thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bàn tay phải
Bản Việt văn của Võ Hồng Ngự

 

ALEXANDR I. SOLZHENITSYN

(1918~ )

 

Lời người dịch:
 
Trong thư ngỏ đề ngày 16-5-1967 gửi "Ðại hội lần thứ tư của các nhà văn Sô-viết" (Nga), cùng với những lời tố cáo cơ quan Kiểm duyệt trá hình mang tên Glavlit, Solzhenitsyn đã thông báo cho các nhà văn Liên Sô biết là các tác phẩm của ông gồm nhiều truyện dài, truyện ngắn, truyện phim và kịch bản đã không thể kiếm được một nhà xuất bản hoặc sản xuất.
 
Ở phần II, đoạn 6 của lá thư ngỏ nói trên, Solzhenitsyn còn nêu rõ tên của tập truyện ngắn Bàn tay phải, cùng chung số phận với những tác phẩm khác của ông.
 
Tác phẩm độc nhất của Solzhenitsyn được in thành sách tại Nga là cuốn Một ngày trong đời của Ivan Denisovich (1962). Cuốn sách in được là do sự can thiệp của Thủ tướng Nga lúc đó là Krushchev.
 
Kể từ ngày việc chống Stalin trở thành một cái “mốt” của các nhà tri thức “được tài trợ” ở Nữu-ước và những người theo đuôi ở các xứ phụ thuộc, tác phẩm của Solzhenitsyn trở thành cái đinh cho công cuộc tuyên truyền ầm ĩ.
 
Chính Solzhenitsyn đã nhiều lần lên tiếng kết án việc phiên dịch vội vã, cẩu thả các tác phẩm của ông ở Tây phương và chính thức cấm hẳn bọn con buôn và chính trị lưu manh ở các xứ tư bản đem các tác phẩm của ông lên màn ảnh hoặc sân khấu. Tuy nhiên Solzhenitsyn cho rằng lỗi một phần là do những cơ quan kiểm duyệt Nga đã ngăn chặn việc xuất bản các tác phẩm của ông ở trong nước. Ông yêu cầu bãi bỏ những cơ quan kiểm duyệt này để nhân dân Nga có thể phê phán các tác phẩm của ông qua chính nguyên tác và thế giới có thể đánh tan những ngộ nhận hoặc tuyên truyền rẻ tiền... Việc này, tuy được rất đông các nhà văn Liên Sô ủng hộ, cho tới nay vẫn chưa thành tựu.
 
Bản Việt-văn truyện ngắn Bàn tay phải căn cứ trên một bản Anh-văn dịch theo tạp chí văn nghệ LISTY xuất bản tại Prague, Tiệp Khắc.
 
N.D. (1970)

 

______________________________

 

BÀN TAY PHẢI

 

Khi tôi tới Tashkent mùa đông năm ấy thời một chân tôi đã nằm trong mồ. Thế nhưng họ đã đưa tôi ra khỏi đó.

Một tháng trôi qua, rồi một tháng nữa, và rồi lại một tháng nữa. Trong lúc đó, ngoài trời, mùa xuân man dại ở Tashkent chấm dứt, mùa hè bắt đầu, mọi sự đều đáng yêu, xanh rờn và ấm áp dịu dàng và tôi, đôi chân loạng choạng, lần đầu tiên bước ra ngoài đi dạo.

Tôi vẫn không dám tưởng tượng là tôi đã khá hơn và chỉ trong những giấc mơ điên dại nhất tôi mới dám đoán chừng là tôi còn lại được bao nhiêu tháng nữa. Chầm chậm tôi lê chân theo những lối nhỏ tráng nhựa đầy cát trong công viên nằm giữa những khu bệnh viện, thỉnh thoảng lại ngồi xuống đám cỏ, và đôi lúc khó chịu quá tôi đã phải nằm dài ra, đầu dốc hẳn xuống.

