã biến khỏi lưng tôi.

Tôi không rõ chuyện ấy xảy ra tự lúc nào. Bà đi cũng như khi bà đến. Bà đã trở về nơi mà bà đã từng tồn tại trước đó, và tôi lại trở về bản nguyên của mình.

Nhưng bản nguyên của tôi là gì cơ chứ? Tôi cũng không chắc chắn nữa. Tôi không tránh khỏi cảm giác đây là một thằng tôi khác, một bản ngã khác rất giống bản nguyên của tôi. Vậy thì giờ đây tôi phải làm gì? Tôi đã mất hết cảm giác về phương hướng. Tôi lục trong túi quần và lấy hết số tiền lẻ trong đó để gọi điện thoại ở trạm tự động. Tám hồi chuông. Chín hồi. Cuối cùng thì nàng cũng nhấc máy.

“Tớ đang ngủ”, nàng vừa nói vừa ngáp.

“Vào lúc sáu giờ chiều ư?”

“Đêm qua tớ đã thức suốt để làm việc. Chỉ mới xong việc cách đây hai tiếng.”

“Tớ xin lỗi. Tớ không cố ý đánh thức cậu,” tôi nói. “Điều này nghe có vẻ kỳ quặc nhưng tớ gọi chỉ để chắc chắn rằng cậu hãy còn đang sống. Vậy thôi. Thật đấy”.

Tôi có thể cảm thấy nàng đang mỉm cười qua điện thoại.

“Cảm ơn cậu. Cậu đứng là bạn tốt”, nàng nói. “Nhưng đừng lo lắng. Mình vẫn sống. Và mình đang gạt tất cả để có thể sống. Đó là lý do vì sao mình đang mệt muốn chết. O.K? Cậu yên tâm chưa?

“Tớ yên tâm rồi”.

“Cậu biết đấy”, nàng nói như thể muốn chia sẻ một bí mật nào đó với tôi, “ cuộc đời quá ư là khắc nghiệt”.

“Tớ biết”, tôi nói. Và nàng nói đúng. “Cậu đi ăn tối với tớ chứ?”

Đầu dây bên nàng im lặng, tôi có thể hình dung nàng đang cắn môi và lấy ngón tay mảnh mai dụi mắt.

“Bây giờ thì không được”, nàng nói, nhấn mạnh từng âm tiết. “Chúng mình sẽ nói chuyện sau được không? Bây giờ cậu phải để cho mình ng૧. Mọi thứ sẽ tốt đẹp nếu như mình có thể được ngủ một chút. Mình sẽ gọi cho cậu khi thức dậy. O.K?”

“O.K”, tôi nói. “Chúc cậu ngủ ngon”.

“ Cũng chúc cậu ngủ ngon”.

Nàng phân vân trong giây lát. ‘Có chuyện gì khẩn cấp không - Cậu muốn nói với mình về chuyện gì?”

“Không, không có gì khẩn cấp cả”. Tôi nói. “Chúng mình sẽ nói chuyện sau”.

Đúng vậy – chúng tôi còn nhiều thời gian. Một vạn năm. Hai vạn năm. Tôi có thể chờ.

“Chúc cậu ngủ ngon”, nàng nhắc lại rồi dập máy. Tôi nhìn ống nghe trong tay mình một lát rồi đặt lại nó vào giá. Khi vừa buông ống nghe ra, tôi bỗng thấy đói khủng khiếp. Tôi sẽ điên lên mất nếu như không kiếm được cái gì để ăn. Tôi sẽ ăn bất cứ thứ gì. Bất cứ cái gì cũng được. Nếu có ai đó cho tôi một cái gì đó để đút vào miệng, tôi sẽ sụp lạy anh ta mất. Thậm chí tôi sẽ liếm những ngón tay của anh ta thật sạch. Phải, tôi sẽ làm thế đấy. Tôi sẽ liếm ngón tay của bạn sạch sẽ. Và rồi sẽ nằm yên như một thanh tà vẹt đã hoen gỉ bởi nắng mưa. Một cú đá hung bạo nhất cũng chẳng đánh thức tôi được. Đến cả vạn năm, tôi cũng vẫn ngủ say như thế.

Tôi dựa mình vào trạm điện thoại, cố làm rỗng đầu mình và nhắm nghiền mắt lại. Thế rồi tôi nghe thấy những bước chân, hàng ngàn bước chân. Chúng tràn qua tôi như một đợt sóng. Những bước chân ấy cứ bước đi, đi mãi, lê gót theo thời gian. Bà cô tôi nghiệp của tôi giờ này đang ở đâu? Tôi băn khoăn tự hỏi. Bà đã trở về chốn nào? Và tôi đã trở về chốn nào?

Nếu một vạn năm sau, tính từ bây giờ, một xã hội hình thành dành riêng cho những bà cô tội nghiệp - có một toà thị chính do những bà cô tội nghiệp được những bà cô tội nghiệp khác tuyển lựa điều hành, có những xe khách dành cho những bà cô tội nghiệp, do những bà cô tội nghiệp lái, có những cuốn tiểu thuyết đành cho những bà cô tội nghiệp do những bà cô tội nghiệp viết - liệu khi ấy họ có mở cửa đón tiếp tôi? Có thể rồi họ cũng chẳng cần tất cả những thứ trên- toà thị chính hay những chiếc xe khách cũng như những cuốn tiểu thuyết. Thay vào đó, có thể họ sẽ thích sống trong những lọ giấm khổng lồ mà họ tự làm hơn. Từ trên cao, bạn có thể quan sát thấy cả hàng trăm nghìn lọ giấm xếp thành hàng, bao phủ mặt đất. Đó có thể sẽ là một cảnh tượng kỳ vĩ làm bạn bị hớp hồn.

Vâng, vậy đấy. Và nếu như, một cách tình cờ, cái thế giới đó có dành một chỗ cho một bài thơ duy nhất, tôi sẽ vui mừng là người viết bài thơ ấy: tôi sẽ là nhà thơ đầu tiên được nhận giải thưởng do thế giới của những bà cô tội nghiệp đó trao. Tôi sẽ viết bài thơ ca tụng ánh mặt trời lấp lánh trên những chiếc lọ màu xanh lục, một biển cỏ bao la bên dưới.

Nhưng điều này là một viễn tưởng quá xa xôi, đến tận năm 12001, đợi chờ đến cả vạn năm đối với tôi là quá dài. Trước lúc ấy, còn biết bao nhiêu mùa đông nữa tôi phải chịu đựng./.

 

 

-----------------------------------------
Hải Ngọc dịch từ bản Anh văn “A Poor-Aunt Story” của Jay Rubin,
đăng trên tạp chí The New Yorker ngày 3/12/2001.

 

_________________________

[1]Nguyên văn: "Chinese box", chỉ một thứ hộp dùng để trang trí có cấu trúc đan lồng vào nhau thành nhiều lớp, mở một chiếc hộp này lại thấy trong đó chứa một chiếc hộp khác và cứ như vậy.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021