thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trên những hành lang đường xe điện hầm
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở Paris. Năm 1946 ông tốt nghiệp Viện Canh nông Quốc gia, được bổ nhiệm làm tại Viện Thống kê Quốc gia Paris, nhưng đến năm 1948 thì nghỉ và về làm việc cho phòng thí nghiệm của người chị ở Seine et Marne, chuyên sưu tầm về sinh vật học. Từ 1949 (năm ông hoàn tất tiểu thuyết đầu tay Un Régicide) đến 1951 ông làm việc tại Viện nghiên cứu trái cây bản xứ, từng ở Maroc, Guadeloupe, Guinée và Martinique để nghiên cứu về trái cây miền nhiệt đới. Trên chuyến tàu thủy đưa ông từ Martinique trở về Paris (1951), Robbe-Grillet khởi sự viết cuốn Les Gommes, và từ cuối năm 1951 những bài điểm sách và nhiều tiểu luận ông viết bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí: Critique, Express, la Nouvelle Nouvelle Revue Française – để làm sáng tỏ lối viết của mình. Les Gommes được xuất bản ở nhà Minuit năm 1953 (Giải thưởng Fénéon 1954), và cũng bắt đầu từ năm này ông sang hẳn địa hạt văn chương. Cuốn Le Voyeur (1955, Giải các nhà phê bình) được coi là đánh dấu thời gian ông làm tư vấn cho nhà xuất bản Minuit. Robbe-Grillet lấy vợ năm 1957, năm xuất bản cuốn La Jalousie, và song song với viết lách, ông bắt đầu bước qua điện ảnh, khởi đầu là phim L’Année dernière à Marienbad (1960, Giải Sư tử Vàng tại Venise 1961), rồi đến L’Immortelle (1963), Trans-Europ-Express (1966)... Quan điểm tiểu thuyết của ông, thể hiện qua cuốn Pour un nouveau roman (1963), và hơn hết là trong toàn bộ tác phẩm ông, được bàn cãi khắp thế giới. Năm 1964 ông đi nói chuyện tại nhiều trường đại học ở Mỹ, và từ 1972 về sau dạy nhiều khóa ở New York University, nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein... Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa – đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn – về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ “tước bỏ trái tim lãng mạn” nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện “cái gì cũng biết”, và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
 
Hoàng Ngọc Biên
(trích giới thiệu trong Alain Robbe-Grillet, Djinn - một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ,
bản dịch Hoàng Ngọc Biên, 192 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 2003)

 

_______________________________

 

TRÊN NHỮNG HÀNH LANG ĐƯỜNG XE ĐIỆN NGẦM

 

 

I. Thang máy

 

Một nhóm người, bất động, phía cuối chiếc cầu thang dài màu xám sắt, mà những bậc nối tiếp nhau lướt qua, ngang nền chân cầu thang, và lần lượt biến mất trong một tiếng động của thứ máy móc được vô dầu cẩn thận, với một sự đều đặn dù sao vẫn thấy nặng nề, và đồng thời cũng dậm dật từng cơn, sự đều đặn cho ta cảm tưởng có một tốc độ khá mau ở chỗ mà những bậc thang nối tiếp nhau biến mất dưới mặt phẳng nằm ngang, nhưng trái lại dường như cũng vô cùng chậm rãi, do chỗ đã mất hết tính cách đột ngột, đối với con mắt nhìn, khi đi lần xuống từng bậc thang nối tiếp, lại thấy lại, phía cuối chiếc cầu thang dài thẳng hàng, như vẫn cùng một chỗ trước, cùng nhóm người trên mà cách thế vẫn không thay đổi một mảy may, một nhóm người bất động đứng trên những bậc thang cuối cùng, vừa rời khỏi nền chân cầu thang, liền đứng khựng suốt cả đoạn đường thang máy, đột nhiên dừng lại, giữa lúc đang cử động, đang hối hả, tựa như việc đặt chân lên những bậc thang chuyển động đã thình lình làm tê liệt cả người họ, hết người này đến người khác, tê liệt trong những thế đứng vừa thoải mái vừa cứng đơ, giữa chừng, đánh dấu sự nghỉ chân tạm thời giữa một cuộc chạy không ngừng trong khi toàn cả chiếc cầu thang vẫn tiếp tục đường lên, lên cao một cách đều đặn bằng một chuyển động dều, thẳng hàng, chậm rãi, gần như không ai nhận thấy được, chuyển động theo đường xiên đối với những thân hình thẳng đứng.

