thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sương mù
Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

TÀN TUYẾT

(1953~)

 

Lời giới thiệu của người dịch:
 
      Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
      Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
      Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
      Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài nhiều nhất.
      Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
      Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng... trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay động tâm phách con người.
      Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...; còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”.

 

______________________________

 

SƯƠNG MÙ

 

Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày. Mắt mũi vì vậy mà đau muốn chết. Khắp nơi đều là thứ sương mù chết tiệt này, ngay cả phòng ngủ cũng tràn ngập, chúng như làn khói dày ùa vào. Chúng xâm chiếm cả không gian và thời gian, khiến vách tường ướt nhem nhép. Ban ngày thì còn cố mà chịu được, chứ đến đêm thì thật chịu không nổi với nó. Chăn bông ngấm đầy nước, nặng trình trịch, cứng đờ, lại còn phát ra tiếng kêu “bạch, bạch”, thử sờ tay vào thì lạnh run lên. Mọi người trong nhà đều đổ về phía nhà kho, trong đó chất đầy những bao tải sũng nước. Trong xó nhà kho đặt một cái lò đang toả ra hơi nóng bừng bừng. Mẹ khoá trái cửa lại, mọi người ngồi dồn cả vào một chỗ, ai nấy đều nóng chảy cả mồ hôi. Và cứ như vậy cho đến tận sáng.

“Tôi rất thích cái thứ màu vàng này, chúng khiến cho tôi ăn uống khoẻ hơn rất nhiều”. Cha rướn cổ nói, cục yết hầu to tướng trên cần cổ chạy lên chạy xuống, trên yết hầu còn lún phún một nhúm lông đen. Rồi còn nghe thấy cả tiếng “lắc cắc” từ các khớp xương của ông, cái mông lép của ông vung vẩy, lắc lư rồi biến mất trong sương mù.

Nhà tôi cả thảy có năm người, hàng ngày đều ăn uống và xem ti vi cùng một chỗ với nhau. Chúng tôi là một gia đình hoà thuận. Sáng hôm đó, tôi mở cửa, thấy mặt trời hoá ra màu xanh nhạt và được bao bọc trong một lớp lông rất dài, thì ra hồi đêm sương mù rơi nhiều chưa từng thấy. Nguyên hình của những người trong nhà bỗng nhiên biến đâu mất, hoá thành những cái bóng mông lung chập chờn; mà ai cũng trở nên nóng nảy, cổ quái, thậm chí là quá quắt. Như mẹ, ngày thứ hai, kể từ khi sương mù rơi, tuyên bố bỏ nhà ra đi. Nguyên nhân, theo như lời bà, là do một loại đau khổ sinh lí không thể chịu nổi. Sau khi mẹ bỏ nhà đi, chân của cha biến thành hai cái gậy gỗ, suốt ngày khuấy chọc bùn nước, phát ra tiếng kêu “choạp, choạp, choạp”. Ông lại còn huýt sáo một bài hát quen thuộc nào đó nữa chứ. Hai ông anh trai thì lại phát cuồng lên, lục lọi rương tủ, chui vào gầm giường ngang nhiên nuôi chuột. Họ cố làm ra vẻ bí hiểm, sợ người khác biết, cho nên họ xem tôi như cái gai trong mắt, nhất tề quay về tôi mà gào rống, doạ nạt. Tôi chỉ còn nước chui vào tủ quần áo mà trốn. Trong tủ đồ rất nóng nực, mùi long não cực khó chịu, lại nghe bên ngoài họ la hét điên cuồng, làm vỡ không biết bao nhiêu là kính. Tôi thực sự thương cho hai ông anh đó, họ bị bệnh thoái hoá xương, hơn hai mươi tuổi mà không thể đi đứng gì được. Để phòng họ rước hoạ vào thân, cha lấy một sợi dây, một đầu buộc hai anh em vào với nhau, còn đầu kia giắt vào lưng của ông, rồi kéo họ lê lết trên đất cát. Bây giờ, thái độ của họ rất khác thường, trở nên hung hăng càn rỡ như vậy đấy; tuy nhiên, trong lòng thực vẫn sợ hãi, họ làm vỡ kính là một cách để làm yên ổn lòng mình.