Ðối với người ngoài thời tôi cũng chỉ như bất cứ bệnh nhân nào khác mà thôi, chỉ riêng tôi biết là tôi khác và tệ hơn: dẫu sao chăng nữa, thời họ vẫn còn đôi chút quyền hạn, nhưng tôi thời chẳng có một cái quyền gì hết. Cuộc đời đã đẩy tôi gần như vào một lối sống cách biệt hẳn mọi người. Họ có người đến thăm nom, bà con sụt sùi khóc thương họ, và họ chỉ có một mối băn khoăn duy nhất là làm sao khỏe mạnh lại. Nhưng tôi, thú thật, gần như chả có lý do gì để khỏi bệnh. Tôi đã ba mươi lăm tuổi, và, trong khắp cả cõi đời rộng lớn này, chẳng có lấy được một tâm hồn bằng hữu. Cả đến những giấy tờ lý lịch tôi cũng vẫn chưa nhận được và nếu như bây giờ tôi khỏi bệnh thời chắc chắn là tôi sẽ phải rời bỏ khu vườn xanh tốt này mà trở về miền sa mạc hoang vu, nơi tôi đã bị lên án đầy chung thân. Tôi đã sống ở miền sa mạc ấy dưới sự quản thúc của nhân viên công lực, cứ nửa tháng phải trình diện một lần và các viên chức trông nom tôi đã phải suy nghĩ mất lâu ngày mới thả tôi về bệnh viện, mặc dù lúc ấy tôi gần chết.

Thế nhưng tôi đã có được tới cả mười năm thủng thẳng suy nghĩ, và tôi đã biết được một trong mấy sự thật căn bản, ấy là: muốn vui hưởng cuộc đời thì chả cần gì nhiều. Cuộc đi dạo không vững với đôi chân loạng choạng này chẳng hạn, hoặc việc thở ra nhè nhẹ không làm cho mình đau đớn. Hoặc chỉ một mẩu khoai không bị cứng ngắc vì lạnh moi lên từ miếng súp.

Và vì thế, mùa xuân năm đó lúc tôi phải chịu một vài nỗi đau đớn thì cũng chính lúc ấy, đó là mùa xuân đẹp nhất trong đời tôi.

Mọi sự đều có cái gì mới mẻ, mọi sự đều lý thú: từ người bán cà rem đẩy cái xe nhỏ, cái đồ để xịt nước ngoài đường phố, cho đến những người đàn bà bán củ cải đỏ, ấy là chưa kể tới chú ngựa con thường nhảy qua một chỗ hổng trong hàng rào để tới đây thưởng thức đám cỏ mùa xuân.

Mỗi ngày tôi bước xa hơn một chút trong công viên, cái công viên ấy có lẽ đã được thành lập khoảng cuối thế kỷ trước cùng lúc họ xây cất những khu nhà gạch chắc chắn kia. Ở chỗ nhiều lối đi tụ lại để rồi đổ vào một con đường lớn chạy tới cái cổng chính, một pho tượng Stalin bằng thạch cao trắng lớn, sáng lấp lánh với một nụ cười mãn nguyện lạnh lùng dưới hàng râu mép rậm. Và một dẫy những pho tượng bán thân nhỏ hơn nối tiếp, cách khoảng đều nhau, cho đến khi ra tới cổng.

Xa hơn nữa là một cái chòi bán giấy bút lặt vặt và cuối cùng ở gần cổng là chỗ bán trái cây và một phòng trà. Ðằng sau những thứ đó là một bức tường cao, bệnh nhân không được phép vượt qua cổng.

Những điệu nhạc đưa ma lọt qua bức tường vào trong vườn mỗi ngày đôi, ba lần - nghĩa trang lớn của thành phố nằm cạnh chúng tôi. Trong một lúc người ta có thể nghe thấy tiếng một ban nhạc trước khi đám ma từ từ đi qua và sau đó chỉ còn thấy tiếng trống nện nhịp nhàng. Thế nhưng những người đi dạo trong công viên không bị ảnh hưởng vì điệu nhạc này. Họ tiếp tục theo lối riêng của họ. Những người mạnh thời quay đầu lại một chốc trước khi lại tiếp tục cuộc đi dạo, và những người còn bệnh thời dừng bước và lắng nghe điệu nhạc đám ma, đôi khi có người nghiêng mình ra ngoài cửa sổ.

