thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người mẫu của nhà văn

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

MOLLY GILES

(1942~)

 

Molly Giles là nhà văn và nhà phê bình văn học. Bà là tác giả của tập truyện ngắn nổi danh, Rough Translations (Athens, GA: University of Georgia Press, 1985), được đề cử giải thưởng Pulitzer, và đoạt các giải thưởng: Flannery O'Connor Award for Short Fiction, Pushcart Prize, PEN Syndicated Fiction Award, California Book Award for Fiction, Small Press Best Fiction/Short Story Award, Bay Area Book Reviewers Award, và Boston Globe Award. Một tập truyện ngắn khác của bà là Creek Walk and Other Stories (Watsonville, CA: Papier-Mache Press, 1997). Ngoài ra, truyện ngắn của bà xuất hiện rất nhiều trên những tạp chí văn chương và trong một số tuyển tập quan trọng. Những bài điểm sách thường kỳ của bà trên tờ San Jose Mercury đã mang đến cho bà giải thưởng 1990 National Book Critics Circle Citation for Excellence in Book Reviewing. Molly Giles còn nổi tiếng như một người dạy viết văn: bà là Giáo Sư môn Sáng Tác Văn Chương Hư Cấu tại University of Arkansas và San Jose State University, và được xem đã có công nâng cao bút pháp của Amy Tan, Gus Lee, và Melba Beals. Tác phẩm mới nhất của Molly Giles là cuốn tiểu thuyết Iron Shoes (New York: Simon & Schuster, 2000).

 

___________________

 

NGƯỜI MẪU CỦA NHÀ VĂN

 

Bây giờ tôi già rồi, nhưng hồi tôi còn trẻ, quý vị có thể thuyết phục tôi làm bất cứ điều gì. Tôi có đầu óc phóng khoáng. Thế nên khi tôi thấy mẩu quảng cáo nói có một số "nhà văn chuyên nghiệp" cần một "cô gái thích mạo hiểm" để "phỏng vấn cho mục đích sáng tác truyện hư cấu", tôi thật khoái trá, đặc biệt khi mẩu quảng cáo nói thêm rằng "chỉ đơn giản trả lời những câu hỏi" là tôi đã có thể "thực hiện một sự cống hiến quan trọng cho văn chương Hoa-kỳ." Tôi vẫn luôn luôn muốn thực hiện một sự cống hiến quan trọng cho một việc gì đó, nên tôi khoác vội chiếc áo choàng, chộp lấy cái ví tiền, và đi thẳng đến địa chỉ đăng trên báo.

Tôi đến trước một ngôi nhà tối tăm ở một khu phố tồi tàn của thị trấn. Không ai trả lời lúc tôi gõ cửa nên tôi thử đẩy cánh cửa, và cửa mở ra, tôi bước vào một căn phòng lạ lùng nhất, giống như một buồng tra tấn trong tù, với một cái bóng đèn duy nhất treo giữa trần và một chiếc ghế bỏ trống nằm đợi bên dưới. Một đám người im lặng ngồi chung quanh chiếc ghế ấy. Tôi bắt gặp những đốm sáng lấp lánh từ những cây bút chì và bút máy, và thấy những cuốn sổ tay trên đùi họ. Tất cả những cuốn sổ tay này, tôi thấy, đều chưa có một chữ nào. Vì một lý do nào đó, điều này làm tôi cảm động. Tôi vươn thẳng vai, bước đến chiếc ghế, và ngồi xuống.

"Hãy hỏi tôi bất cứ điều gì," tôi nói, và nhà văn đầu tiên hỏi, "Thân thể của cô trông như thế nào?"

Tôi chằm chằm nhìn vào họ và phát hiện rằng tất cả họ đều là đàn ông và nhiều người mặc quần áo giống nhau, cũng với chiếc áo khoác len sọc vuông có đính miếng da nơi cánh chỏ. Hết người này đến người kia, họ chỉnh cặp kiếng mắt gọng sừng, mồi thuốc lá trong ống tẩu làm bằng rễ cây thạch nam, vỗ lưng con chó Ái-nhĩ-lan lông dài đang nằm dưới chân họ ,và nhìn tôi như thể họ mong đợi tôi cởi hết quần áo ra.

Thế nên tôi làm điều ấy. Tôi không mắc cở vì đã nhận thức rằng đối với những nhà văn ấy tôi không phải là đàn bà cũng không phải là một con người; tôi là một đối tượng. Một objet (tôi tự an ủi) d'art.

