thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chấm xuống dòng

 

Khởi chấm xuống dòng, cái buổi chiều tôi từ miền tây Nam bộ về Sài Gòn, căn nhà của ông tổ trưởng dân phố ở Phú Nhuận. Ông Vịnh cho nhà thơ ngậm ngùi đi vào biên khảo cư ngụ hàng chục năm, khỏi trả tiền thuê mướn gì hết. Ông Đỗ đã chết 1 năm, tôi hưởng dư âm, được ở chùa 1 năm còn muốn gì nữa. “Bây giờ gia đình tôi kẹt quá mới tính bán đi căn nhà này. Tôi phải sửa sang lại chút đỉnh, ngó tàm tạm người ta mới mua”. Lời nói không mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Tôi cũng nhớ câu ca dao này. “Bác phải sửa lại thôi. Nhà ngó xập xệ bán mất giá uổng lắm… Cũng đang định nói với bác, có người bạn, bạn vong niên như ông Đỗ, bảo tôi về ở chung. Ông ấy ở một mình buồn quá”. Làm quái gì có ông ấy, cái ông bạn vong niên như ông Đỗ. Ruột gan trong bụng tôi vừa rơi tuột xuống đáy bụng, hình như thế, chứ làm quái gì có chuyện như thế.

Buổi sáng rất sớm ở quán cà phê quen thuộc, nhà thơ ngậm ngùi đi vào biên khảo ngồi uống cà phê một mình ở đây chừng mười một năm, cộng thêm 1 năm ngồi cùng với tôi. Con gái ông chủ quán cười thật xinh tươi, hỏi: “Chú lại sắp đi xa nữa hả?”. “Ừa!”. cái túi xách to nhất tôi có được, đựng hầm bà lằng. Có vài quyển sách, của tôi và của nhà biên khảo. Mang theo luôn khung có hình ông Charlot đi tìm vàng.

Ông chủ quán xuất hiện mới chết chứ. Lại phải nói câu từ biệt (ngậm ngùi). Nhưng tôi chưa phải nói gì hết, ông chủ quán đưa tôi một tờ giấy xếp đôi: Em đã lùng sục khắp nơi chẳng gặp, chẳng nghe tin tức gì. Dám chị Huyền Thoại về Đơn Dương rồi lắm, quê nhà của chị ấy mà. Em, Minh.

Cái cô Minh này trả ơn tôi giới thiệu 1 thằng bồ bảnh bao. Minh đẹp và xếch xi quá cỡ, thằng bạn giang hồ của tôi hết sức hài lòng. Anh chàng Bảo giàu quá cỡ, hai cái quá cỡ ở với nhau trong cái biệt thự to tổ bố.

Tôi quen Hạnh ở Đà Lạt, được giới thiệu là nữ hoạ sĩ tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Hạnh ký tên dưới những bức tranh là Huyền Thoại. “Cô chọn cái tên nghe cải lương bỏ mẹ”. Hạnh chỉ cười nhẹ nhàng, nụ cười khá đẹp, y chang nụ cười của Francoise Sagan hồi mới viết văn (dĩ nhiên là tôi nhìn ảnh in trong sách báo). Ấy vậy mà Hạnh lại có cảm tình với tôi ngay từ buổi ban đầu. Hạnh bảo tôi giống tài tử James Dean bụi bặm trong phim Thành Công Vĩ Đại. Hạnh đòi tôi cho đọc thơ văn tôi viết. Dĩ nhiên là tôi đưa hết cho Hạnh những gì tôi đã viết, kể cả những gì tôi định viết. Những gì tôi định viết đó, tôi nói miên man trên bãi cỏ bờ hồ Xuân Hương. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng tôi thừa cơ Hạnh đang say sưa nghe, ôm chặt thân thể Hạnh, hôn lâu từ 5 phút trở lên. Rồi Đà Lạt Sài Gòn giải phóng, tôi không còn gặp được Hạnh nữa. Cô bé Minh, chả hiểu sao quen biết Hạnh, bảo từng gặp chị Huyền Thoại ở Sài Gòn, đoán chị Huyền Thoại chắc bây giờ về Đơn Dương. Tôi hy vọng là vậy. Tôi càng cần lên Đà Lạt, ở Sài Gòn tôi bế tắc quá rồi.

Chấm xuống dòng, gặp người bạn học cũ, bây giờ làm quản lý một khách sạn ở Đà Lạt.