Những thân hình đó là của năm người, tụ lại trên ba hoặc bốn bậc thang, phía một nửa bên trái của các bậc thang đó, có gần hơn ít nhiều với thành thang máy, chính thành cầu thang này cũng di động, cùng một chuyển động, nhưng chuyển động này còn khó trông thấy được, còn mơ hồ hơn nữa, bởi chính hình thể của thành chiếc cầu thang đó, vốn chỉ là một dải dây cao su dày màu đen, với bề mặt trơn bằng, với hai đường biên đó không thể nhắm vào đâu để định được tốc độ cả, trừ hai bàn tay đặt nằm lên đó, bàn tay này cách bàn tay kia lối chừng một thước, tận phía dưới dải dây hẹp nằm xiên góc mà sự cố định ở khắp các chỗ khác có vẻ như tất nhiên, hai bàn tay vẫn đang tiến tới một cách liên tục, không đột phát, cùng một lúc với toàn cả hệ thống.

Bàn tay cao nhất là bàn tay của một người đàn ông mặc bộ đồ xám, một màu xám khá nhạt, không rõ rệt, hơi vàng dưới thứ ánh sáng màu vàng, một mình đứng trên một bực thang, dẫn đầu nhóm người, thân hình rất thẳng, hai chân sát vào nhau, cánh tay trái gập vào phía ngực và bàn tay cầm một tờ báo gấp làm tư, khuôn mặt cúi xuống trên tờ báo một cách có vẻ hơi quá đáng, vì cổ uốn cong tới phía trước quá nhiều, mục đích chính là để phô bày, thay vì trán và mũi, cho thấy rõ cái chóp sọ và cái lõm sói to tướng, chỗ da đầu hình tròn rộng màu hồng và bóng loáng có một chùm tóc lưa thưa vắt ngang, không có bề dày, một ít tóc màu đỏ hung dán dính vào da.

Nhưng khuôn mặt đột nhiên ngẩng lên, hướng về phía trên cùng cầu thang, để lộ cái trán, cái mũi, cái miệng, toàn thể những đường nét, những đường nét vả chăng cũng không có một biểu lộ tình cảm nào cả, và để nguyên như vậy trong vài phút, tất nhiên có lâu hơn thời gian cần thiết để biết chắc đường đi lên, lúc đó cũng còn lâu nữa mới hết, còn có thể cho phép tiếp tục đọc bài báo đã bắt đầu, là điều rốt cuộc ông ta đã quyết địng làm, đột nhiên ông cúi đầu xuống lại, nhưng khuôn mặt, bây giờ bị che kín, vẫn không vì một dấu hiệu nào đó mà để lộ một nét gì chú ý đến cảnh trí chung quanh trong một lúc, cái cảnh trí có lẽ còn không được trông thấy bởi đôi mắt mở lớn và bất động kia, với cái nhìn trống rỗng nữa. Ở chỗ đôi mắt, cũng vẫn ở vị trí như lúc đầu, người ta thấy cái sọ tròn với vùng da sói ở giữa đầu.

Tựa như người đàn ông, khi đọc lại giữa chừng bài báo, đột nhiên lại nghĩ đến chiếc cầu thang mênh mông trống trơn kia, chiếc cầu thang thẳng hàng, mà ông vừa ngắm nghía nhưng lại không trông thấy, và do một thứ phản xạ đến chậm, cũng muốn nhìn lại đàng sau, để biết xem về phía đó có mông mênh vắng vẻ như phía trước không, ông ta quay lại, cũng đột ngột như khi ông ngẩng mặt lên ban nãy và cả người ông không nhúc nhích. Như vậy ông có thể nhận thấy có bốn người đứng sau lưng ông, bất động, đang tiến lên không đột phát cùng một tốc độ với ông, và ông liền lấy lại cách thế lúc đầu và lại tiếp tục đọc báo. Những hành khách khác không nhúc nhích.