Càng cảm thấy chắc chắn là mình đang khỏi bệnh, tôi càng cảm thấy buồn. Phải rời bỏ chỗ này tôi thấy tiêng tiếc thế nào. Dưới một triền dốc đứng, dòng Salar man dại, vàng đục đương ngầu bọt. Trong công viên, những gốc sồi cao lớn phủ bóng xuống những cây dạ hợp Nhật Bản mềm mại. Một cái giếng phun vọt lên trời tám dòng nước bạc mỏng mảnh. Và đám cỏ dịu mượt trên những sân cỏ kia. Cỏ, trước đây lâu lắm tôi đã quên khuấy. Ở trại chúng tôi đã phải đốt cỏ như một thứ thù xâm nhập, và tại nơi tôi bị lưu đày thời cỏ chẳng hề mọc. Khoan khoái biết bao khi mình được nằm trên cỏ mà nhìn lên trời, từ từ hít cái mùi cỏ cùng với mùi đất nồng ấm.

Tôi nằm trên cỏ, nhưng không phải tôi có một mình. Các thiếu nữ sinh viên trường thuốc đi đi lại lại trên lối mòn, nghiền ngẫm những pho sách học dày cộm thật duyên dáng. Những cô lanh lẹ, rảo bước tới hồ tắm, tay đong đưa những cái sắc thể dục nho nhỏ rất hấp dẫn. Chiều tối thì trông họ đều giống như nhau, và vì lý do này các thiếu nữ mặc áo gấp nếp hay không gấp nếp ấy khi đi qua cái giếng phun trên những lối mòn trong đám cây kia lại càng quyến rũ. Tôi cực kỳ tiếc cho ai đó - có lẽ là cho mấy người bạn tôi đã chết cóng gần Demjansk, đã chết thiêu ở Auschwitz, đã bị bắt ở Dzeskazgan và chết ở vùng đồng hoang cỏ cháy Taiga - tiếc rằng mấy cô này không phải dành cho chúng tôi. Hoặc có lẽ tiếc cho chính các cô ấy, bởi lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ có thể nói với các cô ấy về chuyện đó.

Suốt ngày, những đám đông phụ nữ lũ lượt qua lại những con đường mòn - các y sĩ trẻ, nữ điều dưỡng, chuyên viên phòng thí nghiệm, thư ký, hầu phòng, và thân nhân người bệnh. Họ đi qua, mặc y phục nhà thương nghiêm nghị, hoặc những chiếc áo miền Nam đầy mầu sắc, thoáng nhẹ và trong suốt, những người khá giả hơn xoay tít trên đầu những chiếc dù Trung quốc cán tre dài đương thịnh hành lúc đó - màu vàng diệp, màu thiên thanh và hồng. Thoáng một chốc là họ biến mất, để lại cả một câu chuyện lý thú: tôi tưởng tượng ra lối họ sống trước khi tôi gặp họ, đoán xem chúng tôi có thể làm quen với nhau không...

Trông tôi khốn khổ quá. Những năm tháng qua đã in rõ khuôn mặt hốc hác của tôi - những vết nhăn, làn da hóp nhợt nhạt xám tro, chất độc của bệnh và thuốc nhiễm vào dần dần vấy lên đôi má tôi một lớp màng lục nhạt. Lưng tôi còng xuống vì học thói chịu lụy và tự vệ. Thân thể che một cái áo ngắn có gạch ngây ngốc chưa kín cái bụng, và một cái quần sọc cao trên mắt cá. Ðôi giày trại thô kệch không che lấp miếng vải bó chân vấy nâu với thời gian. Cả đến kẻ xấu xí nhất trong đám phụ nữ kia chắc chắn cũng sẽ khước từ nếu như tôi ngỏ lời muốn đi bên họ. May thay, tôi không nhìn thấy mình. Và đôi mắt tôi cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công viên say sưa như đôi mắt họ vậy.