Ngày nào tôi cũng ngồi quán cà phê Tùng, uống 2-3 ly cà phê kéo dài thì giờ, dĩ nhiên với mối hy vọng gặp lại Hạnh. Buổi đầu gặp Hạnh, chính là địa điểm này đây, cộng với vô số ngày của Hạnh ở quán cà phê đặc sản Đà Lạt. Tôi càng khâm phục nữ hoạ sĩ vẽ nhiều bức tranh thiếu nữ đẹp hơn bức tranh thiếu nữ choàng khăn tím Huế ngự trị nhiều năm trên tường quán cà phê Tùng. Hạnh không tỏ ý gì treo một bức tranh nào, bên cạnh hoặc không bên cạnh bức tranh của Đinh Cường, dù Thông, con trai lớn của ông Tùng đề nghị. Không có bóng dáng nào trong quán, lướt qua cửa kính, hoặc thoáng đâu đó ở khoảng mênh mông trước quán, lên xuống bậc cấp của chợ Đà Lạt, để tôi ngỡ rằng gặp Hạnh.

Rồi tôi nghĩ rằng, dù sao sống ở đây là sống với hy vọng một ngày gặp Hạnh.

Trở về cố quận Đơn Dương, biết đâu gặp Hạnh. Thị trấn Dran hiu hắt, chả hy vọng gặp Hạnh ở đâu đó trong vài con phố quạnh hiu, nhà Hạnh ở đâu tôi chưa từng biết. Cuối cùng, gọi là cuối cùng vì tôi đã gặp Hạnh, trong căn nhà gỗ (phần mộ thanh xuân), trước cổng có dàn hoa giấy màu tím khô mỏng như giấy.

Tuổi thơ của Hạnh rất buồn: cô cháu gái xinh đẹp mười bốn tuổi không thoát khỏi người chú dê già thành quỷ. Nhiều mối quan hệ trần ai tội lỗi và không tội lỗi, Hạnh đẹp như trái mận chín đậm ngọt ngào của một vườn mận Trại Hầm - Đà Lạt. Hạnh ngả đầu vào vai tôi khi tôi đọc thơ Bùi Giáng (thay lời muốn nói): Lên mù sương xuống mù sương / Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu / Tuổi thơ em có buồn nhiều / Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua / Biển dâu sực tỉnh giang hà / Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh. Hạnh (thừa dịp) ngả thêm đầu tóc, cười như chuột rúc rích trên ngực tôi, cười một hồi rồi hỏi: “Tập Mưa Nguồn của Bùi Giáng ngày xưa anh vẫn còn giữ chứ?”. Tôi trả lời đúng kiểu của tôi: “Giữ mẹ gì được. Mẹ anh còn đi đời nhà ma từ khuya rồi, nói chi tập thơ Mưa Nguồn của Bùi Giáng. Mà tập thơ Mưa Nguồn nay được in lại rồi, do nhà thơ Ý Nhi ở Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn in lại”. Hoá ra Hạnh đọc nhiều thơ, có đọc thơ Ý Nhi nữa, giọng Hạnh nghe khào khào, giọng con mèo cái (trên nóc nhà cháy bỏng): Trong ánh chớp của phận số, em kịp nhận ra anh / Trong vòng xoay của phận số, em dừng lại đúng nơi anh…

Chấm xuống dòng, sang trang, Hạnh như huyền thoại của tôi, bỏ Đà Lạt đi đâu mất biệt. Tôi không biết đạo diễn đại tài Trương Nghệ Mưu của đại lục Trung Hoa buồn bã cỡ nào khi Củng Lợi bỏ đi, rồi sau đó cô diễn viên tài sắc này lấy một doanh nhân Singapore làm chồng. Tôi không buồn bã chút xíu nào, chỉ lấy làm tiếc một điều: tôi đã khinh bạc, nói cái tên Huyền Thoại là cải lương. Hạnh bây giờ là nữ chủ nhân một motel ở nơi hoang mạc xa xăm của xứ Úc Đại Lợi xa tít mù, và kinh doanh khoáng sản opal cực kỳ quý hiếm, có trong lòng đất nơi đây. Một thị trấn dưới mặt đất mát mẻ, có cả nhà thờ, đẹp như một nhà thờ thời Phục Hưng. Và đến bây giờ tôi càng không buồn gì hết. Tôi gặp người phụ nữ chả làm thơ vẽ tranh gì hết, mà là nguyên mẫu của bài thơ, bức tranh đẹp nhất tôi có thể có được, nếu tôi làm thơ vẽ tranh. Bây giờ thì tôi viết những gì đấy, bắt đầu bằng mẫu tự H.

 

Sài Gòn,15/9/2005

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021