Ở hàng thứ nhì, bỏ một bậc thang trống, đến một người đàn bà và một đứa bé. Người đàn bà đứng đúng ngay sau người đàn ông đọc báo, nhưng bà ta không đặt bàn tay phải lên thành cầu thang: cánh tay bà buông thỏng theo thân mình, cầm một cái bao xách tay, hay một cái túi lưới đựng đồ ăn, hoặc một gói hình tròn, cả một khối màu nâu nhạt, nhìn bên cạnh, vừa vượt đúng khỏi chiếc quần màu xám của người đàn ông, làm ta không xác định được rõ đó là vật gì. Người đàn bà không trẻ mà cũng không già; gương mặt bà có vẻ mệt. Bà mặc một chiếc áo mưa màu đỏ, đầu trùm một chiếc khăn quàng hoa hòe thắt gút ở dưới cằm. Bên trái bà, là đứa bé, một thằng bé trai vào trạc mười tuổi mặc một cái áo len cổ cao và một chiếc quần dài bó sát bằng vải xanh, đầu hơi ngả qua một bên vai, mặt ngẩng lên về bên phải, phía bán diện của người đàn bà, hoặc hơi hướng về phía trước, về phía tấm vách trống không, cả tấm vách đều được cẩn bằng những viên gạch hình chữ nhật tráng sành trắng, tấm vách đang đều đều đi qua phía trên thành cầu thang, giữa người đàn bà và người đàn ông đọc báo.

Tiếp theo, vẫn luôn luôn cùng một tốc độ, trên nền màu trắng và bóng loáng đó, nền vách được cắt ra thành vô số những hình chữ nhật nhỏ, tất cả đều giống nhau và xếp thành hàng trật tự, với những đường nối nằm ngang liên tục, và những đường nối thẳng đứng xen kẽ, hai bóng người đàn ông mặc bộ đồ veston màu sẫm đi qua, người thứ nhất đứng sau người đàn bà áo đỏ, ở thấp hơn hai bậc, bàn tay phải để lên thành cầu thang, rồi sau đó, dưới ba bậc thang trống, là người đàn ông thứ nhì, đứng sau đứa bé, đầu người này không vượt khỏi đôi giép cột dây của đứa bé kia bao nhiêu, nghĩa là hơi nằm phía dưới hai đầu gối được đánh dấu phía sau chiếc quần màu xanh bởi nhiều đường xếp nằm ngang làm nhăn vải quần.

Và nhóm người cứng đơ tiếp tục lên cao, thế đứng của mỗi người vẫn không thay đổi, cũng như vị trí của mỗi người đối với nhau. Nhưng vì người đàn ông đi đầu quay lại để nhìn về phía sau, nên người cuối cùng, chắc hẳn đang thắc mắc về đối tượng của sự chú ý bất thường kia, đến lượt ông ta lại cũng quay lại. Ông ta chỉ nhìn thấy một dãy dài những bậc thang nối tiếp nhau lùi xuống và, tận cùng dưới chiếc cầu thang thẳng hàng, màu xám sắt, một nhóm người bất động, đứng trên những bậc thang cuối cùng, nhóm người vừa mới rời khỏi nền chân cầu thang và đang đi lên với cùng một chuyển động chậm rãi và chắc chắn, và luôn luôn vẫn ở cùng một khoảng cách.

 

II. Một đường hầm

 

Một đám đông lưa thưa những người vội vã, tất cả đều bước cùng một tốc độ, đi dài theo một hành lang không có lối rẽ ngang qua, đầu này cũng như đầu kia đều được giới hạn bằng một khúc quanh, tuy góc lơi, nhưng cũng che toàn hết lối ra ở hai đầu, và những mặ tường bên phải cũng như bên trái đều được trang hoàng bằng những tấm bích chương quảng cáo thảy đều y hệt nối tiếp bởi những khoảng cách bằng nhau. Những tấm bích chương đều vẽ lại một cái đầu đàn bà, chỉ cái đầu không cũng đã cao gần bằng một trong những người có tầm vóc bình thường đang đi qua trước mặt, bước đi nhanh, không quay nhìn trở lại.