Một buổi chiều tôi đứng gần cổng chính. Như mọi khi, đám đông vẫn lũ lượt qua, những chiếc dù chao đi chao lại, những chiếc khăn lụa, những chiếc quần dài thanh lịch với dây lưng rực sáng, những chiếc sơ mi thêu và những chiếc mũ chỏm lấp lánh. Dựa bên hàng rào là một người đàn ông nhỏ bé vụng về, trông như một người hành khất, đương phều phào nói với những người qua lại: “Các đồng chí... Các đồng chí...”.

Nhưng không một ai để ý tới, mọi người đều có những việc riêng phải lo. Tôi dừng bước bên ông. “Có chuyện gì thế, bồ ?”. Người đàn ông có một cái bụng lớn khác thường, lớn hơn cả bụng bà chửa. Nó phồng lên như một cái bao và chỉ mớm vô cái quần ka-ki bẩn. Hai chân ông xỏ một đôi giày nặng nề bụi bặm và mặc dầu lúc ấy là mùa hè - ông khoác một cái áo ngắn không gài cúc làm bằng thứ vải dày, cổ áo nhẫy mỡ và hai đầu tay áo nhẵn bóng.

Trên đầu ông chụp một cái mũ đã sờn cũ kiểu xưa, xứng với một hình nhân bù nhìn. Hai con mắt nhập nhoèn của ông lờ mờ.

Nặng nề ông đưa bàn tay lên, bàn tay khoằm khoằm nắm lại, và tôi rút ra được một mảnh giấy nhàu rịn mồ hôi. Trên đó có viết, bằng những dòng chữ vụng về, lời yêu cầu được thâu nhận vào bệnh viện của công dân Bobrov - và bên dưới là hai hàng ghi chú: một viết bằng mực xanh, và một bằng mực đỏ. Hàng ghi nhận bằng mực xanh là của cơ quan chính, kể rõ những lý do bác đơn. Hàng ghi nhận bằng mực đỏ trái lại truyền cho bệnh viện thu nhận bệnh nhân vào nằm điều trị. Hàng bằng mực xanh là của tối hôm trước, hàng mực đỏ là của ngày hôm nay.

“Này, trước tiên bồ phải tới gặp người tiếp nhận”, tôi lớn tiếng giải thích cho ông ta làm như thể ông ta điếc. “Ở khu một. Qua đây, đi dọc theo mấy bức tường kỷ niệm này”.

Nhưng tôi thấy rõ là lúc này, đúng cái lúc đã gần tới đích, ông không còn hơi sức nữa. Không những ông không sao hỏi thăm được lối đi, mà còn khó lòng lê nổi đôi chân và lại phải mang thêm cái gói nhỏ của ông theo nữa thì thực là quá sức ông. Tôi bèn bảo ông:

“Thôi được, bồ. Tôi sẽ đi với bồ lại đó. Ðể tôi mang cái gói này cho”.

Tai ông không sao hết. Ông hoan hỉ trao cái gói nhỏ, toàn thân nặng nề dựa vào cánh tay tôi vươn ra và ông cất bước, hay đúng hơn ông kéo lê đôi chân trên đường nhựa. Và như thế chúng tôi lần bước như hai kẻ hành khất trên cùng một con đường có cây cối đó, nơi mà trong trí tưởng tượng tôi đã từng tay nắm tay đi dạo với những thiếu nữ nhan sắc nhất của Tashkent. Chầm chậm chúng tôi đi dọc theo dẫy tượng bằng thạch cao.