Tôi mải đi tìm mẹ. Tôi biết, bà không bỏ nhà đi thật, nhất định là bà chỉ quanh quẩn đâu đây thôi. Vì mỗi đêm, khi chúng tôi vào nhà kho, vẫn nghe thấy có tiếng người vào phòng, ăn sạch số cơm còn thừa. Một lần nọ, tôi ăn no ẳng bầu, lê cái cái chân ướt rượt ra cổng, thấy trên dây nho treo một cái nơ hình bướm cũ sờn bạch phếch, trông chẳng khác gì một con chuột chù. “Đó là khi con còn nhỏ, mẹ đã giúp con cài lên đầu, chuyện xưa thật là thương cảm”. Cha chớp mắt, chọc cái chân gỗ vào tường nghe “khụp, khụp”, nói. Mặt trời bị hơi nước nuốt, trông như một vành trăng non. Có một người tất ta tất tưởi, từ cây nho băng qua giẫm lên thềm đất.

“Mẹ?”. Tôi nắm lấy một ống tay áo sũng nước.

“Tìm một quả trứng. Mẹ nuôi hai con gà mái trắng, bọn nó đẻ lang khắp nơi. Mẹ bỗng hay mình lạc trong rừng. Trong đó có một vách núi cao hiểm, lũ lụt sắp kéo về rồi”. Bà giằng tay áo thoát khỏi tôi, huơ huơ hai cánh tay, vội vàng bỏ đi. Tứ chi trong quần áo của mẹ mềm xẹo, như có mà như không vậy. Ai biết nhỉ! Hoặc giả bên trong bộ đồ kia chả có gì ráo? Hoặc giả, thứ mà tôi túm được không phải là đồ của mẹ? Tất cả những gì bà nói, toàn là những chuyện tôi không còn nhớ, đã hai mươi năm nay bà không nuôi gà, tại sao phải cứ một mực nhớ lại?

Như vậy, trong bộ đồ kia hẳn không phải là mẹ. Tôi nhớ rằng, mẹ là một người rất mập, thường chảy mồ hôi dầu vào ban đêm, nếu không nhỏ mấy giọt mỡ đó, thì không biết kết cục bà sẽ ra sao.

“Mẹ của con,”, cha vừa huýt sáo vừa nói, “đang đào giun đất bên núi ấy! Chứng cuồng tưởng của bà ấy lại lên cơn đây mà. Bà ấy mắc bệnh này đã hơn hai mươi năm, lúc kết hôn, bả cố giấu giếm cha. Đợi sương mù tan hết, cha sẽ đi một chuyến để tạo dựng đại sự nghiệp. Trong đầu cha có vô số cách kiếm được nhiều tiền. Bọn chúng kêu chiêm chiếp như lũ gà con, biết đâu thật lâu về sau, trong số ấy có một vài con sẽ lớn lên”.

Ông khom lưng, đứng lên ngồi xuống, đứng lên ngồi xuống phía sau cửa, nên trông không được rõ cái đầu.

“Cha?”

“Ta đang sưu tập những đồ đồng, đây cũng là tâm nguyện nhiều năm của ta, có lẽ một khởi điểm mới sẽ bắt đầu từ đây. Các người? Hừ! Bao nhiêu lần ta bị các người cười giễu thiếu điều không có đất mà chui xuống, phải ngồi trong nhà xí mà tấm tức khóc thầm. Tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay rồi, ta chỉ cần ngầm thể hiện một chút tài năng và kế hoạch của ta, thì cái chứng cuồng loạn của các ngươi sẽ bùng lên, bọn nguỵ quân tử các người”.

Mẹ ngã chúi dưới một gốc cây già, hai tròng mắt đảo tới đảo lui như đồ sành. Tôi chạy đến đỡ cái thân thể nhỏ bé gầy guộc và nhẹ hẫng của bà lên, thấy mặt bà từ từ xám lại.

“Trên cái hốc ở vách núi, mẹ thấy một quả trứng, con xem này!”. Tôi hoảng hồn nhìn những ngón tay chẳng có gì ngoài mấy cái móng nhỏ mà bà chìa ra, cổ họng rít chặt từng cơn. “Mẹ đuổi theo mấy cái bóng trắng lấp loáng đó, mệt đến đứt cả hơi đi được”.

“Sương mù làm mắt mẹ hỏng mất rồi, mẹ không nhìn thấy con”. “Bên rừng cây đó, có mấy bóng người, con không cảm thấy sao?”

“Con làm sao cảm thấy được, mắt con bị mờ mất rồi”. Tôi giận dỗi rút tay ra khỏi nách bà, chỗ ấy ấm áp như dưới cánh gà vậy. Bỗng nhiên một giẽ xương sườn của bà đứt gãy, kêu “rắc rắc”.

