thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những ngày cuối cùng của một Nghệ Sĩ Kịch Câm lừng danh
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn,
riêng tặng Tạ Duy Bình, một thời nghệ sĩ kịch câm...

 

PETER CAREY

(1943~)

 

Peter Carey — một trong những cây bút tài ba nhất của Úc châu — sinh năm 1943 tại Bacchus Marsh, Victoria. Ông theo ban khoa học tự nhiên tại Monash University, nhưng sau khi tiếp xúc với các nhà văn Barry Oakley và Morris Lurie, ông lao vào văn chương. Rời Melbourne, ông đi London, và trở lại Sydney, rồi sang cư ngụ tại New York vào cuối những năm 1980, dạy sáng tác văn chương tại New York University.
 
Ông được đánh giá rất cao ngay từ những cuốn tiểu thuyết và những tập truyện ngắn đầu tiên. Bút pháp của ông là một kết hợp độc đáo của những yếu tố hiện thực, huyễn ảo và siêu thực, thể hiện bằng những kỹ thuật mới lạ mang tính hậu hiện đại. Ông yêu thích Franz Kafka, Jorge Luis Borges, và chịu ảnh hưởng bút pháp hiện thực thần kỳ của Gabriel García Márquez. Ông là một trong những nhà văn đoạt nhiều giải thưởng nhất của Úc châu và thế giới, với hai lần đoạt giải Booker Prize, ba lần đoạt giải Miles Franklin Award. Hầu hết những tác phẩm của ông đều được ca ngợi và trao giải thưởng. Trong số đó, nổi tiếng nhất là những cuốn:
 
War Crimes (1979): New South Wales Premier's Literary Award, 1980.
Bliss (1981): Miles Franklin Award 1981, New South Wales Premier's Literary Award 1982, National Book Council Award 1982, AWGIE Award 1985.
Illywhacker (1985): vào chung kết giải Booker Prize 1985, đoạt các giải The Age Book of the Year Award 1985, Ditmar Award for Best Australian Science Fiction Novel 1986, Victorian Premier's Literary Award 1986, National Book Council Award 1986, và được đề cử giải World Fantasy Award for Best Novel 1986.
Oscar and Lucinda (1988): Booker Prize 1988, Miles Franklin Award 1988, được chuyển thành phim vào năm 1997.
The Unusual Life of Tristan Smith (1994): The Age Book of the Year Award 1994.
Jack Maggs (1997): Commonwealth Writers Prize 1998, Miles Franklin Award 1998, The Age Book of the Year Award 1998.
True History of the Kelly Gang (2001): vào chung kết giải Miles Franklin Award 2001, đoạt các giải Booker Prize 2001 và Commonwealth Writers Prize 2001.
My Life as a Fake (2003): vào chung kết giải Miles Franklin Award 2004.
 
Song song với tiểu thuyết và truyện ngắn, ông còn viết và xuất bản nhiều tập tiểu luận, kịch bản điện ảnh, và truyện thiếu nhi.
 

________________________

 

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA MỘT NGHỆ SĨ KỊCH CÂM LỪNG DANH

 

1.

Nghệ Sĩ Kịch Câm lên chuyến bay Alitalia với rất ít hành lý: một bao giấy màu nâu và vật gì trông giống một túi xách tay của phụ nữ.

Hỏi trong bao giấy màu nâu đựng gì, ông nói: "Dây."

Hỏi dây để làm gì, ông nói: "Buộc những bao lớn hơn."

Ông không có ý nói đùa, nhưng ông hài lòng khi những phóng viên cười rộ lên. Gây cười không phải là sở trường của ông. Ông lừng danh về những màn gây kinh hoàng.

Mặc dù khắp châu Âu mọi người đều biết đến tình trạng tuyệt vọng của ông, không mấy ai phỏng đoán ông hy vọng gì vào tương lai. "Sợi dây," ông giải thích, "là một lời kinh cầu mà tôi luôn luôn tụng niệm."

Hơi lưỡng lự, ông lấy sợi dây khỏi cái bao và đưa cho họ xem. Nó có màu xanh và khi kéo thẳng ra đo, nó dài đúng năm mươi ba mét.

Nghệ Sĩ Kịch Câm và sợi dây xuất hiện trên trang nhất của những tờ báo phát hành vào chiều hôm ấy.

 

2.

Những người lần đầu dự khán dễ dàng cảm thấy hoảng hốt. Họ chưa được chuẩn bị để chứng kiến khả năng trình diễn những màn kinh hoàng của ông. Họ cứ liên tục bỏ chạy khỏi chỗ ngồi. Chỉ để rồi mon men trở lại thêm một lần nữa.