Sau cùng chúng tôi rẽ về một bên. Một chiếc ghế dựa nằm bên lối đi và ông ta đòi ngồi xuống một lát. Chính tôi, tôi cũng cảm thấy mình không được khỏe lắm, việc thật quá sức tôi. Chúng tôi ngồi xuống. Từ chỗ này tôi vẫn còn nhìn thấy được cái giếng phun nước. Trong lúc đi, ông già đã bắt đầu nói chuyện, lúc này, sau khi nghỉ được một chút ông nói tiếp: nguyên đúng lý ra ông phải tới vùng U-ran. Ông phải trình diện tại đó, trong giấy tờ lý lịch của ông có một con dấu chỉ rõ việc này, và đây chính là chỗ bắt đầu chuyện lôi thôi. Ông mắc bệnh đâu gần Tachna-Tase (tôi nhớ là bấy giờ họ đương đào một con kênh ở đó). Ở Ugrenc họ cho ông vào bệnh viện được một tháng, họ rút nước ra từ hai ống chân ông và bụng ông, nhưng sau đó ông thấy còn tệ hơn; thế rồi họ tống ông ra. Ông xuống xe lửa ở Cardzeo, rồi ở Urtsavjevska, nhưng họ không nhận ông vào bệnh viện, bảo ông đi tới miền U-ran, nơi ông sẽ phải trình diện. Nhưng ông thấy không đủ sức chịu đựng một chuyến đi dài như vậy, và hơn nữa, ông cũng không có tiền để mua vé. Ở Tashkent đây, sau hai ngày năn nỉ, cuối cùng ông xin được phép vào bệnh viện.

Tôi cũng không hỏi ông ta làm gì ở miền Nam này, cái gì đã đưa ông tới đây. Cứ theo giấy chứng của các bác sĩ thì căn bệnh của ông rất phức tạp, vả lại, chỉ cần nhìn vào ông người ta cũng đủ thấy đây là căn bệnh cuối cùng của đời ông. Tôi đã từng thấy một vài bệnh nhân nhưng người đàn ông này đau nặng quá, ông ta không còn muốn sống nữa. Cái miệng ông ta há ra. Ông ta nói khó lòng mà hiểu được, và dường như trên đôi mắt ông có một thứ màng gì đương lan rộng. Ông ta không thể già đến như vậy, ông ta không có lấy một sợi tóc hoa râm, chính căn bệnh này đã khiến ông thất vọng.

Cái cổ ông mỏng manh dễ sợ, như cổ gà, khó lòng đỡ nổi cái đầu ! Thực thế, lúc chúng tôi ngồi xuống, đầu ông gục xuống ngực. Xa xa, một dòng nước mảnh ở giếng phun vọt lên trời như một sợi chỉ bạc. Ở phía bên kia, có hai thiếu nữ bước qua. Tôi rất thích hai cô. Ông bạn ngồi bên tôi thở dài lớn tiếng, rê cái đầu trên ngực, mở đôi mu mắt xám ra mà nhìn tôi.

“Ðồng chí không có thuốc cho tôi hút sao, đồng chí ?”.

“Ðiên hả, bồ ?” tôi réo ông ta. “Không có thuốc hút mà được ngồi đây thêm chút nữa không đủ tốt rồi sao ? Bồ coi lại mình kìa ! Thuốc với chả thuốc ! Tôi bỏ hút từ tháng trước rồi, mà bỏ không phải dễ đâu nhé !”.

Ông ta khò khè. Thế rồi trông tựa như một con chó, ông lại mở cái mu mắt vàng khè ra mà nhìn chằm chặp vào tôi. “Thế thì ít nhất anh cũng cho tôi ba tiền”.

Tôi suy nghĩ một lúc, không hiểu tôi có nên cho ông ta ba “rúp” không ? Dầu sao, tôi cũng vẫn là một người tù, còn ông ta là một người tự do. Ðã bao nhiêu năm tôi làm việc không được cái gì hết, và đến khi rốt cuộc họ khởi sự trả tiền cho tôi thì lập tức họ bắt đầu trừ, nào là trừ tiền điện trong trại, nào tiền chó săn canh gác, tiền quản trị, tiền cháo tôi ăn và đủ thứ tiền gì tôi không biết nữa.

