thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khách sạn Cô Đơn
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

J.-M. G. LE CLÉZIO

(1940~)

 

KHÁCH SẠN CÔ ĐƠN

 

Đối với Eva, đấy là kỷ niệm của một đời sống khác, một thời gian không hạn định. Nàng đã ở khách sạn suốt đời nàng, du lịch trên những con tàu chở khách lao vào cuộc phiêu lưu trên biển, từ bến này đến bến kia, giữa Venise và Alexandrie, hay trên lãnh hải Cortés, từ Topolobampo đến La Paz. Nàng đã quen với mọi thứ, tình yêu và lễ lạc, vào những ngày hội liên hoan, sự giàu sang, tiếng tăm như sương khói, rồi thì tất cả đều tan đi từ thành phố này đến thành phố khác, trong những lễ hội hàng giả và những anh nhân tình đặt hàng, và giờ đây nàng chỉ là một người đàn bà già đơn độc, của cải còn lại với nàng chỉ là những kỷ niệm.

Trong những phòng khách sạn, khi thì lộng lẫy sang trọng, khi thì bẩn thỉu nhớp nhúa, có một cái gì vừa huy hoàng vừa thống thiết, như sự phản ánh quá lạm của cuộc đời. Cuộc phiêu lưu không gì ngăn cản được, vết bỏng của mối tình nay không còn nữa, những gương mặt bị xóa nhòa, liên tục rút khỏi thế giới con người, một sự cay đắng tuyệt diệu. Giờ đây, trong căn phòng này của khách sạn Almuñecar với cái tên hầu như chính nàng đã bịa ra, và định mệnh đã gán cho nó ngay từ buổi đầu, nàng nhớ lại tất cả những gì nàng từng biết, tất cả những gì nàng đã sống qua. Cái nàng thích hơn tất cả mọi thứ, ấy là khi đi quá khoảng giữa hai cánh cửa lưới, lao mình vào cái nhộn nhịp của thành phố. Thành phố nào cũng khác biệt, tuy rất giống nhau (tiếng xe ngựa ở Mérida, đám đông ở Constantinople, tiếng gầm ở Tokyo). Để khỏi lẫn lộn, nàng bày lên bàn vẫn mấy cuốn sách mở sẵn ấy. Mỗi ngày, nàng lật một trang cuốn Impressions d’Afrique, cuốn Nadja, hoặc tập Poésies, có thể là để giải trừ cái chết. Chính vì nàng nghĩ đến Raymond Roussel, đến cái thân xác lạnh ngắt và đã cứng đơ của ông mà đám gia nhân mang đi xa, để cho căn phòng lúc nào cũng láng bóng, lúc nào cũng không thực. Nàng nghĩ đến chàng thanh niên người Montevideo, đến khuôn mặt thiên thần nhợt nhạt lộn ngược đầu trong căn phòng không tên. Nằm dài trên chiếc giường hai chỗ, nàng mơ màng nhìn lên trần nhà bấy giờ khói thuốc của nàng đang vẽ lên những chữ không đọc được.

Kỷ niệm về một thế giới khác, mà nàng đã đi qua nhưng không nhìn thấy, mắt lóa vì những mặt kính soi phản chiếu. Ở đây, lần đầu tiên, nàng cảm nhận mối nguy hiểm nấp sau cái tầm thường của cảnh trí, những màn trướng bằng nylon treo trên xe lửa, những đèn vách tường, những tranh minh họa vẽ những cối xay gió, những con sông, những tàu thuyền. Giờ đây khi tất cả đều đã trốn mất (và khi chính nàng tránh không để ai liên lạc được), thì chỉ còn lại cái rùng mình ngọt ngào của mối hiểm nguy, những tiếng gõ cửa nhẹ nhàng, như dấu hiệu yêu đương của một cuộc hẹn hò vào buổi hoàng hôn. Nàng đứng dậy không vội vàng, để chân không bước trên nền nhà lát gạch vuông, đến tận cánh cửa lớn. “Trà của cô đây, thưa cô.” Anh bồi ở tầng lầu nàng trông giống Nathan, anh ta có cùng đôi mắt bầu dục rực lên một thứ ánh sáng vừa dịu dàng vừa tàn bạo. Anh đặt khay lên cái bàn thấp, gần cửa sổ, anh trở ra vừa siết trong tay mấy tờ giấy bạc. Như vậy không còn gì cần phải vội, chẳng có gì đòi hỏi ở nàng, ngoài cái giá của sự cô đơn. Của cải duy nhất mà nàng đã nhận được từ cuộc đời, để đổi lấy những ảo tưởng về thân xác nàng, âm thanh của giọng nói nàng, mối đam mê mà cánh đàn ông tưởng đã đọc được trong cái nhìn của nàng.