Như những thợ lặn thở bằng ống dẫn hơi, họ lấp ló ở những ngưỡng cửa bên ngoài rạp hát với khuôn mặt đỏ ửng và bối rối bắt gặp lại cái cõi mà họ đã rời bỏ.

 

3.

Nhiều sách đã viết về ông. Ông đã là đề tài của một cuốn phim đoạt giải. Nhưng ngay buổi sáng đầu tiên tại một tình lẻ, ông đã buồn bực khi phát hiện rằng nhà phê bình duy nhất của tờ báo duy nhất ở đó đã không thích đêm trình diễn của ông.

Nhà phê bình viết: "Tôi không hiểu ông gây kinh hoàng nơi khán giả để làm gì."

Nghệ Sĩ Kịch Câm ngồi trên giường, suy tính những cách làm cho cuộc trình diễn nhẹ nhàng hơn.

 

4.

Như thường lệ, ông đã hấp dẫn những người đàn bà ước ao làm dịu đi những cơn bão cuồng nộ trong lòng ông.

Họ tìm đến giường ông như những nhà giải phẫu sáng giá ra tay giải quyết một trường hợp khó khăn. Họ vừa đam mê vừa thông minh. Họ không dễ dàng chấp nhận sự thất bại.

 

5.

Bị đàn bà kết tội sai lầm rằng trong cuộc sống riêng tư ông cũng chỉ là một diễn viên kịch câm bắt chước diễn trò yêu, ông hơi ngạc nhiên khi phải đối diện với sự căm ghét.

"Chắc chắn là thế," ông nói, "nếu bây giờ cô ghét tôi, chính cô mới là người bắt chước yêu, chứ không phải tôi."

"Ông luôn luôn là một thằng đểu cáng bỉ ổi," nàng nói. "Cái bao đó đựng gì vậy?"

"Tôi đã nói với cô rồi mà," ông nói, "dây."

"Ông là thằng nói láo," nàng nói.

Nhưng sau đó, khi ông tháo cái bao, ông mới biết rằng nàng đã mở nó ra để kiểm tra câu chuyện riêng tư của ông. Cách hiểu của nàng đối với sợi dây thật là hoàn hảo. Nàng đã cắt vụn nó ra như những cọng bún spaghetti ở một quán ăn tồi tệ.

 

6.

Đi ngược lại lời khuyên của những nhà tổ chức lưu diễn, ông đã dốc sức làm cho hai đêm trình diễn hoàn toàn tập trung vào tình yêu và tiếng cười. Đó là hai đêm thảm bại. Khán giả cảm thấy rằng tình yêu và tiếng cười, trong trường hợp của ông, không có ý nghĩa bằng sự kinh hoàng.

Đêm trình diễn tiếp theo lập tức được công bố.

HAI TIẾNG ĐỒNG HỒ CHO SỰ HỐI TIẾC

Vé bán hết nhanh chóng. Ông bắt đầu bằng một diễn dịch ngắn gọn về tình yêu, dùng nó chỉ như một dạo khúc dẫn đến sự hối tiếc mà ông đã ra sức trau chuốt qua những động tác phức tạp và đầy cảm xúc khiến khán giả tái nhợt người và run rẩy. Ở màn kết thúc lộng lẫy, ông chuyển từ hối tiếc đến cô đơn, rồi từ cô đơn đến kinh hoàng. Khán giả say sưa thưởng thức sự kinh hoàng như những du khách can đảm ăn món cà-ri cay nhất trong một nhà hàng Ấn Độ.

 

7.

"Điều ông đang làm," nàng nói, "là trục lợi từ chính căn bệnh loạn thần kinh của ông. Cá nhân tôi, tôi thấy buồn nôn về điều đó, trông ông giống như một kẻ khoe cái chân tàn tật của y để kiếm ăn, hay những thằng ăn mày Thổ-nhĩ-kỳ khoe hình thù vặn vẹo quái đản của chúng."

Ông không đáp. Ông cảm thấy hơi bực dọc về cái giả thiết của nàng. Nhiều lần, rất nhiều lần trước đây, ông chưa bao giờ có ý nghĩ như vậy.

Với sự hiểu lầm hoàn toàn, nàng diễn dịch vẻ thụ động của ông là thái độ khinh thị.

Muốn làm ông đau đớn, nàng tát vào mặt ông.

Muốn làm nàng đau đớn, ông mỉm cười tươi rói.

 

8.

Câu chuyện về sợi dây xanh khêu gợi tính tò mò trong óc tưởng tượng của khán giả. Những bao giấy màu nâu được bày bán trước cửa rạp hát.