"Tại sao cô mỉm cười?" một nhà văn hỏi, và tôi kể ý nghĩ khôi hài nhỏ bé ấy trong lúc tôi cởi tấm khăn quấn cổ, và một nhà văn khác hỏi, giọng sắc lẻm, "Cô biết tiếng Pháp chứ?" và tôi nhún vai trong lúc đang mở hàng nút áo choàng, bởi ai mà chẳng biết vài chữ tiếng Pháp, rồi tôi bước ra khỏi cái váy, và suốt khoảng thời còn lại của cuộc phỏng vấn ấy không còn gì khác ngoài tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy và thỉnh thoảng vài câu trắc nghiệm lặt vặt, "Thế còn tiếng Đức? Thế còn tiếng Hy-lạp?" từ phía sau lưng.

Tôi không phải ngồi trần truồng nhiều lần sau đó, bởi rốt cuộc họ đã có những bản ghi chép sẵn để tham khảo, và căn phòng nhỏ thì lạnh. Dẫu sao, họ đến đây không phải vì cái thân thể của tôi, mà vì những câu hỏi — những câu hỏi và những câu trả lời mà tôi cống hiến cho họ. Nhiều người trong đám họ đã từng thấy một người đàn bà, từng sờ mó một người đàn bà, từng làm tình với một người đàn bà — nhiều người trong đám ấy đã có vợ — nhưng không mấy người đã thực sự nói chuyện với một người đàn bà, và đây là một dịp may cho họ.

Cô cảm thấy thế nào về những cái quần lót của cô?

Khi cô chạy, cô có lắc vú không?

Cô có cảm giác thế nào khi có người đưa vào bên trong của cô?

Kích tấc có thành vấn đề không?

Cảm giác cực khoái thì như thế nào?

Đó là những câu hỏi về thể chất, và dĩ nhiên còn nhiều câu hỏi nữa. Mọi chuyện về cặp vú đều làm họ thích thú ngoại trừ việc cho con bú — họ không thèm nghe về chuyện ấy — và có rất ít người hỏi về kinh nguyệt hay sinh đẻ. Mọi người đều muốn biết về “lần đầu tiên ấy” và phải chăng tôi đã làm điều ấy với phụ nữ, hay phải chăng chuyện ấy xảy ra cho tôi lúc tôi còn bé. Họ thích thú hỏi về chứng cuồng dâm và họ không giấu được vẻ thất vọng khi tôi nói cả tôi và các bạn gái của tôi đều không biết gì về chuyện ấy. Những câu hỏi khác, không đề cập đến thể chất, thì đa dạng hơn nhưng không có gì thực sự đáng ngạc nhiên hơn cho lắm:

Cô có câu cá không?

Cô có nằm mơ không?

Cô có đi bỏ phiếu không?

Và, câu hỏi làm tất cả các nhà văn nín thở là:

Cô có đọc không?

Trong giờ giải lao, nhiều người vừa tiếp tục viết vừa ngắm tôi uống từng hớp trà từ một cái bình thuỷ và ăn nửa cái bánh mì kẹp thịt. Họ được phép ngửi mùi nước hoa của tôi và lục lạo trong cái ví tiền của tôi. Khi tôi đi toa-lét, một hay hai người được phép đi theo tôi và quan sát, ghi chép, nếu họ muốn biết.

Sau giờ giải lao, vài người trình bày cho tôi những “vấn đề” mà họ đem ra để “bắt bí” — đó là những chữ mà họ dùng. Cô sắp bị ném đá vì tội ngoại tình: cô cảm thấy thế nào? Chồng của cô đã chạy theo một người đàn bà khác: cô sẽ làm gì? Anh của cô bị bắt cóc, con gái của cô bị hiếp dâm, cô bị hiếp dâm, một con sư tử đang phóng thẳng đến cô, có một xác chết trong ngăn tủ của cô — toàn là thứ dễ nuốt, hầu hết là thế, tôi nghĩ, chẳng có gì để phải bị bắt bí. Đôi khi họ mang đến cho tôi những loại trang phục — những bộ đồ da rắn hay những bộ đồng phục y tá hay những cái tạp dề kẻ ô vuông có diềm xếp nếp — tuỳ theo loại nhân vật mà họ đang cố gắng mô tả — và họ bảo tôi diễn một cảnh đánh nhau với tình nhân, hay ngẫu tác một bức thư tuyệt mạng, hay đứng cầm roi da theo kiểu này kiểu nọ, hay giả bộ điên khùng — và tất cả những thứ đó lại cũng dễ dàng.