“Đó chỉ là một giẽ xương sườn”. Cái mặt xanh xám của bà nhăn nhăn nhó nhó rồi từ từ mất hút bên gốc cây.

Cuối cùng thì cha cũng động tay động chân. Ông đục đẽo trong phòng cả đêm. Đến sáng thì đóng xong một cái rương gỗ to đùng. Ông muốn dùng dây cọ mà ràng cái rương gỗ ấy lại, nhưng buộc ngang buộc dọc gì cũng đều chẳng đâu vào đâu. Ông sôi gan, lấy chuỳ sắt đập tan cái rương gỗ, ngoác họng gào lên: “Cái túi du lịch của ta quăng chỗ nào rồi? A, quân trộm cắp, đồ phá gia chi tử. Ta đã chịu đựng 40 năm nay… trả lại cái túi du lịch của ta!”. Ông đuổi theo anh trai tôi, xông ra ngoài rồi không thấy trở lại. Sau đó, anh trai cho tôi hay rằng, cha hoàn toàn chẳng đi du lịch du liếc gì cả, ông đang ở trong một cái miếu hoang gần nhà và sống bằng nghề lượm ve chai. Ông rất khoái chí, suốt ngày cầm một cái quản đồng thổi ra một thứ âm thanh chối tai, rồi lại còn xạo với mấy cô gái rằng mình là một người đàn ông đơn chiếc. Thật ba hoa quá, anh trai giận ngắt lời ông, rồi giấu cái đồng hồ vào người. Cái đồng hồ ấy chính là của mẹ, thế mà anh tính mang nó bán cho hàng đồ cũ đặng mua rượu mang đến miếu uống. Anh còn rêu rao rằng sẽ suốt đời sống với người cha thân yêu.

Sáng sớm, tôi bị tiếng ồn ào của lũ quạ đánh thức, thấy mẹ đang men theo chân tường tìm kiếm cái gì đó. Bà ngồi xuống đất, cái mặt vàng võ như chúi vào đất. Bà đang cố sức nhìn cho rõ. Hai tròng mắt cứng đơ đảo ngang đảo dọc trong hốc mắt.

“Con gà mái trắng đã về chưa?”

“Mẹ ngửi thấy một thứ mùi gì đó ở đây, nó toả ra từ đất. Cả buổi sáng mẹ đều làm việc này. Nếu không phải là mấy đám sương mù này… trong mỗi cánh hoa ngọc lan… vẫn còn mấy con sâu mập ú đó. Buổi sáng thức dậy, mẹ phát hiện không thấy cái trứng ấy nữa, chính là cái mà mẹ đưa cho con xem đó. Đó là thật phải không? Mẹ nhặt được trong một cái bụi gần một gốc cây già. Mẹ nhớ là có tất cả ba con gà mái trắng, một con có cái cổ lốm đốm rất khó thấy, còn hai con kia thì trắng muốt”.

“Cha của con,”. bà lại nói “là một cái áo khoác, khi đó ông ấy mặc cái áo ấy và ngay cả khi ngủ cũng không cởi ra. Một đêm, mẹ đánh bạo đưa tay thử sờ vào cái áo ấy, phát hiện ra rằng bên trong trống không. Mãi nhiều năm sau mẹ mới rõ chân tướng của sự tình”.

Tôi quyết nói về chuyện cái đồng hồ đeo tay của bà, tôi phí sức kể lể, trong đầu trống rỗng. Tôi không thể nói ra chuyện mình muốn nói được, dù một chút. Lời của tôi thốt ra đọng thành những giọt hồ dính trên bâu áo. Tôi liên tục dùng những câu hỏi, câu cảm nhằm “quan trọng hoá vấn đề”, nhưng tất cả đều vô dụng, mẹ đã ngủ mất rồi. Khi tôi ra sức lay mạnh vai bà, khí thế hăng hái hỏi: “Mẹ đã hiểu chưa?” thì trên cái mặt xanh xám của bà đầy những sâu bọ màu đen bò lên.

Một vòng tròn trắng xam xám bên cửa bốc lên, lập lờ. Đó là một đám sương mù rất dày.

 

Nguyên tác: "Vụ"
Lưu Hồng Sơn dịch 9/2005.

 

-----------

Các tác phẩm khác của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (nhận định)

Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021