Tôi lấy cái túi tiền bằng vải bố từ trong túi áo nhỏ trên ngực ra, soát xem còn lại bao nhiêu; thế rồi thở dài tôi đưa cho ông già ba rúp.

“Cám ơn”, ông ta khàn khàn nói, và gắng gượng đưa cánh tay lên đỡ lấy tờ giấy bạc, bỏ vào túi, rồi buông thõng bàn tay xuống lòng. Cái đầu ông ta chìm xuống ngực.

Chúng tôi ngồi yên một lúc lâu.

Một người đàn bà đi qua, rồi thêm hai cô con gái. Tôi đưa mắt nhìn theo họ và thấy thích cả ba. Ðã bao năm trời tôi không được nghe giọng nói đàn bà hoặc tiếng gót giày đàn bà khua động.

“Bạn là may mắn lắm mới được cái lời giới thiệu này đấy, chứ không thì cứ gọi là “lê gót giang hồ” ở đây còn chán. Tôi biết mà, chuyện xảy ra thường lắm”.

Ông ta khó nhọc đưa cái cằm lên và quay lại phía tôi. Ðôi mắt ông lúc này trong hơn, giọng ông nói cũng đỡ run rẩy và tôi hiểu được lời ông nói rõ hơn.

“Này chú, họ gửi ta tới đây là vì công trạng của ta. Ta đã chiến đấu trong thời cách mạng. Và ở Caricyn, chính đồng chí Kirov đã bắt tay ta. Ðúng lý ra ta cũng phải được hưu bổng đấy”. Hai má và đôi môi ông hơi chuyển động và trên khuôn mặt râu ria không cạo của ông thoáng hiện một nụ cười kiêu hãnh. Tôi nhìn bộ quần áo tồi tàn của ông:

“Thế sao bạn, lại không được?”.

“Chú biết thói đời mà”, ông ta thở dài. “Bây giờ họ không muốn nhìn nhận ta nữa. Mà ta thì lấy đâu ra người chứng? Kirov thì bị giết rồi. Bao nhiêu chứng chỉ ta lại chẳng giữ cái nào, ấy là một cái nhầm. Thế nhưng, ta vẫn còn được một cái”.

Trên bàn tay phải của ông những khớp xương sưng phồng lên đến nỗi mấy đầu ngón tay không sao chụm lại được, ông chầm chậm đưa bàn tay lần về túi áo, nhưng đúng lúc đó cái phút linh hoạt ngắn ngủi của ông chấm dứt, và bàn tay cũng như cái đầu của ông lại rơi xuống.

Bấy giờ mặt trời đã ngả bóng phía sau khu bệnh viện. Ðã tới lúc phải tới phòng tiếp nhận ngay. (Chỉ còn độ trăm bước nữa). Cứ theo chỗ tôi còn nhớ thì kiếm được một chỗ nằm trong bệnh viện bao giờ cũng khó khăn.

Tôi nắm lấy vai ông ta. “Dậy đi, cha! Thấy cửa kia không? Thấy hông? Tôi sẽ chạy lại đó hỏi thăm. Còn bạn, cố mà bước lấy một mình, mà nếu bạn đi không được thì cứ ở lại chờ tôi. Tôi sẽ mang cái gói cho bạn”.

Ông ta gật đầu. Phòng tiếp nhận là một phần của một căn phòng lớn hơn, ngăn ra bằng một tấm vách sơ sài - ở đâu đó phía sau tấm vách là một buồng tắm, một buồng kiểm nhận người ra vô bệnh viện và một chỗ hớt tóc. Trong lúc ban ngày phòng này lúc nào cũng đông nghẹt bệnh nhân, chờ đợi hàng mấy giờ đồng hồ để được thu nhận. Nhưng lúc này, lạ thay, không có lấy một bóng người. Tôi gõ vào cửa sổ. Một cô y tá rất trẻ, cái mũi cớn lên, đôi môi tô son thật đậm, mở cánh cửa.