Eva nhớ lại những ngày ở khách sạn Washington, Colón, cùng với Nathan, những ngày hai người chỉ có nhìn ra biển, những chiếc thuyền đẫm nước ngoài khơi đang đợi để đi qua con kênh. Cùng nhau họ mạo hiểm đi vào những đường phố tối đen, họ lắng nghe những ban nhạc chơi điệu pindin, họ nhìn những mụ bà nhảy múa ở cửa ra vào các điện thờ, trước những hình tam giác cháy rực và hoa quả cúng dâng. Sau đó họ trở về khi trời hừng sáng, và cái khách sạn to lớn bấy giờ giống như một chiếc thuyền bằng gỗ, nứt rạn trong gió của đại dương trước khi đi qua eo biển. Nhiều năm sau, Nathan chết, và nàng không bao giờ trở lại Colón. Ở Buenos Aires, đứng từ trên cao dãy phòng của nàng trong khách sạn Revolución, nàng nhìn làn sóng xe cộ, nàng nghe tiếng va chạm các tai nạn, tiếng còi xe cảnh sát. Nàng lang thang trên đường phố, đến tận cái quán rượu ở Corrientes, tựa như nàng có ý tìm gặp Onetti. Hoặc là ở Colima, tại khách sạn Casino, dưới những chiếc quạt máy trên trần, dài trên lối đi vào trang trí bằng những cây kiểng bằng nhựa, nàng hoài công chờ đợi để thấy được cái dáng nặng nề và hơi ngập ngừng của Rulfo.

Còn lại cái gì ở đây, ở Almuñecar (Costa Bananas)? Trong tất cả các căn phòng này, trong những phòng khách này, trong những quầy rượu và những đại sảnh này, cái mà nàng không sao nắm lấy được chính là thời gian. Thay vì những hình ảnh hay những thứ đồ mỹ nghệ, nàng thích bày ra trên một cái đĩa nhỏ một trái cây, một quả táo, mà nàng cứ nhìn hết ngày này qua ngày khác cho tới khi nó chín héo và nhăn nhúm như một khuôn mặt phụ nữ.

Mấy cuộc nói chuyện nhẹ nhàng với người gác dan, với người trực đêm. “Cô có sẽ ở lại đây lâu với chúng tôi không, thưa cô?” – Cô thương tôi đến như thế sao?” “Sắp bắt đầu có mưa rồi, mùa chết đấy. – Vậy là mùa của tôi rồi.” Hơn mọi thứ nàng đã yêu mến những thành phố sống theo nhịp điệu của du khách này: Chichester, Étretat, Biarritz, Syracuse, Tanger, Alexandrie. Ở đây, tại Almuñecar, khách sạn Cô Đơn, Eva không còn trong tay gì nữa, ngay tiền bạc cũng không có nhiều để tiếp tục sống. Không có gì ngoài những kỷ niệm hạnh phúc, ảo tưởng về một sự trở lại muôn đời, và sự tin chắc đã hơi bị mờ nhạt là nàng nhất thiết sắp phải ra đi, đi vĩnh viễn. Người ta không chọn được bất cứ gì. Chỉ có như thế, mấy tiếng gõ khẽ khàng ở cửa phòng, im lặng, rồi một xác người lạnh, đã cứng, mà người ta mang đi vào quên lãng, và trên cầu thang, thiên thần áo trắng đang nhìn bằng đôi mắt mệt mỏi và độc ác. Và, trên cái bàn một chân bị bỏ quên nào đó, một chén trà vô dụng.

 

Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp, "Hôtel de la Solitude",
trong tập truyện diễm tình của Jean-Marie Gustave Le Clézio,
Cœur brûle et autres romances
Nxb. Gallimard, Paris, 2000.

