thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tội lỗi của một biên niên sử gia

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

PAVAO PAVLIČIĆ

(1946~)

 

Pavao Pavličić, nhà văn Croatia, sinh năm 1946 tại Vukovar, nổi tiếng về tiểu thuyết trinh thám. Hiện là giáo sư văn học đối chiếu tại viện đại học Zagreb và chuyên gia về thơ baroque. Năm 1997, Pavličić là người trẻ tuổi nhất được chọn vào Viện Hàn Lâm Khoa Học Croatia. Ông đã xuất bản bốn mươi cuốn sách, gồm những tác phẩm về lý thuyết văn học và lịch sử, những tiểu thuyết trinh thám, và những tuyển tập tuỳ bút, truyện ngắn và ký sự. sách của ông đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Ý, Tiệp...

 

___________________

 

TỘI LỖI CỦA MỘT BIÊN NIÊN SỬ GIA

 

Một lần nọ vào một thời khác, dưới ách cai trị của chế độ bạo quyền, những cuộc bắt bớ tập thể đã trở thành điều thường nhật. Điều này thường xảy ra nhất vào ban đêm: một đám người đội mũ che kín mặt đến gõ cửa trước và ra lệnh cho gia chủ đang ngái ngủ phải mặc quần áo vào, và lôi người ấy đến một trong những nhà tù nho nhỏ đang mọc lên như nấm trên khắp thành phố. Đôi khi công an còn bắt trọn gia đình, gồm cả lũ trẻ con và những bà nội, bà ngoại, đang ngủ cạnh những lò sưởi.

Dân số trong thành phố càng ngày càng thưa dần, và suốt đêm người ta nghe những đám tuần cảnh đeo kiếm lẻng kẻng dắt những người bị bắt, từ rất nhiều gia đình, đi qua những đường phố. Nhiều người bắt đầu mặc quần áo tươm tất trước khi đi ngủ, gối đầu lên những gói hành trang như thể đang du lịch, sẵn sàng chờ bị bắt. Người ta kinh ngạc, không biết làm sao mà các nhà tù có nhiều chỗ đến thế, nhưng rồi hết nhà này đến nhà khác bị biến thành nhà tù, và người này nằm mòn mỏi trong nhà người kia như thể đang ở trong nhà tù thật sự: người giàu ở trong khu nhà nghèo và ngược lại, các quân nhân thì bị nhốt trong các trường học, các tu sĩ lại bị giam trong các chiến hào, các y sĩ và bệnh nhân lại nằm trong các ổ điếm, bọn ăn chơi trác táng thì đếm lịch trong các nhà dòng nữ tu.

Càng ngày lực lượng lao động càng thiếu hụt, nên các tù nhân phải làm hầu hết mọi việc. Bởi họ mặc quần áo như thường dân và những bảng số của họ lại bị công an giữ kín, nên thật khó biết ai là tù nhân và ai là người tự do. Thậm chí các tù nhân còn được tuyển dụng để đi bắt người: họ được đeo kiếm mặc dù họ là tù nhân.

Số người bị bắt càng ngày càng tăng — hết thường dân thì đến các thành viên của những cơ quan khét tiếng thuộc Chính Quyền Đô Thị. Các giáo sĩ, các thương nhân, các giám đốc cơ quan, các vệ binh, các thư ký, và những người mang các chức vụ khác đều bị bắt giam. Cuối cùng, tất cả đều là tù nhân, kể cả các quan chức Chính Phủ. Mọi người rình rập lẫn nhau; ai cũng là tù nhân và không ai biết ai là kẻ có thẩm quyền ban cáo trạng và lệnh tống giam. Mọi người đều có cảm giác rằng mình là kẻ góp phần vào công tác điều khiển đời sống xã hội, qua việc bắt giam kẻ khác và tự thi hành thời hạn ở tù của chính mình. Và bởi tất cả mọi người đều mặc quần áo như nhau và hưởng những quyền hạn như nhau — ai cũng đang ở tù — họ tiếp tục làm công việc của họ như thể không điều gì đã xảy ra cả. Họ sống cuộc sống bình thường của họ và, nếu có ai hỏi họ có hạnh phúc không, thì có lẽ họ đều trả lời rằng họ hạnh phúc.

Nhiều năm sau đó, họ khẳng định rằng chưa từng có bất cứ một cuộc bắt bớ nào xảy ra cả, và xác quyết rằng chuyện bắt bớ là một chuyện bịa đặt của một biên niên sử gia thiếu sự kiểm duyệt thích nghi, và rõ ràng là một kẻ có ác tâm.

 

-------------
Dịch theo bản Anh văn của Miroslav Beker, "A Chronicle's Sin", đăng trong Special Report, Aug.-Oct., 1990.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021