“Cái gì thế?” cô đương ngồi ở một cái bàn và hình như đương coi sách truyện trinh thám bằng hình. Ðôi mắt cô như hai trái nho đen.

Tôi đưa cho cô cái đơn có câu giới thiệu bằng mực đỏ, và bảo cô rằng tôi sẽ đưa người bệnh đến ngay, ông ta không đi một mình được. “Sao anh dám!...” cô ta kêu lên. “Anh không biết chỉ nhận bệnh nhân vào 9 giờ sáng thôi sao?”.

Thật sự tôi không biết. Tôi thò cổ và bàn tay vào thật sâu trong khung cửa để cô ta không đóng lại được. Rồi tôi trề môi ra, nhăn nhó như con khỉ đột và bắt đầu gầm gừ như đã từng nghe thấy mấy tên tù giết người làm trước kia ở trại:

“Bỏ đi cô, nghe không. Ta không ưa cái lối cô nói đó”.

Cô ta rụt lại, đẩy cái ghế ra phía sau, và có vẻ thân thiện hơn một chút:

“Hôm nay hết nhận rồi. Ngày mai chín giờ”.

“Cô đọc cái này”, tôi nói hỗn.

Cô ta đọc câu giới thiệu. “Ờ, ờ, nhưng mà tôi làm gì bây giờ. Luật lệ áp dụng cho hết mọi người, ai cũng vậy. Dám không còn một giường nào. Sáng nay đã không còn một chỗ”. Cô ta nói với một vẻ thỏa mãn vì đã chọc giận được tôi.

“Thế nhưng ông này không phải người ở đây và cũng không biết đi đâu nữa”. Lúc tôi bắt đầu lui ra khỏi cửa sổ và thôi không nói như mấy người tù ở trại nữa, cô ta lại lấy lại nét mặt cũ.

“Thì đã sao? Ở đây thiếu gì trường hợp như vậy. Cứ để cho hắn kiếm cái buồng ở đâu đó”.

“Ít nhất thì cô cũng nhìn qua, xem ông ta ra làm sao đã chứ”.

“Anh muốn nói gì? Tôi đâu phải ở đây để khám bệnh. Tôi đâu phải cái xe cứu thương mà đi lượm bệnh nhân”. Cô ta léo nhéo như một mụ hàng tôm hàng cá.

“Thế thì cô ngồi đây làm gì?” tôi nện mạnh nắm tay xuống bàn. “Sao không dẹp tiệm lại cho rồi?”.

“Không ai hỏi cái ngữ anh hết, đồ hỗn láo!”. Cô ta chồm dậy, vòng quanh cái bàn chạy lại phía tôi. “Anh là ai? Anh có quyền gì dậy bảo tôi? Ðó là việc của xe cứu thương”. Nếu không có cái thứ son rẻ tiền kia sơn trên mấy đầu móng tay, có dễ cô ta cũng là một cô con gái đẹp. Cô ta được một cái mũi dễ thương. Nhưng lẽ cố nhiên là cô ta cũng biết cách chau mày! Cái áo khoác của cô mở rộng - bên ngoài trời nắng ấm - và bên dưới tấm áo ló ra một chiếc khăn màu hồng duyên dáng và một cái huy hiệu Liên hiệp Thanh niên Cộng sản.

“À ra thế đó. Nếu xe cứu thương mà lượm được ông ta ngoài đường, thì cô đã phải nhận ông ta rồi đấy?”.

Cô ta ném một cái nhìn khinh bỉ lại cái bộ vó tiều tụy của tôi - và tôi nhìn cô ta. Tôi quên khuấy đi mất là mấy miếng vải bọc chân tôi ló ra. Cô ta nhăn mặt, làm bộ điệu khinh khỉnh nói: “Phải, bệnh nhân, chuyện đó phải như vậy đó”. Rồi cô quay trở lại phía tấm vách ngăn.