Khuôn mặt to lớn đó, với những lọn tóc vàng, đôi mắt lồng giữa đám lông mi thật dài, đôi môi đỏ, hàm răng trắng, được lấy theo kiểu ba phần tư, và mỉm cười vừa nhìn những người đi qua đang vội vã và đi vượt khỏi hết người này đến người khác, trong khi bên cạnh khuôn mặt, phía bên trái, một chai nước uống thứ có bọt, để nghiêng bốn mươi lăm độ, xoay cổ về phía một cái miệng đang hé mở. Câu chú thích được viết bằng lối chữ thường, trên hai hàng: chữ “còn” đặt phía trên cái chai, và hai chữ “tinh khiết hơn” * ở phía dưới, tận cùng tấm bích chương, trên một đường xiên góc hơi đi lên đối với đường biên nằm ngang của tấm bích chương đó.

Trên tấm bích chương kế tiếp người ta vẫn thấy cùng những chữ đó vẫn nằm cùng y như chỗ bên kia, cũng có một cái chai y hệt nằm nghiêng, chất nước ở bên trong sẵn sàng trào ra, vẫn nụ cười không có gì đặc biệt. Sau đó, cách một khoảng trống được cẩn bằng sành màu trắng, vẫn lại cảnh đó ngưng khựng lại đúng vào lúc đôi môi kề sát miệng chai đưa ra và chất nước sắp chảy xuống, trước mặt vẫn cùng những người hối hả đi qua không quay đầu lại, tiếp tục đường đi về phía tấm bích chương kế tiếp.

Và những cái miệng như vậy nhiều lên dần, và những cái chai, và những cặp mắt lớn bằng những bàn tay nằm giữa những đám lông mi dài và cong. Và, trên vách tường bên kia hành lang, lại vẫn những hình đó diễn ra đúng y như bên này (có điều là hướng nhìn và hướng cổ chai nghiêng ở đây đều đổi ngược lại), nối tiếp nhau bằng những khoảng cách đều bên kia những bóng người tối sẫm của các hành khách, lúc bấy giờ vẫn tiếp tục đi qua, tản mác nhưng không hề gián đoạn, trên nền màu xanh da trời của những tấm quảng cáo, ở giữa những cái chai màu đỏ nhạt và những khuôn mặt màu hồng với cặp môi hé mở. Nhưng, ngay trước khi đến khúc quanh, lối đi của họ bị một người đàn ông đứng lại làm trở ngại, cách bức tường bên trái vào khoảng một thước. Người này mặc một bộ đồ xám, màu không được rõ ràng, và cầm bên tay phải buông thõng dọc theo bên hông một tờ báo gấp làm tư. Ông ta đang ngắm bức tường, chung quanh một cái mũi lớn hơn cả khuôn mặt của ông và nằm cao ngang tầm mắt của chính ông.

Dù hình vẽ có một kích thước khổng lồ và những chi tiết tô điểm cũng ít oi, đầu của người đứng nhìn cũng cúi về phía trước, như để được thấy rõ hơn. Những người đi qua phải tách ra khỏi đường đi thẳng hàng của họ một lúc để đánh vòng qua cái chướng ngại bất ngờ đó; gần như tất cả mọi người đều đi qua phía sau lưng ông, nhưng cũng có vài người, vì nhận ra được quá trễ sự thưởng ngoạn mà họ sắp làm gián đoạn, hoặc vì không muốn phải bước lệch ra khỏi đường đi vì một chuyện nhỏ nhặt, hoặc vì chẳng hay biết gì cả, họ đi tới ngay chính giữa người đàn ông nọ và tấm bích chương, và như vậy họ đã cản mất cái nhìn của ông này.

 

III. Sau cánh cửa nhỏ

 

Đám đông bị chận lại giữa hai lớp cửa đóng kín, ngăn không cho họ đi ra sân ga. Cầu thang xuống đến đó đầy đặc cả những hình người đứng sát vào nhau, đông đến nỗi chỉ còn thấy được những cái đầu, vì không có một khoảng trống nào giữa người này với người kia. Tất cả những đầu người đó đều bất động. Những khuôn mặt ngưng khựng lại, không có một dấu gì hờn giận, không tỏ vẻ sốt ruột, cũng không hi vọng.