 

-----------------------
Jean-Marie Gustave Le Clézio sinh năm 1940 ở Nice, bắt đầu nổi tiếng từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Le Procès-verbal, Giải thưởng Théophraste Renaudot 1963. Từ ấy đến nay – hơn 40 năm trôi qua một sự nghiệp văn chương đa dạng, phong phú và độc đáo, có thể chỉ căn cứ là nhà văn đầu tiên nhận giải thưởng Paul Morand cho toàn bộ tác phẩm (1980)? – ông đã xuất bản trên dưới 40 cuốn sách: tiểu thuyết, tiểu luận, truyện ngắn, hai bản dịch thần thoại thổ dân châu Mỹ, và vô số những bài viết, bài tựa và nhiều đóng góp cho những tác phẩm tập thể. Từ thời trẻ, mới nổi tiếng, Le Clézio đã được biết đến như một nhà văn “ẩn dật”: ông sống ở Nice (tôi còn nhớ một tấm ảnh chụp ông bước đi trên một bến cảng, người cao lêu nghêu, nổi bật trên một cái nền sông nước và thuyền bè đăng trên báo Le Figaro Littéraire hơn một phần tư thế kỷ trước) và rất ít khi đến Paris, rất ít khi thích ngồi xuống cho ai phỏng vấn, bởi vì “ẩn dật” chỉ là một thái độ: thật sự, ông là một người bước đi. “... đối với tôi là dân ở đảo, một người ở bên bờ biển nhìn những chuyến tàu chở hàng đi qua, gót chân mài trên những bến cảng, như một người bước đi dọc theo một đại lộ nhưng là người không thể thuộc một khu phố hay một thành phố nào, mà là thuộc về mọi khu phố và mọi thành phố, ngôn ngữ Pháp là quê hương duy nhất của tôi, là nơi duy nhất tôi sống .” (trả lời Catherine Argand, 1994). Chúng ta sẽ không ngạc nhiên: Le procès-verbal thai nghén ở Anh, L’extase matérielle lên men ở Bangkok, và nhiều tác phẩm khác nẩy sinh từ những chuyến đi, sống và viết: Mexique, Panama, quần đảo Maurice và Rodrigues... Từ một nhà văn trẻ, mà những cuốn sách viết rất đẹp làm người đọc liên tưởng đến những nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết Mới, nhạc pop, nhiều nét Lautréamont, Artaud, nhất là Michaux, cái nhìn theo tinh thần Blake – cả Keats, Auden, Salinger mà ông đọc đi đọc lại nhiều lần - đến nay Le Clézio đã vạch con đường riêng của mình, và năm 1994 được chọn là nhà văn viết tiếng Pháp lớn nhất còn sống.
Trong truyện ngắn "Le mone est vivant", Le Clézio có mô tả một phương pháp viết đơn giản, quá mức đơn giản: Đây là những gì cần làm: phải đi về đồng quê, như một họa sĩ Chủ nhật, với một tờ giấy lớn và một cây bút bi. Chọn một nơi vắng vẻ, trong một thung lũng nằm trong hốc núi, ngồi trên một tảng đá và nhìn lâu chung quanh mình. Khi đã nhìn no, phải lấy tờ giấy ra, và vẽ ra bằng chữ những gì ta thấy... Nhưng ta hãy coi chừng: nhà văn của chúng ta không đơn giản như thế: tác phẩm Le Clézio đi từ những vấn đề liên hệ đến nhà văn và ngôn ngữ (ngôn ngữ chỗ quê hương), lý do phải viết, ngôn ngữ-thực tại, ngôn ngữ-âm nhạc, ngôn ngữ-hội họa, thần thoại cổ, cái nhìn, sự cô đơn, nỗi đau, con người chuyển động trong một thế giới mà công việc đẹp nhất của người viết là... sao chép lại.
[Ngoài nhiều giải thưởng văn học giá trị, J-M G. Le Clézio còn nhận được một giải thưởng không văn học: mùa Hè 1999, theo thăm dò đặc biệt của Ipsos/L’Evénement, nhà văn được bầu là người thứ 11 trong số 12 “ngôi sao nam” được phụ nữ Pháp chọn là hấp dẫn nhất trên toàn thế giới – cùng với Robert Redford, Sean Connery, Antonio Banderas, Johnny Depp, Alain Delon, Leonardo di Caprio, Hugh Grant, vân vân.]
Tác phẩm Jean-Marie G. Le Clézio có thể gọi là đồ sộ. Có lẽ đây là một trong những tác giả ít ai muốn ghi danh sách tác phẩm trong một vài dòng giới thiệu sơ sài, sợ mang tiếng khập khiễng chăng...
(Hoàng Ngọc Biên giới thiệu)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021