Ở phía sau lưng tôi nghe tiếng bước chân kéo lê. Tôi quay lại. Ông già đã tới nơi và nghe thấy hết đầu đuôi câu chuyện. Bám lấy bức tường ông tiến lần về phía chiếc ghế dựa lớn để ở ngoài vườn dành cho khách. Tay phải ông nắm một cái ví sờn cũ, ve vẩy một cách yếu ớt: “Ðây...” ông lầm bầm tuyệt vọng, “cho cô ấy coi cái này... cho cô ấy... đây...”.

Tôi vừa kịp chạy tới đỡ ông ta ngồi xuống. Với mấy ngón tay sưng phù lên ông lần mò trong cái ví và cuối cùng lôi ra được tờ giấy chứng nhận của ông. Tôi đỡ lấy miếng giấy tả tơi nơi ông, miếng giấy được bồi thêm ở mấy chỗ gấp cho khỏi rơi rụng, và tôi dở ra. Những dòng chữ tím đánh máy trên đó:

“VÔ SẢN THẾ GIỚI, HÃY ÐOÀN KẾT!”

Chứng nhận.

Giấy này cấp cho đồng chí Bobrov, N.K., để chứng thực đồng chí là một nhân viên của Ðội Ðặc vụ lừng danh mang tên “Ðội Cách mạng thế giới” trong năm 1921 và đã tự tay phanh thây nhiều quân thù ác ôn thú vật.

Ủy viên..., chữ ký.

Bên dưới là một con dấu tim tím đã phai mầu.

Tôi khởi sự xoa xoa trên ngực và hỏi: “Có thật đó là Ðội Ðặc vụ không? Ðội ấy có thật không?”.

“Thật”, ông ta đáp và chỉ mở hé được hai con mắt. “Ðưa cho cô ta coi”.

Tôi nhìn vào bàn tay ông, bàn tay phải của ông, bàn tay thật nhỏ nhắn nổi lên những đường gân nâu, nhìn vào những khớp xương sưng phù mới trước đây một lúc đã rút tờ giấy chứng nhận từ trong ví ra. Và tôi tưởng tượng cái cách cũng một bàn tay này đã từ trên lưng ngựa đương phi chém một nhát chết tươi mấy người lính bộ binh. Một hinh ảnh thật là lạ lùng: cũng một bàn tay này đã từng có thể, chỉ xoay độc một nhát kiếm, tiện rời cả cổ lẫn vai và chém bay đầu, thế mà bây giờ không có đủ sức để cầm được một cái ví...

Tôi bước lại cửa sổ, tì lên đó. Cô tiếp nhận lại đương coi sách hình. Lộn ngược trên trang sách, tôi thấy hình một chiến sĩ anh dũng đương chĩa súng nhẩy lên.

Không nói một lời tôi đặt tờ giấy chứng nhận trên cuốn sách và quay lại bỏ đi. Lúc ra, tôi vẫn tiếp tục xoa xoa lồng ngực - tôi cảm thấy buồn nôn, tôi thấy cần phải nằm xuống.

“Anh kia, để tờ giấy này đây làm gì thế? Ðem ngay đi!” cô gái hét lên.

Người cựu chiến sĩ già của cách mạng gục xuống trên chiếc ghế. Lúc này không phải chỉ có cái đầu mà cả đến hai vai ông dường như cũng chìm sâu vào thân mình. Mấy ngón tay của ông rũ xuống không hồn trên bàn tay đung đưa, chiếc áo khoác không cài cúc chạm tới nền đất. Cái bụng phình lên trông như một trái dưa vĩ đại trên lòng ông.

 

 

------------------
Nguồn: Tạp chí Ðất Nước, số Xuân Canh Tuất, Saigon, 1970.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021