Đàng sau những chóp đầu lô nhô, phần nhiều là những chóp đầu đàn ông, không nón, tóc ngắn và hai tai lộ ra rõ ràng, đang đi xuống theo triền của chính cái cầu thang nhưng người ta vẫn không thấy rõ được tính cách đều đặn của các bậc thang nối tiếp, đàng sau những chóp đầu đó hiện ra phần trên cao của các cánh cửa lớn, vượt khỏi hàng dài những chiếc đầu dưới cùng lối chừng ba mươi phân. Hai cánh cửa đóng lại chỉ chừa ở giữa một khoảng cách rất nhỏ, hơi nhận ra được thôi. Hai cánh cửa này được chắp lại, cánh này ở phía bên phải, cánh kia ở phía bên trái, với hai bộ phận cố định rất hẹp, và quay tròn trên đó khi người ta mở cửa. Nhưng, hiện giờ, hai trục đó và hai tấm cửa khép lại làm thành một bức tường gần như liên tục chắn ngang lối đi qua, đúng ngay ở dưới bậc thang cuối cùng.

Toàn bộ hệ thống sơn màu xanh lá cây sẫm, mỗi cánh cửa đều mang những hàng chữ lớn màu trắng trên một nền màu đỏ, hình chữ nhật, choáng gần hết chiều rộng của nó. Chỉ có hàng chữ thứ nhất, “Cửa tự động”, là nằm phía trên dãy đầu người dưới cùng, dãy đầu người chỉ để lộ những chữ tách rời của hàng chữ kế, giữa những vành tai củ hành khách.

Những chóp đầu san sát vào nhau đang đi theo dốc xuống thoai thoải, những chữ “Cửa tự động” viết đến hai lần ngang qua lối đi, tiếp đến, ở phía trên, là một dải nằm ngang sơn màu lá cây sẫm, bằng sơn mài... Phía trên nữa, khoảng không trống rỗng, cho đến tận khung vòm nửa vòng tròn ngay chỗ nối liền trần cái cầu thang với chính nhà ga, ở phía cuối nhà ga, chỗ nối dài thêm.

Chỗ vòm cửa mở thành nửa vòng tròn như vậy để hiện ra một phần sân ga, rất hẹp, và, tuốt trên cùng bên trái, chỗ một vòng cung được trương lên do dây cung nằm xiên tạo bởi đường lề sân ga, tuốt trên cùng bên trái, là một phần đoạn còn nhỏ hơn nữa của toa xe điện hầm ngừng sát bên sân ga.

Đó chính là một mặt thành bằng tôle màu lá cây, chắc hẳn nằm tuốt sau đuôi xe điện, sau ngưỡng cửa cuối cùng, trước mặt ngưỡng cửa đó những hành khách đang đứng dậm chân trong khi đợi có thể bước vào trong toa xe. Có thể có một cái gì không cho họ bước vào nhanh như họ muốn – những hành khách đang đi xuống, hoặc bên trong đông quá chẳng hạn – bởi vì họ đứng gần như bất động, ít ra là do ở chỗ ta có thể phán đoán được điều này bằng phần rất nhỏ củ thân hình họ nằm trong vùng thấy được.

Thật vậy, phía trên những chiếc đầu lố nhố bên cạnh những hàng chữ viết trên cùng các cánh cửa đóng kín, chỉ có những chiếc giày và phía dưới ống quần của các người đàn ông sắp bước lên toa xe là người ta còn trông thấy được, những người bị cắt ngang phía dưới đầu gối bởi khung vòm hình dây cung.

Những chiếc quần màu tối sẫm. Những chiếc giày màu đen, đầy bụi. Thỉnh thoảng lại có một chiếc nhấc lên nửa chừng rồi liền đặt xuống lại trên mặt đất, khi nó đã đưa tới trước được lối chừng một phân, hoặc chẳng đưa tới trước được tí nào cả, hay còn phải lùi ra đàng sau một tí nữa. Những chiếc giày bên cạnh, phía trước và phía sau, tiếp theo, cũng làm những cử động tương tự, mà kết quả cũng không được thấy rõ lắm. Và tất cả lại trở lại cố định. Thấp hơn nữa, cũng bất động, sau miếng tôle sơn mang những chữ “Cửa tự động”, là đến những đầu tóc ngắn, những vành tai lộ ra rõ ràng, với những gương mặt không một biểu lộ tình cảm.

 

1959

 

-------------------
* nguyên tác: et les deux mots “plus pure”

 

"Trên những hành lang đường xe điện hầm" [nguyên tác: "Dans les couloirs du métropolitain" (1959),
rút từ cuốn Instantanés (Paris: Minuit, 1962) lần đầu tiên được đưa vào
Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, do Hoàng Ngọc Biên giới thiệu và dịch,
328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1969.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021