Phần duy nhất không dễ dàng của công việc này là Thời Gian Phát Biểu Tự Do — đó là năm phút cuối mỗi cuộc phỏng vấn để tôi nói về những điều mà tôi đã suy nghĩ trong tuần qua. Có rất nhiều điều tôi muốn nói, mọi thứ, từ những cuộc bầu cử hội đồng giám học cho đến những lần tận mắt thấy nhân ngư cho đến những đường xe lửa Mễ-tây-cơ, nhưng lúc ấy thì các nhà văn đã mệt nhoài, và cáu kỉnh như bấy con nít. Vài người rán nuốt những cái ngáp, vài người khác thì công khai vẽ bậy trên giấy, nhiều người thì lẳng lặng tháo dây cột chó và ra về. Tôi thấy mình không giữ được sự chú ý của họ và tôi phải cưỡng lại ý muốn bịa đặt những chuyện ly kỳ. Tôi hoảng hốt nghĩ, nếu tôi không cẩn thận, chính tôi sẽ biến thành một nhà văn.

Bây giờ nhìn lại tôi thấy đó là một công việc hay ho về nhiều phương diện. Những người đàn ông ấy cô đơn và khờ khạo, nhưng họ dễ dạy, tôi nghĩ như vậy, và tôi hãnh diện giúp cho họ hiểu về những người khác, ít ra là thế. Khi tôi thấy một số nhân vật phụ nữ mà các nhà văn dựa vào tôi để dựng truyện được những bài điểm sách khen là "thực" và "hoàn chỉnh", tôi, thú thật, cảm thấy hãnh diện. Nhưng khi tôi đọc chính những cuốn sách ấy, tôi thấy chẳng có điều gì khác lạ cả. Những người đàn bà trong những cuốn sách ấy giống hệt như họ vẫn luôn luôn là thế — cũng những nữ thánh ấy, cũng những ả lăng loàn ấy, và cũng những mụ điên khùng tội nghiệp ấy, những nhân vật mà tôi đã từng đọc thấy trong sách suốt cả đời tôi. Những niềm đam mê của họ biến đâu mất cả rồi? Những tấm lòng quảng đại của họ? Tôi đã thất bại chỗ nào vậy?

Những câu hỏi của các nhà văn bắt đầu làm tôi mệt, cũng những câu hỏi ấy, hết tuấn này sang tuần khác, về những cái quần lót, và tôi quyết định bỏ cuộc trước khi tôi trở thành những gì mà họ thấy trong mắt họ. Với số tiền tôi để dành được, tôi tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp và từ đó tôi đã trở thành một người chế tạo và buôn bán mũ nón, một người đầu bếp, một nhà kiến trúc lâu đài bằng cát. Tôi đã quản lý những trung tâm giữ trẻ và những nhà dưỡng lão. Tôi làm thợ dán giấy tường vào một mùa thu nọ ở Úc, làm việc trong những đồn điền trồng nho ở miền tây bắc nước Pháp, làm người bấm đồng hồ cho những cuộc đua xe đạp ở Houston. Tôi cứ luôn luôn bị thu hút vào những công việc kỳ cục, thật đúng với ý nghĩa của nhóm chữ này, và tôi không lấy làm quá ngạc nhiên khi thấy một chiếc phi thuyền đáp xuống vườn sau nhà tôi vào đêm hôm qua. Gã đàn ông bước ra khỏi phi thuyền có bộ mặt quen thuộc, với cái trán cong vòm và cái nhìn xoi thủng da. Gã đã đến từ rất xa, gã nói, để nghiên cứu một người giống như tôi. Và, ở mức độ tò mò về Hoả tinh của mình, tôi nhặt lấy khấu súng phà và tiễn gã đi từng bước nghiêm chỉnh ra khỏi chiếc cổng vòm. Có một vài điều gì đó không thể nghiên cứu được, tôi nói với gã, và chẳng có ai giống như tôi cả.

 

 

-----------------------
Nguyên tác: "The Writers' Model", trong Shelley Anderson, Kathe Stolz & Marjorie Jacobs (eds.), Side Show, 1992-93 (El Cerrito, CA: Somersault Press, 1993); in lại trong Robert Shapard & James Thomas (eds.), Sudden Fiction (Continued) (New York, NY: W.W. Norton & Company, 1996) 59-62.

 

 

Đã đăng:

Chồng của nhà thơ  (truyện / tuỳ bút) 
[...] nhưng rồi trong đêm đó, khi nàng ngủ, chàng sẽ nằm trong giường của họ và đăm đắm nhìn ánh trăng xuyên qua một vết nứt trên kính... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021