Đứng trên sân khấu, ông có thể nghe những cái bao ấy được mở ra lao xao. Ông nghĩ đến những bà mệnh phụ Hoa-kỳ đang tranh nhau mua những tấm thảm cầu nguyện của người Hồi giáo.

 

9.

Mệt lả và đuối sức vì thời khoá biểu trình diễn quá dồn dập, ông bị biến thành con mồi cho những mối hoài nghi đã từng gặm nhấm ông suốt nhiều năm qua. Ông đánh mất mọi cảm nhận về phương hướng và ngồi thừ một mình rất nhiều giờ đồng hồ trong một phòng khách sạn, lắng nghe tiếng máy điều hoà không khí kêu rầm rì.

Ông đã mất tự tin vào những tác dụng xã hội của sự kinh hoàng có điều hướng. Ông không còn hiểu nổi tại sao khán giả lại có nhu cầu được trải qua chính những điều mà ông tuyệt vọng ao ước thoát khỏi.

Ông đổ cái gạt tàn thuốc một cách tỉ mỉ.

Ông mở cái bao giấy nâu và ném những đoạn dây vào bồn tiểu. Khi dòng nước trắng xoá cuồn cuộn rút đi, những đoạn dây ấy vẫn còn nổi lều bều như những mảnh vụn của một cuộc đắm tàu ngoài biển.

 

10.

Nghệ Sĩ Kịch Câm tổ chức một cuộc họp báo để công bố ngưng chương trình lưu diễn. Trông ông nhỏ thó, xa lạ và bốc mùi tỏi. Đám phóng viên hờ hững chào ông. Ông lo lắng nhìn những cây bút họ huơ trên mặt giấy, hoài công mong đợi họ sẽ viết xuống giấy những lời ông nói.

Ông công bố ngắn gọn rằng ông muốn mở ngỏ tài năng để đón nhận những ảnh hưởng rộng rãi hơn. Những kỹ năng của ông sẽ được cống hiến cho quần chúng, và quần chúng sẽ có quyền tự do đòi hỏi ông phục vụ cho bất cứ mục đích nào vào bất cứ lúc nào.

Nước da ông có vẻ bủng xám nhưng đôi mắt ông trông lấp lánh như đôi mắt hạt cườm của một con vật cầu hên lông xù treo lủng lẳng trên gờ cửa kính sau của một chiếc xe Hoa-kỳ.

 

11.

Người ta đòi hỏi ông mô tả cái chết thì ông luôn tay bấm máy Polaroid để chụp ảnh những người nêu câu hỏi.

 

12.

Người ta đòi hỏi ông mô tả cuộc hôn nhân thì ông tặng cho đám đông những chiếc gương soi nho nhỏ rẻ tiền có in hàng chữ MADE IN TUNISIA ở phía sau.

 

13.

Càng ngày số người ái mộ ông càng giảm sút. Quần chúng cảm thấy ông trở nên tối tăm và vượt quá tầm lĩnh hội của những người bình thường. Để đáp lại điều đó, ông yêu cầu họ hãy đòi hỏi những điều dễ dàng hơn. Không còn gìn giữ cho mình một điều gì nữa cả, ông dốc sức làm hài lòng khán giả.

 

14.

Người ta đòi hỏi ông mô tả một chiếc máy bay, ông bay ba vòng chung quanh thành phố, chỉ bị trầy sướt chút ít lúc đáp xuống đất.

 

15.

Người ta đòi hỏi ông mô tả một dòng sông, ông tự dìm mình xuống nước cho đến chết.

 

16.

Rủi ro thay, chính cuộc trình diễn này — cuộc trình diễn cuối cùng và ít tiêu biểu nhất của ông — lại là cuộc trình diễn duy nhất được thu hình.

Có một nhóm khán giả thưa thớt đứng bên bờ sông, không quá ba mươi người. Một người đàn ông nhỏ thó, tươm tất trong bộ vét xám, lách qua mấy đứa trẻ có vẻ đang thích thú hơn trong trò chơi của chúng với một con chó bằng nhựa to kềnh.

Ông bước vào dòng sông. Ngay sát bờ, nước đã khá sâu. Cái đầu của ông chỉ nhô lên khỏi mặt nước chừng một, hai giây đồng hồ. Và ông biến mất.

Một viên cảnh sát nhìn đăm đăm vào mé nước, như đang chờ ông tái xuất hiện. Rồi cuốn phim chấm dứt.

Xem cuộc trình diễn cuối cùng ấy thật khó tưởng tượng làm thế nào mà người đàn ông này đã khuấy động những cảm xúc như thế trong tâm hồn của những ai đã thấy ông tận mắt.

 

 

-----------------------
Nguyên tác: "The Last Days of a Famous Mime", trong Peter Carey, The Fat Man in History (New York: Random House, 1981).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021